Phát ban mụn trứng cá không chỉ làm mất thẩm mỹ làn da mà còn gây ra cảm giác khó chịu như đau, ngứa, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày. Vậy phát ban mụn trứng cá là gì, nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và cách điều trị hiệu quả ra sao? Hãy cùng Doctor Acnes khám phá trong bài viết dưới đây!
Phát ban mụn trứng cá là gì?
Phát ban mụn trứng cá là một nhóm rối loạn da đặc trưng bởi sự xuất hiện của các sẩn và mụn mủ, tương tự với mụn trứng cá thông thường. Việc phân biệt giữa phát ban mụn trứng cá và mụn thông thường có thể gặp khó khăn trong thực hành lâm sàng.
Phát ban mụn trứng cá thường có các đặc điểm lâm sàng khác biệt với mụn trứng cá thông thường như sự khởi phát đột ngột, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tổn thương đồng nhất (các sẩn và mụn mủ có kích thước, hình dạng giống nhau) và phân bố ngoài các vùng tiết bã nhờn như mặt, ngực và lưng.
Nguyên nhân gây phát ban mụn trứng cá
Phát ban mụn trứng cá là kết quả của một quá trình phức tạp với nhiều yếu tố tác động và chưa có một cơ chế duy nhất nào được xác định là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra phát ban mụn trứng cá:
- Do thuốc điều trị bệnh
Một số loại thuốc bao gồm corticosteroid, thuốc chống động kinh (phenytoin), thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần (olanzapine và lithium), thuốc kháng lao (INH, thiourea, thiouracil, disulfiram và corticotropin), thuốc kháng nấm (nystatin và itraconazole), hydroxychloroquine, naproxen, thủy ngân, amineptine và thuốc hóa trị có thể gây phát ban mụn trứng cá.
Các kháng sinh nhóm penicillin và macrolide có thể gây phát ban mụn toàn thân cấp tính mà không có nhân mụn. Bên cạnh đó, đã có một số báo cáo được ghi nhận về bùng phát mụn do sử dụng vitamin B12 liều cao, bổ sung kéo dài hoặc sử dụng vitamin B12 đồng thời với vitamin B1, B2 hoặc B6.
- Sử dụng hoặc lạm dụng steroid
Phát ban mụn trứng cá do steroid là tổn thương xuất hiện sau khi sử dụng corticosteroid đường uống. Corticosteroid bôi ngoài da cũng có thể gây phát ban mụn ở vùng da được bôi thuốc hoặc quanh mũi và miệng nếu dùng steroid dạng hít.
Các phát ban này thường biểu hiện dưới dạng đỏ da với các mụn mủ và viêm. Các tổn thương này sẽ tự khỏi khi ngừng sử dụng corticosteroid. Tuy nhiên, các đợt bùng phát kéo dài và nghiêm trọng có thể xuất hiện do “phụ thuộc steroid” sau khi ngừng thuốc.
- Yếu tố liên quan đến đặc thù nghề nghiệp
Phát ban mụn trứng cá có thể liên quan đến yếu tố nghề nghiệp, đặc biệt khi da tiếp xúc với các chất gây tắc nghẽn nang lông tại nơi làm việc. Những chất này bao gồm dẫn xuất nhựa than đá, sản phẩm từ dầu mỏ như dầu máy hoặc dầu bôi trơn, các hydrocarbon thơm clo hóa trong dung môi công nghiệp.
Triệu chứng thường gặp là sự xuất hiện của mụn viêm không nhân hoặc mụn mủ trên vùng da tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân này, thậm chí có thể xuất hiện cả trên vùng da được che phủ.
- Phát ban do nhiệt (tropical acne)
Tropical acne là một dạng phát ban mụn nang lông do tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ cực kỳ cao. Tình trạng này có thể xuất hiện ở các vùng nhiệt đới hoặc do làm việc trong môi trường cực kỳ nóng như công nhân lò nung.
Tropical acne đã từng chiếm tỷ lệ mắc phải cao trong quân đội. Các biểu hiện thường gặp bao gồm mụn nang viêm nặng, thường xuất hiện ở thân và vùng chậu, nhiễm khuẩn do Staphylococcus thứ phát là một biến chứng phổ biến.
Cách điều trị phát ban mụn trứng cá hiệu quả
Việc điều trị phát ban mụn trứng cá phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đầu tiên, cần ngừng tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích, đặc biệt trong môi trường làm việc. Giảm thiểu ma sát và hạn chế làm việc trong điều kiện nóng bức, đổ mồ hôi sẽ giúp giảm nguy cơ phát ban.
Các phương pháp điều trị cụ thể có thể bao gồm:
- Thuốc kháng histamine: hữu ích trong việc giảm ngứa, đặc biệt vào ban đêm. Các loại thuốc kháng histamine thế hệ thứ nhất như chlorpheniramine được ưu tiên nhờ tác dụng an thần, hỗ trợ giấc ngủ.
- Kháng sinh: được chỉ định khi phát ban liên quan đến nhiễm khuẩn. Ví dụ, doxycycline hiệu quả với vi khuẩn gram dương, còn tetracycline thường được dùng cho các phát ban da do thuốc ức chế EGFR.
- Kháng nấm: econazole hoặc ketoconazole được sử dụng trong trường hợp viêm nang lông do Pityrosporum.
- Dapsone: hiệu quả trong các trường hợp phát ban mụn mủ kèm tăng bạch cầu ái toan, thường được sử dụng với liệu trình ngắn theo chỉ định của Bác sĩ.
Xem thêm các bài viết liên quan
Phương pháp ngăn ngừa phát ban mụn trứng cá
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy tuân thủ một số điều đơn giản sau để bảo vệ làn da:
- Giảm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh: tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng như thuốc, hóa chất hoặc các sản phẩm gây mụn. Hạn chế sử dụng các loại thuốc có nguy cơ gây phát ban mụn trứng cá, đặc biệt là corticosteroid.
- Bảo vệ da trong môi trường làm việc: giữ vệ sinh sạch sẽ, thay đổi quần áo bảo hộ thường xuyên, đồng thời hạn chế tiếp xúc lâu dài với các chất như nhựa than đá, sản phẩm dầu mỏ hoặc hóa chất trong môi trường làm việc.
Phát ban mụn trứng cá không giống với mụn trứng cá thông thường. Tình trạng này thường xuất hiện đột ngột và có thể do nhiều nguyên nhân như thuốc, steroid, môi trường làm việc hoặc thời tiết. Xác định rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời là chìa khóa để kiểm soát tình trạng này. Nếu bạn đang gặp phải các dấu hiệu bất thường, hãy liên hệ ngay Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được Bác sĩ Da liễu tư vấn và đưa ra giải pháp hiệu quả, giúp làn da nhanh chóng phục hồi và khỏe mạnh!
Tài liệu tham khảo
- “Acneiform Eruptions“. NIH