Từ lâu, rau lang đã được biết đến như một loại rau xanh bổ dưỡng. Thế nhưng nhiều người vẫn băn khoăn liệu việc ăn rau lang có ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương và hình thành sẹo không, đặc biệt là sẹo lồi. Trong bài viết này, Doctor Acnes sẽ giải đáp thắc mắc trên.
Rau lang là gì?
Rau lang (Ipomoea batatas) là phần thân và lá của cây khoai lang, một loài cây thân thảo chủ yếu được trồng để lấy củ. Các nghiên cứu cho thấy rau lang chứa hàm lượng polyphenol cao, đặc biệt là anthocyanin và acid phenolic, vượt trội hơn nhiều loại rau thông thường.
Trong rau lang, ít nhất có 15 loại anthocyanin với hoạt tính sinh học quan trọng, có khả năng hỗ trợ điều trị một số bệnh và có thể được sử dụng làm chất tạo màu tự nhiên trong thực phẩm. Các anthocyanin này chủ yếu thuộc nhóm cyanidin và peonidin acylated.
Rau lang là một trong số ít loại rau có thể trồng được trong mùa mưa ở các vùng nhiệt đới. Rau lang rất giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều vitamin B, beta-carotene, sắt, canxi, kẽm và protein. Bên cạnh đó, rau lang còn chứa acid caffeic và 5 loại dẫn xuất của acid caffeoylquinic. Những hợp chất polyphenol trong rau lang có nhiều tác dụng sinh học quan trọng như chống oxy hóa, chống đột biến, chống ung thư, chống tiểu đường và kháng khuẩn.
Ăn rau lang có bị sẹo lồi không?
Chưa có bằng chứng khoa học khẳng định rau lang gây sẹo lồi. Ngược lại, các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều lợi ích bất ngờ của loại rau này. Cụ thể, một nghiên cứu năm 2023 đã chỉ ra rằng chiết xuất từ lá khoai lang có khả năng giảm viêm hiệu quả nhờ ức chế các phân tử gây viêm như TNF-α và IL-6. Không chỉ vậy, bột lá khoai lang đông khô còn thể hiện khả năng kháng khuẩn mạnh, ức chế sự phát triển của cả vi khuẩn gram dương và gram âm.
Đặc biệt, hàm lượng anthocyanin cao trong lá khoai lang giúp chống oxy hóa, giảm viêm và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Nhờ cơ chế này, quá trình lành thương diễn ra bình thường, hạn chế tình trạng sẹo lồi. Anthocyanin còn giúp cải thiện chất lượng mô da sau tổn thương, giảm nguy cơ hình thành sẹo lớn, hỗ trợ da phục hồi tốt hơn.
Những yếu tố nào gây ra sẹo lồi?
Sẹo lồi hình thành do sự mất cân bằng giữa tổng hợp collagen quá mức và suy giảm quá trình phân hủy mô sẹo, với TGF-β đóng vai trò trung gian trong quá trình lành thương. Sau đây là 3 yếu tố góp phần hình thành sẹo lồi:
- Di truyền: đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành sẹo lồi, với tỷ lệ mắc cao hơn ở người da màu so với da trắng. Các nghiên cứu cho thấy sẹo lồi có thể di truyền theo cả kiểu trội và lặn nhưng mức độ biểu hiện khác nhau giữa các cá thể. Ngoài ra, yếu tố môi trường cũng có thể kích thích sự hình thành sẹo lồi ở những người có nguy cơ do di truyền.
- Tổn thương da và nhiễm trùng: làm tăng nguy cơ hình thành sẹo lồi, đặc biệt ở những người có cơ địa dễ bị sẹo. Các tình trạng như viêm nang lông, mụn trứng cá ở vùng mặt, cổ, ngực, lưng, nhiễm trùng do xỏ khuyên tai hoặc bỏng đều có thể kích thích sẹo lồi hình thành.
- Hormone và tuổi tác: sẹo lồi phổ biến hơn ở tuổi dậy thì và phụ nữ mang thai do estrogen kích thích tăng sinh collagen. Ngoài ra, tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của sẹo lồi do ảnh hưởng đến mạch máu và viêm tại chỗ.
Vậy làm cách nào để phòng ngừa sẹo lồi?
Trong quá trình chăm sóc vết thương hãy lưu ý những điều sau để hạn chế nguy cơ hình thành sẹo lồi:
- Sử dụng màng silicone gel (SGS): là loại băng kín phổ biến giúp ngăn ngừa sẹo lồi bằng cách giữ ẩm cho vết thương, hạn chế sự hình thành sẹo. SGS hiệu quả hơn trong phòng ngừa sẹo lồi so với việc điều trị sẹo đã có. Trong môi trường nóng ẩm, không nên sử dụng liên tục vì điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng.
- Chăm sóc vết thương đúng cách: làm sạch vết thương, giữ vết thương sạch sẽ và khô ráo là bước quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Làm sạch vết thương bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý giúp loại bỏ vi khuẩn và các tạp chất gây hại, từ đó hỗ trợ quá trình lành vết thương tự nhiên và giảm nguy cơ phát triển sẹo lồi.
- Sử dụng băng ép hoặc miếng silicone gel: dùng ngay sau khi vết thương lành để tạo áp lực, giúp giảm sản xuất collagen quá mức, từ đó ngăn ngừa sự phát triển của sẹo lồi.
Cách điều trị sẹo lồi hiệu quả
Sẹo lồi là một trong những dạng sẹo khó điều trị, nhưng với sự phát triển của y học, nhiều phương pháp tiên tiến đã giúp kiểm soát và cải thiện tình trạng này. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến:
- Tiêm steroid tại chỗ: là phương pháp điều trị sẹo lồi phổ biến, sử dụng triamcinolone – một loại steroid có tác dụng ức chế viêm, giảm sự tăng sinh của nguyên bào sợi và thúc đẩy quá trình phân hủy collagen dư thừa. Tiêm steroid có thể giúp thu nhỏ kích thước sẹo, giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật. Tuy nhiên, hiệu quả có thể khác nhau tùy theo độ tuổi của sẹo và cơ địa mỗi người.
- Laser PDL: giúp giảm đỏ và ngứa của sẹo phì đại bằng cách nhắm mục tiêu vào các mạch máu trong sẹo, làm co mạch và giảm cung cấp máu cho mô sẹo. Phương pháp này ít đau và hiệu quả trong việc giảm đỏ và kích thước sẹo, thường được kết hợp với liệu pháp khác để tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ. Tuy nhiên việc điều trị sớm có hiệu quả cao hơn là điều trị muộn.
- Laser fractional CO2: là phương pháp điều trị sẹo phì đại hiệu quả, hoạt động bằng cách tạo ra các vi tổn thương sâu trong da, kích thích quá trình tái tạo và sản sinh collagen. Với bước sóng 10.600nm, laser CO2 phân đoạn tác động sâu vào lớp hạ bì, giúp cải thiện cấu trúc da và làm mờ sẹo. Tuy nhiên, phương pháp này thường đòi hỏi nhiều lần điều trị và có thể gây đóng mài sau mỗi lần điều trị.
Xem thêm các bài viết liên quan
Các thực phẩm tốt cho việc ngừa sẹo
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của cơ thể nhưng không thể ngăn ngừa việc hình thành sẹo lồi. Một số chất dinh dưỡng dưới đây có thể hỗ trợ quá trình lành thương và cải thiện chất lượng mô sẹo:
- Protein: cung cấp các acid amin như L-arginine và glutamine, giúp sản xuất collagen và tái tạo da. Tuy nhiên, protein không có tác dụng ngăn ngừa sẹo lồi. Các nguồn thực phẩm giàu protein bao gồm thịt gà, cá, trứng, các loại đậu, rau bina, cải xoăn và thực phẩm lên men như miso.
- Vitamin nhóm B: tăng cường khả năng phục hồi, vitamin B1 và B5 giúp hỗ trợ quá trình tổng hợp protein, thúc đẩy vết thương nhanh lành. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin B bao gồm trứng, gia cầm, rau xanh, hạnh nhân, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và đậu lăng.
- Vitamin C: chống oxy hóa và ngăn ngừa tăng sắc tố sau viêm, hỗ trợ quá trình tạo collagen. Mặc dù hiệu quả chống viêm của vitamin C có thể có lợi, nhưng chưa được chứng minh rõ ràng. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt, bông cải xanh, cà chua và rau lá xanh.
- Vitamin A: hỗ trợ phát triển mô, giúp duy trì sự phát triển và tái tạo tế bào da. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin A nên thực hiện theo sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin A bao gồm rau lá xanh, cá và trứng.
- Kẽm: giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương và hỗ trợ tổng hợp collagen. Thiếu kẽm có thể làm chậm quá trình phục hồi và làm suy yếu mô. Các nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm thịt, gia cầm, cá, các loại hạt, hạt giống và các loại đậu.
Không có bằng chứng khoa học nào khẳng định rau lang gây sẹo lồi. Thay vì lo lắng về một thực phẩm cụ thể, hãy duy trì chế độ ăn uống cân đối và chăm sóc da đúng cách để hỗ trợ quá trình lành thương. Nếu còn thắc mắc về sẹo và giải pháp điều trị hiệu quả, liên hệ ngay với Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được các Bác sĩ giải đáp thắc mắc nhé!
Tài liệu tham khảo
- Islam, Shahidul. “Sweetpotato (Ipomoea batatas L.) leaf: its potential effect on human health and nutrition“. Journal of Food Science. 71.2 (2006): R13-R121
- Ghasemzadeh, Ali, Vahid Omidvar, and Hawa ZE Jaafar. “Polyphenolic content and their antioxidant activity in leaf extract of sweet potato (Ipomoea batatas)“. Journal of Medicinal Plants Research. 6.15 (2012): 2971-2976
- Zengin, Gokhan, et al. “Chemical characterization, antioxidant properties, anti-inflammatory activity, and enzyme inhibition of Ipomoea batatas L. leaf extracts“. International journal of food properties. 20.sup2 (2017): 1907-1919.
- “Keloids and hypertrophic scars“. UpToDate
- Betarbet U, Blalock TW. “Keloids: A Review of Etiology, Prevention, and Treatment“. J Clin Aesthet Dermatol. 2020 Feb;13(2):33-43
- Halim AS, Emami A, et al. “Keloid scarring: understanding the genetic basis, advances, and prospects“. Arch Plast Surg. 2012 May;39(3):184-9. doi: 10.5999/aps.2012.39.3.184