Có rất nhiều khách hàng gửi đến Doctor Acnes những câu hỏi như “Tại sao bộ chăm sóc da của em rất xịn, toàn dùng hãng đắt tiền nhưng em thấy da mãi không cải thiện?”. Chắc hẳn trong trường hợp này, ai cũng hoang mang không biết mình dùng sai sản phẩm, cách sử dụng sản phẩm chưa đúng hay thương hiệu mình đang dùng không tốt? Câu trả lời là do liệu trình chăm sóc da chưa phù hợp. Bài viết hôm nay, Doctor Acnes sẽ đưa ra 4 bước cơ bản để giúp bạn hoàn thiện liệu trình skincare và nhanh chóng sở hữu làn da đẹp.
Xác định được vấn đề trên da
Việc quan trọng nhất trong chăm sóc da là hiểu rõ làn da đang gặp phải tình trạng gì: da kích ứng, không đều màu, da dầu mụn hay tình trạng sẹo mụn, thâm nám. Nếu da tồn tại nhiều vấn đề đồng thời, cần xác định thứ tự ưu tiên điều trị, từ đó có kế hoạch chăm sóc phù hợp.
Ví dụ như khi da mụn đang bị đỏ và kích ứng nặng, phải ưu tiên làm dịu da trước, sau đó mới qua bước trị mụn tiếp theo. Nhiều bệnh nhân vừa bị mụn vừa bị nám thì trị mụn sẽ là mối quan tâm hàng đầu. Trị thâm, trị nám sẽ được ưu tiên sau khi làn da đã khỏe và không còn mụn.
“Đừng tham lam khi chăm sóc da” – đó là lời khuyên vô cùng hữu ích trong quá trình skincare. Da không nên được chăm sóc bởi quá nhiều liệu trình hoặc nhiều sản phẩm có hoạt tính điều trị mạnh đồng thời; hãy chỉ tập trung điều trị vấn đề quan trọng nhất bản thân muốn cải thiện khi chăm sóc da.
Xác định kỳ vọng khi chăm sóc da
Hiện nay có rất nhiều phương pháp chăm sóc da với hiệu quả và thời gian điều trị khác nhau như mỹ phẩm, dược mỹ phẩm, thuốc uống, sử dụng các công nghệ cao như IPL, laser, lăn kim… Khi lựa chọn phương pháp điều trị, cần chú ý nghiên cứu bản chất từng phương pháp, thời gian, chi phí, từ đó xác định được rõ hơn kỳ vọng khi chăm sóc da.
Công nghệ càng hiện đại thì đi kèm giá thành cao và hiệu quả nhanh so với chăm sóc da chỉ có bôi thoa thông thường. Chẳng hạn như bệnh nhân nhân muốn da căng bóng, giảm lão hoá nhanh thì tiêm mesotherapy là một lựa chọn hoàn hảo.
Điều trị da bằng phương pháp xâm lấn hay sử dụng những dược chất có hoạt tính mạnh thường mang lại hiệu quả nhanh nhưng đi kèm là nguy cơ tai biến và đòi hỏi quy trình chăm sóc da kỹ càng trước, trong và sau liệu trình.
Thời gian cũng như mức độ cải thiện cũng tùy thuộc vào độ tổn thương và loại tổn thương, ví dụ như mụn nặng thì thời gian điều trị phải tính bằng tháng, sẹo lõm nhiều và sâu thì cần kiên trì điều trị nhiều tháng nhưng cũng khó đưa da được về như lúc chưa từng có sẹo…
Thêm sản phẩm đặc trị vào liệu trình chăm sóc da
Lựa chọn sản phẩm cho liệu trình chăm da là một việc vô cùng quan trọng. Bộ chăm sóc da cơ bản bao gồm tẩy trang, sữa rửa mặt, toner, dưỡng ẩm. Các sản phẩm trên thật sự cần thiết, giúp làm sạch, dưỡng ẩm, phục hồi làn da.
Tuy nhiên, trong trường hợp khi da gặp nhiều vấn đề khác như nếp nhăn, nám má, sạm da thì liệu trình trên hầu như không giúp da cải thiện được gì. Vì vậy, trong các bước chăm sóc da phải có ít nhất một sản phẩm có hoạt chất điều trị để phục hồi khuyết điểm trên làn da.
Muốn giảm nếp nhăn, chống lão hoá thì nên sử dụng tretinoin, retinol, niacinamide. Arbutin sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời nếu muốn chăm da trắng sáng, đều màu. Khi da bị mụn, trong liệu trình chăm sóc da phải có các hoạt chất trị mụn như tretinoin, adapalene, benzoyl peroxide. Những hoạt chất đó khi kết hợp với các bước cơ bản như làm sạch, dưỡng ẩm thì mới khắc phục được tình trạng của da.
Sử dụng sản phẩm chăm sóc da đúng cách
Sau khi hiểu rõ được làn da của mình, tìm được mỹ phẩm phù hợp thì việc quan trọng hơn nữa là biết được cách dùng mỹ phẩm đúng. Hầu hết mọi người đều không tìm hiểu kỹ về cách dùng sản phẩm, chỉ sử dụng theo các giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng xã hội. Kết quả là làn da ngày càng tệ hơn.
Nhiều người sử dụng AHA, BHA với nồng độ quá cao, không biết cách điều chỉnh liều lượng làm da bị kích ứng. Trường hợp khác da đang mụn, bệnh nhân muốn sử dụng cùng lúc cả benzoyl peroxide và tretinoin để đẩy nhanh hiệu quả điều trị, tuy nhiên benzoyl peroxide có thể làm oxy hóa tretinoin gây lãng phí điều trị.
Một ví dụ cũng rất điển hình của việc sử dụng sản phẩm không đúng nằm ở quy trình chăm sóc da nhiều bước. Ngày nay, với sự phát triển của nhiều trào lưu mới trên mạng xã hội, dưỡng da nhiều bước đang được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết cách phối hợp các sản phẩm để phát huy hiệu quả tối đa. Có 3 nguyên tắc quan trọng trong việc sử dụng kết hợp mỹ phẩm:
Sử dụng sản phẩm trên nền da sạch: hằng ngày da chúng ta tiếp xúc với đủ loại bụi bẩn cũng như các tác nhân gây hại từ môi trường khiến cho da không được sạch và dễ bị bít tắc lỗ chân lông. Một nền da sạch là khi đã được tẩy trang, rửa lại sạch sẽ, bụi bẩn được lấy đi hoàn toàn. Lúc này, lỗ chân lông thông thoáng sẽ dễ dàng hấp thu các dưỡng chất từ sản phẩm chăm sóc da, từ đó mang lại kết quả cao hơn.
Nên bôi chất lỏng trước, đặc sau: các sản phẩm đặc có khả năng hấp thụ trên da thấp. Khi bôi đặc trước, lỏng sau thì da rất khó hấp thu các sản phẩm còn lại, thậm chí gây bít tắc. Vì vậy, các sản phẩm lỏng như toner, essence, serum sẽ được ưu tiên bôi trước ampoule và kem dưỡng.
Bôi sản phẩm có nồng độ pH thấp trước, pH cao sau: trên da có một lớp màng acid (acid mantle) là hàng rào bảo vệ da khỏi vi khuẩn, nấm, virus, và các chất ô nhiễm từ môi trường. Khi chăm sóc da cần nắm rõ độ pH, tính acid của sản phẩm đang sử dụng. Nguyên tắc khi skincare nhiều lớp là bôi sản phẩm có pH thấp trước, sau đó mới sử dụng sản phẩm có pH cao hơn.
Ví dụ như bôi kết hợp BHA (pH vào khoảng 4) và niacinamide (pH từ 5 – 6) thì bôi BHA trước, đợi khoảng 20 phút sau đó mới bôi niacinamide. Trong trường hợp cần kết hợp niacinamide và retinol để chống lão hóa và làm sáng da, nên bôi niacinamide (pH 5 – 6), chờ ít nhất 30 phút để độ pH của lớp màng ẩm trên da khôi phục lại trạng thái cân bằng rồi tiếp tục thoa retinol (pH 5 – 8).
Ngoài ra, cũng cần lưu ý sử dụng lượng mỹ phẩm vừa đủ. Cụ thể như sử dụng hai giọt dầu dưỡng da mặt có thể là quá nhiều đối với làn da dầu nhưng lượng đó lại ít đối với làn da khô.
Một sai lầm là khá phổ biến là kết hợp 2 hoạt chất tác dụng mạnh với cùng đặc tính điều trị, gây ảnh hưởng xấu cho làn da. Dùng benzoyl peroxide và retinoid cùng một lúc làm tăng nguy cơ khô da, kích ứng da hay kết hợp AHA và retinoid khiến da trở nên ngày càng nhạy cảm.
Trên đây là 4 giải pháp cơ bản cho hầu hết những người chăm sóc da mà chưa thấy sự cải thiện. Doctor Acnes hy vọng với những chia sẻ trên, bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn về công cuộc chăm sóc da của mình và có những thay đổi để da ngày càng đẹp hơn. Nếu bạn vẫn không tìm được quy trình chăm sóc da phù hợp cho mình, đừng ngần ngại đến với Doctor Acnes để được các Bác sĩ Da liễu cùng đồng hành trên con đường tìm kiếm làn da đẹp.
Tài liệu tham khảo
- Yong Chool Boo. “Arbutin as a Skin Depigmenting Agent with Antimelanogenic and Antioxidant Properties”. Antioxidants. 2021; 10(7):1129
- Yong Chool Boo. “Mechanistic Basis and Clinical Evidence for the Applications of Nicotinamide (Niacinamide) to Control Skin Aging and Pigmentation”. Antioxidants. 2021; 10(8):1315
- Gozali MV, Zhou B. “Effective treatments of atrophic acne scars”. J Clin Aesthet Dermatol. 2015 May;8(5):33-40
- Martin B, Meunier C, Montels D, Watts O. “Chemical stability of adapalene and tretinoin when combined with benzoyl peroxide in presence and in absence of visible light and ultraviolet radiation”. Br J Dermatol. 1998 Oct;139 Suppl 52:8-11
- Tang SC, Yang JH. “Dual Effects of Alpha-Hydroxy Acids on the Skin”. Molecules. 2018 Apr 10;23(4):863
- Zaenglein AL et al. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris”. J Am Acad Dermatol. 2016 May;74(5):945-73.e33
- “10 things to know before having laser treatment for your scar”. Aad.org