Mụn cám ở trán: nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Mụn cám là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là ở vùng trán. Dù không gây viêm nhiễm nhưng mụn cám vẫn có thể khiến da trở nên sần sùi và kém mịn màng, ảnh hưởng thẩm mỹ và làm giảm sự tự tin. Trong bài viết này, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về đặc điểm nhận biết mụn cám ở trán, nguyên nhân, các phương pháp điều trị hiệu quả và cách phòng ngừa để có một làn da sạch và khỏe mạnh.

Đặc điểm nhận biết mụn cám ở trán

Mụn cám ở trán là hậu quả những lỗ chân lông nhỏ bị tắc nghẽn, do hoạt động sản sinh bã nhờn quá mức kèm với vệ sinh da không tốt khiến mụn hình thành. Mụn cám ở trán dễ dàng được nhận biết bởi những đặc điểm sau:

  • Mụn cám là những nốt nhỏ li ti gồ lên trên bề mặt da, có thể cảm nhận được sự gồ ghề, thô ráp khi sờ vào vùng trán. 
  • Mụn cám không sưng, không viêm và không gây đau.
  • Mụn cám có thể ngả màu đen do sự oxy hoá của bã nhờn.

Mụn cám thường gặp ở cả nam và nữ trong độ tuổi dậy thì. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng dễ nổi mụn cám do những thay đổi về nội tiết tố trong thai kỳ.

mụn cám ở trán
Mụn cám (hình minh họa)

Nguyên nhân gây mụn cám ở trán

Tương tự như nguyên nhân hình thành các loại mụn khác, mụn cám ở trán hình thành khi tuyến bã nhờn tiết quá nhiều, cùng với tế bào chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Các yếu tố chính thúc đẩy hình thành mụn cám ở trán bao gồm:

  • Thay đổi nội tiết tố: sự gia tăng không đồng bộ của một số hormone, như hormone androgen kích thích tuyến bã nhờn tăng kích thước và sản xuất dầu nhiều hơn, dễ dẫn đến mụn, đặc biệt ở những người tuổi dậy thì, mang thai hoặc có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Căng thẳng kéo dài cũng kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, nhất là ở vùng chữ “T”, khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn và hình thành mụn cám ở trán.
  • Sản phẩm chăm sóc tóc: sử dụng dầu gội, dầu xả hoặc gel vuốt tóc có thể gây kích ứng vùng da đầu quanh chân tóc, gây bít tắc lỗ chân lông và dẫn đến mụn cám ở trán.
  • Kích ứng da: mụn cám có thể bị gây ra bởi mỹ phẩm, trang điểm hoặc phụ kiện đầu tóc như mũ, băng đô, hoặc tấm che mặt chống nắng, gây bít tắc lỗ chân lông vùng trán.
  • Cơ địa: người có lỗ chân lông lớn hoặc da tiết quá nhiều dầu ở vùng chữ “T” sẽ làm tăng khả năng mụn cám ở trán tái phát.  

Xem thêm các bài viết liên quan

Cách trị mụn cám ở trán

Sản phẩm bôi trực tiếp lên vùng mụn

Đây là phương pháp phổ biến trong điều trị mụn, sử dụng các thành phần như salicylic acid và retinoid để giảm vi khuẩn, làm sạch lỗ chân lông và ngăn ngừa viêm nhiễm:

  • Salicylic acid: giúp làm sạch lỗ chân lông bằng cách loại bỏ tế bào chết và bã nhờn tích tụ. Sử dụng kem chấm mụn có chứa salicylic acid nồng độ 0.5-2%, mỗi ngày 1-2 lần theo hướng dẫn.
  • Retinoid: là dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da và ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông. Trong đó, tretinoin là một loại retinoid mạnh, giúp đẩy nhanh quá trình loại bỏ tế bào chết và ngăn ngừa mụn mới hình thành. Thoa một lượng nhỏ tretinoin lên vùng da bị mụn mỗi tối trước khi đi ngủ, sau khi rửa mặt và lau khô. Các sản phẩm chứa tretinoin thường ở dạng kem, gel hoặc lotion với nồng độ 0.025%, 0.05% và 0.1%. 

Salicylic acid và retinoid đều có hiệu quả tốt trong điều trị mụn cám, nhưng không nên sử dụng cùng lúc để tránh kích ứng da. Có thể sử dụng phối hợp bằng cách dùng khác ngày để hạn chế phản ứng không mong muốn.

Sử dụng các biện pháp làm sạch da

  • Tẩy trang: tẩy trang hàng ngày, kể cả khi không trang điểm, giúp loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn, giảm nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông và mụn cám. Nên chọn nước tẩy trang chứa salicylic acid hoặc glycolic acid để làm sạch sâu, tẩy tế bào chết nhẹ nhàng và cải thiện kết cấu da. Sử dụng hai lần mỗi ngày trước khi rửa mặt sẽ giúp da thông thoáng và mịn màng hơn.
  • Tẩy tế bào chết: tẩy tế bào chết là bước quan trọng để làm sạch da và ngăn ngừa mụn cám ở trán. Các sản phẩm chứa AHA 5-10% và BHA 2% giúp loại bỏ tế bào chết, làm sáng da và thông thoáng lỗ chân lông. Sử dụng 2-3 lần/tuần là phù hợp để điều trị và ngăn ngừa mụn cám. Các sản phẩm tẩy tế bào chết cơ học cũng có hiệu quả trong việc lấy đi lớp tế bào chết và thông thoáng lỗ chân lông.
  • Dùng sữa rửa mặt chứa salicylic acid: sữa rửa mặt chứa salicylic acid giúp lấy đi tế bào chết và thông thoáng lỗ chân lông. Nồng độ 2% là lý tưởng để đạt hiệu quả trị mụn mà vẫn an toàn. Nên dùng sữa rửa mặt này 1-2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và tối. Nếu da bị kích ứng, có thể giảm tần suất sử dụng.
  • Máy rửa mặt hỗ trợ điều trị mụn cám ở trán: máy rửa mặt giúp làm sạch sâu lỗ chân lông, loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và tạp chất. Sử dụng máy rửa mặt giúp da sạch sẽ, mềm mịn và tươi sáng hơn, đồng thời kích thích lưu thông máu. Tuy nhiên, cần cân nhắc nếu có mụn viêm vì có thể gây bội nhiễm khi sử dụng máy rửa mặt.
các biện pháp làm sạch da
Làm sạch da đúng cách giúp cải thiện tình trạng mụn cám

Các phương pháp điều trị mụn cám trên trán tại Phòng khám Da liễu

Điều trị bằng ánh sáng laser

Ánh sáng laser đã được chứng minh là một phương pháp hiệu quả trong điều trị mụn cám ở trán. Kỹ thuật này làm sạch lỗ chân lông và làm giảm sự sản sinh dầu trên da, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn và giảm viêm nhiễm. Phương pháp này cũng có tác dụng tốt với các loại mụn khác đi kèm.

Điều trị bằng công nghệ cao RF microneedle

Công nghệ radio frequency (RF) microneedle cũng là một phương pháp điều trị mụn cám hiệu quả. RF microneedle sử dụng sóng điện từ tạo ra nhiệt để phá huỷ chọn lọc tuyến bã từ đó làm giảm và ngăn ngừa mụn cám ở trán. Ngoài ra, RF microneedle còn kích thích sản sinh collagen, cải thiện lỗ chân lông to và sẹo mụn, giúp da săn chắc và mịn màng.

phương pháp điều trị mụn cám
Một số phương pháp điều trị mụn cám tại Phòng khám Doctor Acnes

Cách phòng ngừa mụn cám ở trán

Có nhiều cách để phòng ngừa mụn cám ở trán. Dưới đây là một số biện pháp hữu hiệu và dễ thực hiện để ngăn ngừa mụn cám ở trán cũng như ở những vùng khác trên mặt:

  • Sử dụng sản phẩm chăm sóc da không gây bít tắc: chọn các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm không gây bít tắc lỗ chân lông (non-comedogenic), đặc biệt là kem dưỡng ẩm và kem chống nắng. Nên sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa dầu và kem chống nắng vật lý với SPF 30+.
  • Làm sạch da: làm sạch da mỗi ngày kỹ lưỡng theo những bước đã nêu để tránh bít tắc lỗ chân lông và hạn chế mụn.
  • Thay đổi thói quen chăm sóc tóc: chọn dầu gội không chứa silicone hay sulfate để tránh kích ứng da gần trán. Tránh dùng gel, wax, hay sáp vuốt tóc gần vùng trán để giảm nguy cơ bít tắc lỗ chân lông. Nếu cần sử dụng, hãy lau sạch vùng trán với khăn ẩm sau khi dùng.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: hạn chế thực phẩm nhiều đường, chất béo và đồ ăn nhanh, vì chúng có thể kích thích sản xuất bã nhờn. Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày để duy trì độ ẩm cho da và kiểm soát dầu thừa.
  • Giảm căng thẳng: tập yoga, thiền và các hoạt động giải trí nhẹ nhàng giúp thư giãn và cải thiện sức khỏe làn da. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể hồi phục và giảm nguy cơ mụn cám ở trán.

Mụn cám ở trán là vấn đề phổ biến nhưng có thể kiểm soát được bằng cách chăm sóc da đúng cách và sử dụng sản phẩm phù hợp. Nếu tình trạng mụn dai dẳng hoặc nặng hơn, hãy đến các cơ sở y tế để được Bác sĩ tư vấn và điều trị. Hy vọng bài viết này từ Doctor Acnes giúp bạn hiểu và phòng ngừa mụn cám hiệu quả. Nếu thấy bổ ích, hãy chia sẻ với bạn bè và người thân nhé!

Tài liệu tham khảo

  1. Bolognia, J. L., Schaffer, J. V., & Cerroni, L. (2018). Dermatology. Elsevier Health Sciences
  2. Acne: Overview. American Academy of Dermatology
  3. Acne. National Institute of Arthritis and Musculoskeletal and Skin Diseases
  4. Smith KR, Thiboutot DM. “Thematic review series: skin lipids. Sebaceous gland lipids: friend or foe?“. J Lipid Res. 2008 Feb;49(2):271-81. doi: 10.1194/jlr.R700015-JLR200. Epub 2007 Nov 1. PMID: 17975220

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84