Acid salicylic là một thành phần quen thuộc trong các sản phẩm chăm sóc da, nổi bật với khả năng tẩy tế bào chết và làm sạch sâu lỗ chân lông. Với tác dụng giảm và ngăn ngừa mụn tái phát, acid salicylic là một trong những lựa chọn hỗ trợ làn da trở nên sạch mịn. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách sử dụng acid salicylic trị mụn an toàn và hiệu quả để đạt kết quả tối ưu.
Acid salicylic là gì?
Acid salicylic, hay còn gọi là beta hydroxy acid (BHA), là một acid hữu cơ được chiết xuất từ vỏ cây liễu hoặc có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Đây là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da, đặc biệt là trong các sản phẩm trị mụn.
Các cơ chế trị mụn của acid salicylic
Acid salicylic tác động lên da qua nhiều phương diện, với những cơ chế khác nhau:
- Tiêu sừng: acid salicylic phá vỡ các protein liên kết các tế bào chết trên bề mặt da, giúp loại bỏ chúng và ngăn chặn lỗ chân lông bị tắc.
- Kháng khuẩn: acid salicylic xâm nhập vào màng tế bào vi khuẩn, làm tan màng tế bào và tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, acid salicylic còn thay đổi độ pH của da, giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn.
- Giảm tiết bã nhờn: bằng cách điều chỉnh hoạt động của các tuyến dầu, acid salicylic giúp giảm lượng dầu thừa trên da, từ đó giảm nguy cơ hình thành mụn.
- Kháng viêm: acid salicylic ức chế enzyme COX-2, giảm sản xuất các chất trung gian gây viêm, giúp làm dịu da và ngăn chặn phản ứng viêm lan rộng.
- Thâm nhập sâu vào da: nhờ tính chất thân dầu, acid salicylic dễ dàng thâm nhập vào lỗ chân lông, tiếp cận sâu bên trong da để thực hiện các hoạt động kháng khuẩn, tiêu sừng, giảm dầu và kháng viêm hiệu quả.
Các ứng dụng của acid salicylic trong chăm sóc da
Nhờ vào các đặc tính hóa học, acid salicylic có nhiều công dụng quan trọng trong việc chăm sóc da như:
- Tẩy tế bào chết và làm sạch da: acid salicylic có khả năng bóc tách tế bào sừng trên bề mặt da, giúp loại bỏ tế bào chết và thúc đẩy tái tạo da. Nồng độ phổ biến trong các sản phẩm tẩy tế bào chết và làm sạch da như sữa rửa mặt, toner là từ 1% – 5%.
- Trị mụn: với khả năng thâm nhập sâu vào lỗ chân lông, làm thông thoáng các lỗ chân lông bị tắc bởi chất bã nhờn và tế bào chết, acid salicylic giúp giảm mụn hiệu quả. Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí của Hội Da liễu Hoa Kỳ vào tháng 5/2024, việc sử dụng acid salicylic bôi ngoài da với nồng độ 0,5% trong 12 tuần đã giúp giảm 25% số mụn viêm và 11% số mụn đầu đen.
- Giảm thâm và nám da: bằng cách bóc tách lớp nông của thượng bì, acid salicylic làm giảm sự tích tụ của melanin ở lớp nông của da, đặc biệt giảm thâm da sau mụn.
- Peel da: với nồng độ từ 10% – 30%, acid salicylic được sử dụng trong liệu trình peel da tại các Phòng khám Da liễu để loại bỏ các thương tổn ở lớp nông của da, giúp tái tạo và trẻ hóa làn da. Quy trình này cần được giám sát bởi Bác sĩ Da liễu nhằm đảm bảo liều lượng và thời gian phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu.
- Phối hợp với các hoạt chất khác: acid salicylic có khả năng làm tăng hiệu quả thâm nhập của các hoạt chất khác vào da, do acid salicylic có thể mở đường cho các hoạt chất không thân dầu tiếp cận các thương tổn ở sâu trong da hơn.
Cách sử dụng acid salicylic trị mụn hiệu quả
Bảng dưới đây đề xuất dạng dùng và liều lượng acid salicylic phù hợp cho từng loại da và tình trạng da cụ thể. Một số dạng dùng và liều lượng acid salicylic phổ biến cho người lớn trong điều trị mụn bao gồm:
Dạng dùng | Phần trăm acid salicylic | Liều lượng |
Gel | 0.5 – 5% | 1 lần/ngày |
Kem dưỡng da | 1 – 2% | 1 – 3 lần/ngày |
Thuốc mỡ | 3 – 6% | Khi cần thiết |
Xà phòng | 0.5 – 5% | Khi cần thiết |
Toner | 0.5 – 2% | 1 – 3 lần/ngày |
Sau đây là hướng dẫn cụ thể hơn về cách chọn nồng độ cho da mới bắt đầu sử dụng, tần suất sử dụng cũng như các bước thoa acid salicylic hiệu quả và an toàn:
- Chọn nồng độ phù hợp
1 – 2% là nồng độ phổ biến trong các sản phẩm không kê đơn, phù hợp với hầu hết loại da và thường được sử dụng hằng ngày. Nồng độ này giúp làm sạch lỗ chân lông và giảm mụn nhẹ đến trung bình.
Khi da đã quen với việc sử dụng acid salicylic, có thể thử tăng nồng độ lên 4%. Tuy nhiên, đây là nồng độ khá cao, chỉ nên sử dụng 1 – 2 lần mỗi tuần. Đừng quên theo dõi phản ứng của da nhằm điều chỉnh nồng độ và tần suất sử dụng phù hợp nhất với làn da.
- Tần suất sử dụng
Trong 2 – 3 ngày đầu khi mới bắt đầu sử dụng acid salicylic, nên thoa một lượng nhỏ lên một vùng da nhỏ để kiểm tra phản ứng trước khi thoa lên toàn bộ vùng da điều trị. Nếu không bị kích ứng, có thể thoa sản phẩm 2 – 3 lần/tuần để da có thời gian thích nghi, sau đó dần tăng tần suất sử dụng lên hằng ngày.
Acid salicylic có thể được dùng cả vào ban ngày và ban đêm. Tuy nhiên, nếu dùng vào ban ngày, cần phải thoa kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Khi da đã quen, tần suất có thể tăng lên 1 – 2 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tối ưu.
- Cách bôi acid salicylic
Trước khi thoa acid salicylic, hãy rửa mặt sạch bằng sữa rửa mặt. Sau khi lau khô ráo, thoa một lượng nhỏ sản phẩm đều lên vùng da bị mụn. Không nên bôi quá nhiều vì có thể gây khô da và kích ứng.
Tránh bôi lên vùng da nhạy cảm như xung quanh mắt, miệng và các vết thương hở. Hiệu quả của acid salicylic có thể cần thời gian để thấy rõ, vì vậy hãy kiên nhẫn và sử dụng đều đặn ít nhất từ 6 – 8 tuần.
- Sử dụng kem chống nắng
Acid salicylic có thể làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng, do đó nên sử dụng kem chống nắng hằng ngày với chỉ số SPF 30+ để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV.
- Kết hợp kem dưỡng ẩm
Khi sử dụng acid salicylic, da có thể bị khô và bong tróc, vì vậy hãy kết hợp kem dưỡng ẩm chứa các thành phần như acid hyaluronic, ceramide hoặc vitamin B5 để giữ ẩm, làm dịu và củng cố hàng rào bảo vệ da.
Lưu ý khi kết hợp acid salicylic với các thành phần khác
Khi kết hợp acid salicylic với các thành phần khác trong quy trình chăm sóc da, cần lưu ý để tối ưu hóa hiệu quả và hạn chế kích ứng. Acid salicylic có tính acid và khả năng thâm nhập sâu, nên khi kết hợp với các hoạt chất mạnh như benzoyl peroxide, retinoid, niacinamide hay vitamin C, nếu dùng cùng lúc, có thể gây kích ứng da vì các thành phần này đều có thể làm khô và nhạy cảm da.
Vì vậy, thay vì sử dụng đồng thời, hãy sử dụng các hoạt chất này xen kẽ, chẳng hạn như dùng acid salicylic vào buổi sáng và retinoid vào buổi tối, hoặc áp dụng cách ngày, để da có thời gian phục hồi và giảm thiểu nguy cơ kích ứng, đồng thời đảm bảo hiệu quả điều trị.
Xem thêm các bài viết liên quan
Peel da trị mụn với acid salicylic
Ngoài việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa acid salicylic, còn có thể thực hiện liệu trình peel da trị mụn bằng acid salicylic. Đây là hoạt chất đã được chứng minh về tính hiệu quả và độ an toàn trong liệu trình peel da. Peel da bằng acid salicylic thường được chỉ định để điều trị các vấn đề sau:
- Mụn.
- Nám da.
- Thâm sau viêm.
- Tàn nhang.
- Đồi mồi.
- Lão hóa da do ánh nắng.
- Bề mặt da sần.
- Nếp nhăn nhẹ.
Peel da bằng acid salicylic có thể gây đỏ da, khô da, đóng vảy, cảm giác châm chích, ngứa, tăng mẫn cảm và rối loạn sắc tố da. Vì vậy, việc chăm sóc da sau peel đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các tác dụng phụ và giúp da phục hồi nhanh hơn.
Trong vòng 48 giờ sau khi peel, cần duy trì dưỡng ẩm liên tục. Sau đó, có thể quay lại quy trình chăm sóc da hằng ngày nhưng cần bảo vệ da kỹ lưỡng khỏi tia UV và ánh nắng gắt. Nếu cảm giác khó chịu kéo dài hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng xuất hiện, hãy tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu.
Không chỉ phụ thuộc vào loại chế phẩm, hiệu quả và tính an toàn của peel da còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và tay nghề của Bác sĩ Da liễu, người sẽ trực tiếp theo dõi quá trình điều trị và lựa chọn cách sử dụng chế phẩm peel da (thời gian, liều lượng, lịch trình…) sao cho đạt hiệu quả trị liệu và hạn chế tác dụng không mong muốn.
Một liệu trình peel da không an toàn có thể gây tổn hại nhiều hơn cho làn da, do vậy liệu trình này cần được thực hiện ở Phòng khám Da liễu uy tín, dưới sự giám sát của Bác sĩ Da liễu.
Do yêu cầu cao về tính an toàn, việc peel da phải được thực hiện ở Phòng khám Da liễu uy tín. Tùy theo chỉ định điều trị, mức độ tổn thương, cơ địa của làn da, việc điều trị có thể thay đổi theo từng cá nhân. Acid salicylic với nồng độ từ 10% – 30% có thể sử dụng cho liệu trình peel da. Quy trình thông thường của một buổi peel da bao gồm các bước cơ bản sau:
- Bác sĩ Da liễu thăm khám, tư vấn và chỉ định tác nhân và nồng độ peel theo tình trạng da và nhu cầu điều trị.
- Vệ sinh kỹ vùng da nơi được peel.
- Chế phẩm peel da với nồng độ acid salicylic như chỉ định sẽ được cho tiếp xúc với vùng da nơi được peel, bằng cọ hoặc đầu cotton hoặc mút tẩm dung dịch.
- Chế phẩm peel da được cho lưu trên da trong 3 – 5 phút, đến khi đạt điểm tới hạn lâm sàng với hiện tượng bông trắng (frosting) xuất hiện trên bề mặt da.
- Chế phẩm peel da được lau sạch mà không cần trung hòa.
- Dưỡng ẩm da, đi búa lạnh, chiếu ánh sáng đỏ phục hồi da.
Liệu trình peel da sẽ bao gồm nhiều buổi. Thông thường khoảng cách giữa các buổi vào khoảng 2 – 4 tuần. Hiệu quả điều trị nhìn nhận được sau 3 – 6 buổi điều trị, tuy nhiên thực tế có thể tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của tổn thương da, và cơ địa của làn da.
Acid salicylic có an toàn cho mẹ bầu không?
Acid salicylic có thể an toàn cho mẹ bầu khi sử dụng ở dạng bôi ngoài da với nồng độ thấp (dưới 2%). Tuy nhiên, các sản phẩm có nồng độ cao hoặc peel da chứa acid salicylic không được khuyến khích vì có thể gây tác dụng phụ tiềm ẩn. Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Với khả năng tiêu sừng, kháng khuẩn, giảm tiết bã nhờn và kháng viêm, acid salicylic là lựa chọn hiệu quả trong điều trị mụn. Khi sử dụng đúng cách và kết hợp với các sản phẩm chăm sóc da phù hợp, làn da sẽ nhanh chóng cải thiện. Nếu tình trạng mụn vẫn chưa thuyên giảm, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để nhận được sự tư vấn từ các Bác sĩ Da liễu giàu kinh nghiệm và nhanh chóng lấy lại làn da mịn màng, khỏe mạnh nhé.
Tài liệu tham khảo
- “Salicylic Acid Topical: MedlinePlus Drug Information“. Medline plus
- “Understanding the Differences Between AHAs and BHAs“. CeraVe
- Byun HJ, Cho KH, Eun HC, Lee MJ, Lee Y, Lee S, Chung JH. “Lipid ingredients in moisturizers can modulate skin responses to UV in barrier-disrupted human skin in vivo“. J Dermatol Sci. 2012 Feb;65(2):110-7. doi: 10.1016/j.jdermsci.2011.12.005. Epub 2011 Dec 13. PMID: 22209282
- Jacobi A, Mayer A, Augustin M. “Keratolytics and emollients and their role in the therapy of psoriasis: a systematic review. Dermatol Ther (Heidelb)“. 2015 Mar;5(1):1-18. doi: 10.1007/s13555-015-0068-3. Epub 2015 Jan 21. PMID: 25604924; PMCID: PMC4374065
- “Salicylic Acid Topical: Uses, Side Effects, Interactions, Pictures, Warnings & Dosing“. WebMD
- “Salicylic Acid Peel: Benefits & Side Effects“. Webmd
- Reynolds RV, Yeung H, Cheng CE, Cook-Bolden F, Desai SR, Druby KM, Freeman EE, Keri JE, Stein Gold LF, Tan JKL, Tollefson MM, Weiss JS, Wu PA, Zaenglein AL, Han JM, Barbieri JS. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris“. J Am Acad Dermatol. 2024 May;90(5):1006.e1-1006.e30. doi: 10.1016/j.jaad.2023.12.017. Epub 2024 Jan 30. PMID: 38300170
- Krafchik BR. Acne. “Paediatr Child Health“. 1999 Sep;4(6):385-6. doi: 10.1093/pch/4.6.385. PMID: 20212944; PMCID: PMC2827736
- Kwon KC, Won JG, Kim MS, Shin YW, Park SW, Song YS. “Anti-acne activity of carnitine salicylate and magnolol through the regulation of exfoliation, lipogenesis, bacterial growth and inflammation“. Skin Res Technol. 2023 Jul;29(7):e13406. doi: 10.1111/srt.13406. Erratum in: Skin Res Technol. 2023 Sep;29(9):e13406. doi: 10.1111/srt.13451. PMID: 37522492; PMCID: PMC10319759