Tẩy tế bào chết là bước quan trọng trong quy trình chăm sóc da tại nhà. Đối với những người bị mụn trứng cá, việc tẩy tế bào chết đúng cách và chọn lựa sản phẩm tẩy tế bào chết phù hợp với tình trạng da càng quan trọng hơn. Cùng Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Doctor Acnes tìm hiểu cách tẩy tế bào chết cho da mụn nhé.
Vì sao phải tẩy tế bào chết cho da mặt?
Cứ mỗi phút, làn da tự loại bỏ khoảng 30.000 tế bào chết và hình thành các tế bào mới. Tuy nhiên, các tác nhân bên ngoài như bụi bẩn và thời tiết có thể cản trở quá trình này, khiến tế bào chết không bong tróc tự nhiên. Lâu dần, lớp sừng dày lên, ngăn cản sự tái tạo của tế bào mới, làm da trở nên nhờn rít, lỗ chân lông to, và sần sùi. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây ra mụn và thâm nám.
Do đó, tẩy tế bào chết là bước chăm sóc da đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích như:
- Loại bỏ tế bào già cỗi, giúp da mịn màng, tươi mới.
- Ngăn ngừa sự tích tụ tế bào sừng tại lỗ chân lông, giảm bít tắc và mụn.
- Tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất từ các sản phẩm chăm sóc da.
- Thúc đẩy quá trình tái tạo da và sản sinh collagen, ngăn ngừa lão hóa da.
Cách tẩy tế bào chết đúng cách
Dưới đây là quy trình 3 bước giúp tẩy tế bào chết bằng các sản phẩm thường gặp trên thị trường nhằm đạt hiệu quả tối ưu:
Bước 1: làm giãn nở lỗ chân lông bằng xông hơi hoặc khăn ấm
Xông hơi bằng máy xông hơi hoặc theo phương pháp truyền thống với một bát nước nóng, nhỏ vài giọt tinh dầu, trùm khăn và giữ khoảng cách vừa phải giữa mặt và bát nước, thời gian xông tầm 10 phút.
Bước này giúp lỗ chân lông giãn nở, chuẩn bị cho quá trình tẩy tế bào chết. Nếu không có thời gian, có thể dùng khăn bông ấm ủ lên mặt hoặc rửa mặt với nước ấm.
Bước 2: rửa mặt thật sạch
Rửa mặt bằng sữa rửa mặt phù hợp để loại bỏ bụi bẩn và dầu thừa. Đầu tiên, dùng sữa rửa mặt tạo bọt trên lòng bàn tay, massage mặt nhẹ nhàng trong khoảng 30 – 60 giây, sau đó rửa lại với nước và lau khô bằng khăn mềm.
Bước 3: tẩy tế bào chết
- Nếu dùng nguyên liệu tự nhiên: trộn hỗn hợp nguyên liệu và massage nhẹ nhàng lên da mặt, có thể dùng cho cả thân mình, bằng cách này tế bào chết trên da sẽ được loại bỏ trong quá trình massage. Nguyên liệu từ thiên nhiên không chỉ lành tính mà còn giúp da thư giãn nhờ mùi hương dễ chịu.
- Nếu dùng kem tẩy tế bào chết: lấy một lượng nhỏ kem, thoa đều lên mặt và massage nhẹ. Sau đó, rửa sạch mặt bằng nước ấm. Một số loại kem tẩy da chết có thể làm khô da, vì vậy nên dưỡng ẩm sau khi sử dụng để duy trì độ ẩm cho da.
Nếu trong chu trình chăm sóc da đã có các sản phẩm chứa retinoid (tretinoin, retinol), BPO, azelaic acid, AHA, BHA… thì tẩy tế bào chết (dù bất kỳ loại nào) chỉ nên thực hiện tối đa 2 lần/tuần để tránh gây kích ứng da.
Xem thêm các bài viết liên quan
Các phương pháp tẩy tế bào chết hiện nay
Tẩy tế bào chết được chia thành 3 loại chính gồm tẩy tế bào chết vật lý, tẩy tế bào chết hóa học và tẩy tế bào chết sinh học.
Tẩy tế bào chết vật lý
Tẩy tế bào chết vật lý là tên gọi chung các phương pháp tác động cơ học để kích thích bong da, giúp mở các nhân mụn đóng, phòng ngừa hiện tượng bít tắc lỗ chân lông, giúp kiểm soát nhờn và loại bỏ tế bào chết trên da. Các dạng tẩy tế bào chết vật lý gồm:
- Scrub là một dạng tẩy tế bào chết vật lý, hoạt động dựa trên các hạt mài mòn nhỏ. Đối với da dầu mụn, thường sử dụng các hạt nhôm oxid giúp hấp thụ dầu thừa, tạo ít bọt và dễ rửa sạch, tuy nhiên không khuyến cáo cho da nhạy cảm. Với da khô, mất nước, scrub chứa hạt jojoba hydrogen hóa, decyl glucoside và tinh dầu mang lại cảm giác nhẹ nhàng. Ngoài ra, các sản phẩm còn có thể chứa hạt đường, muối, bicarbonat hoặc hạt vi nhựa, tùy thuộc vào từng loại da.
- Self-heating scrub hoạt động dựa trên nguyên lý ma sát tạo nhiệt.
- Vải sợi thô và epidermabrasion sử dụng miếng bọt xốp bằng sợi polyester không dệt để loại bỏ tế bào chết và các tình trạng bít tắc.
- Các loại khác như miếng rửa mặt bằng cao su, bọt biển, xơ mướp, vải sợi thô (fiber face cloth), máy rửa mặt, cọ rửa mặt.
Lưu ý khi sử dụng phương pháp tẩy tế bào chết vật lý gồm:
- Tần suất tẩy tế bào chết phụ thuộc vào từng loại da, da khô chỉ nên tẩy tế bào chết 1 – 2 lần mỗi tháng, da dầu và da hỗn hợp có thể 1 – 2 lần mỗi tuần.
- Không nên dùng các sản phẩm scrub cho da nhạy cảm và các trường hợp mụn nặng vì có thể gây kích ứng và làm nặng thêm tình trạng mụn.
- Scrub nếu sử dụng không đúng cách có thể gây tổn thương tính toàn vẹn chức năng của lớp sừng, làm bong da, đỏ da, kích ứng và bùng phát mụn trứng cá.
- Máy rửa mặt được xem là thiết bị tẩy tế bào chết cơ học. Vì vậy không nên quá lạm dụng, chỉ sử dụng 2 – 3 lần mỗi tuần đối với da thường. Không sử dụng cho da có mụn viêm và da nhạy cảm, vì các tác động của máy rửa mặt có thể làm nặng thêm tình trạng hiện có.
Tẩy tế bào chết hóa học
Peel da bằng hóa học sử dụng các acid như AHA, BHA và PHA để loại bỏ tế bào chết và giải quyết nhiều vấn đề da như mụn, lão hóa, và da không đều màu.
- AHA là acid carboxylic hữu cơ tan trong nước, có nguồn gốc chủ yếu từ trái cây và một ít trong tế bào cơ thể người. AHA có khả năng giúp bong tế bào chết, giữ ẩm, làm sáng da và chống lão hóa, do đó phù hợp cho da khô và lão hóa.
- BHA là loại acid tan trong dầu, phổ biến là acid salicylic với khả năng thấm sâu vào lỗ chân lông, giúp tẩy tế bào chết, điều hòa sừng hóa, tiêu nhân mụn, kiểm soát nhờn, kháng viêm, giảm sưng và rất hiệu quả trong điều trị mụn.
- PHA là thế hệ mới của AHA, thường gặp là gluconolactone, lactobionic acid và ferulic acid. PHA giúp ngăn ngừa tổn thương hàng rào bảo vệ da khi sử dụng các sản phẩm trị mụn, thích hợp cho làn da nhạy cảm, trứng cá đỏ hoặc viêm da cơ địa.
Lưu ý khi sử dụng phương pháp tẩy tế bào chết hóa học gồm:
- Phương pháp tẩy tế bào chết hóa học chỉ phát huy tác dụng tốt nhất khi có độ pH thích hợp. Do đó, nếu rửa mặt bằng sữa rửa mặt có tính kiềm cao thì gần như chúng sẽ không hiệu quả, thậm chí còn gây tác hại lên da.
- Tẩy tế bào chết hóa học dạng bôi lưu trên da có thể dùng hằng ngày, cách ngày hoặc 1 – 2 lần mỗi tuần tùy thuộc vào nồng độ sản phẩm, mục đích sử dụng và tình trạng da. Nên sử dụng bắt đầu từ nồng độ thấp.
- AHA và BHA ở nồng độ cao còn được sử dụng trong quy trình điều trị peel da bằng hóa chất (chemical peel), tuy nhiên phương pháp này chỉ nên được tiến hành bởi các Bác sĩ chuyên khoa Da liễu hoặc tại các Phòng khám Da liễu uy tín.
- Cần tránh vùng da quanh mắt vì vùng da này rất mỏng, niêm mạc mắt cũng rất dễ bị kích ứng với các sản phẩm này.
Tẩy tế bào chết sinh học (enzyme)
Tẩy tế bào chết sinh học là phương pháp sử dụng các enzyme tự nhiên có trong thực vật, trái cây, hoặc các sinh vật để loại bỏ tế bào chết trên bề mặt da. Thay vì cơ chế mài mòn vật lý hoặc tác động acid của tẩy tế bào chết hóa học, enzyme sinh học nhẹ nhàng phá vỡ liên kết protein giữa các tế bào chết, giúp chúng bong ra mà không gây kích ứng.
Phương pháp này phù hợp cho da nhạy cảm, giúp làm sạch và tái tạo da mà vẫn giữ độ mềm mịn và khỏe mạnh. Loại sản phẩm này cần được bảo quản kỹ càng để tránh bị biến tính, đa phần được đóng gói dưới dạng từng gói bột vừa đủ dùng cho một lần.
Chúng tôi hi vọng những chia sẻ trên có thể giúp các bạn có thêm kiến thức về công đoạn tẩy tế bào chết trong quy trình chăm sóc da. Trường hợp cần tư vấn thêm, đừng ngại ngần liên hệ với chúng tôi. Đội ngũ Bác sĩ Da liễu với kiến thức chuyên sâu về dược mỹ phẩm tại Phòng khám Doctor Acnes sẵn sàng trả lời các thắc mắc của bạn liên quan đến chăm sóc da mụn.
Tài liệu tham khảo
- Robert Bran, Howard I.Mabach. Textbook of cosmetic Dermatology, 5th ed. CRC Press. 2017
- Andrea L Zaenglein, Arun L Pathy, Bethanee J Schlosser et al. “American Academy of Dermatology (2016) Guidelines of care for the management of acne vulgaris”. J Am Acad Dermatol. 2016 May;74(5):945-73.e33