Với hàng loạt sản phẩm và hoạt chất trên thị trường, thật khó để biết được thành phần nào mới thực sự mang lại hiệu quả tốt nhất. Việc chọn đúng hoạt chất trị mụn là chìa khóa để đạt hiệu quả cao trong quá trình điều trị và chăm sóc da. Bài viết Phòng khám Doctor Acnes sẽ giúp khám phá công dụng và một số lưu ý của những hoạt chất trị mụn phổ biến trên thị trường hiện nay.
Phân loại mụn trứng cá thường gặp
Đầu tiên, nên hiểu về các loại mụn để có được sự lựa chọn đúng đắn trong việc điều trị cũng như lựa chọn các sản phẩm trị mụn phù hợp. Mụn được chia ra thành 2 nhóm chính dựa vào mức độ viêm nhiễm là nhóm mụn không viêm và nhóm mụn viêm.
Mụn không viêm bao gồm mụn đầu đen và mụn đầu trắng:
- Mụn đầu đen: hình thành do lỗ chân lông bị bít tắc bởi sự kết hợp của bã nhờn và tế bào da chết. Phần trên cùng của lỗ chân lông vẫn mở nên các tế bào da chết và xác vi khuẩn phản ứng với oxy trong không khí tạo nên màu đen đặc trưng của đầu mụn mà chúng ta nhìn thấy.
- Mụn đầu trắng: hình thành khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi bã nhờn và tế bào da chết nhưng không giống như mụn đầu đen, đỉnh lỗ chân lông của mụn đầu trắng đóng lại làm mụn giống như một vết sưng nhỏ nhô ra khỏi da. Do lỗ chân lông bị đóng lại nên việc điều trị mụn đầu trắng cũng khó khăn hơn.
Mụn do viêm hình thành khi vi khuẩn sinh mụn C. acnes gây nhiễm trùng sâu bên dưới bề mặt da tạo thành những loại mụn như:
- Mụn sẩn: hình thành khi tình trạng viêm làm phá vỡ vách xung quanh lỗ chân lông. Khi chạm vào khu vực da có mụn sẩn, cảm giác lỗ chân lông bị cứng, da vùng này thường có màu hồng.
- Mụn mủ: hình thành khi vi khuẩn gây tình trạng viêm làm vách xung quanh lỗ chân lông bị phá vỡ. Nhưng khác với mụn sẩn, mụn mủ thường có đầu màu vàng hoặc trắng, bên trong chứa đầy mủ.
- Mụn nang: có thể phát triển khi lỗ chân lông bị tắc bởi sự kết hợp của vi khuẩn, bã nhờn và tế bào chết. Phản ứng viêm gây tổn thương sâu dưới bề mặt da. Đây là dạng mụn có kích thước lớn nhất, chứa đầy mủ, rất dễ để lại sẹo.
Các hoạt chất trị mụn không kê đơn phổ biến
Benzoyl peroxide (BPO)
- Công dụng: benzoyl peroxide thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình nhờ khả năng tiêu diệt vi khuẩn C. acnes, làm tiêu bã nhờn và giảm bít tắc lỗ chân lông. Hoạt chất này có điểm nổi bật là hầu như không xảy ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc khi sử dụng.
- Nồng độ và dạng bào chế: có các nồng độ 2.5%, 5% và 10%, xuất hiện trong các dạng lotion, kem, gel hoặc nước tẩy trang.
- Không phù hợp cho: mụn trứng cá nặng như mụn sẩn, mụn mủ vì có thể làm da nhạy cảm hơn và gây kích ứng mạnh.
- Lưu ý: phụ nữ có thai nên tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi dùng. BPO thường được kết hợp với các thành phần như clindamycin, erythromycin, adapalene hoặc tretinoin để tăng cường hiệu quả điều trị.
Salicylic acid (SA)
- Công dụng: là một loại BHA, SA có đặc tính tan trong dầu giúp thâm nhập sâu vào lỗ chân lông, hòa tan bã nhờn và làm sạch dầu thừa, từ đó ngăn ngừa mụn không viêm như mụn đầu đen, mụn đầu trắng.
- Nồng độ và dạng bào chế: phổ biến ở nồng độ 1 – 2% trong lotion, serum, gel, sữa rửa mặt và miếng dán mụn. Nồng độ cao hơn (10 – 30%) chỉ dùng trong peel da tại các Phòng khám Da liễu và nên thực hiện dưới sự giám sát của Bác sĩ Da liễu để đảm bảo an toàn.
- Phù hợp cho: mọi loại da, đặc biệt là da dầu, da có mụn đầu đen, mụn đầu trắng.
- Lưu ý: khi da đã quen dần với SA, có thể tăng lên 4%, tuy nhiên chỉ nên sử dụng 1 – 2 lần/tuần vì đây là nồng độ khá cao.
Azelaic acid
- Công dụng: azelaic acid là một hoạt chất thuộc nhóm dicarboxylic acid, nổi bật với khả năng giảm viêm, kháng khuẩn và điều chỉnh quá trình sừng hóa, nhờ đó được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn trứng cá. Đặc biệt, hoạt chất này có thể kết hợp tốt với các hoạt chất khác như benzoyl peroxide, tretinoin, AHA, BHA hoặc niacinamide mà không gây tương tác, giúp tăng hiệu quả điều trị mụn.
- Nồng độ và dạng bào chế: các sản phẩm kê đơn chứa azelaic acid thường có nồng độ 15 – 20%, trong khi các sản phẩm không kê đơn chỉ chứa dưới 10%.
- Phù hợp cho: da mụn nhạy cảm và phụ nữ mang thai.
- Lưu ý: đối với sản phẩm không kê đơn, nên thoa 1 – 2 lần/ngày lên vùng da bị mụn và thâm để đạt kết quả tốt nhất. Còn với sản phẩm kê đơn, cần tuân thủ hướng dẫn của Bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị tối ưu.
Glycolic acid (GA)
- Công dụng: glycolic acid là một loại AHA chiết xuất từ mía, giúp tẩy tế bào chết nhẹ nhàng, kháng khuẩn, thúc đẩy tái tạo tế bào da mới và làm sạch sâu lỗ chân lông. GA cũng giúp cải thiện cấu trúc da, hỗ trợ làm mờ thâm và ngăn ngừa mụn đầu đen, mụn đầu trắng hiệu quả.
- Nồng độ và dạng bào chế: GA nồng độ thấp thường có trong sữa rửa mặt, tẩy da chết dạng lỏng, sản phẩm peel da, lotion, toner, kem (cream), gel, serum hoặc mặt nạ trị mụn… Ở nồng độ cao hơn, GA thường được dùng trong liệu trình peel da tại Phòng khám Da liễu và nên thực hiện dưới sự giám sát của Bác sĩ.
- Phù hợp cho: mụn trứng cá không viêm, da có vấn đề sắc tố, da tăng tiết bã nhờn hoặc da sần sùi.
- Lưu ý: kết hợp glycolic acid cùng các sản phẩm có thành phần phục hồi da như vitamin B5, hyaluronic acid, ceramide nhằm tránh khô da.
Lactic acid (LA)
- Công dụng: là một loại AHA có nguồn gốc từ sữa, lactic acid giúp tẩy tế bào chết nhẹ nhàng hơn glycolic acid, làm sáng da và giữ ẩm cho da. Đây là một lựa chọn tốt cho da nhạy cảm hoặc da khô cần loại bỏ lớp tế bào chết mà không gây kích ứng.
- Nồng độ và dạng bào chế: thường có nồng độ 5 – 12%, có mặt trong serum hoặc lotion dưỡng ẩm.
- Phù hợp cho: da nhạy cảm, mụn không viêm và da cần dưỡng ẩm.
- Lưu ý: cần thận trọng với nồng độ cao hoặc khi sử dụng kết hợp với các hoạt chất mạnh như retinoid.
Sulfur (lưu huỳnh)
- Công dụng: sulfur giúp tiêu bã nhờn, giảm dầu thừa và làm sạch lỗ chân lông, từ đó ngăn ngừa tình trạng mụn hình thành. Sulfur còn có đặc tính kháng khuẩn, giúp loại bỏ vi khuẩn gây mụn mà không làm da bị khô quá mức.
- Nồng độ và dạng bào chế: thường có nồng độ 2 – 10%, phổ biến trong các loại kem, sữa dưỡng thể, thuốc mỡ, mặt nạ và xà phòng.
- Phù hợp cho: da dầu, có mụn không viêm như mụn đầu đen, đầu trắng.
- Lưu ý: sulfur có thể kết hợp tốt với các hoạt chất như resorcinol, benzoyl peroxide, natri sulfacetamid hoặc salicylic acid trong điều trị mụn viêm. Sulfur có mùi “trứng thối” nên thường được kết hợp với các hoạt chất khác để giảm bớt mùi khó chịu.
Bakuchiol
- Công dụng: bakuchiol là một hoạt chất chiết xuất từ cây babchi, được xem là một lựa chọn thay thế tự nhiên cho retinol với hiệu quả tương tự nhưng ít gây kích ứng. Bakuchiol giúp cải thiện nếp nhăn, điều tiết quá trình sản xuất dầu, làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm viêm và ngăn ngừa sự hình thành mụn.
- Nồng độ và dạng bào chế: thường có mặt trong serum hoặc kem dưỡng da, với nồng độ từ 0.5 – 2%.
- Phù hợp cho: da nhạy cảm, da mụn viêm nhẹ và người không thể dùng retinoid.
- Lưu ý: dễ bị oxy hóa, nên bảo quản ở nơi khô thoáng và tránh ánh sáng mặt trời.
>>> Xem thêm: Top 8 thuốc bôi trị mụn hiệu quả nhất hiện nay
Các hoạt chất trị mụn thường được Bác sĩ kê đơn
Ngoài các sản phẩm không kê đơn có thể dễ dàng mua tại cửa hàng, các hoạt chất dưới đây chỉ nên sử dụng theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu để đảm bảo an toàn và hiệu quả:
Dapsone
- Công dụng: dapsone là một kháng sinh bôi ngoài da có đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm mạnh, thường được sử dụng trong điều trị mụn viêm hoặc mụn mủ nặng. Dapsone cũng giúp làm giảm tình trạng sưng đỏ và đau rát trên các nốt mụn viêm.
- Nồng độ và dạng bào chế: thường được bào chế dưới dạng gel nồng độ 5% sử dụng 2 lần/ngày, gel nồng độ 7.5% sử dụng 1 lần/ngày.
- Phù hợp cho: mụn viêm nặng, mụn mủ và các trường hợp mụn trứng cá không đáp ứng với các liệu pháp thông thường.
- Lưu ý: cần sử dụng theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu vì có nguy cơ gây kích ứng và tác dụng phụ như khô da, đỏ da. Không nên dùng cho người có tiền sử thiếu men G6PD vì có thể gây tan máu.
Nhóm retinoid bôi ngoài da
- Công dụng: nhóm retinoid là dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng giảm viêm, chống oxy hóa, kích thích sản sinh collagen và làm thông thoáng lỗ chân lông, từ đó tăng khả năng hấp thụ của các sản phẩm khác vào da, giúp ngăn ngừa hình thành nhân mụn mới và điều trị các dạng sẹo mụn.
- Dạng phổ biến: nhóm retinoid gồm các hoạt chất retinol (không kê đơn), tretinoin, adapalene và tazarotene (kê đơn).
- Phù hợp cho: mụn đầu trắng, mụn đầu đen hoặc mụn viêm mức độ từ trung bình đến nặng.
- Lưu ý: không sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai vì có nguy cơ gây dị tật thai nhi. Những hoạt chất kê đơn như tretinoin, adapalene hoặc tazarotene thường được các Bác sĩ Da liễu chỉ định khi mụn không đáp ứng với các liệu pháp thông thường khác.
Thuốc kháng sinh bôi ngoài da
- Công dụng: kháng sinh bôi ngoài da thường được Bác sĩ kê đơn trong điều trị mụn, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, giảm viêm, sưng đỏ và ngăn ngừa nhiễm khuẩn tại lỗ chân lông, đặc biệt hiệu quả trong điều trị mụn viêm và mụn mủ do P. acnes.
- Hoạt chất phổ biến: clindamycin, erythromycin và minocycline thường có trong kem dưỡng da, gel hoặc dung dịch.
- Phù hợp cho: mụn viêm, mụn mủ và các trường hợp mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình.
- Lưu ý: kháng sinh bôi ngoài da thường được dùng 1 – 2 lần/ngày tùy vào mức độ mụn, có thể kết hợp với benzoyl peroxide hoặc retinoid để tăng hiệu quả và giảm nguy cơ kháng thuốc. Kết quả điều trị thường thấy sau khoảng 6 tuần, vì vậy cần kiên trì và tuân thủ hướng dẫn của Bác sĩ, ngay cả khi mụn đã giảm để đạt được hiệu quả tối ưu và tránh tái phát.
Kháng sinh đường uống
- Công dụng: là liệu pháp điều trị phổ biến và có hiệu quả nhanh chóng, kháng sinh đường uống giúp giảm nhanh số lượng vi khuẩn gây mụn P. acnes và ngăn ngừa viêm nhiễm trong các trường hợp mụn nặng hoặc lan rộng.
- Phù hợp cho: mụn viêm từ trung bình đến nặng.
- Lưu ý: không phải là liệu pháp lâu dài vì có thể gây tình trạng kháng thuốc. Cần phối hợp với các liệu pháp khác như BPO hoặc retinoid để tăng hiệu quả và duy trì kết quả sau điều trị.
Isotretinoin đường uống
- Công dụng: là thuốc kê đơn thuộc nhóm retinoid đường uống, isotretinoin giúp điều trị mụn trứng cá nặng nhờ khả năng giảm tiết bã nhờn, chống viêm, điều hòa quá trình sừng hóa và ngăn ngừa hình thành mụn mới.
- Phù hợp cho: các trường hợp mụn trứng cá nghiêm trọng, mụn không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
- Lưu ý: isotretinoin có nguy cơ gây quái thai nên tuyệt đối không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai. Thường gây các tác dụng phụ như khô da, khô môi, khô mắt, đau nhức cơ và tăng nhạy cảm với ánh sáng. Việc sử dụng phải được theo dõi chặt chẽ bởi Bác sĩ Da liễu để đảm bảo an toàn.
Gợi ý các sản phẩm chứa thành phần trị mụn tại Doctor Acnes
Sau đây là một số sản phẩm chứa các thành phần trị mụn được tin dùng bởi Bác sĩ Da liễu tại Doctor Acnes:
Sản phẩm chứa salicylic acid
- Sữa rửa mặt Vichy cho da mụn Normaderm Phytosolution Intensive Purifying Gel
- Sữa rửa mặt dạng bọt Easydew EX Trouble Control Purifying Cleansing Foam
- Sữa rửa mặt cho da mụn Fixderma Alpha-Beta Acne
- Nước cân bằng da kiềm dầu Sebium lotion
- Dung dịch đặc trị mụn, giảm nhờn Obagi Clenziderm MD Pore Therapy
Sản phẩm chứa glycolic acid
- Dưỡng ẩm HYSEAC 3-REGUL (Uriage)
- Dưỡng ẩm Sebium Global (Bioderma)
- Dưỡng ẩm kiềm dầu Sebium MAT control (Bioderma)
Sản phẩm chứa retinoid
- Tretinoin Cream 0.05%, 0.1% Obagi
- Retacnyl 0.025%, 0.05%
- Differin Galderma
- Erylik Bailleul
- Klenzit MS
- Klenzit C
Sản phẩm chứa azelaic acid
- Kem trị mụn MEGADOU Gel (Gamma Chemicals)
- Kem trị mụn DERMA forte (Gamma Chemicals)
Tóm lại, các hoạt chất trị mụn rất đa dạng, mỗi loại có cách sử dụng riêng cũng như phù hợp với từng tình trạng da khác nhau. Những hoạt chất này nếu sử dụng hoặc kết hợp không đúng cách có thể không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho da như kích ứng, khô da nghiêm trọng, thậm chí khiến mụn bùng phát nặng hơn.
Việc tự ý sử dụng nhiều sản phẩm cùng lúc mà không nắm rõ đặc tính của từng thành phần có thể dẫn đến tình trạng viêm da, tăng sắc tố hoặc tổn thương hàng rào bảo vệ da. Vì vậy, thay vì tự điều trị và phải đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn, tốt nhất hãy đến gặp Bác sĩ Da liễu để được thăm khám và xây dựng phác đồ trị mụn cá nhân hóa. Hãy liên hệ với Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được các Bác sĩ Da liễu tư vấn chi tiết, tránh “tiền mất tật mang” và bảo vệ làn da một cách hiệu quả nhất!
Tài liệu tham khảo
- Ayer J, Burrows N. “Acne: more than skin deep“. Postgrad Med J. 2006;82(970):500-506
- “Benzoyl Peroxide“. NIH
- “Benzoyl peroxide for acne: Treatments, uses, and alternatives“. MedicalNewsToday
- “Azelaic acid“. Drugbank
- “Is Azelaic Acid Good for Your Skin?“. WebMD
- C. Cotellessa, K. Peris, S. Chimenti. “Glycolic acid and its use in dermatology“. Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology Volume 5, Issue 3, December 199
- “Sulfur for acne: How to use and benefits“. MedicalNewsToday
- Haider A, Shaw JC. “Treatment of acne vulgaris“. JAMA. Aug 11;292(6):726-35
- Strauss JS, Krowchuk DP, Leyden JJ, et al. “Guidelines of care for acne vulgaris management“. J Am Acad Dermatol. 2007 Apr;56(4):651-63
- Beckenbach L, Baron JM, Merk HF, Löffler H, Amann PM. “Retinoid treatment of skin diseases“. Eur J Dermatol. 2015;25(5):384-391