Vết bỏng bị thâm đen: nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả

Ngày 18/05/2025. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Vết bỏng bị thâm đen không phải là tình trạng hiếm gặp ở những bệnh nhân phục hồi sau tổn thương bỏng. Vết bỏng thâm đen tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu nguyên nhân da bị thâm đen sau bỏng và cách khắc phục hiệu quả trong bài viết dưới đây nhé! 

Vì sao vết bỏng bị thâm đen?          

Bỏng là tổn thương da do tác động của nhiệt độ, hóa chất, điện hoặc bức xạ. Dựa vào tác nhân gây ra, bỏng có thể được phân thành 4 nhóm chính:

  • Bỏng do nhiệt độ
  • Bỏng do hóa chất
  • Bỏng do điện
  • Bỏng do bức xạ

Ngoài phân loại theo tác nhân, bỏng còn được phân loại theo mức độ tổn thương da, bao gồm 5 nhóm chính:

  • Viêm cấp tính da do bỏng (viêm da cấp tính không nhiễm trùng)
  • Bỏng lớp biểu bì da
  • Bỏng đến lớp trung bì da (bỏng ở lớp trung gian)
  • Bỏng toàn bộ lớp da
  • Bỏng sâu ở các lớp dưới da

Tăng sắc tố (thâm đen) là một biến chứng phổ biến ở những người bị bỏng. Khoảng 50 – 60% bệnh nhân bị bỏng, đặc biệt là những người có da sẫm màu, gặp tình trạng này. Khi da bị bỏng, cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng viêm, một phần của quá trình lành thương.

Quá trình viêm làm enzyme tyrosinase trong tế bào hắc tố hoạt động mạnh mẽ, dẫn đến việc tăng sản xuất melanin trong bào quan melanosome. Melanin sau khi được sản xuất sẽ được vận chuyển từ các đuôi gai của tế bào hắc tố đến các tế bào sừng xung quanh, làm da ở vùng tổn thương bị thâm đen.

Mặc dù không gây nguy hiểm, vết bỏng thâm đen có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến nhiều người cảm thấy tự ti và cần phải có phương pháp xử lý phù hợp.

vết bỏng bị thâm đen phải làm sao
Bỏng là tình trạng da tổn thương do nhiều nguyên nhân như hóa chất, nhiệt độ, điện, bức xạ…

Cách xử lý vết bỏng bị thâm đen

Khi vết bỏng bị thâm đen, việc điều trị cần tùy thuộc vào mức độ bỏng và tình trạng thâm. Nếu bỏng nhẹ (viêm da cấp tính) chỉ có các triệu chứng như da khô, đỏ, đau rát và ít sưng, vết thâm sẽ tự biến mất trong vài tuần mà không để lại sẹo. Còn với những vết bỏng nặng hơn, thâm đen có thể sẽ không biến mất, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, vì vậy cần có phương pháp điều trị phù hợp.

Hiện nay, các phương pháp điều trị thâm do bỏng chủ yếu là không phẫu thuật, sử dụng hoạt chất hoặc liệu pháp laser để ức chế enzyme tyrosinase và ngăn chặn tổng hợp melanin. Các phương pháp phổ biến bao gồm:

Bôi thoa tại chỗ

Các thuốc chứa hoạt chất sau có tác dụng ức chế hoạt động của tyrosinase, ngăn chặn quá trình hình thành sắc tố và làm mờ vết thâm. Các hoạt chất này có thể được mua tại các hiệu thuốc uy tín hoặc qua đơn kê của Bác sĩ Da liễu. Để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh tác dụng phụ, việc sử dụng các sản phẩm này cần có sự hướng dẫn cụ thể từ Bác sĩ, bao gồm:

  • Hydroquinone (nồng độ 2 – 5%): có tác dụng ức chế enzyme tyrosinase, giảm hắc sắc tố và phá hủy melanosome. Đây là một hoạt chất khử sắc tố phổ biến, có thể kết hợp với các hoạt chất khác như AHA, acid ascorbic, retinoid và corticosteroid để tăng hiệu quả điều trị. Hydroquinone cần được dùng dưới sự chỉ định của Bác sĩ vì có thể gây tác dụng phụ như kích ứng da, viêm da tiếp xúc hoặc thay đổi màu da vĩnh viễn.
  • Retinoid tại chỗ (tretinoin, tazarotene, adapalene): giúp giảm sắc tố và thúc đẩy tái tạo tế bào sừng, làm sáng da và giúp loại bỏ melanin. Các retinoid này cần có chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ như kích ứng hoặc da trở nên nhạy cảm.
  • Acid kojic (nồng độ 1 – 4%): ngừng hoạt động của tyrosinase, giúp giảm sự hình thành melanin và làm sáng da.
  • Acid azelaic (nồng độ 15 – 20%): là chất ức chế tyrosinase hiệu quả, giúp làm giảm sắc tố, có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai với độ an toàn cao.
  • Niacinamide (nồng độ 2 – 5%): có tác dụng giảm hắc tố bằng cách ức chế vận chuyển melanin từ tế bào hắc tố tới tế bào sừng, giúp da sáng đều màu.
vết bỏng bị thâm đen có sao không
Một số sản phẩm bôi ngoài da giúp trị thâm đen

Peel da bằng acid

Acid lactic thường được sử dụng để peel da trong trường hợp tăng sắc tố, ngăn chặn sự hình thành tyrosinase, từ đó giúp giảm sắc tố và làm mờ tế bào sắc tố nhờ khả năng tái tạo biểu bì và bong vảy da.

Ngoài acid lactic, acid glycolic (GA), acid salicylic (SA) và acid trichloroacetic (TCA) cũng có thể được sử dụng để peel da, giúp loại bỏ lớp da bề mặt và tái tạo lại lớp biểu bì, phân phối lại melanin, làm giảm thâm do bỏng.

Với thâm bỏng, có thể cần nhiều lần peel da để vết thâm mờ hoàn toàn. Vì vậy, bệnh nhân nên kiên nhẫn và tuân thủ liệu trình điều trị.

vết bỏng bị thâm
Peel da giúp làm mờ thâm bỏng

Liệu pháp laser

Thâm đen do tăng sắc tố có thể được điều trị hiệu quả bằng liệu pháp laser. Các bước sóng phù hợp sẽ tác động chọn lọc vào melanosome, giúp giải phóng melanin và đào thải chúng qua biểu bì hoặc thực bào bởi các đại thực bào.

Hai hệ thống laser hiện đại được các Bác sĩ tin dùng để điều trị thâm đen là laser Q-switched (QS) và laser picosecond, với các bước sóng như Nd: YAG (532nm,1.064nm) và alexandrite (755nm). Liệu trình điều trị bằng laser cần lặp lại nhiều lần để đạt kết quả tốt, vì vậy bệnh nhân cần kiên nhẫn và tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ.

sử dụng laser để trị thâm
Laser giúp điều trị thâm đen do tăng sắc tố

Điều trị toàn thân

Để điều trị vết bỏng bị thâm đen, bệnh nhân có thể được Bác sĩ Da liễu tư vấn sử dụng các thuốc đường uống như:

  • Acid tranexamic: có tác dụng giảm tổng hợp melanin, ức chế quá trình hình thành sắc tố. Liều thông thường là 500mg/ngày, có thể tăng lên 1000mg/ngày tùy trường hợp.
  • Glutathione: chống oxy hoá và làm sáng da nhờ giảm tổng hợp melanin. Liều dùng làm sáng da của glutathione là 250 – 500mg/ngày.
bác sĩ da liễu thăm khám
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn hướng dẫn trị thâm đúng cách

Cách chăm sóc vết bỏng để phòng ngừa thâm đen

Để hạn chế tối đa hiện tượng da thâm đen hay tăng sắc tố sau bỏng, cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

  • Hạn chế để vùng da bị bỏng tiếp xúc với ánh nắng bằng cách che chắn kỹ hoặc bôi kem chống nắng.
  • Dưỡng ẩm vùng da bị bỏng nhằm hạn chế tình trạng khô da.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích nhạy cảm với ánh sáng như nước hoa, mỹ phẩm, kháng sinh nhóm cyclin và nhóm sulfamid. Nếu trong phác đồ điều trị có những thuốc này, cần báo với Bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.
  • Chế độ sinh hoạt lành mạnh, giữ tinh thần tích cực, hạn chế rượu bia, chất kích thích.
các cách chăm sóc vết bỏng ngừa thâm
Hạn chế tiếp xúc ánh nắng, sử dụng mỹ phẩm, nước hoa và cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp quá trình hồi phục thâm tối ưu hơn

Vết bỏng bị thâm đen là kết quả của quá trình viêm gây tăng sắc tố. May mắn là với sự phát triển của các phương pháp điều trị hiện đại, tình trạng thâm đen có thể được cải thiện hiệu quả. Doctor Acnes với đội ngũ Bác sĩ chuyên môn cao sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp an toàn, mang lại làn da mịn màng và sáng khỏe. Đừng tự ý điều trị, hãy đến khám và nhận tư vấn từ chúng tôi để đạt kết quả tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. Scar Symptoms: Pigmentation Disorders – Textbook on Scar Management”. NCBI, 8 December 2020. Accessed 4 March 2025
  2. Michaela Brenner. “The Protective Role of Melanin Against UV Damage in Human Skin”. PMC, 2007. Accessed 4 3 2025
  3. Chi Zhong. “Inflammatory response: The target for treating hyperpigmentation during the repair of a burn wound”. Frontier, 2023. Accessed 4 3 2025
  4. HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH DA LIỄU”. Bộ Y tế, 2015

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84