Mụn ở chân tóc: nguyên nhân thường gặp và cách điều trị hiệu quả

Ngày 03/05/2025. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Mụn có thể hình thành ở nhiều vị trí trên cơ thể nhưng mụn ở chân tóc lại là một tình trạng ít gặp hơn. Thông thường, tình trạng này thường xảy ra ở những người có da dầu hoặc những ai thường xuyên sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc. Vậy nguyên nhân cụ thể là gì và làm thế nào để khắc phục hiệu quả? Hãy cùng Doctor Acnes khám phá các giải pháp an toàn để loại bỏ mụn ở chân tóc nhé!

Nguyên nhân gây mụn ở chân tóc

Mụn ở chân tóc xuất hiện khi các nang lông trên da đầu bị tắc nghẽn hoặc viêm. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này, cụ thể như sau:

  • Tăng tiết dầu nhờn: da đầu tiết quá nhiều bã nhờn có thể dẫn đến tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn, gây mụn. Đây là hiện tượng phổ biến ở những người có da dầu hoặc khi có sự thay đổi nội tiết tố, ví dụ như trong giai đoạn dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai.
  • Bị kích ứng bởi các sản phẩm chăm sóc tóc: một số sản phẩm như dầu gội, dầu xả, gel vuốt tóc có thể chứa các thành phần gây kích ứng da, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn,đặc biệt là chất tạo bọt và silicon trong dầu gội.
  • Do vệ sinh không đảm bảo: bụi bẩn và ô nhiễm từ môi trường có thể bám vào tóc và da đầu, dẫn đến việc tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn. Bên cạnh đó, việc đội nón bảo hiểm hoặc mũ trong thời gian dài mà không vệ sinh thường xuyên cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, nếu không vệ sinh da đầu kỹ hoặc không đều đặn, bụi bẩn và dầu nhờn sẽ tích tụ, dẫn đến mụn.
  • Nhiễm khuẩn và nấm: một số loại vi khuẩn và nấm có thể tấn công nang lông, gây viêm và dẫn đến mụn. Vi khuẩn Propionibacterium acnes là một trong những nguyên nhân phổ biến của mụn, loại vi khuẩn này có thể phát triển mạnh mẽ trên da đầu khi môi trường thuận lợi.
vi khuẩn propionibacterium acnes
Vi khuẩn propionibacterium acnes
  • Căng thẳng và chế độ ăn uống: Căng thẳng kéo dài có thể làm thay đổi nội tiết tố, dẫn đến việc tăng tiết dầu trên da đầu. Chế độ ăn uống giàu đường, chất béo hoặc thực phẩm cay nóng cũng có thể góp phần kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn.
thực phẩm giàu đường chất béo cay nóng
Thực phẩm giàu đường chất béo cay nóng

Dấu hiệu nhận biết bị mụn ở chân tóc

Mụn ở chân tóc thường dễ bị nhầm lẫn với viêm da dầu hoặc các bệnh da đầu khác, do đó, việc nhận biết các dấu hiệu chính xác là rất quan trọng. Những triệu chứng phổ biến của mụn ở chân tóc bao gồm:

  • Nổi các nốt mụn nhỏ: trên da đầu xuất hiện các nốt mụn đỏ, trắng hoặc mụn đầu đen nhỏ. Các nốt mụn này có thể gây đau hoặc ngứa, tùy thuộc vào mức độ viêm nhiễm.
  • Da đầu ngứa: mụn ở chân tóc thường gây ra cảm giác ngứa, khó chịu. Ngứa nhiều có thể dẫn đến việc cào gãi, làm tổn thương da và khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Sưng đỏ và viêm nhiễm: khi các nốt mụn bị viêm, da quanh mụn có thể sưng đỏ và đau. Trong trường hợp nặng, mụn có thể phát triển thành dạng mụn mủ hoặc u nang, gây nhiễm trùng sâu hơn.
  • Rụng tóc tại vị trí mụn: nếu mụn ở chân tóc không được điều trị đúng cách, viêm nhiễm có thể lan rộng và ảnh hưởng đến nang tóc, gây rụng tóc tạm thời hoặc thậm chí sẽ để lại sẹo vĩnh viễn.
mụn ở chân tóc
Mụn ở chân tóc (hình minh họa)

Cách điều trị mụn ở chân tóc

Nhìn chung hầu hết các trường hợp da đầu nổi mụn nếu được điều trị đúng hướng kết hợp vệ sinh da đầu sạch sẽ, chế độ ăn uống phù hợp thì vùng da đầu bị nổi mụn sẽ sớm được hồi phục.

Chăm sóc da đầu đúng cách

Vệ sinh da đầu sạch sẽ là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa tình trạng bít tắc lỗ chân lông và hạn chế hiện tượng mụn trên da đầu. Gội đầu thường xuyên với nước ấm, nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương da là bước cần thiết. Đối với da đầu quá dầu, dầu gội khô có thể hỗ trợ kiểm soát lượng dầu thừa giữa các lần gội

Tránh sử dụng quá nhiều sản phẩm tạo kiểu

Hạn chế sử dụng các sản phẩm tạo kiểu như gel, sáp vuốt tóc hoặc keo xịt tóc, vì chúng có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông nếu không được làm sạch đúng cách. Việc vệ sinh da đầu kỹ sau khi sử dụng những sản phẩm này là rất cần thiết để ngăn ngừa tái phát mụn.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và lối sống

Một chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế đường, chất béo và thực phẩm chế biến sẵn có thể giúp kiểm soát tuyến bã nhờn. Bên cạnh đó, quản lý căng thẳng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa mụn.

Điều trị bằng thuốc

Lựa chọn mỹ phẩm chăm sóc tóc có chứa hoạt chất trị mụn để giảm nguy cơ bị mụn ở chân tóc, việc lựa chọn sản phẩm chăm sóc tóc không chứa các thành phần gây kích ứng da là rất quan trọng. Nên sử dụng dầu gội có chứa thành phần kháng khuẩn và chống viêm như acid salicylic, acid azelaic hoặc zinc pyrithione.

Sử dụng thuốc kê đơn khi mụn nặng và kéo dài, Bác sĩ có thể kê thuốc bôi hoặc thuốc uống để kiểm soát vi khuẩn và giảm viêm. Các loại thuốc trị mụn thường được kê đơn gồm:

  • Kháng sinh: clindamycin hoặc erythromycin thường được bôi trực tiếp lên da để tiêu diệt vi khuẩn gây mụn như Propionibacterium acnes. Dạng gel, lotion hoặc dung dịch của clindamycin thường được sử dụng 2 lần/ngày để giảm viêm và ngăn ngừa mụn tái phát. Kháng sinh đường uống như doxycycline, minocycline hoặc tetracycline thường được chỉ định cho mụn viêm nặng, giúp giảm viêm từ bên trong nhưng chỉ dùng ngắn hạn để tránh kháng thuốc.
  • Kem bôi chứa retinoid: retinoid là dẫn xuất của vitamin A, được sử dụng rộng rãi trong điều trị mụn. Retinoid giúp giảm viêm, ngăn ngừa lỗ chân lông bị tắc và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da. Một số sản phẩm chứa retinoid bao gồm tretinoin, adapalene và tazarotene.
  • Isotretinoin: đây là loại retinoid mạnh nhất, dùng cho mụn trứng cá nặng. Isotretinoin giúp giảm dầu, ngăn tắc nghẽn lỗ chân lông và giảm viêm. Đây là loại thuốc duy nhất tác động trực tiếp và đầy đủ các nguyên nhân gây mụn. Tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ do thuốc có thể gây tác dụng phụ như kích ứng da, nhạy cảm ánh sáng và đặc biệt là nguy cơ dị tật thai nhi.
thuốc uống trị mụn
Điều trị mụn ở chân tóc bằng thuốc

Các công nghệ chuyên sâu

Trong quá trình điều trị mụn chân tóc bằng các công nghệ chuyên sâu như laser, IPL, điện di hoặc peel da hóa học, việc cạo tóc thường không cần thiết. Các phương pháp này có thể thực hiện trực tiếp trên da đầu, chỉ cần vén hoặc chia tóc để bác sĩ dễ dàng tiếp cận vùng da bị mụn.

Việc làm sạch tóc trước khi điều trị và giữ da đầu thông thoáng là rất quan trọng, nhưng cạo tóc chỉ được yêu cầu trong trường hợp mụn lan rộng hoặc khó tiếp cận.

Các phương pháp chuyên sâu thường được sử dụng bao gồm:

  • Peel da: sử dụng acid nhẹ như acid glycolic hoặc salicylic để tẩy tế bào chết, làm sạch lỗ chân lông và kiểm soát dầu nhờn trên da đầu. Phương pháp này còn giúp tẩy tế bào chết, loại bỏ dầu nhờn, bụi bẩn sâu trong lỗ chân lông, từ đó da thông thoáng và ngăn ngừa mụn quay lại. Các phương pháp khác như sử dụng thuốc bôi chứa thành phần chống viêm hoặc kháng khuẩn, điều trị laser hoặc sử dụng retinoid cũng có thể giúp ngăn ngừa mụn quay trở lại, nhưng cơ chế tác động có thể khác nhau.
  • Laser hoặc ánh sáng IPL: hiệu quả trong giảm tiết bã nhờn, giảm viêm, kích thích tăng sinh collagen, phục hồi và trẻ hóa da. Công nghệ này tác động chọn lọc lên tổn thương do mụn viêm gây ra, khắc phục được nhược điểm của điều trị bằng thuốc đường toàn thân.
  • Điện di: sử dụng dòng điện nhẹ để đưa các dưỡng chất và hoạt chất trị mụn (chẳng hạn như AHA, BHA và retinol) vào sâu bên trong da đầu.
phương pháp trị mụn ở chân tóc
Điều trị mụn ở chân tóc bằng các công nghệ peel da, laser, IPL, điện di

Khi nào nên gặp Bác sĩ Da liễu?

Khi gặp những dấu hiệu sau, nên đến gặp Bác sĩ Da liễu ngay để được thăm khám và điều trị đúng cách:

  • Mụn không cải thiện sau khi tự điều trị: nếu đã thử các biện pháp chăm sóc da đầu và sử dụng sản phẩm điều trị mà mụn không thuyên giảm, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Mụn lan rộng và viêm nặng: khi mụn lan rộng, gây sưng đau hoặc có mủ, việc điều trị tại nhà có thể không đủ hiệu quả. Bác sĩ da liễu sẽ đưa ra phác đồ điều trị chuyên sâu hơn.
  • Rụng tóc nhiều: nếu mụn gây rụng tóc nghiêm trọng hoặc để lại sẹo, cần điều trị sớm để ngăn ngừa tình trạng rụng tóc vĩnh viễn.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng: nếu mụn có dấu hiệu nhiễm trùng như chảy mủ, sưng tấy và gây đau nhức nhiều, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh hoặc các biện pháp can thiệp khác.
thăm khám bác sĩ định kỳ
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị các vấn đề về mụn

Mụn ở chân tóc không chỉ gây khó chịu mà còn dẫn đến các vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe nếu không điều trị kịp thời. Hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng biện pháp phòng ngừa đúng cách sẽ giúp da đầu khỏe mạnh. Nếu mụn không thuyên giảm hoặc trở nặng, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị hiệu quả nhé!

Tài liệu tham khảo

  1. Bakshi P, Vora D, Hemmady K, Banga AK. “Iontophoretic skin delivery systems: Success and failures”Int J Pharm. 2020 Aug 30;586:119584
  2. Ichiro Kurokawa, Naoki Oiso, Akira Kawada. “Adjuvant alternative treatment with chemical peeling and subsequent iontophoresis for postinflammatory hyperpigmentation, erosion with inflamed red papules and non-inflamed atrophic scars in acne vulgaris”The Journal of Dermatology. 2017 Apr;44(4):401-405
  3. M Kumaresan, C R Srinivas. “Efficacy of IPL in treatment of acne vulgaris: comparison of single- and burst-pulse mode in IPL“. Indian J Dermatol. 2010 Oct-Dec;55(4):370–372

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84