Ngoài tác dụng như một “thần dược” giúp tỉnh táo, cà phê còn có tác dụng ngăn ngừa các bệnh liên quan đến stress, oxy hóa và viêm nhiễm như béo phì và hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, một số người nhận thấy uống cà phê nhiều làm da nổi nhiều mụn hơn. Vậy uống cà phê có nổi mụn không? Cùng Doctor Acnes tìm câu trả lời trong bài viết sau.
Uống cà phê có nổi mụn không?
Ngoài những lợi ích như chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn và giảm mỡ thừa, caffeine trong cà phê cũng có tác động không tốt đến làn da và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn. Caffeine có thể gây ra một số thay đổi trong cơ thể như:
- Làm tăng nồng độ cortisol
Caffeine trong cà phê giúp tăng sự tỉnh táo bằng cách kích thích cơ thể sản xuất cortisol, một loại hormone gây căng thẳng. Mức cortisol cao không trực tiếp gây nên mụn, nhưng lại kích thích tuyến bã nhờn sản xuất nhiều dầu hơn. Bã nhờn dư thừa kết hợp với tế bào da chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến hình thành mụn.
- Làm tăng nồng độ insulin
Caffeine là một dẫn xuất của methylxanthine, hoạt động như một chất đối kháng thụ thể insulin, gây ra tình trạng kháng insulin cấp tính. Kháng insulin làm giảm độ nhạy insulin, khiến cơ thể cần nhiều insulin hơn để xử lý glucose, dù lượng insulin trong cơ thể vẫn được bài tiết ở mức bình thường, dẫn đến nồng độ insulin trong máu tăng cao.
Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, người có mức insulin cao có nhiều khả năng bị mụn hơn, do nồng độ insulin cao kích thích sản xuất androgen, khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn.
- Cà phê có thể làm gián đoạn giấc ngủ
Caffeine là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương, giúp tăng cường sự tỉnh táo và giảm cảm giác mệt mỏi, do đó làm người uống khó đi vào giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ 400mg caffeine khoảng 6 giờ trước khi đi ngủ làm giảm đáng kể thời gian cũng như chất lượng giấc ngủ.
Thiếu ngủ làm tăng cortisol, kích thích da sản xuất nhiều bã nhờn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây nên mụn. Nên hạn chế uống cà phê ít nhất 6 giờ trước khi ngủ để tránh tác động xấu đến giấc ngủ.
- Sữa và đường trong cà phê
Nhiều người thường thêm sữa và đường vào cà phê để làm tăng hương vị. Sữa chứa hormone androgen, đặc biệt là testosterone, có thể kích thích sản xuất DHT (dihydrotestosterone), từ đó làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn, gây nên mụn.
Đường dư thừa trong máu gây ra hiện tượng glycation, làm suy yếu collagen và elastin, khiến da trở nên yếu hơn, lão hóa nhanh hơn và dễ bị mụn.
Cách uống cà phê để không bị mụn
Yêu thích cà phê nhưng không muốn tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn? Dưới đây là một số mẹo giúp những người yêu cà phê có thể thưởng thức loại thức uống này mà không làm da xấu đi:
- Tiêu thụ ít caffeine: FDA khuyến cáo không nên vượt quá 400mg caffeine mỗi ngày, tương đương 4 – 5 tách cà phê. Để hạn chế tác động tiêu cực đến làn da, hãy tiêu thụ lượng caffeine như khuyến nghị hoặc chọn loại cà phê khử caffeine. Những người nhạy cảm với caffeine nên dùng ít hơn so với lượng khuyến nghị. Đồng thời, hạn chế các loại đồ uống khác như trà và nước tăng lực vì cũng chứa caffeine.
- Giảm lượng đường: dùng cà phê ít đường hoặc không đường. Có thể thay thế bằng các loại đường có ít carbohydrate để pha chế cà phê.
- Giảm sử dụng sữa bò: thay vì sử dụng sữa bò, hãy thử các loại sữa khác thay thế như sữa hạnh nhân, sữa hạt điều, hoặc nước dừa để pha cùng cà phê.
Xem thêm các bài viết liên quan
Các lợi ích đáng kể của cà phê đối với làn da
Ngoài những tác động tiêu cực nêu trên, cà phê nếu tiêu thụ đúng cách vẫn có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho làn da nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa như caffeine, polyphenol và acid caffeic.
- Caffeine: giúp cơ thể chống lại tác hại của tia cực tím, tăng cường lưu thông máu và kích thích quá trình trao đổi chất. Điều này góp phần loại bỏ các chất độc tích tụ trong cơ thể. Trong ngành dược mỹ phẩm, chiết xuất caffeine thường được sử dụng để chống lại tình trạng da sần vỏ cam (cellulite) bằng cách kích hoạt quá trình phân giải mỡ và giải phóng mỡ thừa từ các tế bào mỡ, đồng thời làm giãn mạch máu, giúp da săn chắc.
- Polyphenol: là chất chống oxy hóa mạnh mẽ có khả năng bảo vệ da khỏi bức xạ UV và trung hòa các gốc tự do. Nhờ vậy, polyphenol thường được sử dụng trong mỹ phẩm với hiệu quả chống nhăn và chống lão hóa. Một trong những polyphenol quan trọng là acid chlorogenic, có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn.
- Acid caffeic: có hoạt tính sinh học quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa các bệnh ung thư và viêm nhiễm. Ngoài ra, acid caffeic còn có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ. Acid caffeic cũng có thể được sử dụng trong mỹ phẩm nhờ khả năng làm săn chắc da. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để làm sáng tỏ tác dụng của acid caffeic trên con người và xác định liều lượng sử dụng thích hợp.
Cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho da và sức khỏe. Tuy nhiên, việc uống cà phê có thể gây mụn khi kết hợp với đường, sữa hoặc tiêu thụ quá nhiều mỗi ngày. Nếu gặp các vấn đề về mụn khi uống cà phê, hãy thử ngưng uống trong một thời gian để theo dõi sự thay đổi của da. Nếu tình trạng mụn không cải thiện, hãy liên hệ với Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị bởi Bác sĩ Da liễu nhé!
Tài liệu tham khảo
- William R. Lovallo, PhD, Thomas L. Whitsett, MD, Mustafa al’Absi. “Caffeine Stimulation of Cortisol Secretion Across the Waking Hours in Relation to Caffeine Intake Levels”. Published in final edited form as: Psychosom Med. 2005; 67(5): 734–739
- Joana F. Sacramento a, Maria J. Ribeiro a, Sara Yubero b, Bernardete F. Melo a. “Disclosing caffeine action on insulin sensitivity: Effects on rat skeletal muscle”. European Journal of Pharmaceutical Sciences Volume 70, 5 April 2015, Pages 107-116
- Anna Sadowska-Przytocka, Michalina Gruszczyńska, Anna Ostałowska, Patrycja Antosik. “Insulin resistance in the course of acne – literature review”. Postepy Dermatol Alergol. 2022 Apr; 39(2): 231–238
- Christopher Drake, Timothy Roehrs, John Shambroom, Thomas Roth. “Caffeine Effects on Sleep Taken 0, 3, or 6 Hours before Going to Bed”. J Clin Sleep Med. 2013 Nov 15; 9(11): 1195–1200
- A Herman, Herman. “Caffeine’s mechanisms of action and its cosmetic use”. Skin Pharmacol Physiol. 2013;26(1):8-14
- F William Danby. “Nutrition and aging skin: sugar and glycation”. Clin Dermatol. 2010 Jul-Aug;28(4):409-11