Ăn mì tôm có nổi mụn không?

Ngày 17/12/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Mì tôm (hay còn gọi là mì ăn liền) là món ăn quen thuộc và rất phổ biến. Nhiều người yêu thích mì tôm vì hương vị thơm ngon, đa dạng cũng như tính tiện lợi và giá thành phải chăng. Tuy nhiên, mì tôm được cho rằng có hại cho sức khỏe, gây nổi mụn, cần hạn chế sử dụng. Vậy điều này có đúng không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Thành phần dinh dưỡng và tác động của mì tôm đến da

Thành phần của mì tôm bao gồm tinh bột của bột mì, chất béo, muối, chất phụ gia, gia vị. Tùy thuộc vào nhà sản xuất mà mùi vị của các loại mì khác nhau, tuy nhiên thành phần dinh dưỡng của mỗi gói mì sẽ không thay đổi nhiều. Thông thường, 1 gói mì 75g sẽ cung cấp:

  • Giá trị năng lượng: 350 kcal.
  • Chất béo: 13g.
  • Carbohydrate: 51.4g.

Bột mì là nguồn cung cấp tinh bột chính, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Trung bình một gói mì có thể cung cấp 350 kcal nhưng lượng calories này là từ carbohydrate và chất béo. 

Lượng carbohydrate có trong mì tôm giúp cung cấp năng lượng nhanh chóng nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ dẫn đến tăng đường huyết, dễ dẫn đến viêm và nổi mụn trên da. 

Chất béo trong mì giúp tạo nên hương vị cũng như độ giòn cho sản phẩm, tuy nhiên việc tiêu thụ lượng lớn chất béo bão hoà dễ gây nguy cơ bệnh tim mạch. 

Việc thiếu hụt chất xơ, protein và các khoáng chất cần thiết làm giảm khả năng phục hồi và bảo vệ của da, dẫn đến da khô và kém sức sống.

thành phần dinh dưỡng mì tôm
Mì tôm chứa nhiều thành phần không tốt cho sức khoẻ và làn da

Ăn mì tôm có nổi mụn không?

Hiện tại, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định mì tôm là nguyên nhân chính gây mụn. Tuy nhiên, một số thành phần trong mì tôm có thể góp phần gián tiếp làm da dễ bị mụn hơn nếu tiêu thụ thường xuyên.

Mì tôm chứa carbohydrate tinh chế – loại carbohydrate được tiêu hóa nhanh, làm tăng lượng đường trong máu đột ngột. Điều này không chỉ gây viêm mà còn khiến cơ thể tiết ra nhiều insulin để cân bằng đường huyết, dẫn đến mất cân bằng hormone và kích thích tuyến dầu hoạt động mạnh hơn, dễ gây mụn.

Ngoài ra, chất béo trong mì tôm, chủ yếu là chất béo bão hòa từ dầu thực vật hoặc mỡ động vật qua chiên, có thể gây viêm nếu nạp vào cơ thể quá nhiều. Tình trạng viêm kết hợp với bã nhờn và bụi bẩn sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến mụn hình thành.

Không chỉ vậy, mì tôm thường thiếu các vi chất cần thiết như vitamin A, C, E và kẽm – những thành phần quan trọng giúp bảo vệ da, giảm viêm và thúc đẩy tái tạo. Thiếu các vi chất này có thể làm da yếu hơn, giảm khả năng chống lại tác động từ môi trường và dễ xuất hiện mụn.

Tóm lại, ăn mì tôm không trực tiếp gây mụn, nhưng việc tiêu thụ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe làn da, khiến da dễ bị mụn hơn.

ăn mì tôm nổi mụn không
Một số thành phần trong mì tôm có thể gây nổi mụn nếu tiêu thụ thường xuyên

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến tình trạng mụn

Mặc dù mì tôm có thể tác động tiêu cực đến da, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra mụn. Tình trạng mụn còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như:

  • Di truyền: nếu gia đình có tiền sử mắc các vấn đề da liễu như mụn trứng cá hay da dầu, nguy cơ bị mụn sẽ cao hơn, bất kể chế độ ăn uống có lành mạnh đến đâu.
  • Hormone: thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai thường làm tăng sản xuất bã nhờn, dễ gây bít tắc lỗ chân lông và sinh mụn.
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt: chế độ ăn thiếu cân bằng, giàu thực phẩm chế biến sẵn nhưng thiếu rau xanh và các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe làn da. Thói quen sinh hoạt không điều độ như thức khuya hoặc ăn uống thất thường, uống không đủ nước cũng khiến da dễ viêm và nổi mụn.
  • Thói quen chăm sóc da: chăm sóc da không đúng cách hoặc không thường xuyên có thể gây tích tụ bụi bẩn, tế bào chết, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và làm tình trạng mụn nghiêm trọng hơn. Một quy trình chăm sóc da khoa học là yếu tố quan trọng giúp duy trì làn da khỏe mạnh và ngăn ngừa mụn.
một số yếu tố gây mụn
Một số yếu tố có thể gây nên tình trạng mụn

Ăn mì tôm như thế nào để hạn chế tác động lên da

Nếu là một “tín đồ” của mì tôm nhưng lại lo sợ ăn mì ảnh hưởng đến da, hãy áp dụng những cách sau nhằm hạn chế tác động của mì tôm đến da:

  • Hạn chế tiêu thụ quá nhiều: mì tôm không nên trở thành món ăn chính trong thực đơn hằng ngày. Thay vào đó, hãy bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua hoặc các loại thực phẩm tươi sống.
  • Chọn sản phẩm phù hợp: ưu tiên những loại mì ít gia vị, ít muối, không chứa chất bảo quản và hương liệu nhân tạo. Đọc kỹ nhãn sản phẩm để đảm bảo lựa chọn an toàn cho sức khỏe.
  • Điều chỉnh cách chế biến mì tôm: nên trụng mì qua nước sôi, sau đó rửa sạch, đổ nước cũ đi sau đó đổ nước mới vào để nấu mì. Cách này giúp loại bỏ bớt chất béo và muối dư thừa trong mì tôm. Đồng thời, hạn chế sử dụng toàn bộ gói gia vị kèm theo, chỉ nên thêm một lượng vừa đủ để giảm hàm lượng muối và dầu ăn.
  • Kết hợp mì cùng các loại rau xanh: nên kết hợp mì tôm với các loại rau xanh, củ quả, thịt nạc hoặc trứng, giúp bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất và protein cần thiết cho cơ thể. 
  • Uống đủ nước: vì mì tôm chứa nhiều muối, cần uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể giữ ẩm, hỗ trợ trao đổi chất và giảm nguy cơ nổi mụn.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và tập thể dục thường xuyên không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn giảm các tác động tiêu cực lên da như mụn và sạm da.
  • Chăm sóc da đúng cách: rửa mặt sạch sẽ, sử dụng kem dưỡng phù hợp và sử dụng kem chống nắng bảo vệ da hằng ngày sẽ giúp duy trì làn da khỏe mạnh, hạn chế các ảnh hưởng từ việc tiêu thụ mì tôm.
chọn mì tôm phù hợp không gây mụn
Chọn những loại mì ít gia vị, ít muối, không chứa chất bảo quản và hương liệu nhân tạo giúp hạn chế nổi mụn

Mì tôm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến da nếu tiêu thụ thường xuyên, nhưng hoàn toàn có thể giảm thiểu tác động này bằng cách chọn loại mì phù hợp, chế biến đúng cách và bổ sung thêm rau củ vào bữa ăn. Đừng quên theo dõi Doctor Acnes để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về cách chăm sóc da mụn nhé!

Tài liệu tham khảo

  1. Are Instant Noodles Bad for You?“. Healthline
  2. Farrand C, Charlton K, et al. “Know Your Noodles! Assessing Variations in Sodium Content of Instant Noodles across Countries“. Nutrients. 2017 Jun 16;9(6):612. doi: 10.3390/nu9060612
  3. Why Refined Carbs Are Bad For You“. Healthline

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84