Để duy trì làn da mịn màng và tươi trẻ, việc dưỡng ẩm là vô cùng quan trọng, và hyaluronic acid là một trong những thành phần dưỡng ẩm hiệu quả nhất hiện nay. Đây là hoạt chất phổ biến trong nhiều sản phẩm chăm sóc da, nhưng mỗi sản phẩm lại mang đến kết quả khác nhau do sự khác biệt về nồng độ, dạng bào chế và các thành phần kết hợp. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hyaluronic acid là gì và cách lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu dưỡng ẩm và chăm sóc da của mình.
Hyaluronic acid là gì?
Hyaluronic acid (HA) còn có tên gọi khác là hyaluronan, là một polysaccharide có trọng lượng phân tử cao, có đặc tính nhầy và trong suốt. HA là một chất mà cơ thể có thể sản xuất nội sinh. Khoảng 50% lượng HA trong cơ thể được tìm thấy trong da, phần còn lại phân bố trong các cấu trúc khác như mô liên kết và mắt.
HA có tác dụng chính là giữ nước, làm ẩm và bôi trơn các mô. Điều này là do HA có khả năng liên kết với nước gấp 1000 lần trọng lượng phân tử của nó. Đối với làn da, bên cạnh collagen và elastin, HA là một trong những thành phần cấu trúc chính, giúp da trông mềm mượt và mịn màng.
Tuy nhiên, lượng HA trong da có thể giảm dần do tiến trình lão hóa tự nhiên của cơ thể hoặc do tiếp xúc với các tác nhân như tia cực tím từ mặt trời, khói thuốc lá và ô nhiễm. Sự bổ sung HA ngoại sinh giúp bù lại một phần lượng HA bị mất, nên có thể ngăn chặn được phần nào sự suy giảm này.
Phân loại hyaluronic acid
Trên thị trường hiện nay, HA dành cho da có thể tìm thấy trong nhiều dạng chế phẩm khác nhau như serum, kem dưỡng ẩm, thực phẩm bổ sung đường uống và dạng tiêm vi điểm (mesotherapy). Những sản phẩm này có hàm lượng HA khác nhau và do đó sẽ có tác dụng khác nhau trên da.
Tác dụng sinh học của HA phụ thuộc vào trọng lượng phân tử. Nguyên tắc chung là với phân tử càng nhỏ, trọng lượng phân tử càng thấp, khả năng thâm nhập sâu vào da càng cao. Ngược lại, HA có trọng lượng phân tử cao thường tạo ra một lớp màng trên bề mặt da, và do đó tác dụng của nó cũng không thể kéo dài như dạng HA có trọng lượng phân tử nhỏ. Phân loại HA theo trọng lượng phân tử bao gồm:
- HA trọng lượng phân tử cao (trọng lượng phân tử ≥ 103kDa): không thể thâm nhập sâu vào da nên sẽ nằm lại trên bề mặt da, tạo một lớp màng bảo vệ mỏng giúp ngăn chặn mất nước qua biểu bì nhờ vào việc liên kết với các phân tử có trong khoảng gian bào như proteoglycan, glycoprotein, elastin và 7 loại collagen. Do đó, các chế phẩm bôi thoa tại chỗ (serum, kem, lotion…) có chứa HA dạng này có tác dụng giúp da được bảo vệ, mềm mịn và ngậm nước.
- HA trọng lượng phân tử trung bình (trọng lượng phân tử 250 – 1000kDa): có thể đi qua hàng rào da và cung cấp lượng nước cần thiết cho da để duy trì được sự săn chắc và mềm mịn.
- HA trọng lượng phân tử thấp (trọng lượng phân tử 10 – 250kDa): có khả năng thẩm thấu tốt nhất, đến các lớp hạ bì và hỗ trợ da sản xuất collagen nội sinh. Loại HA này có hiệu quả giữ ẩm tốt hơn, đồng thời giúp làm đầy tạm thời các mô và làm mịn các nếp nhăn nhỏ.
- Oligosaccharide HA (trọng lượng phân tử < 10kDa): dễ dàng hòa tan trong nước và có độ nhớt thấp, thẩm thấu qua da nhanh và sâu hơn, cho tác dụng dưỡng ẩm mạnh hơn so với các loại HA có trọng lượng phân tử lớn hơn. Đồng thời, nhờ đi vào được lớp hạ bì, làm tăng hàm lượng HA trong da, nên loại HA này có tác dụng chống lão hóa và dưỡng ẩm da toàn diện.
HA dạng nguyên bản trong da và mô có thời gian bán thải kéo dài 12 – 24 giờ do bị phân hủy bởi hệ thống enzyme trong cơ thể. Do đó, các chế phẩm HA trên thị trường thường được biến đổi cấu trúc hóa học hoặc sử dụng dạng dẫn xuất để giúp HA ổn định hơn, mang lại hiệu quả giữ ẩm cho da tốt hơn.
Một số loại HA thường gặp trong các sản phẩm chăm sóc da bao gồm HA thủy phân, sodium hyaluronate, sodium acetylated hyaluronate. Các sản phẩm chứa HA hoặc dạng muối của nó (sodium hyaluronate) có nồng độ HA cao được sử dụng với mục đích chính là mang lại hiệu quả giữ ẩm và chống lão hóa.
Những sản phẩm chứa nồng độ HA thấp hơn thường có vai trò hỗ trợ cho hoạt chất chính khác trong sản phẩm như giảm mụn hoặc điều trị thâm nám.
Hyaluronic acid có tác dụng gì cho làn da?
Khoa học đã chứng minh rằng HA mang lại những lợi ích sau đây cho làn da:
Dưỡng ẩm
Theo nghiên cứu, 1 phân tử HA có thể liên kết với khoảng 250 phân tử nước, nghĩa là 1g HA giữ được 6 lít nước. Do đó, HA hoạt động như một chất giữ ẩm và giữ các phân tử nước trên bề mặt da để giữ cho làn da luôn đủ ẩm và mịn màng. Đồng thời, HA còn ngăn chặn được tình trạng mất nước qua biểu bì, giúp đảm bảo da luôn được ngậm nước.
Một nghiên cứu vào năm 2014 trên những phụ nữ sử dụng HA dạng bôi thoa tại chỗ như lotion, serum và kem dưỡng đã cho thấy rằng HA giúp làm tăng độ ẩm da lên đến 96% sau 8 tuần sử dụng. Trong một nghiên cứu khác, sử dụng HA đường uống liều 120 – 240mg/ngày trong ít nhất 1 tháng đã được chứng minh là làm tăng đáng kể độ ẩm cho da và giảm tình trạng khô da ở người lớn.
Giúp da khỏe mạnh và đàn hồi hơn
Da đủ ẩm sẽ chậm xuất hiện nếp nhăn và mịn màng hơn. Serum có chứa HA có thể giúp làm giảm nếp nhăn. HA dạng thực phẩm bổ sung đường uống có thể giúp tăng độ ẩm cho da và làm chậm xuất hiện nếp nhăn.
Còn trong kỹ thuật tiêm vi điểm, HA được tiêm xuyên qua bề mặt da vào lớp trung bì sẽ giúp da trông căng bóng, săn chắc và trẻ trung có thể nói là ngay lập tức. Điều này có được là do HA ngoại sinh giúp thay thế lượng HA bị mất theo sinh lý tự nhiên của cơ thể, đồng thời làm tăng sản xuất collagen và ảnh hưởng đến hình thái của nguyên bào sợi, giúp da đàn hồi hơn.
HA có trọng lượng phân tử 50 – 1000kDA là có lợi nhất cho da. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng điều trị với HA 130kDa là tốt nhất, giúp tăng độ đàn hồi của da lên 20%.
Chống lão hóa
Theo thời gian, da lão hóa dần với các biểu hiện như khô, mỏng, kém đàn hồi, xuất hiện các nếp nhăn và giảm độ ẩm. Điều này có liên quan chặt chẽ với khả năng sản xuất HA giảm dần của da khi tuổi tác tăng dần.
Bên cạnh tác dụng giữ ẩm và tăng khả năng đàn hồi cho da, HA đã được chứng minh là mang lại hiệu quả đối với sự phát triển của tế bào sừng giúp bảo vệ lớp biểu bì khỏi sự lão hóa. Trong một số nghiên cứu, sản phẩm chứa HA như kem chống nắng đã được chứng minh hiệu quả trong việc bảo vệ da khỏi tia cực tím nhờ tác dụng chống oxy hóa tiềm ẩn của HA.
Giúp lành vết thương nhanh hơn
Nồng độ HA nội sinh tăng khi trong cơ thể có tổn thương cần được sửa chữa. Bên cạnh chức năng duy trì độ ẩm cho vùng da bị tổn thương, HA còn giúp lành vết thương nhanh hơn bằng cách điều hòa mức độ viêm, báo hiệu cho cơ thể tổng hợp nhiều mạch máu hơn ở khu vực bị tổn thương và hỗ trợ quá trình tái tạo mô.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, thoa HA lên vùng da bị tổn thương có thể giúp giảm kích thước vết thương, giảm viêm và giảm đau nhanh hơn. Ngoài ra, HA còn có tác dụng kháng khuẩn, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng khi thoa trực tiếp lên vết thương hở.
Trị mẩn đỏ trên da mặt
HA dạng bôi thoa tại chỗ có thể làm giảm tình trạng mẫn đỏ và viêm da.
Thời gian sử dụng bao lâu sẽ mang lại hiệu quả?
Mỗi dạng HA khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Ví dụ, HA ở dạng bôi thoa tại chỗ thường mang lại hiệu quả tức thì, nên có thể cảm thấy da căng mướt và đủ ẩm hơn ngay sau khi sử dụng trong vòng vài phút.
HA dạng tiêm vi điểm lại mang đến hiệu quả căng bóng da nhanh chóng, gần như là tức thì và kéo dài hơn so với HA dạng bôi tại chỗ, có thể kéo dài đến 3 – 6 tháng tùy vào tình trạng da và nồng độ sản phẩm HA sử dụng. Liệu trình tiêm vi điểm HA hay còn gọi là tiêm căng bóng đã trở nên vô cùng phổ biến trong vài năm trở lại đây tại các cơ sở thẩm mỹ và điều trị da.
Trong khi đó, nếu uống HA với mục đích để hạn chế sự xuất hiện các nếp nhăn và lão hóa da, có thể phải chờ khoảng 8 – 12 tuần mới thấy được sự khác biệt rõ rệt.
>>> Xem thêm: Tiêm căng bóng da: tất cả những gì bạn nên biết trước khi thực hiện.
Những ai nên và không nên dùng hyaluronic acid
Hyaluronic acid là một thành phần dưỡng ẩm linh hoạt và an toàn, phù hợp cho mọi loại da, kể cả người có làn da nhạy cảm hoặc đang nổi mụn. Tuy nhiên những trường hợp sau đây nên tránh hoặc thận trọng khi dùng HA:
- Người có tiền sử hoặc đang điều trị ung thư: một số nghiên cứu chỉ ra rằng các tế bào ung thư có thể nhạy cảm với HA. Việc sử dụng thực phẩm bổ sung HA có thể tạo điều kiện cho các tế bào này phát triển nhanh hơn. Vì vậy, nhóm đối tượng này cần tránh sử dụng HA.
- Phụ nữ mang thai khi dùng HA dạng tiêm: ảnh hưởng của HA trong giai đoạn mang thai và cho con bú vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Do đó, để đảm bảo an toàn tối đa, nên hạn chế hoặc tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng trong giai đoạn này.
Xem thêm các bài viết liên quan
Cách dùng hyaluronic acid chăm sóc da
Để sử dụng hyaluronic acid hiệu quả trong chăm sóc da, cần chú ý đến các yếu tố như nồng độ, kết cấu sản phẩm và cách kết hợp với các thành phần khác để đạt được kết quả tốt nhất. Dưới đây là các hướng dẫn cụ thể:
- Chọn nồng độ HA phù hợp
HA thường được sử dụng trong mỹ phẩm với nồng độ từ 0.2 – 2%. Khi nồng độ quá cao (> 2%), HA có thể hút nước ngược từ da nếu không được dùng đúng cách, khiến da khô và căng hơn.
- Chọn loại HA phù hợp với từng loại da
Với da dầu hoặc có mụn, nên chọn HA dạng gel hoặc serum nhẹ để tránh cảm giác nhờn rít và làm bí da. Đối với da khô hoặc da nhạy cảm, có thể chọn các loại kem dưỡng HA đặc hơn để giữ nước tốt hơn.
2 loại sản phẩm chứa HA phổ biến nhất là serum và kem dưỡng ẩm:
Serum có chứa HA: sử dụng sau khi rửa mặt, lúc da vẫn còn ẩm. Đừng quên thoa thêm kem dưỡng ẩm sau đó để khóa ẩm. Nên chọn kem dưỡng ẩm chứa thành phần khóa ẩm như bơ hạt mỡ (shea butter), bơ ca cao, dầu bơ, sáp ong, sáp carnauba, lanolin và stearic acid nhằm giúp tối ưu tác dụng giữ ẩm của serum HA.
Kem dưỡng ẩm có chứa HA: sử dụng 2 lần/ngày, sau khi thoa serum.
- Kết hợp HA với các thành phần khác
Nhìn chung, HA hoạt động tốt với các thành phần chăm sóc da phổ biến khác như retinol, vitamin C, AHA, BHA. Tốt nhất nên làm theo hướng dẫn của từng sản phẩm cụ thể và bắt đầu sử dụng từ từ để làn da thích nghi.
- Tránh các sản phẩm chứa thành phần kích ứng
Khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da có chứa HA, hãy tránh các chất có thể gây kích ứng da như cồn, hương liệu hoặc có nồng độ HA quá cao, vì những thành phần này có thể làm khô da và gây kích ứng cho làn da.
Một số tác dụng phụ có thể gặp
Nhìn chung, HA tương đối an toàn khi sử dụng, kể cả đối với làn da nhạy cảm hay đang có mụn. Vì đây là một chất được sản sinh tự nhiên trong cơ thể, các phản ứng dị ứng với HA ngoại sinh cũng rất hiếm gặp. Nếu sử dụng HA và gặp tác dụng phụ, điều này có thể do các thành phần khác có trong sản phẩm, tần suất sử dụng và nồng độ HA quá cao. Trong trường hợp đó nên đến gặp các Bác sĩ Da liễu để được thăm khám và tư vấn.
Đối với tiêm vi điểm HA (tiêm căng bóng), đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nên ít gây tổn thương da và ít gây đau, nên nhìn chung là khá an toàn. Tiêm vi điểm HA hoàn toàn không gây bất kỳ nguy cơ nghiêm trọng nào ngoài việc có thể gặp phải một vài tác dụng phụ như sưng, bầm da do kim tiêm chạm phải các mạch máu nhỏ dưới da. Vết bầm nếu xảy ra thường biến mất tự nhiên trong vòng 1 tuần sau tiêm.
Nhiễm trùng cũng có thể gặp do tiêm vi điểm sẽ tạo nhiều vết hở trên da nên làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Để phòng ngừa nhiễm trùng xảy ra, nên thực hiện tiêm vi điểm tại cơ sở uy tín, được Sở Y tế cấp phép hoạt động và được trực tiếp thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu có chứng chỉ về tiêm vi điểm và đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi tiêm.
Duy trì độ ẩm là bước chăm sóc da quan trọng với tất cả các loại da nhằm giữ cho làn da luôn khỏe mạnh. Hyaluronic acid (HA – một thành phần được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da hiện nay) giúp dưỡng ẩm, chống lão hóa và cải thiện một số khuyết điểm liên quan đến độ ẩm của da. HA nhìn chung khá an toàn và có thể sử dụng cho mọi loại da và tình trạng da. Các sản phẩm chứa HA rất đa dạng về nồng độ, công thức, kết cấu và công dụng. Nên tham khảo ý kiến tư vấn từ Bác sĩ Da liễu để lựa chọn sản phẩm chăm sóc da có chứa HA phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- Eleni Papakonstantinou, Michael Roth, George Karakiulakis. “Hyaluronic acid: A key molecule in skin aging“. Dermatoendocrinol. 2012 Jul 1; 4(3): 253–258
- Kendra Walker, Brandon M. Basehore, et al. “Hyaluronic Acid“. NIH
- Kawada C, Yoshida T, et al. “Ingested hyaluronan moisturizes dry skin“. Nutr J. 2014 Jul 11;13:70. doi: 10.1186/1475-2891-13-70
- “Hyaluronic Acid – Uses, Side Effects, And More“. WebMD
- “11 benefits of hyaluronic acid for the face and body” MedicalNewsToday
- “Everything you need to know about hyaluronic acid“. MedicalNewsToday