Cơ chế của xung ánh sáng mạnh IPL trong điều trị mụn trứng cá

Ngày 21/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Mụn trứng cá là một rối loạn da liễu phổ biến, có thể xuất hiện ở cả lứa tuổi thanh thiếu niên lẫn tuổi trưởng thành, gây ảnh hưởng đáng kể đến thẩm mỹ và tâm lý cho những người mắc phải.

Trong số các phương pháp thường dùng để điều trị mụn như thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống tác động toàn thân, thì các phương pháp hóa lý không dùng thuốc như peel da, laser, ánh sáng xung mạnh hay gọi tắt là IPL luôn được các Bác sĩ Da liễu ưu tiên lựa chọn vì tính hiệu quả, an toàn và ít tác dụng phụ. Trong phạm vi bài biết hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về cơ chế trị mụn của IPL là gì nhé.

Ánh sáng xung mạnh IPL khác với laser như thế nào?

IPL điều trị mụn - Doctor Acnes
IPL đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị nhiều vấn đề da liễu như mụn viêm, tăng sắc tố sau viêm

IPL (Intense Pulsed Light) là liệu pháp can thiệp không xâm lấn, sử dụng một thiết bị tạo nguồn ánh sáng dạng xung (không liên tục) cường độ cao, hoạt động với nguyên lý gần giống liệu pháp laser, tuy nhiên laser sử dụng ánh sáng đơn sắc trong khi IPL sử dụng ánh sáng đa sắc với bước sóng trải dài từ 400 – 1200 nm.

Thông qua bộ lọc, ánh sáng từ thiết bị được chiếu đến da trong vùng bước sóng nhất định, cho tác động đến các đích sinh học khác nhau nhờ đó mà liệu pháp được ứng dụng cho nhiều mục đích điều trị.

IPL được FDA chấp thuận sử dụng cho các chỉ định bao gồm: trẻ hóa da, tăng sắc tố sau viêm, giãn tĩnh mạch (spider veins), thâm nám, triệt lông, điều trị mụn trứng cá.

Tuy cùng sử dụng năng lượng ánh sáng như laser nhưng IPL ít gây tổn hại đến lớp biểu bì do đó ít gây tác dụng không mong muốn và có thời gian hồi phục nhanh.

Ngoài ra, IPL còn có khả năng cùng lúc xử lý nhiều vấn đề da liễu khác nhau và có tổng chi phí điều trị rẻ hơn so với laser. Tuy nhiên, IPL cho hiệu quả điều trị kém hơn laser và cần nhiều liệu trình để thấy được kết quả.

Cơ chế tác động của IPL trong điều trị mụn trứng cá

Trước hết, cần hiểu về cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá. Hiện tượng dày sừng hóa nang lông (hyperkeratinization) do tích tụ keratin và tăng tiết bã nhờn do sự kích thích của hormon androgen có thể dẫn đến tình trạng bít tắc nang lông, hình thành mụn không viêm.

Tùy thuộc vào tình trạng đóng hay mở của nhân mụn, người ta có thể phân loại thành mụn đầu đen (nhân mở) và mụn đầu trắng (nhân đóng).

Nhân đóng là môi trường yếm khí thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây mụn Propionibacterium acnes. Vi khuẩn P. acnes tăng sinh gây kích thích biểu mô nang lông và kích hoạt phản ứng viêm tại chỗ, dẫn đến sự xuất hiện của mụn viêm.

Tóm lại, cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá là do bốn yếu tố: dày sừng hóa nang lông, sự tăng tiết bã nhờn, sự tăng sinh của vi khuẩn P. acnes và phản ứng viêm do đáp ứng của cơ thể trước tác động của vi khuẩn.

Sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây mụn - Doctor Acnes
Vi khuẩn P. acnes tăng sinh gây kích thích biểu mô nang lông và kích hoạt phản ứng viêm tại chỗ, dẫn đến sự xuất hiện của mụn viêm

Liệu pháp IPL nói riêng hay các liệu pháp ánh sáng nói chung đều hoạt động dựa trên nguyên lý: năng lượng ánh sáng có tính chọn lọc đối với mục tiêu điều trị, các mô đích hay nhóm mang màu (chromophore) trong da hấp thu các bước sóng ánh sáng khác nhau.

Các chromophore trong da bao gồm: melanin ở cấp độ biểu bì, hemoglobin và nước ở cấp độ hạ bì, hấp thu ánh sáng một cách chọn lọc theo màu sắc (hay bước sóng) và chuyển hóa thành nhiệt năng, từ đó tạo phản ứng ngay tại mô đích, hạn chế tổn thương cho các vùng mô xung quanh.

Tùy thuộc vào mục đích điều trị và tình trạng da của bệnh nhân mà ta lựa chọn bước sóng ánh sáng cho phù hợp.

IPL là gì - Doctor Acnes
IPL hiệu quả trong điều trị mụn viêm mức độ từ nhẹ đến trung bình

Liệu pháp IPL trị mụn theo hai cơ chế chính: quang hóa porphyrin (photochemical reaction of porphyrin) để giải phóng gốc tự do tiêu diệt vi khuẩn P. acnes và tạo hiệu ứng quang nhiệt chọn lọc (selective photothermolysis) trên các mạch máu nuôi dưỡng tuyến bã để làm giảm tiết bã nhờn.

Ngoài ra còn một cơ chế thứ ba là sử dụng chất nhạy cảm ánh sáng để tăng cường hoạt tính của các liệu pháp ánh sáng nói chung như laser, IPL hay còn gọi là quang động trị liệu (photodynamic therapy – PDT).

Quang hóa porphyrin

Trong quá trình chuyển hóa trao đổi chất, vi khuẩn P. acnes sản xuất và tiết ra nhóm hợp chất porphyrin (đặc biệt là protoporphyrin IX). Porphyrin hoạt động như chromophore, hấp thu ánh sáng phổ rộng, trong đó đỉnh hấp thu trong khoảng bước sóng từ 407 – 420 nm.

Sự hấp thu năng lượng ánh sáng dẫn đến quá trình quang hóa porphyrin, tạo ra các gốc tự do. Các gốc tự do này gây độc và tiêu diệt vi khuẩn P. acnes, từ đó làm giảm số lượng vi khuẩn. Ngoài ra nghiên cứu còn cho rằng, quá trình quang hóa porphyrin kích thích giải phóng các yếu tố nội sinh ức chế phản ứng viêm.

Quang nhiệt chọn lọc

Quang nhiệt chọn lọc là cơ chế hoạt động cơ bản của liệu pháp IPL, dựa trên nguyên lý lựa chọn bước sóng, độ dài xung (pulse duration), mức năng lượng tối ưu với mục đích điều trị để cung cấp năng lượng ánh sáng chính xác đến mô đích mà không làm tổn thương các mô xung quanh.

Theo cơ chế quang nhiệt chọn lọc, chromophore của liệu pháp IPL lúc này sẽ là hemoglobin hay cụ thể là oxyhemoglobin. IPL tạo hiệu ứng quang nhiệt chọn lọc trên các mạch máu nuôi dưỡng tuyến bã, làm giảm kích thước tuyến bã từ đó giảm tiết bã nhờn.

Quang động trị liệu (PDT)

Quang động trị liệu là phương pháp sử dụng các chất nhạy cảm ánh sáng để tăng cường hoạt tính của các liệu pháp như laser hay IPL. Chất nhạy cảm ánh sáng thường dùng trong liệu pháp IPL là ALA (5-alpha levulinic acid), được bôi trực tiếp lên vùng da cần điều trị trước khi chiếu sáng.

Qua một số phản ứng, ALA được chuyển hóa thành protoporphyrin IX, tích tụ trong biểu bì, nang lông và tuyến bã. Khi đó protoporphyrin IX sẽ trở thành chromophore, hấp thu năng lượng ánh sáng và tạo ra các gốc tự do tiêu diệt vi khuẩn P. acnes (cơ chế tương tự quá trình quang hóa porphyrin).

Ngoài ra, nghiên cứu cho rằng, liệu pháp còn gây tổn thương chọn lọc trên tuyến bã, làm giảm tiết bã nhờn và làm giảm tình trạng tắc nghẽn nang lông do dày sừng hóa.

mụn nặng, cụm, 8 liệu trình
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Bằng chứng của IPL trong điều trị mụn trứng cá

Trong điều trị mụn, IPL đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả đối với mụn viêm mức độ từ nhẹ đến trung bình.

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của liệu pháp IPL trên 21 bệnh nhân có tình trạng mụn ở các mức độ nhẹ, trung bình và nặng (tương đương với thang Pillsbury từ I-III) trong 5 liệu trình với 2 khoảng bước sóng 400 – 600 nm và 800 – 1200 nm.

Kết quả cho thấy sau 1 tháng điều trị, IPL giúp cải thiện rõ rệt tình trạng và số lượng mụn viêm, trong đó ở bệnh nhân mức độ mụn từ nhẹ đến trung bình hiệu quả cải thiện lên đến hơn 88% so với ban đầu.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có cảm giác châm chích và bỏng nhẹ nhưng giảm ngay sau khi rửa qua với nước lạnh. Sau điều trị, một số bệnh nhân có làn da tối màu gặp phải tình trạng tăng sắc tố tuy nhiên cũng nhanh chóng trở lại bình thường.

Một nghiên cứu đánh giá hiệu quả trị mụn của liệu pháp IPL phối hợp 10% ALA so với IPL đơn trị liệu trên 41 bệnh nhân có tình trạng mụn từ trung bình đến nặng.

Kết quả cho thấy sau 4 liệu trình kéo dài 1 tháng, liệu pháp IPL kết hợp ALA cho hiệu quả giảm mụn và giảm viêm cao hơn IPL đơn thuần và hiệu quả kéo dài lên đến 12 tuần sau điều trị.

Có 3 bệnh nhân bị ban đỏ cục bộ sau trị liệu nhưng tự khỏi sau khoảng 1 – 2 ngày, ngoài ra không quan sát thấy bất kỳ tác dụng phụ nào như da bong tróc, đóng vảy hay tăng sắc tố.

Máy cellec V - Doctor Acnes
Phòng khám Doctor Acnes sử dụng máy IPL của hãng Jeisys Cellec V được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Việt Nam và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành

Bảng giá dịch vụ IPL trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp ✅ Giá ✅ Giá HSSV
⭐IPL Cellec V trị mụn 600.000 550.000

Tóm lại, IPL là liệu pháp điều trị không xâm lấn, an toàn và hiệu quả trong điều trị nhiều vấn đề da liễu, trong đó có điều trị mụn trứng cá. Trong điều trị mụn, IPL đã được chính thức cấp phép bởi FDA. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả của liệu pháp còn phụ thuộc vào chất lượng của máy và kỹ thuật của người thực hiện.

Trên thị trường có rất nhiều loại máy với chất lượng và giá thành khác nhau phụ thuộc vào độ chính xác về bước sóng của máy. Với chỉ định trị mụn hoặc điều trị sắc tố đòi hỏi dải sóng hẹp mà nhiều loại máy thông thường không đáp ứng được.

Vì vậy bạn nên lựa chọn điều trị với những dòng máy được FDA cấp phép lưu hành để đảm bảo hiệu quả điều trị cao. Để điều trị hiệu quả, cần phối hợp IPL và các phương pháp điều trị khác, vì thế bạn nên lựa chọn điều trị với Bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được lên phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. Soltes, Barbara (2010). “Intense Pulsed Light Therapy”. Obstet Gynecol Clin North Am. 37(4), 489–499
  2. Philipp Babilas, Stephan Schreml, Rolf-Markus Szeimies, Michael Landthaler. “Intense pulsed light (IPL): A review”. Lasers in Surgery and Medicine. 42(2), 93–104
  3. Chen, S., Wang, Y., Ren, J., et al. (2019). “Efficacy and safety of intense pulsed light in the treatment of inflammatory acne vulgaris with a novel filter”. Journal of Cosmetic and Laser Therapy, 21(6), 1–5
  4. Ajay Deshpande. “Intense Pulsed Light for Acne Vulgaris”. Aesthetic Applications of Intense Pulsed Light. pp 93–99
  5. A.J.González-Rodrígueza, R.Lorente-Gual (2015). “Current Indications and New Applications of Intense Pulsed Light”. Actas Dermo-Sifiliográficas (English Edition). 106(5), 350-364
  6. Mei, X., Shi, W., & Piao, Y. “Effectiveness of photodynamic therapy with topical 5-aminolevulinic acid and intense pulsed light in Chinese acne vulgaris patients”. Photodermatology, Photoimmunology & Photomedicine, 29(2), 90–96

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84