Mụn trứng cá ở cổ là một vấn đề da liễu thường gặp. Mụn ở cổ thường không xuất hiện đơn lẻ mà đi kèm với mụn ở mặt. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu những nguyên nhân gây ra mụn trứng cá ở cổ và các phương pháp điều trị hiệu quả nhé!
Nguyên nhân gây mụn trứng cá ở cổ
Mụn trứng cá ở cổ hình thành khi nang lông bị bít tắc bởi bã nhờn, tế bào chết, bụi bẩn và vi khuẩn C. acnes.
Nguyên nhân phổ biến bao gồm không vệ sinh da thường xuyên, đặc biệt là sau khi ra mồ hôi, sử dụng mỹ phẩm gây tắc lỗ chân lông như kem dưỡng, trang điểm và kem chống nắng. Ngoài ra, cọ xát từ quần áo hoặc tóc cũng có thể kích thích mụn.
Từ bên trong, các yếu tố như hormone, căng thẳng, chế độ ăn uống, thuốc và di truyền cũng tác động đến tuyến dầu, góp phần gây mụn, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
Các loại mụn trứng cá phổ biến ở cổ
Tương tự như mụn ở mặt, mụn ở cổ chia ra thành 2 nhóm chính là mụn viêm và mụn không viêm. Trong đó mụn viêm gồm:
- Mụn đầu trắng: là những nốt mụn nhỏ, có đầu trắng hoặc vàng nhạt, thường xuất hiện dưới bề mặt da. Chúng hình thành khi các tế bào da chết, bã nhờn và vi khuẩn bị mắc kẹt trong lỗ chân lông, tạo thành những mụn nhỏ lấm tấm, thường không gây đau.
- Mụn đầu đen: hình thành khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi bã nhờn, tế bào chết và vi khuẩn, phần nhân mụn tiếp xúc với không khí bị oxy hóa và chuyển sang màu đen.
Mụn viêm là loại mụn nghiêm trọng hơn và thường gây đau, bao gồm 4 loại mụn chính sau đây:
- Mụn mủ (pustule): là loại mụn viêm, đỏ, sưng và có chứa mủ trắng hoặc vàng ở đầu mụn.
- Mụn viêm đỏ không nhân (papule): là những nốt mụn nhỏ, cứng, thường có màu đỏ và nổi lên trên bề mặt da. Chúng không chứa mủ như mụn mủ và không có nhân như mụn đầu đen hoặc đầu trắng. Mụn viêm đỏ có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành từng nhóm, thường xuất hiện ở cả chân tóc, cổ và thường gây đau, ngứa và khó chịu.
- Mụn trứng cá hạch (nodule): là loại mụn viêm ăn sâu dưới da, gây đau và thường cần điều trị chuyên nghiệp, các biện pháp tại nhà hoặc thuốc không kê đơn thường không hiệu quả. Nguyên nhân gây mụn hạch bao gồm các vấn đề về da, rối loạn tự miễn dịch, nhiễm trùng (vi khuẩn, nấm) và kích ứng từ hóa chất hay ánh nắng.
- Mụn nang (cystic acne): là dạng mụn trứng cá nặng nhất, gây viêm sâu dưới da và thường để lại sẹo. Do viêm nặng lan rộng và tác động đến các đầu dây thần kinh, mụn nang gây đau đớn và không thể điều trị hiệu quả tại nhà. Nguyên nhân chính thường do mất cân bằng nội tiết tố, khiến loại mụn này phổ biến ở phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt và thai kỳ.
Mụn trứng cá hạch và mụn nang rất giống nhau. Cả hai đều gây ra những vết sưng sâu, đau dưới da và đều có thể để lại sẹo. Tuy nhiên, điểm khác biệt là mụn nang chứa đầy mủ, tạo nên tính chất mềm hơn. Trong khi đó, mụn trứng cá hạch rắn chắc và cứng hơn, vì không chứa chất lỏng bên trong.
Cách điều trị mụn trứng cá ở cổ
Đối với nhóm mụn không viêm
Nhóm mụn không viêm như mụn đầu trắng và mụn đầu đen có thể điều trị bằng các phương pháp sau:
- Thuốc bôi không kê đơn (OTC) như: salicylic acid giúp chống viêm và tẩy tế bào chết, trong khi benzoyl peroxide có tác dụng kháng khuẩn và làm giảm tiết bã nhờn. AHA như glycolic acid và lactic acid hỗ trợ tẩy tế bào chết nhẹ nhàng, còn retinoid như adapalene kích thích tái tạo da. Ngoài ra, sulfur cũng giúp kháng khuẩn và kiểm soát mụn hiệu quả.
- Phương pháp vật lý và hóa học: lấy nhân mụn là cách nhanh chóng giúp loại bỏ mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Bên cạnh đó, peel da cũng là phương pháp hiệu quả để giảm bít tắc lỗ chân lông và loại bỏ tế bào chết, nguyên nhân chính gây ra hai loại mụn này.
Đối với nhóm mụn viêm
Tùy vào từng loại mụn mà Bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau:
Mụn mủ (pustule)
- Phương pháp điều trị nội khoa: để điều trị mụn mủ, Bác sĩ có thể chỉ định thuốc bôi ngoài da chứa benzoyl peroxide, salicylic acid, sulfur và kháng sinh dạng bôi hay dạng uống.
- Phương pháp vật lý và hóa học: liệu pháp ánh sáng như ánh sáng xanh, ánh sáng xung cường độ cao (IPL) hoặc laser xung dài đã chứng minh hiệu quả trong diệt khuẩn và kháng viêm cho mụn mủ.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, Bác sĩ Da liễu có thể sử dụng liệu pháp quang động trị liệu (PDT) để tiêu diệt vi khuẩn C. acnes và làm giảm tiết bã nhờn bằng cách gây tổn thương chọn lọc tuyến bã. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau, nhiễm độc ánh sáng và tăng sắc tố.
Mụn đỏ không nhân (papule)
- Phương pháp điều trị nội khoa: tùy vào mức độ nghiêm trọng của mụn viêm, Bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi ngoài da chứa retinoid (adapalene hoặc tretinoin), kháng sinh hoặc kết hợp cả hai. Trong một số trường hợp, thuốc kháng sinh đường uống và thuốc ngừa thai đường uống cũng có thể được xem xét.
- Phương pháp vật lý và hóa học: bên cạnh việc dùng thuốc, liệu pháp ánh sáng như ánh sáng xanh hoặc xung ánh sáng cường độ cao (IPL) hoặc laser xung dài cũng rất hiệu quả trong điều trị mụn viêm. Những liệu pháp này không chỉ tiêu diệt vi khuẩn C. acnes trong lỗ chân lông mà còn giúp điều hòa và cải thiện kết cấu da.
Mụn hạch (nodule) và mụn nang (cystic acne)
- Phương pháp điều trị nội khoa: điều trị mụn hạch và mụn nang có thể cần đến isotretinoin, kết hợp với kháng sinh đường uống và thuốc kháng viêm để giảm viêm nhiễm và ngăn ngừa tái phát.
- Phương pháp vật lý và hóa học:
Đối với mụn viêm nặng, Bác sĩ Da liễu có thể dùng phương pháp tiêm meso để tiêm hoạt chất giảm viêm trực tiếp vào nốt mụn, giúp giảm nhanh tình trạng sưng viêm.
Trong một số trường hợp, các mụn lớn cần được rạch và dẫn lưu trước khi tiêm. Phương pháp quang động trị liệu (PDT) cũng có thể được sử dụng để diệt khuẩn C. acnes và giảm tiết bã nhờn, đặc biệt với những trường hợp mụn không đáp ứng với thuốc uống.
Với sự phát triển của các công nghệ thẩm mỹ thì gần đây, các loại laser xung dài cũng được áp dụng rộng rãi để điều trị mụn viêm. Laser xung dài không chỉ giúp kiểm soát viêm và giảm bã nhờn mà còn kích thích collagen và cải thiện cấu trúc da một cách hiệu quả. Đặc biệt laser bước sóng 1064nm xung dài có khả năng xuyên sâu vào da đến tận lớp trung bì nên cho hiệu quả cao với các tình trạng mụn viêm có nhân mụn nằm sâu bên trong da.
Cách phòng ngừa mụn trứng cá ở cổ
Mụn không chỉ ảnh hưởng đến làn da mà còn tác động lớn đến tâm lý. Tuy nhiên, ta có thể kiểm soát tình trạng mụn bằng những thay đổi nhỏ trong lối sống hằng ngày:
- Vệ sinh da đúng cách: rửa mặt và cổ 2 lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, đồng thời, dưỡng ẩm thường xuyên để cân bằng độ ẩm cho da, ngăn ngừa da khô và tiết dầu quá mức. Tẩy tế bào chết cho mặt và cổ 2 lần/tuần.
- Chọn trang phục phù hợp: quần áo có thể bị ma sát vào cổ làm tăng tiết mồ hôi và dễ nổi mụn. Hãy ưu tiên những bộ đồ bằng chất liệu cotton, thoáng khí không gây cọ xát vào cổ.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: giảm thiểu đường, tinh bột (bánh mì trắng, mì ống) vì có thể làm tăng lượng đường trong máu, kích thích sản xuất dầu và gây mụn. Tăng cường rau xanh, trái cây, các loại hạt để cung cấp vitamin, khoáng chất cần thiết cho làn da khỏe mạnh.
- Xây dựng lối sống lành mạnh: căng thẳng là một trong những nguyên nhân chính gây mụn, hãy tìm những hoạt động thư giãn như yoga, thiền, nghe nhạc để giảm căng thẳng. Ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn giúp tăng cường tuần hoàn máu, loại bỏ độc tố và tăng cường hệ miễn dịch.
Nếu tình trạng mụn ở cổ không cải thiện sau khi thực hiện các biện pháp trên, hãy tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Tóm lại, mụn ở cổ có thể điều trị hiệu quả nếu nhận biết đúng nguyên nhân và áp dụng phương pháp phù hợp. Hãy chăm sóc da đúng cách, duy trì lối sống lành mạnh và chọn trang phục phù hợp để ngăn ngừa mụn tái phát. Nếu đang tìm giải pháp trị mụn ở cổ chuyên sâu, hãy đến với Doctor Acnes – nơi các Bác sĩ Da liễu sẽ tư vấn chi tiết và cá nhân hóa phác đồ điều trị cho tình trạng của bạn!
Tài liệu tham khảo
- “Why is there a pimple on my neck?“. MedicalNewsToday
- “Neck acne: Causes and effective treatments“. Curology
- “Cystic Acne“. Cleveland Clinic
- “Does microdermabrasion work for acne?“. MedicalNewsToday
- “Acne Papules“. Cleveland Clinic
- “Skin Nodules: Everything You Need to Know“. Verywellhealth
- “How to Treat a Pimple on Your Neck“. Healthline