Sử dụng BHA để trị mụn đang trở thành xu hướng được nhiều người tin dùng nhờ vào khả năng làm sạch sâu và loại bỏ tế bào chết hiệu quả. Vậy làm thế nào để sử dụng BHA đúng cách và đạt được hiệu quả cao nhất? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những “bí quyết vàng” trong việc trị mụn bằng BHA, giúp làn da trở nên sạch mụn, mịn màng và khỏe mạnh hơn. Hãy cùng Doctor Acnes khám phá ngay nhé!
BHA là gì?
BHA, còn gọi là beta-hydroxy acid, là thành phần thường gặp trong các sản phẩm trị mụn. BHA được lưu thông trên thị trường bao gồm salicylic acid, β-hydroxybutanoic acid, tropic acid, trethocanic acid. Trong đó, BHA phổ biến nhất là salicylic acid, phần lớn được chiết xuất từ vỏ cây liễu, dầu của cây lộc đề xanh.
Tác dụng của BHA trong điều trị mụn
BHA là lựa chọn lý tưởng cho những ai có làn da dầu, đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho làn da, đặc biệt là trong việc điều trị mụn:
- Loại bỏ tế bào chết: BHA hòa tan các liên kết giữa tế bào chết, giúp chúng bong ra dễ dàng, ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Làm sạch sâu: với tính chất thân dầu, BHA xâm nhập sâu vào lỗ chân lông, hòa tan bã nhờn và dầu thừa, làm sạch da từ bên trong.
- Ngăn ngừa và trị mụn: giúp giảm thiểu bã nhờn và tình trạng bít tắc lỗ chân lông, từ đó giúp ngăn ngừa và trị mụn hiệu quả.
- Cải thiện cấu trúc da: BHA kích thích sản xuất collagen, giúp da cải thiện độ đàn hồi và kết cấu, mang lại làn da mịn màng và săn chắc hơn.
Những loại mụn nên và không nên dùng BHA
Mặc dù BHA mang lại hiệu quả trị mụn cao, không phải loại mụn nào cũng phù hợp để sử dụng. Dưới đây là những trường hợp nên và không nên sử dụng BHA trong quy trình chăm sóc da:
Các loại mụn nên dùng BHA
- Mụn đầu đen và mụn đầu trắng: BHA có khả năng thâm nhập sâu vào lỗ chân lông, giúp loại bỏ bã nhờn và tế bào chết, ngăn ngừa tắc nghẽn nang lông và giảm sự xuất hiện của mụn đầu đen và đầu trắng.
- Mụn ẩn: BHA thẩm thấu sâu vào lỗ chân lông và hòa tan bã nhờn tích tụ. Quá trình này làm bong các tế bào chết và kích thích các nhân mụn ẩn trồi lên bề mặt da. Khi nhân mụn được đẩy ra ngoài, BHA tiếp tục làm sạch nang lông, ngăn ngừa tình trạng tái bít tắc, từ đó giúp giảm thiểu mụn ẩn lâu dài và cải thiện kết cấu da.
- Mụn viêm nhẹ (mụn sẩn, mụn mủ nhỏ): salicylic acid trong BHA có đặc tính kháng viêm, giúp làm dịu các nốt mụn sưng đỏ và giảm kích ứng.
Các loại mụn không nên dùng BHA
- Mụn viêm nặng (mụn bọc, mụn nang): BHA chỉ có tác dụng làm sạch bề mặt và giảm viêm nhẹ, không hiệu quả đối với các nốt mụn viêm nặng sâu bên trong da. Đối với các trường hợp này, nên kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác như retinoid, kháng sinh hoặc các liệu pháp chuyên sâu theo chỉ định của Bác sĩ.
- Da quá khô, nhạy cảm: BHA có thể gây khô và bong tróc da, do đó không phù hợp với những người có làn da quá nhạy cảm hoặc đang bị kích ứng nặng.
Hướng dẫn dùng BHA trị mụn
Nên bắt đầu với nồng độ thấp khoảng 1%, đặc biệt nếu mới sử dụng hoặc có làn da nhạy cảm. Đây là mức nồng độ an toàn giúp da làm quen dần mà không gây kích ứng mạnh.
Sau khi da đã thích nghi, có thể tăng lên nồng độ 2%, đây là mức nồng độ lý tưởng và phổ biến nhất, mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị mụn. Mặc dù ban đầu có thể xuất hiện cảm giác châm chích, hiện tượng này sẽ giảm dần khi da đã quen với BHA.
Nếu da đã đủ khỏe và quen với chăm sóc chuyên sâu, có thể thử BHA ở nồng độ 4%. Tuy nhiên, đây là nồng độ cao nhất và chỉ nên sử dụng 1 – 2 lần/tuần để đảm bảo an toàn. Tùy theo tình trạng da, điều chỉnh nồng độ và tần suất dùng BHA sẽ giúp tối ưu hiệu quả điều trị.
Thông thường, BHA nồng độ 1 – 2% có thể được dùng 2 – 4 lần/tuần trên làn da khỏe mạnh. Trong khi đó, với nồng độ 4%, chỉ nên sử dụng tối đa 1 – 2 lần/tuần để tránh nguy cơ kích ứng da.
Bảng dưới đây đề xuất dạng dùng và tần suất sử dụng salicylic acid phổ biến cho người lớn trong điều trị mụn. Trong 2 – 3 ngày đầu, nên thoa một lượng nhỏ lên một vùng da nhỏ để kiểm tra phản ứng trước khi thoa lên toàn bộ vùng da.
Dạng dùng | Phần trăm salicylic acid | Liều lượng |
Gel | 0.5 – 5% | 1 lần/ngày |
Kem dưỡng da | 1 – 2% | 1 – 3 lần/ngày |
Thuốc mỡ | 3 – 6% | Khi cần thiết |
Xà phòng | 0.5 – 5% | Khi cần thiết |
Toner | 0.5 – 2% | 1 – 3 lần/ngày |
Xem thêm các bài viết liên quan
Lưu ý khi sử dụng BHA trị mụn
- Tránh sử dụng cùng các hoạt chất mạnh khác
Không nên dùng BHA cùng lúc với các chất có hoạt tính mạnh như nhóm retinoid (retinol, tretinoin, adapalene, tazarotene, retinaldehyde), AHA hoặc benzoyl peroxide. Điều này có thể khiến da dễ bị kích ứng và làm suy yếu hàng rào bảo vệ tự nhiên của da.
Thay vào đó, nên sử dụng các hoạt chất này xen kẽ vào các ngày khác nhau trong tuần.
Nếu muốn sử dụng trong cùng một quy trình, hãy đảm bảo da đã quen với từng sản phẩm riêng biệt trước khi kết hợp chúng. Ngoài ra, có thể sử dụng các sản phẩm vào các thời điểm khác nhau trong ngày, ví dụ BHA vào buổi sáng và retinoid vào buổi tối.
- Đừng quá lo lắng khi có hiện tượng đẩy mụn
BHA giúp đẩy mụn ẩn, mụn đầu đen và mụn đầu trắng vốn đã tồn tại dưới da lên trên bề mặt da. Hiện tượng đẩy mụn thường kéo dài khoảng 4 – 6 tuần và các nốt mụn thường nhanh lành, không gây đau hay sưng tấy. Nếu mụn đẩy lên quá nhiều, hãy giảm tần suất sử dụng BHA để tránh kích ứng da.
- Kết hợp với kem dưỡng ẩm phục hồi
Để tránh tình trạng da khô, bong tróc, cần bổ sung các sản phẩm dưỡng ẩm có thành phần như hyaluronic acid, ceramide, vitamin B5… giúp da được cấp ẩm đầy đủ và duy trì độ ẩm cần thiết.
- Sử dụng kem chống nắng
Da sau khi sử dụng BHA sẽ nhạy cảm hơn với ánh nắng do lớp sừng già đã bị loại bỏ. Vì vậy, cần sử dụng kem chống nắng phổ rộng vào ban ngày để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và che chắn kỹ càng khi ra ngoài.
- Lắng nghe phản ứng của da
Mỗi làn da đều có phản ứng khác nhau với các hoạt chất, vì vậy hãy quan sát và điều chỉnh tần suất sử dụng BHA sao cho phù hợp, đặc biệt khi mới bắt đầu để tránh kích ứng và đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
BHA là một trong những thành phần trị mụn rất hiệu quả và phù hợp với làn da dầu, giúp làm sạch sâu lỗ chân lông và cải thiện kết cấu da. Hy vọng qua bài viết, bạn đã nắm rõ cách sử dụng BHA để tối ưu kết quả điều trị. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc muốn được tư vấn cụ thể hơn, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để được các Bác sĩ Da liễu hỗ trợ chi tiết.
Tài liệu tham khảo
- “Beta Hydroxy Acids“. FDA
- “Everything You Need to Know About Using Alpha Hydroxy Acids (AHAs)“. Healthline
- Tang SC, Yang JH. “Dual Effects of Alpha-Hydroxy Acids on the Skin“. Molecules. 2018 Apr 10;23(4):863. doi: 10.3390/molecules23040863