Vì mụn là một tình trạng phổ biến và gây nhiều phiền toái nên các hoạt chất có hoạt tính trị mụn như tazarotene và azelaic acid luôn nhận được nhiều sự quan tâm và tìm hiểu của mọi người. Trong bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ cung cấp thông tin khoa học về hai loại hoạt chất tazarotene và azelaic acid, ưu điểm đối với da mụn cũng như những lưu ý khi sử dụng hai loại hoạt chất này.
Vì sao da bị mụn?
Mụn là tình trạng tổn thương da bắt nguồn từ nang lông. Có nhiều yếu tố tác động đồng thời trong quá trình sinh mụn, những yếu tố này có thể được tóm gọn thành 4 nhóm như sau:
- Sừng hóa nang lông bất thường, dẫn đến tình trạng bít tắc.
- Quá trình sản sinh chất bã nhờn tăng cao và bất thường do tác động của nội tiết tố nhóm androgen.
- Sự tăng sinh vi khuẩn Cutibacterium acnes trong nang lông.
- Rối loạn về đáp ứng miễn dịch và quá trình viêm.
Giới thiệu về tazarotene và azelaic acid
Tazarotene
Tazarotene là một tiền chất retinoid tổng hợp thuộc thế hệ thứ 3, có hoạt tính retinoid mạnh. Khi thoa lên da, tazarotene chuyển hóa thành dạng hoạt động thông qua quá trình este hóa ngược. Tazarotene giúp giảm sừng hóa quá mức, kháng viêm, giảm thâm da và tái tạo mạng lưới chất nền của da.
- Giảm sừng hóa quá mức (hyperkeratinization): điều chỉnh quá trình biệt hóa tế bào biểu mô, giảm hoạt động của yếu tố tăng sinh biểu mô, hạn chế keratin K6 và K16, kiểm soát men thủy phân protein cấu trúc trong tế bào sừng.
- Kháng viêm: giảm hoạt động của thụ thể Toll-like receptor 2 (TLR2) – liên kết với vi khuẩn Cutibacterium acnes, giúp ngăn ngừa viêm.
- Giảm thâm da: giúp tăng tốc độ thay mới lớp biểu mô, góp phần hạn chế tổn thương thâm sau viêm (PIH) do mụn gây ra.
- Tái tạo mạng lưới chất nền của da: ức chế protein hoạt hóa số 1 (activator protein 1), điều chỉnh quá trình sản sinh collagen, vì vậy giúp tái tạo mạng lưới chất nền của da.
Azelaic acid
Azelaic acid là một acid di-carboxylic bão hòa có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Một lượng ít hoạt chất này cũng được sản sinh tự nhiên trong cơ thể người qua quá trình omega oxy hóa acid béo. Azelaic acid có thể xuyên qua tất cả các lớp của làn da, và mang lại nhiều lợi ích như kháng khuẩn, kháng viêm, giảm hoạt tính androgen và ức chế sự tăng sinh tế bào quá mức (hyperproliferation).
- Kháng khuẩn: ức chế enzyme thioredoxin reductase, giúp kiểm soát vi khuẩn hiếu khí và kị khí, đặc biệt là Cutibacterium acnes và Staphylococcus epidermidis.
- Kháng viêm: giảm sản sinh dạng oxy hoạt động (ROS) từ bạch cầu hạt, hạn chế tổn thương mô do oxy hóa.
- Giảm hoạt tính androgen: ức chế enzyme 5-alpha-reductase và oxidoreductase ti thể, giảm chuyển hóa testosterone thành 5-dihydrotestosterone, từ đó giảm bài tiết bã nhờn.
- Giảm sừng hóa quá mức (hyperkeratinization): kiểm soát tăng sinh tế bào sừng, hạn chế sự trưởng thành của tế bào qua việc giảm sản sinh tiền chất keratin.
- Giảm thâm da: ức chế enzyme tyrosinase, giúp điều trị thâm da mà không làm nhạt màu vùng da xung quanh.
So sánh tazarotene và azelaic acid
Tazarotene và azelaic acid đều có thể được sử dụng để điều trị mụn. Hai hoạt chất này có nhiều đặc tính tương đồng như kháng viêm và chống sừng hóa quá mức. Trên thị trường, tazarotene và azelaic acid được cung cấp ở nhiều dạng chế phẩm như gel, kem, foam, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, tazarotene và azelaic acid cũng có những điểm khác biệt:
Về cấu trúc hóa học
- Tazarotene: là tiền chất retinoid tổng hợp, được chuyển hóa thành dạng có hoạt tính là tazarotenic acid bằng quá trình thủy phân liên kết este diễn ra trong da.
- Azelaic acid: là acid di-carboxylic bão hòa, tồn tại tự nhiên trong lúa mì, lúa mạch và được sản sinh bởi vi nấm men Pityrosporum ovale tự nhiên trên da.
Về hoạt tính trên da
- Tazarotene: có hoạt tính điều hòa mức độ tăng sinh tế bào, kháng viêm, giảm sừng hóa quá mức, tăng tốc độ thay mới biểu mô, tái tạo mạng lưới chất nền của da. Có tính chọn lọc cao hơn với thụ thể retinoid so với tretinoin.
- Azelaic acid: có hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm, điều hòa hoạt tính nội tiết tố nhóm androgen, điều hòa mức độ sừng hóa, giảm thâm da.
Về cách thức sử dụng
- Tazarotene: thường sử dụng một lần mỗi ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ. Sử dụng lượng vừa đủ để phủ vùng da bị mụn, sau đó rửa tay.
- Azelaic acid: thường sử dụng hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối, hoặc theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu. Dùng lượng vừa đủ và massage nhẹ nhàng vùng da nơi điều trị, sau đó rửa tay.
Về hiệu quả điều trị
- Tazarotene: theo phân tích từ nhiều thử nghiệm lâm sàng của Bác sĩ Huang và Leyden, tazarotene có hiệu quả điều trị mụn tốt hơn tretinoin.
- Azelaic acid: theo nghiên cứu của Katsambas và TS. Sarah King, azelaic acid có hiệu quả tương đương với tretinoin nhưng ít gây kích ứng da hơn.
Về tác dụng không mong muốn
- Tazarotene: có thể xuất hiện cảm giác khó chịu tại chỗ, bong da, khô, ngứa và đỏ da mức độ nhẹ đến trung bình. Tỉ lệ xảy ra tác dụng không mong muốn từ 10-30% trong chỉ định điều trị da mụn.
- Azelaic acid: có thể xảy ra một số tác dụng không mong muốn như đỏ da, khô da, bong da, cảm giác ngứa và nóng tại chỗ, tuy nhiên đa phần những tác dụng phụ nếu có xảy ra đều ở mức độ nhẹ đến rất nhẹ.
Về chống chỉ định
- Tazarotene: tazarotene không nên sử dụng trong trường hợp phụ nữ đang mang thai, hoặc người có tiền sử mẫn cảm với các thành phần của chế phẩm.
- Azelaic acid: azelaic acid không có chống chỉ định đặc hiệu của hoạt chất, tuy nhiên không nên sử dụng nếu có tiền sử quá mẫn với các thành phần của chế phẩm.
Nên chọn tazarotene hay azelaic acid cho da mụn
Để lựa chọn giữa tazarotene và azelaic acid, cần phải cân nhắc mục đích điều trị, mức độ nhạy cảm của da cũng như nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mụn.
- Về mục đích điều trị: azelaic acid và tazarotene đều có hoạt tính trị mụn mạnh mẽ, nhưng bên cạnh đó, tazarotene còn có khả năng chống lão hóa da tốt hơn so với azelaic acid. Khi làn da gặp song song vấn đề mụn và lão hóa, tazarotene sẽ là lựa chọn tốt hơn.
- Về mức độ nhạy cảm của da: azelaic acid ít gây kích ứng da hơn so với retinoid nói chung và tazarotene nói riêng. Vì vậy, azelaic acid phù hợp hơn đối với người có làn da nhạy cảm.
Có nên kết hợp tazarotene và azelaic acid để trị mụn?
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về việc phối hợp tazarotene và azelaic acid để trị mụn. Tuy nhiên, một báo cáo loạt ca bệnh của Surin-Lord và Miller cho thấy việc sử dụng azelaic acid 15% và tretinoin 0.05% – một retinoid tương tự tazarotene – cải thiện đáng kể tình trạng mụn của 4 bệnh nhân sau 3-8 tuần.
Về tính an toàn, nghiên cứu của Kirsch trên 16 bệnh nhân thâm nám da sử dụng tazarotene 0.075%, azelaic acid 20%, tacrolimus 0.1%, và kẽm oxide 10% trong 20 tuần cho thấy hiệu quả giảm thâm nám rõ rệt và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Xem thêm các bài viết liên quan
Lưu ý khi sử dụng tazarotene và azelaic acid
Tazarotene
- Độc tính trên thai nhi: theo FDA, phụ nữ trong độ tuổi sinh nở cần được tư vấn về nguy cơ đối với thai nhi khi sử dụng tazarotene, và phải sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp. Cần có kết quả thử thai âm tính trong vòng 2 tuần trước khi bắt đầu điều trị với tazarotene dạng dùng ngoài da.
- Kích ứng da tại chỗ: người có làn da nhạy cảm, cơ địa chàm da có thể gặp phản ứng như ngứa, đỏ da, bong da. Cần điều chỉnh liều hoặc ngưng dùng tazarotene đến khi da hồi phục. Tránh dùng mỹ phẩm hoặc chế phẩm bôi ngoài da có đặc tính gây khô da.
- Tăng nhạy cảm với ánh nắng: khi dùng tazarotene, tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời, đèn cực tím (sunlamp). Sử dụng kem chống nắng SPF tối thiểu 15 và mặc quần áo dài. Không dùng tazarotene khi da bị cháy nắng. Khi dự định dùng tazarotene, nên xem xét yếu tố nghề nghiệp tiếp xúc nắng nhiều, cơ địa nhạy cảm ánh nắng và việc sử dụng các loại thuốc tăng nhạy cảm ánh nắng như thiazide, tetracycline.
- Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm: dùng kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng để giữ ẩm và giảm khô da khi dùng azelaic acid. Nên dùng dưỡng ẩm dạng kem hoặc lotion khoảng 1 giờ trước khi sử dụng tazarotene.
- Tránh để tazarotene tiếp xúc với mắt: nếu tiếp xúc với mắt, rửa ngay bằng nước sạch và vệ sinh tay sau khi bôi azelaic acid để tránh lây nhiễm.
Azelaic acid
- Azelaic acid là một loại hoạt chất có độ an toàn cao, không ghi nhận tình trạng tăng nhạy cảm ánh nắng sau khi sử dụng.
- Nên dùng azelaic acid hai lần mỗi ngày.
- Rửa sạch và lau khô vùng da nơi điều trị trước khi bôi azelaic acid.
- Massage nhẹ nhàng toàn bộ vùng da nơi điều trị sau khi đã bôi azelaic acid.
- Rửa sạch tay sau khi hoàn tất bôi azelaic acid.
- Hiệu quả thường được ghi nhận sau 4 tuần.
Cả tazarotene và azelaic acid đều là các lựa chọn hiệu quả trong điều trị mụn. Mỗi loại hoạt chất có những ưu và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn hoạt chất phù hợp nhất cần dựa vào toàn bộ vấn đề mà làn da đang gặp phải cũng như mức độ nhạy cảm của làn da. Việc kết hợp cả hai hoạt chất cần có sự tư vấn của Bác sĩ Da liễu. Hãy luôn lắng nghe làn da của mình để điều chỉnh phương pháp điều trị sao cho phù hợp nhất.
Tài liệu tham khảo
- Gregoriou S, Kritsotaki E, Katoulis A, Rigopoulos D. “Use of tazarotene foam for the treatment of acne vulgaris“. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2014 May 27;7:165-70. doi: 10.2147/CCID.S37327. PMID: 24920932; PMCID: PMC4043801
- Epstein EL, Stein Gold L. “Safety and efficacy of tazarotene foam for the treatment of acne vulgaris“. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2013 May 14;6:123-5. doi: 10.2147/CCID.S34054. PMID: 23696711; PMCID: PMC3658431
- “Tazarotene“. Drugbank
- “Azelaic acid“. Drugbank
- “Is tazarotene better than tretinoin?“. Drugs.com
- “Tazorac 0.05 % Topical Cream Antipsoriatics – Uses, Side Effects, and More“. WebMD
- Huang CY, Chang IJ, Bolick N, Hsu WT, Su CH, Hsieh TS, Huang IH, Lee CC. “Comparative Efficacy of Pharmacological Treatments for Acne Vulgaris: A Network Meta-Analysis of 221 Randomized Controlled Trials“. Ann Fam Med. 2023 Jul-Aug;21(4):358-369. doi: 10.1370/afm.2995. PMID: 37487721; PMCID: PMC10365865
- Leyden JJ, Tanghetti EA, Miller B, Ung M, Berson D, Lee J. “Once-daily tazarotene 0.1 % gel versus once-daily tretinoin 0.1 % microsponge gel for the treatment of facial acne vulgaris: a double-blind randomized trial“. Cutis. 2002 Feb;69(2 Suppl):12-9. PMID: 12095064
- Katsambas A, Graupe K, Stratigos J. “Clinical studies of 20% azelaic acid cream in the treatment of acne vulgaris. Comparison with vehicle and topical tretinoin“. Acta Derm Venereol Suppl (Stockh). 1989;143:35-9. doi: 10.2340/000155551433539. PMID: 2528257
- Talpur R, Cox K, Duvic M. “Efficacy and safety of topical tazarotene: a review“. Expert Opin Drug Metab Toxicol. 2009 Feb;5(2):195-210. doi: 10.1517/17425250902721250. PMID: 20213916
- Hashim PW, Chen T, Harper JC, Kircik LH. “The Efficacy and Safety of Azelaic Acid 15% Foam in the Treatment of Facial Acne Vulgaris“. J Drugs Dermatol. 2018 Jun 1;17(6):641-645. PMID: 29879251