Ứng dụng tiêm mesotherapy vào quá trình điều trị và làm đẹp da đang rất phổ biến hiện nay. Một câu hỏi thường gặp khi tham khảo về dịch vụ này là nên lựa chọn tiêm mesotherapy bằng máy hay bằng tay? Bài viết này sẽ giúp hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa hai hình thức tiêm này và từ đó có thể lựa chọn hình thức tiêm mesotherapy phù hợp cho mình.
Tiêm mesotherapy là gì?
Mesotherapy (hay còn gọi là tiêm meso, tiêm vi điểm) là kỹ thuật sử dụng kim nhỏ để tiêm vào da một lượng nhỏ thuốc hoặc dưỡng chất giúp mang lại tác dụng mong muốn. Vì hoạt chất được đưa trực tiếp vào trong da, nên mesotherapy mang lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp bôi ngoài da thông thường do giải quyết được rào cản về thẩm thấu của thuốc qua lớp thượng bì. Mesotherapy là một kỹ thuật được ứng dụng khá phổ biến hiện nay trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ.
Trong phương pháp mesotherapy, làn da hoạt động như một hệ thống phóng thích hoạt chất theo thời gian. Từ vị trí tiêm, các hoạt chất sẽ lan tỏa đều ra các mô lân cận, kích hoạt các đáp ứng sinh học của làn da và cơ thể; từ đó mang lại hiệu quả điều trị. Phương pháp này mang nhiều ưu điểm như giá thành hợp lý, thuốc đến trực tiếp vị trí mục tiêu, hiệu quả nhìn thấy được nhanh, không phẫu thuật, xâm lấn tối thiểu, ít đau và không cần phải nhập viện điều trị.
Cơ chế chung của tiêm mesotherapy là tạo nên các vết xâm lấn tối thiểu trên da nhờ vào tác động cơ học gây ra bởi các mũi tiêm, từ đó kích thích phản ứng tự nhiên của cơ thể, tăng sản sinh các chất tăng trưởng giúp phục hồi da, tái tạo và làm lành vết thương. Ngoài ra, tác dụng chính của tiêm mesotherapy còn đến từ tác động sinh hóa của hoạt chất được sử dụng trong quá trình trị liệu.
Ứng dụng tiêm mesotherapy
Mesotherapy là kỹ thuật được phát triển bởi Bác sĩ người Pháp Michel Pistor vào năm 1952, với mục đích ban đầu là giúp giảm đau. Về sau, mesotherapy được phát triển mở rộng hơn, với ý tưởng giúp khắc phục các vấn đề cơ bản gây tổn thương da như tuần hoàn kém và viêm nhiễm. Hiện nay, kỹ thuật mesotherapy được ứng dụng rộng rãi trong.
- Căng bóng và trẻ hóa da (mesolift): đây cũng là chỉ định phổ biến nhất của mesotherapy. Làn da được cung cấp các dưỡng chất như hyaluronic acid, peptide, tế bào gốc, exosome… giúp làm tăng sản xuất collagen và elastin, mang lại hiệu quả săn chắc và trẻ hóa da. Huyết tương giàu tiểu cầu (platelet-rich plasma, PRP) chứa các yếu tố tăng trưởng cần thiết cho các nguyên bào sợi, giúp tăng sản xuất collagen và duy trì làn da khoẻ mạnh, nên cũng được ứng dụng trong mesotherapy trẻ hoá da.
- Làm trắng sáng da, giảm thâm nám và đều màu da (mesoglow): sử dụng mesotherapy để đưa các hoạt chất làm trắng da như vitamin C, glutathione, tranexamic… trực tiếp vào lớp trung bì, mang lại hiệu quả nhanh và cao hơn so với phương pháp sử dụng serum hay kem bôi ngoài da thông thường.
- Điều trị sẹo: sử dụng mesotherapy để đưa các hoạt chất tăng sinh collagen giúp làm đầy vùng da bị sẹo lõm hoặc các yếu tố tăng trưởng giúp đẩy nhanh quá trình lành thương. PRP thường được ứng dụng trong mesotherapy trị sẹo.
- Điều trị và phục hồi da mụn: thường sử dụng các chất giảm tiết bã nhờn (dẫn xuất của vitamin A, retinol, nguyên tố vi lượng…) và các chất kháng viêm (chiết xuất thực vật, corticoid…).
- Phục hồi da nhiễm corticoid: đưa trực tiếp vào da các hoạt chất có tác dụng phục hồi như niacinamide, hyaluronic acid, amino acid, acid pantothenic, pyridoxine, biotin… giúp tăng sinh tế bào da và tái tạo mô da, tăng cường hệ miễn dịch và làm khỏe da.
- Giảm mỡ thừa (mesofat/mesosculpt): mesotherapy có thể được ứng dụng như một phương pháp giảm béo không cần phẫu thuật, thông qua việc giảm mỡ thừa dưới da ở một số vùng da thiếu săn chắc như nọng cằm, má, bắp tay, đùi, bụng… Các chất được sử dụng trong liệu pháp mesotherapy giảm mỡ là những chất giúp tăng chuyển hóa mỡ hoặc các chất kích hoạt mạch máu giúp tăng đào thải các sản phẩm chuyển hóa (như lecithin, isoproterenol…). Tác dụng này của mesotherapy cũng được áp dụng trong điều trị tình trạng sần vỏ cam, giúp cải thiện tình trạng chất béo bị đẩy vào mô liên kết khiến da sần sùi mất thẩm mỹ.
- Điều trị chứng rụng tóc (mesohair): sử dụng mesotherapy để đưa các hoạt chất kích thích tăng trưởng và thành phần dinh dưỡng cần thiết vào sâu chân tóc, thúc đẩy quá trình tái tạo nang tóc mới, nuôi dưỡng và tái tạo collagen giúp da đầu khỏe mạnh.
>>> Xem thêm: Tiêm căng bóng da: tất cả những gì bạn nên biết trước khi thực hiện
Hiệu quả và thời gian hiệu quả của liệu pháp mesotherapy phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thành phần hoạt chất được sử dụng, tình trạng da ban đầu, đáp ứng của làn da và cơ thể… Trong mỗi trường hợp, Bác sĩ có thể lựa chọn sử dụng một hoạt chất đơn lẻ hoặc phối hợp nhiều hoạt chất khác nhau (cocktail) nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, liệu trình cũng được cá thể hóa cho từng bệnh nhân. Do đó, việc được thăm khám cẩn thận, khai thác đầy đủ các thông tin liên quan đến bệnh sử, dị ứng… là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần phải được thực hiện bởi các Bác sĩ Da liễu có tay nghề và kinh nghiệm để đưa ra tư vấn và liệu trình phù hợp.
Kỹ thuật tiêm mesotherapy
Mesotherapy dùng trong thẩm mỹ là một kỹ thuật tiêm trong da. Trên thị trường hiện tại có 2 hình thức tiêm mesotherapy khác nhau, đó là tiêm tự động bằng máy (hoặc súng tiêm) và tiêm bằng tay. Tiêm mesotherapy bằng máy là sử dụng dụng cụ chuyên dụng gồm nhiều đầu kim và dưỡng chất sẽ được đưa vào da qua từng đầu kim đó. Sau khi lựa chọn độ sâu cần tiêm, quy trình tiêm sẽ được tự động hóa và hoàn thành nhanh hơn tiêm bằng tay. Trong khi đó, tiêm bằng tay là hình thức tiêm mà người thực hiện trực tiếp sử dụng ống kim tiêm để đưa dưỡng chất vào da.
Trong tiêm mesotherapy, việc lựa chọn kim tiêm có chiều dài và kích thước phù hợp để điều chỉnh góc tiêm dễ dàng mà lại ít biến chứng là rất quan trọng. Kim thường dùng có chiều dài 4mm, 6mm hoặc 13mm. Về độ lớn, kim 34G, 33G, 32G, 30G hoặc 27G thường được lựa chọn. Kim tiêm có số gauge (G) càng lớn thì kim càng nhỏ, điều này có nghĩa là kim 34G, 33G sẽ nhỏ và mảnh hơn so với kim 27G. Việc sử dụng kim tiêm nhỏ mang đến nhiều lợi điểm như.
- Tiêm ít đau.
- Mức độ xâm lấn tối thiểu, vết tiêm trên da nhỏ, không gây tổn thương da.
- Hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
- Hạn chế tụ máu, sưng bầm.
- Thuốc được hấp thu chậm và lan tỏa từ từ.
- Không để lại sẹo.
Quy trình thực hiện tiêm mesotherapy.
- Thăm khám, phân tích và tư vấn chọn lựa hoạt chất tiêm phù hợp cho bệnh nhân.
- Làm sạch da.
- Sát trùng và gây tê bề mặt để giảm thiểu sự khó chịu trong suốt quá trình điều trị.
- Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm trong da hoạt chất đã chọn nhằm đưa được lượng thuốc vào da tốt nhất và tránh hiện tượng trào thuốc. Các điểm tiêm cần có khoảng cách phù hợp và phủ hết diện tích khu vực da cần điều trị.
- Sát khuẩn lại vùng da vừa điều trị và sử dụng điện di lạnh giúp làm dịu da.
- Chiếu ánh sáng sinh học giúp giảm đỏ, giảm viêm.
- Cuối cùng, Bác sĩ sẽ dặn dò, hướng dẫn cách chăm sóc và kê các sản phẩm phù hợp để duy trì hiệu quả tối ưu của mesotherapy.
So sánh tiêm meso bằng tay và bằng máy
Một số khác biệt giữa tiêm mesotherapy bằng tay và bằng máy được liệt kê trong bảng dưới đây.
Tiêm mesotherapy bằng tay | Tiêm mesotherapy bằng máy |
Bác sĩ sẽ lựa chọn các kích thước kim phù hợp cho từng trường hợp | Đầu kim của máy rất ngắn, có thể sẽ không đủ áp lực để đẩy thuốc vào da |
Bác sĩ sẽ tiêm góc khoảng 15 độ so với da, giúp giảm nguy cơ trào thuốc ra ngoài | Máy sẽ đi vuông góc với bề mặt da, có thể gây trào thuốc ra bên ngoài |
Cho phép thực hiện chính xác từng điểm trên da và điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể. Có thể kiểm soát được lượng thuốc được tiêm vào từng thời điểm | Mỗi vùng da sẽ được máy đi qua một lần với độ sâu của kim như nhau, nên không điều chỉnh được lượng thuốc cho những vùng da cần điều trị tích cực hơn |
Bác sĩ có thể sử dụng nhiều kỹ thuật tiêm khác nhau | Chỉ thực hiện được một vài kỹ thuật tiêm nhất định dựa trên loại máy được sử dụng |
Tiêm chậm hơn, giúp hạn chế được áp lực cao gây vỡ các mạch máu nhỏ dưới da, giảm thiểu nguy cơ tụ máu, bầm sau tiêm | Tự động hóa nên tiêm nhanh hơn. Nhưng do tiêm nhanh nên mạch máu dưới da phải chịu áp lực lớn hơn nên da dễ bị bầm hơn |
Sử dụng đầu kim tiêm càng nhỏ thì cảm giác đau càng ít | Ít đau hơn tiêm bằng tay |
Đòi hỏi người thực hiện phải là Bác sĩ Da liễu có chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng tốt | Tự động hóa nên người thực hiện tiêm có thể là người không có chuyên môn |
Giá thành thấp hơn | Giá thành cao. Nếu máy tiêm không đảm bảo chất lượng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng |
Nhìn chung, tiêm mesotherapy bằng máy hay bằng tay sẽ có một số khác biệt nhất định. Tiêm bằng tay cho phép việc tiêm được điều chỉnh, cá thể hóa cho từng trường hợp cụ thể, qua đó giúp đảm bảo hiệu quả và an toàn trong suốt quá trình tiêm. Điều này rất có ý nghĩa trong những trường hợp có trình trạng da phức tạp cần điều trị tích cực hoặc có làn da nhạy cảm.
Biến chứng khi tiêm mesotherapy
Nhìn chung, tiêm mesotherapy là một phương pháp làm đẹp tương đối dễ thực hiện, an toàn với tỷ lệ tác dụng phụ/biến chứng rất thấp nếu được thực hiện bởi các Bác sĩ hoặc chuyên gia Da liễu được đào tạo bài bản. Các biến chứng nếu có thường chỉ xung quanh vùng da được tiêm và ít nghiêm trọng. Một vài nguy cơ có thể gặp khi tiêm mesotherapy bao gồm:- Biến chứng xuất hiện sớm: đau hoặc chảy máu; cảm giác nóng rát hoặc tê tại vùng da được tiêm; ngứa, bầm tím, sưng phù. Hầu hết đây là các phản ứng ngắn hạn, ít nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau khi tiêm.
- Biến chứng xuất hiện muộn: dị ứng, tăng sắc tố da, nhiễm trùng, u hạt. Đây là những biến chứng nghiêm trọng hơn, cần phải có sự can thiệp và xử trí từ Bác sĩ nếu có dị ứng, nhiễm trùng hoặc u hạt.
>>> Xem thêm: 6 biến chứng tiêm mesotherapy và cách xử lý
Nhìn chung, nguy cơ gặp các biến chứng có liên quan đến trình độ chuyên môn kém của người thực hiện thủ thuật hoặc mức độ vô khuẩn của cơ sở không được đảm bảo. Các biến chứng này có thể được hạn chế bằng việc sử dụng đầu kim nhỏ để hạn chế tối đa sự xâm lấn, và kỹ thuật tiêm tốt của người thực hiện.
Người thực hiện tiêm mesotherapy nên là Bác sĩ Da liễu có chuyên môn và kinh nghiệm, vì Bác sĩ là người hiểu rõ và tuân thủ đúng quy trình vô khuẩn như vệ sinh tay, thao tác pha và lấy thuốc, thực hiện tiêm và rút kim đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần đảm bảo điều kiện vệ sinh của nơi thực hiện thủ thuật, sử dụng các dụng cụ được khử trùng cẩn thận.
Một số lưu ý khi lựa chọn dịch vụ tiêm mesotherapy
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ tiêm mesotherapy. Thậm chí nhiều trường hợp mesotherapy được thực hiện bởi những người không được đào tạo bài bản về chuyên môn như thợ gội đầu, thợ nail, thợ trang điểm… Nếu có ý định thực hiện tiêm mesotherapy, cần cẩn thận lựa chọn cơ sở uy tín, với người trực tiếp thăm khám và thực hiện tiêm là Bác sĩ Da liễu được đào tạo bài bản, có chuyên môn vững vàng và kinh nghiệm. Điều này sẽ giúp.
- Được thăm khám, khai thác bệnh sử và đánh giá chính xác tình trạng da, từ đó được tư vấn liệu trình phù hợp nhất và theo dõi sau đó.
- Được sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm định và cấp phép lưu hành.
- Quy trình vệ sinh vô khuẩn được đảm bảo, hạn chế nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Giảm thiểu nguy cơ gặp các biến chứng. Nếu có phản ứng không mong muốn xảy ra, các Bác sĩ Da liễu sẽ biết cách xử trí và theo dõi tình trạng của bệnh nhân.
Tóm lại, mesotherapy là kỹ thuật sử dụng kim tiêm nhỏ để đưa trực tiếp hoạt chất vào da, nhằm mang lại tác dụng mong muốn. Kỹ thuật này tương đối dễ thực hiện, an toàn và có ứng dụng đa dạng. Tiêm mesotherapy có thể được thực hiện bằng tay hoặc bằng máy, mỗi hình thức này có những ưu và nhược điểm khác nhau. Cho dù thực hiện tiêm mesotherapy bằng tay hay bằng máy, cần lưu ý luôn lựa chọn cơ sở hoặc Phòng khám uy tín với người trực tiếp tiêm là Bác sĩ Da liễu để đảm bảo hiệu quả và an toàn nhé.
Tài liệu tham khảo
- Sivagnanam G. “Mesotherapy – The french connection“. J Pharmacol Pharmacother. 2010 Jan;1(1):4-8. doi: 10.4103/0976-500X.64529. PMID: 21808584; PMCID: PMC3142757
- Hasan, I., Kumar, P., & Ahmad, H. “Mesotherapy Strategies and Techniques: A View“. Journal of Pharma and Ayurved Research, 1(1)
- Atiyeh, B.S., Ibrahim, A.E. & Dibo, S.A. “Cosmetic Mesotherapy: Between Scientific Evidence, Science Fiction, and Lucrative Business“. Aesth Plast Surg 32, 842–849 (2008)
- Iorizzo M, De Padova MP, Tosti A. “Biorejuvenation: theory and practice“. Clin Dermatol. 2008;26(2):177-181. doi:10.1016/j.clindermatol.2007.09.011
- Plachouri, K-M, Georgiou, S. “Mesotherapy: Safety profile and management of complications“. J Cosmet Dermatol. 2019; 18: 1601– 1605