Uống vitamin C có trị mụn không?

Ngày 30/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Mụn là tình trạng khá thường gặp và thường có biểu hiện viêm và tăng sắc tố sau mụn – hay còn gọi là thâm mụn. Trong khi đó vitamin C hiện diện khá phổ biến trong các loại mỹ phẩm chăm sóc da, thuốc hoặc thực phẩm chức năng đã được chứng minh về hiệu quả giảm viêm và sáng da. Như vậy có thể sử dụng vitamin C để điều trị mụn hay không? Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin hữu ích về tác dụng của vitamin C đường uống trên làn da mụn.

Vitamin C là gì?

Vitamin C có tên khoa học là acid ascorbic, được nhà nghiên cứu Albert Szent Gyorgyi tìm ra, phân lập và chiết xuất vào năm 1928.

Vitamin C
Vitamin C có tên khoa học là acid ascorbic

Theo nghiên cứu, vitamin C là một trong 13 loại vitamin thiết yếu thuộc dạng vitamin tan được trong nước, rất cần thiết cho quá trình sinh tổng hợp collagen, l-carnitine và một số chất dẫn truyền thần kinh; đây là những dẫn chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và tái tạo các mô tế bào. Vitamin C đóng vai trò là yếu tố đồng vận chuyển enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa protein trong mọi hoạt động sống của cơ thể người. Ngoài ra, vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa để bảo vệ các tế bào của cơ thể chống lại các gốc tự do, yếu tố có thể gây ra bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh khác.

Tuy nhiên, cơ thể con người không thể tự tổng hợp được vitamin C nội sinh. Vì vậy, chúng ta cần phải bổ sung vitamin C thông qua chế độ ăn uống.

Trái cây và rau củ là nguồn cung cấp vitamin C tốt nhất. Trái cây có múi, cà chua và nước ép cà chua và khoai tây là những nguồn cung cấp vitamin C chính cho chế độ ăn uống của người Mỹ. Các nguồn thực phẩm tốt khác bao gồm ớt đỏ và xanh, quả kiwi, bông cải xanh, dâu tây và dưa đỏ. Những nguồn thực phẩm này cung cấp hàm lượng vitamin C đầy đủ nhất khi được ăn thô. Nấu chín hoặc bảo quản quá lâu sẽ làm giảm đi hàm lượng vitamin C.

Tác dụng của vitamin C với làn da

  • Vitamin C có tác dụng kháng viêm

Vitamin C có thể giúp giảm viêm bằng cách ức chế sản xuất các phân tử gây viêm như cytokine và prostaglandin. Đồng thời, vitamin C cũng thúc đẩy sản xuất các phân tử chống viêm như interferon, có thể giúp giảm phản ứng viêm trong cơ thể.

  • Vitamin C giúp bảo vệ da tránh khỏi tác động của tia UV từ ánh sáng mặt trời

Vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa hiệu quả, trung hòa các gốc tự do do tia UV tạo thành. Do đó, vitamin C giúp ngăn ngừa những tác dụng có hại của tia UV và bảo vệ làn da.

  • Vitamin C có tác dụng cải thiện nếp nhăn, trẻ hóa làn da

Collagen là loại protein chính trong nhiều mô liên kết trong cơ thể. Đặc biệt, collagen chiếm khoảng 70% cấu trúc lớp hạ bì của làn da, giữ vai trò kết nối các mô dưới da thành một cấu trúc hoàn chỉnh.

Vitamin C là thành phần quan trọng tham gia vào quá trình tăng sinh và ổn định sợi collagen, làm hạn chế việc hình thành vết nhăn trên da. Do đó bổ sung đầy đủ vitamin C sẽ giúp duy trì độ đàn hồi, căng mịn và săn chắc của làn da.

  • Vitamin C có tác dụng cải thiện các vết thâm, sạm trên da

Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cơ thể sẽ tăng cường sản xuất melanin – sắc tố tạo nên màu da, để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Tuy nhiên, sự sản sinh melanin quá mức sẽ gây ra tình trạng thâm, sạm ở da.

Vitamin C ức chế enzyme tyrosinase – enzyme đóng vai trò chuyển đổi acid amin tyrosine thành melanin. Vì vậy, bổ sung vitamin C thường xuyên sẽ giúp làm giảm tình trạng thâm, sạm ở da.

Dùng vitamin C có trị mụn không?

Mụn xảy ra khi nang lông bị tắc do bã nhờn và tế bào da chết. Bã nhờn là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn P. acnes sống trên da phát triển trong các nang lông bị tắc và gây nên tình trạng mụn viêm. Mụn viêm sau khi điều trị khỏi thường để lại tình trạng tăng sắc tố sau viêm hay còn gọi là thâm mụn. Vết thâm thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng gây mất thẩm mỹ.

Tâm lý căng thẳng, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc sự thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt và giai đoạn mãn kinh được xem là những nguyên nhân có thể làm tăng tiết bã nhờn quá mức gây ra mụn. Một số loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid, androgen và lithium cũng có thể gây ra mụn.

Có rất ít nghiên cứu về hiệu quả của vitamin C đường uống trong điều trị mụn. Mặc dù vitamin C đóng một vai trò quan trọng đối với làn da nhưng tác dụng của nó trong việc trị mụn vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng chỉ ra được những tác dụng dưới đây của vitamin C có thể hỗ trợ cho quá trình điều trị mụn:

  • Vitamin C có thể làm giảm viêm, giúp cải thiện tình trạng mụn viêm

Sự tăng hoạt động của vi khuẩn P. acnes tạo ra các chất gây viêm trên da. Vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hoá chống lại các gốc tự do, giúp làm giảm tình trạng sưng viêm do mụn.

  • Vitamin C cũng có thể thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương trên da

Vitamin C góp phần thúc đẩy sản xuất collagen, giúp tái tạo các mô, tế bào da đã bị tổn thương, giảm nguy cơ gây nên sẹo xấu sau mụn và rút ngắn thời gian lành thương.

  • Vitamin C giúp làm giảm tình trạng thâm sau mụn

Sau quá trình điều trị mụn viêm thường gặp tình trạng tăng sắc tố sau viêm còn gọi là thâm mụn. Sử dụng vitamin C ở giai đoạn này giúp cải thiện các vết thâm sạm do mụn gây ra.

Ca lâm sàng điều trị thành công tại Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Một số dạng bào chế vitamin C đường uống thông dụng

Viên uống vitamin C dạng viên sủi

Ưu điểm

  • Đây là dạng bào chế dễ sử dụng và tiện lợi.
  • Viên sủi hòa tan nhanh trong nước, giúp vitamin C hấp thu vào máu nhanh hơn.
  • Thuận tiện mang theo bên người và sử dụng ngay lúc cần.
  • Các loại sản phẩm thường có hương vị thơm ngon dễ uống.

Nhược điểm

  • Dễ bị oxy hóa sau khi đã hòa tan vào nước, vì vậy nên sử dụng ngay sau khi hòa tan xong để tránh vitamin C bị oxy hóa.
  • Nhiều viên sủi có thể chứa hàm lượng đường và muối cao nên sẽ không phù hợp cho người bị bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp.
Vitamin C dạng sủi
Vitamin C dạng viên sủi

Vitamin C dạng viên nang hoặc viên nén

Ưu điểm

  • Viên nang hoặc viên nén có thể cách ly được mùi và vị của dược chất bên trong phù hợp cho người không thích mùi vị của viên sủi.
  • Dễ dàng bảo quản và thuận tiện mang theo bên người.
  • Việc sử dụng khá đơn giản nhanh chóng.

Nhược điểm

  • Viên nang hoặc viên nén có thể gây khó nuốt, đặc biệt là dạng viên có hàm lượng vitamin C cao thường có kích cỡ khá to.
Vitamin C dạng viên nén
Vitamin C dạng viên nang

Nên chọn loại chế phẩm chứa vitamin C có hàm lượng bao nhiêu ?

Đối với hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh, lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày là 75mg đối với nữ giới và 90mg đối với nam giới. Một số đối tượng có thể cần liều vitamin C cao hơn, chẳng hạn như người hút thuốc, phụ nữ mang thai (85mg mỗi ngày) và phụ nữ cho con bú (120mg mỗi ngày).

Khi sử dụng vitamin C bằng đường uống, lớp biểu bì trong da thường hấp thu hàm lượng vitamin C cao hơn so với những mô khác (6 – 64mg/100g trọng lượng mô trong cơ thể). Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nồng độ vitamin C trong lớp biểu bì tăng gấp đôi khi bổ sung 3g vitamin C/ngày cho những người tham gia trong 6 tuần, một liều lượng cao hơn đáng kể so với lượng khuyến cáo hàng ngày và sẽ đạt được độ bão hòa huyết tương nhanh hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng hàm lượng cao đường uống thường không khả thi trên thực tế lâm sàng.

Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng liều vitamin C cao có thể có lợi cho việc cải thiện tình trạng của da. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng uống 1000 miligam vitamin C mỗi ngày trong 12 tuần đã cải thiện kết cấu da, làm mờ thâm sạm và giảm sự xuất hiện của nếp nhăn. Một nghiên cứu khác cho thấy dùng 500 miligam vitamin C mỗi ngày trong 16 tuần giúp giảm sự đổi màu da và cải thiện độ sáng của da.

Khi sử dụng đường uống thì hiệu quả của vitamin C bị giảm đi so với dạng bôi tại chỗ, tuy nhiên ưu điểm là hạn chế được tác dụng phụ như kích ứng da và hiện tượng bùng phát mụn. Ngoài ra vitamin C dạng uống mang lại hiệu quả kháng viêm từ sâu bên dưới da – điều mà các loại mỹ phẩm chứa vitamin C không làm được.

Xem thêm các bài viết liên quan

Một số lưu ý khi sử dụng vitamin C đường uống?

Vitamin C tan trong nước nên sẽ được thải trừ chủ yếu qua thận, vì vậy cần thận trọng ở người suy thận hoặc đang sử dụng thuốc khác cũng đào thải qua thận. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ hoặc Dược sĩ trước khi sử dụng.

Một số tác dụng thường gặp như.

  • Đỏ và cảm giác nóng ở da, đỏ bừng da.
  • Đau đầu.
  • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
  • Cảm thấy mệt mỏi.

Không nên lạm dụng vitamin C quá 2000mg mỗi ngày vì sẽ dẫn đến tình trạng quá liều và xuất hiện nhiều tác dụng phụ. Mặc dù hiếm gặp nhưng dùng vitamin C liều cao trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc một tình trạng hiếm gặp được gọi là chứng tăng oxalat niệu. Đây là tình trạng acid oxalic tăng bài tiết qua nước tiểu là nguy cơ cao gây sỏi thận.

Tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin C
Tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin C

Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng lâm sàng trong điều trị mụn, việc bổ sung vitamin C hằng ngày với liều lượng phù hợp sẽ có nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như duy trì độ căng mịn, đàn hồi của làn da. Đối với tình trạng mụn viêm, vitamin C giúp giảm viêm cũng như sửa chữa và thúc đẩy vết thương mau lành, hạn chế hình thành sẹo xấu.

Ngoài ra vitamin C có hiệu quả ức chế việc sản sinh melanin – tế bào sắc tố gây nên tình trạng thâm mụn. Việc sử dụng vitamin C đường bôi có ưu thế về tác dụng khi nồng độ vitamin C tại chỗ cao, trong khi đó vitamin C đường uống mang lại nhiều lợi ích khi vitamin C phát huy tác dụng từ bên trong cơ thể và hạn chế tác dụng kích ứng da.

Để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả và an toàn, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu trước khi bắt đầu sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin C.

Tài liệu tham khảo

  1. Vitamin C“. NIH
  2. Acne“. NIH
  3. The Roles of Vitamin C in Skin Health“. NIH
  4. ascorbic acid“. Medscape

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84