Trong những năm qua, tiêm collagen đã trở thành một trong những trào lưu làm đẹp được nhiều người ưa chuộng. Phương pháp này hứa hẹn mang lại làn da căng mịn, trẻ trung và đầy sức sống. Tuy nhiên, liệu tiêm collagen có thực sự hiệu quả như lời quảng cáo, vì sao phương pháp này hiện nay không còn phổ biến như trước? Qua bài viết này, Doctor Acnes sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về tiêm collagen và những giải pháp trẻ hóa thay thế.
Tiêm collagen là gì?
Collagen là một loại protein chiếm khoảng 70 – 80% cấu trúc da, giúp da duy trì cấu trúc và độ săn chắc. Khi tuổi tác tăng lên, lượng collagen tự nhiên trong cơ thể giảm dần, dẫn đến các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, da chảy xệ. Tiêm collagen là phương pháp bổ sung trực tiếp collagen vào da thông qua các mũi tiêm, giúp khắc phục các vấn đề này. Collagen dùng để tiêm vào da được chia làm hai loại:
- Collagen trích xuất từ mô liên kết của bò (bovine-derived collagen).
- Collagen người được sản xuất bằng phương pháp kĩ thuật sinh học (human-derived bioengineered collagen).
Một số sản phẩm collagen trích xuất từ mô liên kết của bò đã được FDA chấp thuận tiêm trong da bao gồm:
- Zyderm I: có 3.5% collagen, được FDA chấp thuận năm 1981.
- Zyderm II: có 6.5% collagen, được FDA chấp thuận năm 1983.
- Zyplast: có 3.5% collagen liên kết chéo với 0.0075% glutaraldehyde, được FDA chấp thuận năm 1985.
- Artecoll/Artefill: là huyền phù (suspension) chứa các vi cầu (microsphere) có thành phần polymethyl methacrylate trong dung dịch collagen và lidocaine, được FDA chấp thuận vào năm 2006. Những vi cầu này tồn tại kéo dài trong da sau khi collagen đã bị hấp thu, qua đó duy trì hiệu quả trẻ hóa lên đến 12 tháng.
Do các sản phẩm trên được sản xuất từ mô động vật, có nguy cơ phản ứng phản vệ, nên trước khi sử dụng cần được thử trên da (skin test) trước khi điều trị. Trong khi đó, nhóm sản phẩm collagen sản xuất bằng kỹ thuật sinh học từ tế bào người không có nguy cơ này. Nhóm này có một số chế phẩm đã được FDA chấp thuận vào năm 2003 như sau:
- CosmoDerm I: chứa collagen hàm lượng 35mg/cc trong dung dịch muối phosphate và 0.3% lidocaine.
- CosmoDerm II: chứa gấp đôi hàm lượng collagen so với CosmoDerm I.
- CosmoPlast: chứa hàm lượng collagen tương tự CosmoDerm I nhưng collagen được liên kết chéo bởi glutaraldehyde, làm tăng tính bền vững.
Quy trình tiêm collagen cần phải được thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu. Collagen được tiêm vào các vùng da bị lão hóa, như khuôn mặt, cổ, tay, giúp da căng mịn và đàn hồi hơn. Quá trình này thường diễn ra trong vòng 30 phút đến 1 giờ và không cần thời gian phục hồi lâu dài.
Khi nào cần tiêm collagen?
Theo FDA Hoa Kỳ, liệu pháp tiêm collagen có thể được chỉ định để điều chỉnh các tình trạng da mất đi sự căng mịn tự nhiên, ví dụ như:
- Nếp nhăn.
- Sẹo mụn.
- Da bị teo do chấn thương hoặc bệnh lý.
- Cải thiện vùng nếp mũi – má.
- Nếp nhăn ấn đường.
Các tổn thương xơ cứng như sẹo lõm dạng đáy nhọn hoặc nếp nhăn nông quanh miệng thường kém đáp ứng với tiêm collagen. Việc điều chỉnh những tổn thương này có thể mất nhiều thời gian hơn. Trong một số trường hợp, tiêm collagen không đủ hiệu quả và cần kết hợp với các phương pháp điều trị khác để đạt kết quả tốt hơn.
Tần suất tiêm collagen
Sau khi tiêm collagen, hoạt chất sẽ bị hấp thu một phần, còn khoảng 25 – 30% hàm lượng, do đó thông thường cần tiêm thêm ít nhất hai lần sau mỗi 2 tuần để có được hiệu quả điều trị như mong muốn. Collagen tiếp tục bị hấp thu dần theo thời gian, sau 6 – 18 tháng có thể sẽ cần buổi điều trị bổ trợ để duy trì tác dụng trẻ hóa.
Vì sao tiêm collagen hiện không còn phổ biến?
Mặc dù tiêm collagen đã từng là trào lưu nhưng hiện nay phương pháp này không còn phổ biến vì một số lý do sau:
- Hiệu quả không bền vững: đây là một trong những hạn chế lớn nhất của tiêm collagen. Collagen được tiêm vào da sẽ dần dần bị cơ thể hấp thu, do đó phải thực hiện nhiều lần tiêm duy trì. Điều này không chỉ gây đau, khó chịu mà còn tiêu tốn chi phí, thời gian.
- Rủi ro và biến chứng: tiêm collagen không phải lúc nào cũng an toàn. Một số người có thể gặp phải phản ứng dị ứng, sưng, bầm tím hoặc nhiễm trùng tại chỗ tiêm. Đối với chế phẩm có nguồn gốc động vật, nguy cơ phản ứng dị ứng, phản vệ cao hơn so với chế phẩm collagen từ nguyên bào sợi của người.
- Sự xuất hiện của các phương pháp thay thế: với sự phát triển của công nghệ làm đẹp, nhiều phương pháp và hoạt chất mới ra đời như tiêm filler, botox, tiêm căng bóng da với acid hyaluronic, laser, radiofrequency, và các sản phẩm chăm sóc da chứa thành phần kích thích sản sinh collagen tự nhiên. Những phương pháp này thường mang lại hiệu quả lâu dài hơn và ít rủi ro hơn so với tiêm collagen.
Giải pháp thay thế cho tiêm collagen
Hiện nay, với những bước tiến về khoa học trong lĩnh vực thẩm mỹ da liễu, nhiều phương pháp mới ra đời đã cho thấy hiệu quả và tính an toàn cao đối với các tình trạng khác nhau của da. Một số phương pháp đáng ghi nhận như sau:
- Botox: thông qua hoạt tính làm giãn các sợi cơ nhỏ bám sát bề mặt da, botox có khả năng làm giảm các vi nếp nhăn, điều mà tiêm collagen khó có thể thực hiện. Hiệu quả của botox kéo dài từ 3 đến 4 tháng.
- Acid hyaluronic: hoạt chất này là một trong những thành phần cấu trúc chính của da, giúp duy trì sự mịn màng của da. Trong thẩm mỹ da liễu, acid hyaluronic được ứng dụng trong liệu pháp tiêm meso căng bóng da, ngoài ra còn được sử dụng trong các chế phẩm dạng uống bổ sung, serum, kem dưỡng ẩm. Acid hyaluronic có công dụng giữ ẩm, cấp ẩm, kích thích sản xuất collagen nội sinh, chống lão hóa cho da. Công dụng trẻ hóa da của hoạt chất này có thể duy trì đến 12 tháng.
- RF microneedle: phối hợp tác dụng kích thích tăng sinh collagen của phương pháp microneedle và radiofrequency, RF microneedle là bước cải tiến lớn so với các phương pháp RF đơn cực và hai cực truyền thống. Với ưu điểm trực tiếp tác động vào lớp trung bì và màng đáy của da, RF microneedle có thể cung cấp hiệu quả trẻ hóa, giảm sẹo mạnh mẽ. Vi kim trong RF microneedle có thể được bọc lớp cách nhiệt giúp hạn chế tác dụng không mong muốn đối với thượng bì. Hệ thống RF microneedle bước sóng kép đầu tiên được FDA chấp thuận là Sylfirm X.
- Laser trị liệu: các liệu pháp sử dụng laser ngày nay rất đa dạng về chủng loại (laser xâm lấn như CO2, Er:YAG…; không xâm lấn như Nd:YAG, Er:Glass…), phương thức chiếu tia (chùm tia liên tục, fractional…) cũng như công dụng (trẻ hóa, trị sẹo, giảm thâm…). Một số hệ thống laser trị liệu ưu việt hiện nay còn kết hợp hai bước sóng với nhiều chế độ chiếu tia khác nhau để phù hợp với đa dạng chỉ định, nâng cao hiệu quả điều trị, đơn cử như Deka DUOGlide, Alma Hybrid. Ưu điểm của laser là tốn ít thời gian điều trị, phục hồi nhanh, hiệu quả cao và ít tác dụng phụ không mong muốn.
Xem thêm các bài viết liên quan
Lời khuyên từ chuyên gia
Để có một làn da khỏe mạnh và trẻ trung, các Bác sĩ Da liễu có những lời khuyên về chăm sóc làn da như sau:
- Chăm sóc da hằng ngày: sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp với loại da của bạn, như sữa rửa mặt, toner, serum, kem dưỡng ẩm.
- Bảo vệ da khỏi tác động của tia UV: sử dụng kem chống nắng hằng ngày, che chắn bằng quần áo chống nắng hoặc ô khi ra đường. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nhất là thời gian buổi trưa, đầu giờ chiều khi hàm lượng UV tăng cao.
- Duy trì lối sống lành mạnh: cần ăn uống đủ chất, đủ bữa, uống đủ nước, tập thể dục đều đặn, giữ tinh thần thoải mái và tránh các thói quen gây hại cho sức khỏe như thức khuya, hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Tham khảo ý kiến chuyên gia: trước khi quyết định thực hiện bất kỳ phương pháp làm đẹp nào, nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và chọn phương pháp phù hợp nhất với tình trạng da của mỗi cá nhân.
Tiêm collagen từng là một trào lưu làm đẹp phổ biến nhưng hiện không còn được ưa chuộng vì nhiều lý do. Các giải pháp thay thế như laser trị liệu, tiêm meso với acid hyaluronic, RF microneedle mang lại hiệu quả lâu dài và an toàn hơn. Những phương pháp này đã thay thế tiêm collagen trong trẻ hóa da và điều trị sẹo, mụn. Để thực hiện các phương pháp làm đẹp chuyên sâu hay điều trị các vấn đề về da, hãy đến các Phòng khám Da liễu uy tín như Doctor Acnes và tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu để nhận được tư vấn điều trị cá nhân hóa.
Tài liệu tham khảo
- Oikarinen A. “Aging of the skin connective tissue: how to measure the biochemical and mechanical properties of aging dermis“. Photodermatol Photoimmunol Photomed. 1994 Apr;10(2):47-52
- Lemperle G, Romano JJ, Busso M. “Soft tissue augmentation with artecoll: 10-year history, indications, techniques, and complications“. Dermatol Surg. 2003 Jun;29(6):573-87; discussion 587. doi: 10.1046/j.1524-4725.2003.29140.x
- Lemperle G, Sadick NS, et al. “ArteFill permanent injectable for soft tissue augmentation: II. Indications and applications“. Aesthetic Plast Surg. 2010 Jun;34(3):273-86. doi: 10.1007/s00266-009-9414-0
- “Botox injections“. Mayo Clinic
- Kirsten Nunez. “All About Radiofrequency Microneedling“. Healthline