Trẻ hóa da mặt: vai trò của màng đáy và tầng SMAS

Ngày 12/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Trong xã hội hiện đại, nhu cầu duy trì và cải thiện ngoại hình ngày càng được chú ý hơn, đặc biệt là phương diện trẻ hóa da mặt. Ngoài collagen, hai yếu tố quan trọng được các Bác sĩ Da liễu chú ý trong quá trình này là màng đáy và tầng SMAS. Trong bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ phân tích chi tiết về cấu trúc, chức năng và vai trò của màng đáy và tầng SMAS trong trẻ hóa da mặt, cùng với các phương pháp điều trị tiên tiến tác động đến những khu vực này.

Các tầng lớp của da

Da và mô dưới da vùng mặt được cấu trúc từ nhiều tầng lớp riêng biệt, với những vai trò khác nhau. Các tầng lớp này bao gồm:

Lớp da

Đây là lớp ngoài cùng, có ba tầng là thượng bì (epidermis), trung bì (dermis) và lớp hạ bì (hypodermis):

  • Ngoài cùng là lớp sừng, thường xuyên được thay mới.
  • Dưới cùng của lớp thượng bì là lớp màng đáy (basement membrane) nằm ngay trên lớp trung bì, có vai trò duy trì cấu trúc và hình dạng cho lớp thượng bì.
  • Lớp mỡ dưới da vùng mặt bao gồm nhiều khoang riêng biệt như các vùng mỡ ở trán và quanh mắt. Sự biến đổi và suy giảm các phần của lớp mỡ dưới da vùng mặt góp phần vào biểu hiện lão hóa của da.

Tầng SMAS (superficial musculoaponeurotic system)

Giới hạn bởi cân galea trên sọ và lớp mạc thái dương nông, mất liên tục ở ngang cung gò má (zygomatic arch), giới hạn dưới là cơ bám da cổ. Tầng SMAS nằm dưới lớp mỡ dưới da và nằm trên lớp mạc cơ cắn – mang tai (parotidomasseteric fascia).

Lớp cơ vùng mặt

Vùng mặt có khoảng 30 cơ khác nhau ở mỗi bên, tùy theo cách phân chia về cấu trúc và chức năng của chúng. Dưới sự chi phối của thần kinh sọ mặt, cụ thể là dây VII và dây V3, những cơ này vận động phối hợp cùng nhau để thực hiện các chức năng của mặt và biểu hiện cảm xúc.

Lớp mỡ sâu và mạc sâu

Lớp mỡ sâu của mặt được cấu trúc bởi nhiều đệm mỡ (fat pad), có liên kết với nhau. Lớp mạc sâu và lớp mỡ sâu nằm xen kẽ, tạo thành nền tảng cho các cơ vùng mặt và bảo vệ các sợi thần kinh vùng mặt.

các tầng lớp da
Các tầng lớp da và mô dưới da vùng mặt (hình minh họa)

Chức năng và vai trò của màng đáy trong trẻ hóa da mặt

Màng đáy là một cấu trúc mỏng nhưng vô cùng quan trọng, nằm giữa lớp thượng bì và trung bì. Màng đáy đóng vai trò là một rào chắn ngăn cách và liên kết hai lớp này, đồng thời tạo điều kiện cho sự trao đổi và khuếch tán có chọn lọc các chất. 

Cấu trúc của màng đáy

Màng đáy có độ dày khoảng 0.5mm, hình dạng lượn sóng. Màng đáy chủ yếu được cấu tạo từ collagen type IV và các glycoprotein. Màng đáy có thể được chia làm ba lớp theo hình thái học: 

  • Lá sáng (lamina lucida): lớp trên cùng của màng đáy, bao gồm các mảng tích electron trên kính hiển vi điện tử, các nửa cầu nối gian bào (hemidesmosome), được cấu thành từ alpha-6-beta-4 integrin và kháng nguyên bulbous pemphigoid 2.
  • Lá đặc (lamina densa): nằm dưới lớp lamina lucida, có cấu trúc dạng phẳng (sheet), được hình thành chủ yếu từ collagen type IV.
  • Tầng dưới lá đặc (sublamina densa): lớp dưới cùng, đa dạng nhất trong ba lớp của màng đáy về cấu trúc và hình thái. 

Cấu trúc đặc trưng của màng đáy là nền tảng cung cấp độ bền cơ học và tính linh hoạt cho màng đáy nói riêng và cho làn da nói chung.

cấu trúc màng đáy
Cấu trúc của lớp màng đáy (hình minh họa)

Chức năng của màng đáy

  • Liên kết: màng đáy nằm giữa lớp thượng bì và trung bì, liên kết chặt hai lớp này. Tương tự lớp hạ bì, lớp trung bì có khả năng chịu lực và giữ nhiệt cho cơ thể, còn lớp thượng bì có dạng tầng với khả năng liên tục làm mới và sừng hóa. Với sự liên kết của màng đáy, làn da kết hợp chức năng của hai lớp này để thực hiện vai trò bảo vệ cơ thể.
  • Nâng đỡ: lớp thượng bì có mạng lưới keratin nội bào cung cấp khả năng chịu lực, đồng thời trong da còn có mạng lưới ngoại bào bao gồm collagen type I, type III, sợi và vi sợi, sợi đàn hồi, và proteoglycan làm nền. Màng đáy đóng vai trò trụ cột cho những cấu trúc này liên kết vào, qua đó thực hiện nhiệm vụ chịu lực.
  • Kiểm soát trao đổi chất: màng đáy có chức năng điều tiết sự di chuyển của tế bào và các hoạt chất theo cả hai chiều xuyên qua màng đáy. Ngoài ra, màng đáy còn là nơi liên kết với các cytokine và yếu tố tăng trưởng (growth factor), dự trữ cũng như điều hòa nồng độ và hoạt tính của các chất này.
chức năng của màng đáy da
Lớp màng đáy giữ vai trò quan trọng giúp đảm bảo độ đàn hồi và săn chắc của làn da

Vai trò trong trẻ hóa da mặt

Khi làn da trở nên lão hóa, màng đáy có nhiều sự biến đổi. Nghiên cứu trên 26 mẫu mô da do Bác sĩ Hull và Bác sĩ Warfel của Khoa Giải phẫu bệnh, Trường đại học Y khoa, Đại học Indiana, Hoa Kỳ thực hiện. Sau quá trình bóc tách cẩn thận các lớp, qua kính hiển vi điện tử ghi nhận hình ảnh mất lượn sóng của màng đáy từ độ tuổi 60 trở đi. Sự biến đổi này có ý nghĩa về phương diện chức năng điều hòa biệt hóa tế bào cũng như duy trì sự ổn định về cấu trúc của da. Sự mất lượn sóng làm giảm diện tích tiếp xúc giữa thượng bì và màng đáy, góp phần làm giảm tính liên kết, khiến cho làn da trở nên lỏng lẻo hơn.

màng đáy mất lượn sóng
Màng đáy mất lượn sóng làm giảm tính liên kết giữa thượng và trung bì, khiến cho làn da trở nên lỏng lẻo hơn

Một sự biến đổi khác được ghi nhận ở lớp màng đáy của làn da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời bao gồm rối loạn về cấu trúc của lớp lá đặc, lớp giữa của màng đáy. Sự rối loạn này làm giảm tính bền vững của thượng bì, do các cấu trúc chịu lực như các sợi neo (anchoring fibril) bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các men thủy phân protein cấu trúc (matrix metalloproteinase) type 1, 2, 3 và 9 cũng tăng hoạt tính khi tiếp xúc với tia UV, kể cả ở cường độ rất thấp. Các men thủy phân protein cấu trúc được cho là có vai trò quan trọng trong quá trình suy yếu của màng đáy, sự phân tách màng đáy và thượng bì, sự rối loạn của lớp lá đặc. Đây là những quá trình diễn ra trong làn da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.

màng đáy bị phá vỡ
Tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong thời gian dài làm lớp lá đặc của màng đáy bị phá vỡ

Khi màng đáy bị tổn thương hoặc suy yếu, da sẽ mất đi độ đàn hồi và xuất hiện các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, sạm da và chảy xệ. Việc duy trì và cải thiện chức năng của màng đáy là cần thiết để tăng cường sự trẻ trung và đàn hồi của da.

Tầm quan trọng của tầng SMAS trong duy trì độ săn chắc của da

Tầng SMAS là một cấu trúc mô liên kết đặc biệt của mô mềm vùng mặt, nằm dưới lớp mỡ dưới da và trên các cơ vùng mặt.

Cấu trúc của tầng SMAS

Tầng SMAS (hệ thống cơ mạc nông) là một hệ thống mô liên kết phức tạp, bao gồm mô mỡ, sợi cơ và các sợi collagen và elastin. Có thể chia tầng SMAS gồm hai phần, phân biệt rõ ràng về giải phẫu, vị trí và cấu trúc tế bào:

  • Phần thứ nhất nằm ngoài nếp mũi – má (nasolabial fold), được cấu thành bởi nhiều mô mỡ dạng thùy sắp xếp trong mạng lưới màng ngăn dạng sợi. Phần này có đặc điểm là cấu trúc lỏng lẻo, giúp cho hệ thống cơ vùng mặt bên dưới dễ dàng vận động.
  • Phần thứ hai nằm trong nếp mũi – má, được cấu tạo bởi mạng lưới các sợi collagen, elastin và sợi cơ, xen kẽ bởi các tế bào mỡ và nhiều sợi thần kinh. Phần này có đặc điểm là chắc chắn hơn, tạo điều kiện cho các chuyển động chính xác của vùng da quanh miệng.
cấu trúc tầng smas
Cấu trúc của tầng SMAS (hình minh họa)

Chức năng của tầng SMAS

Vai trò của tầng SMAS là nâng đỡ kết cấu, phân bố lực và duy trì độ căng của da vùng mặt. Tầng SMAS liên kết tầng nông của da, mô mềm vùng mặt với các cơ vùng mặt. Qua đó, sự vận động của cơ vùng mặt được chuyển đổi thành biểu hiện của mặt, giúp biểu lộ cảm xúc.

chức năng bộc lộ cảm xúc của smas
Tầng SMAS nâng đỡ kết cấu, phân bố lực và duy trì độ căng của da vùng mặt, qua đó giúp biểu lộ cảm xúc

Vai trò trong trẻ hóa da mặt

Khi tầng SMAS bị suy yếu, da vùng mặt sẽ mất đi sự nâng đỡ. Khi đó, dưới sự ảnh hưởng của trọng lực và các yếu tố môi trường, da sẽ dần dần xuất hiện các nếp nhăn và chảy xệ. Việc tác động và cải thiện tầng SMAS là yếu tố then chốt trong nhiều phương pháp trẻ hóa da hiện đại. Các kỹ thuật nâng cơ mặt, chẳng hạn như phẫu thuật căng da mặt hoặc các phương pháp không phẫu thuật như sóng siêu âm, có thể cải thiện tầng SMAS và mang lại kết quả trẻ hóa rõ rệt.

smas suy yếu gây chảy xệ da
Tầng SMAS suy yếu sẽ khiến da vùng mặt mất đi sự nâng đỡ, dần xuất hiện các nếp nhăn và chảy xệ

Lăn kim RF có tác động được đến màng đáy và tầng SMAS?

Hiện nay, có nhiều thông tin cho rằng phương pháp lăn kim RF, mà đại diện tiêu biểu là Sylfirm X, có thể tác động đồng thời lên cả màng đáy và tầng SMAS, qua đó đạt hiệu quả trẻ hóa da vượt ngoài mong đợi. Qua những đặc điểm của màng đáy và tầng SMAS như đã nêu, liệu điều này có phải là sự thật?

Trên thực tế, khó có phương pháp nào có thể cùng lúc tác động lên cả hai cấu trúc quan trọng của da là màng đáy và tầng SMAS. Điều này là do hai cấu trúc này không chỉ có bản chất khác nhau, mà còn nằm ở những độ sâu khác nhau. Do đó, chúng ta cần linh hoạt chọn lựa, phối hợp đa phương thức điều trị theo liệu trình phù hợp để đạt được kết quả tốt nhất.

lăn kim rf sylfirm x
Phương pháp lăn kim RF Sylfirm X trẻ hóa da được Bác sĩ Da liễu trực tiếp thực hiện tại Doctor Acnes

Hiệu quả của lăn kim RF trong trẻ hóa da

Phương pháp RF truyền thống gặp khó khăn trong việc kiểm soát độ sâu của năng lượng RF và độ chính xác, do nhiệt độ tối đa mà lớp thượng bì có thể chịu được chỉ từ 42 – 45 độ C. Điều này khiến việc đưa lớp trung bì đến nhiệt độ tối ưu để kích thích sản sinh collagen trở nên khó khăn.

Ngược lại, lăn kim RF sử dụng lăn kim với lớp cách nhiệt để sinh nhiệt chủ yếu tại lớp trung bì, ít ảnh hưởng đến lớp thượng bì. Nhiệt từ RF tập trung tại đầu kim trong lớp trung bì, giúp đạt được nhiệt độ cần thiết mà không gây tổn thương cho lớp thượng bì. Hiệu quả của lăn kim RF trong việc trẻ hóa da đến từ việc kích thích sản sinh collagen và tái cấu trúc làn da, với quá trình này có thể kéo dài đến 6 tháng sau điều trị.

thăm khám bác sĩ
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và thực hiện trẻ hóa da đảm bảo an toàn và hiệu quả

Hiệu quả của Sylfirm X trong trẻ hóa da

Nhìn chung, lăn kim RF không tác động được đến màng đáy và tầng SMAS do độ sâu của các cấu trúc này không ở khu vực mà lăn kim RF tác động được. Tuy nhiên, Sylfirm X là một lựa chọn lăn kim RF đặc biệt, với đặc tính bước sóng kép (dual wave) là xung liên tục hoặc sóng xung, phát sóng RF ở các độ sâu điều trị đa dạng, từ 0.3mm ngang mức màng đáy và lớp trung bì nhú đến 4.0mm. Điều này mang đến cho Sylfirm X khả năng tác động đến màng đáy, điểm vượt trội và khác biệt hơn so với các lựa chọn lăn kim RF khác.

  • Sylfirm X tác động lên màng đáy

Với đặc tính bước sóng kép, Sylfirm X không chỉ giúp kích thích tăng sinh nguyên bào sợi và collagen loại III để trẻ hóa làn da, mà còn giúp tái tạo lớp màng đáy. Cụ thể hơn, Sylfirm X loại bỏ các tế bào sừng già cỗi, sửa chữa tổn thương màng đáy do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Nhờ vậy, mức độ sản sinh melanin giảm đi, đồng thời màng đáy bền vững sẽ ngăn chặn hiện tượng melanin di chuyển xuống và tích tụ ở trung bì, tạo điều kiện cho việc điều trị loại bỏ melanin. Thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị và trải nghiệm điều trị đều được tối ưu nhờ hạn chế tổn thương da và tiếp xúc tối thiểu đến các dây thần kinh.

  • Sylfirm X tác động lên tầng SMAS

Do bản chất cũng như độ sâu tác động không phù hợp với tầng SMAS, Sylfirm X nói riêng và lăn kim RF nói chung không thể tác động được tới tầng này của da, dù cho Sylfirm X vẫn thể hiện được hiệu quả làm săn chắc da mặt.

Để tác động được tới tầng SMAS, cần sử dụng các phương pháp thích hợp như:

Sóng siêu âm vi hội tụ: bằng cách sử dụng năng lượng siêu âm có độ tập trung cao, phương pháp này kích thích tăng sinh và tái cấu trúc collagen từ lớp trung bì nhú đến tận tầng SMAS, qua đó giúp da trở nên săn chắc.

Phẫu thuật: một số kỹ thuật phẫu thuật chuyên biệt nhắm đến tầng SMAS có thể đạt hiệu quả nâng cơ, trẻ hóa da mặt tốt.

Mặc dù không tác động được tới tầng SMAS, Sylfirm X vẫn có khả năng làm săn chắc da do tác dụng nhiệt của RF lên sợi collagen. Sự co của sợi collagen khi RF tác động mang đến hiệu quả săn chắc da ngay, còn về lâu dài, sự kích thích tăng sinh collagen và elastin giúp cải thiện cấu trúc da mặt. Để lựa chọn liệu trình trẻ hóa da mặt tối ưu cả về hiệu quả và chi phí, cần phải tham vấn với Bác sĩ Da liễu tại các trung tâm chăm sóc da uy tín.

ca lâm sàng trị sẹo có rf
Ca lâm sàng điều trị sẹo, trẻ hóa da thành công tại Doctor Acnes

Trẻ hóa da mặt là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về cấu trúc và chức năng của da. Màng đáy và tầng SMAS đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và cải thiện độ săn chắc và đàn hồi của da. Sylfirm X là một phương pháp lăn kim RF đặc biệt dù không thể tác động được đến tầng SMAS, phương pháp này vẫn có thể làm da săn chắc hơn. Nếu đang có nhu cầu về trẻ hóa da mặt bằng lăn kim RF, hãy liên hệ Doctor Acnes để được tư vấn chi tiết hơn nhé.

Tài liệu tham khảo

  1. Zackary B. Whitney, Megha Jain, Patrick M. Zito. “Anatomy, Skin, Superficial Musculoaponeurotic System (SMAS) Fascia“. StatPearls
  2. Hani Yousef, Mandy Alhajj, et al. “Anatomy, Skin (Integument), Epidermis“. StatPearls
  3. Rohrich RJ, Pessa JE. “The fat compartments of the face: anatomy and clinical implications for cosmetic surgery“. Plast Reconstr Surg. 2007 Jun;119(7):2219-2227. doi: 10.1097/01.prs.0000265403.66886.54
  4. Chon SH, Pappas A. “Differentiation and characterization of human facial subcutaneous adipocytes“. Adipocyte. 2014 Nov 14;4(1):13-21. doi: 10.4161/21623945.2014.955402
  5. Kruglikov I, Trujillo O, et al. “The Facial Adipose Tissue: A Revision“. Facial Plast Surg. 2016 Dec;32(6):671-682. doi: 10.1055/s-0036-1596046
  6. Adegbenro O. Fakoya, Marc H. Hohman, et al. “Anatomy, Head and Neck: Facial Muscles“. StatPearls
  7. Dumont T, Simon E, et al. “Facial fat: descriptive and functional anatomy, from a review of literature and dissections of 10 split-faces“. Ann Chir Plast Esthet. 2007 Feb;52(1):51-61. French. doi: 10.1016/j.anplas.2006.04.003
  8. Breitkreutz D, Koxholt I, et al. “Skin basement membrane: the foundation of epidermal integrity – BM functions and diverse roles of bridging molecules nidogen and perlecan“. Biomed Res Int. 2013;2013:179784. doi: 10.1155/2013/179784
  9. Bruckner-Tuderman L, Höpfner B, Hammami-Hauasli N. “Biology of anchoring fibrils: lessons from dystrophic epidermolysis bullosa“. Matrix Biol. 1999 Feb;18(1):43-54. doi: 10.1016/s0945-053x(98)00007-9
  10. Hull MT, Warfel KA. “Age-related changes in the cutaneous basal lamina: scanning electron microscopic study“. J Invest Dermatol. 1983 Oct;81(4):378-80. doi: 10.1111/1523-1747.ep12519989
  11. Merker HJ. “Morphology of the basement membrane“. Microsc Res Tech. 1994 Jun 1;28(2):95-124. doi: 10.1002/jemt.1070280203
  12. Amano S. “Characterization and mechanisms of photoageing-related changes in skin. Damages of basement membrane and dermal structures“. Exp Dermatol. 2016 Aug;25 Suppl 3:14-9. doi: 10.1111/exd.13085
  13. Ghassemi A, Prescher A, et al. “Anatomy of the SMAS revisited“. Aesthetic Plast Surg. 2003 Jul-Aug;27(4):258-64. doi: 10.1007/s00266-003-3065-3
  14. Khan U, Khalid N. “A Systematic Review of the Clinical Efficacy of Micro-Focused Ultrasound Treatment for Skin Rejuvenation and Tightening“. Cureus. 2021 Dec 4;13(12):e20163. doi: 10.7759/cureus.20163
  15. Alster TS, Graham PM. “Microneedling: A Review and Practical Guide“. Dermatol Surg. 2018 Mar;44(3):397-404. doi: 10.1097/DSS.0000000000001248
  16. Weiner SF. “Radiofrequency Microneedling: Overview of Technology, Advantages, Differences in Devices, Studies, and Indications“. Facial Plast Surg Clin North Am. 2019 Aug;27(3):291-303. doi: 10.1016/j.fsc.2019.03.002
  17. Lolis MS, Goldberg DJ. “Radiofrequency in cosmetic dermatology: a review“. Dermatol Surg. 2012 Nov;38(11):1765-76. doi: 10.1111/j.1524-4725.2012.02547.x
  18. Doshi SN, Alster TS. “Combination radiofrequency and diode laser for treatment of facial rhytides and skin laxity“. J Cosmet Laser Ther. 2005 Mar;7(1):11-5. doi: 10.1080/14764170410003075
  19. Tan MG, Jo CE, et al. “Radiofrequency Microneedling: A Comprehensive and Critical Review“. Dermatol Surg. 2021 Jun 1;47(6):755-761. doi: 10.1097/DSS.0000000000002972
  20. Lee YI, Kim E, et al. “Synergistic Effect of 300 μm Needle-Depth Fractional Microneedling Radiofrequency on the Treatment of Senescence-Induced Aging Hyperpigmentation of the Skin“. Int J Mol Sci. 2021 Jul 13;22(14):7480. doi: 10.3390/ijms22147480
  21. Casabona G. “Microfocused Ultrasound with Visualization for the Treatment of Stretch Marks“. J Clin Aesthet Dermatol. 2019 Feb;12(2):20-24
  22. Park JY, Lin F, et al. “Customized Treatment Using Microfocused Ultrasound with Visualization for Optimized Patient Outcomes: A Review of Skin-tightening Energy Technologies and a Pan-Asian Adaptation of the Expert Panel’s Gold Standard Consensus“. J Clin Aesthet Dermatol. 2021 May;14(5):E70-E79
  23. Sorrell JM, Caplan AI. “Fibroblast heterogeneity: more than skin deep“. J Cell Sci. 2004 Feb 15;117(Pt 5):667-75. doi: 10.1242/jcs.01005

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84