Tình trạng da nhiễm corticoid thường có nguyên nhân từ các loại mỹ phẩm giá rẻ, nguồn gốc không rõ ràng trên thị trường. Các loại mỹ phẩm này thường được quảng cáo về hiệu quả trị mụn, nám và làm đẹp da. Nguy hiểm hơn là chúng thường rất được các chị em tin dùng và giới thiệu lẫn nhau mà không biết được nguy cơ lâu dài của nó.
Hậu quả thường gặp là da bị tiếp xúc corticoid với nồng độ cao trong một thời gian dài gây nên tình trạng nghiện hay còn gọi là da nhiễm corticoid. Nhận diện sớm tình trạng da nhiễm corticoid là rất quan trọng để kịp thời “cai nghiện” và hồi phục làn da. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn các dấu hiệu để nhận biết da nhiễm corticoid để từ đó có hướng xử lý kịp thời.
Thế nào là da nhiễm corticoid?
Corticoid (hay còn gọi là corticosteroid, glucocorticosteroid) là một loại thuốc kháng viêm phổ biến. Corticoid gồm 2 loại: loại có tác dụng toàn thân và loại có tác dụng tại chỗ. Trong đó corticoid tại chỗ được sử dụng nhiều trong điều trị các bệnh lý da.
Một số loại corticoid (betamethasone, fluocinonide, hydrocortisone…) đã được FDA chấp nhận trong các chỉ định điều trị triệu chứng viêm và ngứa của bệnh vẩy nến, bệnh bạch biến, chàm, viêm da dị ứng, lupus ban đỏ, tăng tiết bã nhờn và viêm da tiếp xúc. Chúng có hiệu quả đối với các tình trạng liên quan đến các đặc tính tăng sinh, miễn dịch và viêm.
Điều đáng lo ngại là corticoid có nhiều tác dụng phụ khi sử dụng thời gian dài như mỏng da, tăng sinh mao mạch làm đỏ da, da bị teo và đau rát, đặc biệt khi ngừng sử dụng sẽ có triệu chứng mụn ồ ạt hoặc nám trở lại. Thông thường thì tác dụng phụ của corticoid sẽ xuất hiện ở những bệnh nhân sử dụng quá 2 tháng.
Việc lạm dụng corticoid tại chỗ rất thường gặp. Tình trạng da nhiễm corticoid cũng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như da nghiện steroid, hội chứng mặt đỏ.
Nguyên nhân gây nên tình trạng da nhiễm corticoid
Nguyên nhân khiến da bị nhiễm corticoid là do mọi người lạm dụng các sản phẩm có chứa nhiều corticoid lên da trong một thời gian dài. Corticoid giúp làm giảm triệu chứng nhanh chóng trong hầu hết bệnh viêm da, đặc biệt là trong một khoảng thời gian ngắn.
Gần 15% bệnh nhân da liễu ngoại trú đã sử dụng corticoid trước khi đến gặp Bác sĩ và có đến hơn 93% các trường hợp này hoàn toàn không cần thiết sử dụng corticoid, sử dụng lâu hơn mức cần thiết, dùng sai mục đích hoặc sử dụng không có sự chuẩn đoán đúng về tình trạng da.
Đặc biệt bệnh nhân có thể dễ dàng mua corticoid tại nhà thuốc mà không cần đơn của Bác sĩ cũng làm cho tình trạng này trở nên phức tạp hơn.
Ngoài ra, để đạt được mục đích lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên thị trường đã tự thêm corticoid vào thành phần các loại kem trị mụn, nám và bán cho người tiêu dùng.
Việc sử dụng các loại chế phẩm này ban đầu có thể mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên những tác dụng phụ nghiêm trọng như teo da, giãn tĩnh mạch, chứng đỏ mặt, viêm da tiếp xúc sẽ bắt đầu xuất hiện sau một thời gian sử dụng. Các tác dụng phụ vẫn còn kéo dài sau khi ngưng sử dụng do da đã nhiễm một lượng lớn corticoid.
Nhận biết các cấp độ da nhiễm corticoid
Thông thường dấu hiệu da nhiễm corticoid rất khó phát hiện ở mức độ nhẹ do các triệu chứng không quá rõ ràng, thường là nổi mụn, đỏ da và ngứa. Do đó, cần nhận biết các biểu hiện của da nhiễm corticoid để có thể chữa trị hoặc phòng ngừa sớm.
Tùy vào thời gian sử dụng mà các dấu hiệu của bệnh sẽ khác nhau, thường các triệu chứng sẽ bùng phát sau khi ngưng sử dụng sản phẩm chứa corticoid. Các triệu chứng lâm sàng của da nhiễm corticoid được mô tả tách biệt 2 giai đoạn trước và sau khi da nghiện corticoid.
Dưới đây là biểu hiện của các cấp độ nhiễm corticoid của da mà bạn có thể tham khảo:
Da nhiễm corticoid cấp độ 1
Trước khi da nghiện corticoid, làn da thường trông gần như bình thường hoặc đã được kiểm soát tốt bằng corticoid tại chỗ.
Tuy nhiên, bệnh nhân thường thấy có nhiều triệu chứng bất thường xảy ra trên da như tình trạng ngứa có thể gây khó chịu nhiều hơn trước đây (dấu hiệu cho thấy da bắt đầu bị nhiễm corticoid) hoặc cảm thấy corticoid đang sử dụng không còn hiệu quả tốt như trước nữa.
Đối với nhiều người khác, sau khi sử dụng corticoid tình trạng sẩn ngứa sẽ xuất hiện và phát triển như 1 loại tổn thương khó chữa ví dụ như nốt sần kèm theo ngứa dữ dội.
Da nhiễm corticoid cấp độ 2
Sau khi da bị lệ thuộc vào corticoid, tình trạng da đỏ thường phát triển từ vùng da nơi vết chàm cũ và lan rộng ra từng ngày. Vùng da ban đầu dày lên do chàm (thường kèm theo sẩn ngứa) sẽ trở nên mỏng đi, lan rộng đến những vùng da chưa sử dụng corticoid.
Trong những trường hợp nhẹ hơn, ban đỏ tái phát chỉ đơn giản bao gồm tình trạng da đỏ bừng, ban đỏ có hoặc không có phù nề tiết dịch, nhưng trong những trường hợp nặng hơn có thể có rất nhiều biểu hiện trên da như sẩn ngứa, mụn mủ và đôi khi đi kèm với sốt cao. Tình trạng này có thể dao động từ vài ngày đến vài tháng tùy từng bệnh nhân.
Đợt bùng phát này dần dần trở nên nhẹ hơn qua thời gian và lan đến các vùng da khác. Sốt cao thường sẽ giảm sau vài ngày.
Da nhiễm corticoid cấp độ 3
Sau giai đoạn cấp tính của tình trạng đỏ da, là giai đoạn da trở nên khô ngứa, dày lên và tróc vảy. Giai đoạn này bệnh nhân thường cảm thấy chán nản và bi quan vì các triệu chứng diễn ra trên da.
Mặc dù tình trạng da sẽ cải thiện nhưng lại rất nhạy cảm và phản ứng với mọi kích thích nhỏ, ngay cả việc thay đổi khí hậu cũng có thể trở thành yếu tố làm tình trạng nhạy cảm của da trở nên trầm trọng hơn.
>>> Xem ngay: Cách phục hồi da nhiễm corticoid từ việc dùng kem trộn từ Bác sĩ Da liễu
Ở mức độ nhẹ thì tổn thương da do corticoid gây ra không đáng kể và có thể phục hồi nếu bạn có lộ trình chăm sóc da cẩn thận và phù hợp với tình trạng da của mình. Vì thế, tìm hiểu về các cấp độ da nhiễm corticoid là một biện pháp tốt để có thể phát hiện sớm và có biện pháp chữa trị kịp thời.
Đồng thời khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da thì bạn cần cân nhắc cẩn thận và kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định để tránh mua phải các sản phẩm kém chất lượng, không nên tin dùng các sản phẩm không có bao bì, nguồn gốc và bảng thành phần không rõ ràng.
Đặc biệt, ngay khi thấy da có các dấu hiệu được đề cập ở trên thì bạn nên dừng sử dụng các loại mỹ phẩm hoặc các loại thuốc bôi lên da nghi ngờ có thành phần corticoid và nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín về Da liễu để có thể được chuẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc da đúng cách.
Tài liệu tham khảo
- Sarah Gabros; Trevor A. Nessel; Patrick M. Zito. “Topical Corticosteroids”. Ncbi.nlm.nih.gov
- Abir Saraswat, Koushik Lahiri, Manas Chatterjee, Kolkata Shyamanta. “Topical corticosteroid abuse on the face: A prospective, multicenter study of dermatology outpatients”. Indian Journal of Dermatology, Venereology and Leprology 77(2):160-6
- Mototsugu Fukaya, Kenji Sato, Mitsuko Sato, Hajime Kimata. “Topical steroid addiction in atopic dermatitis”. Drug Healthc Patient Saf. 2014; 6: 131–138