Thuốc tazarotene: công dụng và hướng dẫn sử dụng

Ngày 22/07/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Trong cuộc chiến chống lại mụn trứng cá, tazarotene nổi bật như một giải pháp hiệu quả. Với khả năng kiểm soát dầu thừa, giảm viêm và ngăn ngừa mụn mới, tazarotene đã chứng minh được hiệu quả từ mụn nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, việc sử dụng đúng cách là rất quan trọng để tránh kích ứng và đảm bảo an toàn. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về tazarotene và những lưu ý quan trọng khi dùng sản phẩm này!

Thuốc tazarotene là gì?

Tazarotene là một retinoid thế hệ 3, thường có dạng kem, gel hoặc bọt và được sử dụng theo toa. Nó hoạt động bằng cách giảm sự tăng sinh biểu bì và thúc đẩy sự biệt hóa tế bào sừng. Tazarotene được chấp thuận để điều trị bệnh vẩy nến và mụn trứng cá.

Chỉ có nồng độ 0.1% được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị mụn trứng cá. Kem và gel 0.1% được chỉ định cho mụn trứng cá từ trung bình đến nặng, trong khi dạng bọt 0.1% thích hợp cho mụn trứng cá nặng.

Một số chế phẩm tazarotene lưu hành tại Việt Nam:

  • Dạng gel: Tazorac 0.05% và 0.1%; Zorac 0.1%.
  • Dạng kem: Finacea 0.1%.
tazarotene là gì
Một số sản phẩm chứa hoạt chất tazarotene

Thành phần và công dụng thuốc tazarotene

Giống như retionoid bôi tại chỗ khác, tazarotene được khuyến cáo là liệu pháp đầu tay cho mụn trứng cá không viêm (mụn trứng cá mở và đóng) và mụn trứng cá viêm (sẩn, mụn mủ và u nang). Tazarotene tác động vào các vi nhân mụn (microcomedone), tổn thương nguyên phát qua 4 cơ chế chính:

  • Điều chỉnh quá trình bong tróc bất thường của biểu mô nang lông, làm sạch lỗ chân lông.
  • Thay đổi môi trường vi nang lông thành môi trường ít thuận lợi hơn cho sự phát triển của vi khuẩn C. acnes.
  • Điều hòa miễn dịch, ức chế các thụ thể toll-like receptor 2, kích thích giải phóng interleukin-5 và ức chế giải phóng TNF-γ.
  • Tăng khả năng thẩm thấu của các thuốc bôi khác bằng cách làm mỏng lớp sừng.

Ngoài ra, tazarotene còn thúc đẩy sự tái tạo biểu bì làm giảm tình trạng tăng sắc tố sau viêm. Không giống như tretinoin hay isotretinoin, tazarotene là retinoid chọn lọc thụ thể RAR-γ và RAR-β trên da. Một số nghiên cứu cho thấy gel tazarotene 0.1% có tác dụng chống mụn và chống viêm tốt hơn gel tretinoin 0.025% và 0.05%, gel microspher tretinoin 0.1% và cả gel adapalen 0.1%.

công thức hóa học của tazarotene
Tazarotene được khuyến cáo là liệu pháp đầu tay cho mụn trứng cá

Liều lượng và cách dùng thuốc tazarotene

Liều lượng

  • Tazarotene được chỉ định dùng trị mụn ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
  • Thoa một lượng vừa đủ kem hoặc gel một lần mỗi ngày vào buổi tối.
  • Hiệu quả có thể nhận thấy sau 4 tuần dùng thuốc.
  • Nếu quên liều, bỏ qua liều đã quên và tiếp tục như kế hoạch, không tự ý tăng liều.

Cách dùng thuốc

  • Rửa sạch và lau khô da trước khi thoa thuốc.
  • Thoa một lớp mỏng lên vùng da có mụn.
  • Tránh tiếp xúc với miệng, mắt và niêm mạc.
  • Rửa tay sau khi thoa thuốc.
  • Có thể dùng kem dưỡng ẩm trước hoặc sau khi thoa tazarotene.
  • Dạng kem phù hợp cho mụn nghiêm trọng như vết mụn nang hoặc mụn vùng lưng và da khô, dạng gel phù hợp cho mụn nhẹ đến trung bình và da dầu.
ca lâm sàng trị mụn có derma forte
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Tác dụng phụ của thuốc tazarotene

Việc sử dụng tazarotene có thể gây ra một số tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng. Các tác dụng phụ nhẹ bao gồm bong tróc, khô da, tăng nhạy cảm với ánh sáng, ban đỏ, ngứa và sưng tấy tại chỗ bôi thuốc. Những tác dụng phụ này thường là tạm thời và dễ quản lý, nhưng nếu kéo dài hoặc nặng thêm, hãy liên hệ với Bác sĩ Da liễu.

Tazarotene cũng có thể gây ra các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng như kích ứng da nặng, phản ứng dị ứng nặng, tăng nguy cơ bị cháy nắng. Hãy liên hệ ngay với Bác sĩ nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Hãy liên lạc với Bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng.

thăm khám bác sĩ được tư vấn và điều trị
Thăm khám Bác sĩ để được tư vấn và điều trị mụn

Lưu ý khi sử dụng

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tazarotene bao gồm:

  • Tiền sử dị ứng: nếu có tiền sử dị ứng liên quan đến vitamin A, hãy thận trọng khi sử dụng tazarotene.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: tazarotene được phân loại X do khả năng gây quái thai và độc tính trên phôi thai. Do đó, chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Cần xét nghiệm máu loại trừ khả năng mang thai trước khi dùng thuốc.
  • Tiền sử bệnh lý da: không dùng tazarotene nếu có tiền sử chàm, cháy nắng, hoặc nhạy cảm với ánh nắng. Không bôi thuốc lên vết thương hở hoặc vùng da bị chàm.
  • Tăng nhạy cảm ánh nắng: tazarotene làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng, cần sử dụng kem chống nắng SPF 30 trở lên và mặc quần áo bảo vệ.
  • Kích ứng da: có thể gây ban đỏ, ngứa, nóng rát hoặc châm chích. Nếu kích ứng quá mức, ngừng dùng thuốc tạm thời.
  • Tránh tiếp xúc với mắt và miệng: nếu thuốc dính vào mắt hoặc miệng, rửa sạch ngay với nước.

Xem thêm các bài viết liên quan

Tương tác thuốc

  • Nhạy cảm với ánh sáng: tazarotene có thể làm tăng nhạy cảm với ánh sáng, nên thận trọng khi dùng cùng các chất như fluoroquinolon, phenothiazin, sulfonamid, tetracyclin, và thuốc lợi tiểu thiazid.
  • Sản phẩm chứa cồn và gia vị: do tazarotene có đặc tính làm khô da, việc sử dụng đồng thời với các sản phẩm chứa cồn, vôi, hoặc sản phẩm như kem cạo râu và chất làm se có thể làm tình trạng da khô nặng hơn.

Nhìn chung, thuốc tazarotene là một sản phẩm hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá và cải thiện được vẻ đẹp làn da. Bên cạnh đó, tazarotene cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ và tương tác thuốc đi kèm. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chế phẩm tazarotene nào để đảm bảo rằng nó phù hợp với tình trạng da của mình.

Tài liệu tham khảo

  1. Talpur R, Cox K, Duvic M. “Efficacy and safety of topical tazarotene: a review“. Expert Opin Drug Metab Toxicol. 2009 Feb;5(2):195-210. doi: 10.1517/17425250902721250. PMID: 20213916
  2. Tazarotene (Topical) (Monograph)“. Drug.com
  3. Gregoriou S, Kritsotaki E, Katoulis A, Rigopoulos D. “Use of tazarotene foam for the treatment of acne vulgaris“. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2014 May 27;7:165-70. doi: 10.2147/CCID.S37327. PMID: 24920932; PMCID: PMC4043801
  4. Tazorac and Its Use for Treating Acne“. Healthline

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84