Peel da là một phương pháp thẩm mỹ phổ biến giúp tái tạo làn da, loại bỏ tế bào chết và cải thiện tình trạng da. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng da bị thâm có thể xảy ra sau khi peel ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây lo lắng cho nhiều người. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả để nhanh chóng lấy lại làn da sáng mịn, tự tin.
Tại sao da bị thâm sau khi peel?
Thâm da là một tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi peel da. Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ này tỉ lệ thuận với độ sâu mà tác nhân peel tác động vì peel càng sâu thì càng dễ làm da tổn thương. Nguyên nhân chính là sự gia tăng sản xuất melanin quá mức sau khi da bị viêm, hay còn gọi là tăng sắc tố sau viêm (PIH).
Thâm da sau peel cũng thường xuất hiện hơn ở những người có làn da sẫm màu. Đặc biệt, khi vùng da được peel tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không có biện pháp chống nắng phù hợp, nó lại càng dễ bị thâm sạm hơn.
Thâm da sau peel chỉ xuất hiện trên vùng da được peel và thường thoáng qua, thâm sẽ mờ dần theo thời gian nhưng cũng có thể tồn tại lâu dài nếu không điều trị đúng cách.
Cách khắc phục da bị thâm sau khi peel
Điều trị tại Phòng khám Da liễu
Tùy vào tình trạng của da, Bác sĩ Da liễu có thể chỉ định một số phương pháp để khắc phục da bị thâm sau khi peel:
- Laser Q-Switched hoặc Picosecond Nd:YAG 1064nm: laser này được hấp thụ tốt bởi melanin dưới da mà không gây tổn hại đến lớp biểu bì. Phương pháp này nhắm mục tiêu melanin ở da sâu hơn, phân mảnh và phá vỡ các hạt melanin, giúp giảm thâm hiệu quả mà không gây tổn thương cho các tế bào da xung quanh. Ngoài ra, phương pháp này còn thu nhỏ lỗ chân lông, giúp da sáng và mềm mịn hơn.
- Laser Q-Switched Ruby (QSRL): tương tự laser Nd:YAG, bằng cách phát ra tia laser nhưng với bước sóng 694nm, QSRL có khả năng phá vỡ các hạt sắc tố melanin thành các phân tử nhỏ li ti. Những phân tử này sau đó sẽ được cơ thể hấp thụ và loại bỏ, giúp làm mờ vết thâm và cải thiện sắc tố da.
- IPL (intense pulsed light): sử dụng chùm tia gồm các xung ánh sáng cường độ cao với nhiều bước sóng khác nhau (630 – 1100nm). Ánh sáng được hấp thụ bởi melanin trong da, chuyển hóa thành nhiệt, và phá vỡ các hạt melanin thành mảnh nhỏ giúp làm mờ vết tăng sắc tố. Tuy nhiên, để đạt được kết quả mong muốn, phương pháp này thường cần nhiều lần điều trị và hiệu quả có thể không mạnh mẽ bằng các liệu pháp laser.
- Mesotherapy: trị thâm bằng cách cung cấp trực tiếp các dưỡng chất như vitamin C, glutathione hay tranexamic acid vào lớp trung bì của da, kích thích sản xuất collagen và elastin, giúp da săn chắc và giảm thâm. Các hoạt chất này cũng ức chế quá trình hình thành melanin, làm mờ vết thâm hiệu quả. Ngoài ra, phương pháp tiêm meso PRP sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu từ máu bệnh nhân, giúp tái tạo tế bào, sản sinh collagen mới, giảm thâm và làm đều màu da.
- RF microneedle Sylfirm X: Sylfirm X là công nghệ lăn kim siêu vi điểm tích hợp sóng RF, nổi bật với khả năng điều trị thâm hiệu quả. Thiết bị sử dụng các mũi kim vi điểm kết hợp với sóng RF để đưa năng lượng nhiệt đến sâu trong lớp trung bì và lớp màng đáy của da. Cơ chế này không chỉ kích thích sản xuất collagen và elastin, giúp tái tạo cấu trúc da, mà còn cải thiện lớp màng đáy, góp phần làm giảm vết thâm, làm sáng da và cải thiện kết cấu tổng thể. Sylfirm X tạo ra tổn thương giả trên da, kích thích quá trình tự tái tạo, khắc phục hiệu quả các vấn đề như sẹo lõm, sẹo mụn và vết thâm nám, đồng thời đảm bảo xâm lấn tối thiểu và an toàn cho da.
Điều trị tại nhà
Hydroquinone (HQ): đây là một thành phần mạnh trong điều trị thâm nám. HQ hoạt động bằng cách ức chế tyrosinase để hạn chế sản xuất melanin trên da. Ở nồng độ nhất định, HQ có thể thúc đẩy sự phá hủy tế bào hắc tố và thoái hóa melanosome. Nồng độ phổ biến nhất khi sử dụng đơn trị liệu HQ là 2 – 4%, với 4% được chứng minh hiệu quả nhất trong việc trị tăng sắc tố. Tuy nhiên, HQ có thể gây mất sắc tố da không hồi phục, nên chỉ nên sử dụng dưới sự chỉ định và giám sát của Bác sĩ Da liễu.
Sử dụng kem dưỡng trắng da: kem làm sáng da là phương pháp điều trị không kê đơn (OTC) có chứa các thành phần giúp giảm và ức chế sắc tố. Các thành phần phổ biến trong kem làm sáng da OTC bao gồm chiết xuất cam thảo, niacinamide, vitamin C, tranexamic acid và ferulic acid.
- Azelaic acid: hoạt chất này ức chế tyrosinase và có tác dụng chống tăng sinh tế bào hắc tố, rất hiệu quả trong điều trị thâm.
- Kojic acid: là một chất được sản xuất bởi nhiều loài nấm, hoạt động như chất khử sắc tố bằng cách ức chế tyrosinase.
- Arbutin, liquiritin và niacinamide: các thành phần này giúp điều trị rối loạn sắc tố và được chứng minh là an toàn.
- Tranexamic acid: ức chế plasminogen, một enzyme tham gia vào quá trình sản sinh melanin, từ đó giúp giảm sắc tố và làm sáng da.
- Các thành phần giúp sửa chữa hàng rào bảo vệ da: sử dụng kem dưỡng ẩm chứa ceramide, cholesterol và hyaluronic acid để tăng cường và sửa chữa hàng rào bảo vệ da, giúp duy trì độ ẩm và sửa chữa tổn thương.
- Sử dụng vitamin C dạng bôi và uống: vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, ức chế tyrosinase và giảm sự hình thành melanin, giúp làm sáng da hiệu quả.
Sử dụng kem chống nắng: kem chống nắng không trực tiếp điều trị thâm sau peel nhưng rất quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng thâm trở nên nghiêm trọng hơn. Việc tiếp xúc với tia UV trong ánh nắng mặt trời làm da tăng sản xuất melanin. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng SPF 50+ giúp bảo vệ da khỏi tia cực tím, nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn sắc tố. Một nghiên cứu cho thấy sử dụng kem chống nắng phổ rộng mỗi 2 giờ đã làm giảm tỷ lệ tăng sắc tố từ 53% xuống còn 2,7%.
Các bước chăm sóc da sau khi peel và những lưu ý
Sau khi peel da, việc chăm sóc da đúng cách là rất quan trọng để giúp da phục hồi và tránh tình trạng da bị thâm hoặc các biến chứng không mong muốn khác. Dưới đây là các bước chăm sóc và những lưu ý quan trọng:
12 giờ đầu sau peel: giữ da khô ráo, không rửa mặt bằng nước hay bất kỳ dung dịch nào.
Sau 12 giờ cho đến khi da bong hoàn toàn
- Sáng: rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ. Sau đó thoa kem dưỡng ẩm phục hồi và kem chống nắng.
- Trưa (nếu bong da nhiều): rửa mặt với nước thường sau đó thoa kem dưỡng ẩm phục hồi.
- Tối: tẩy trang và rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ, sau đó thoa kem dưỡng ẩm phục hồi.
Sau khi da bong hoàn toàn (khoảng 5 – 7 ngày sau peel): chăm sóc da như bình thường.
Những lưu ý sau khi peel da
- Trong giai đoạn này, sẽ có hiện tượng bong da. Nên để da bong tự nhiên, không cạy gỡ. Nếu sau 7 ngày, da vẫn còn ngứa rát, châm chích, sưng đau, rỉ dịch, khách hàng nên thăm khám lại Bác sĩ Da liễu.
- Khi đi ra ngoài cần sử dụng các biện pháp che chắn như đội nón rộng vành và đeo khẩu trang tối màu. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF 30 trở lên trước khi ra nắng 15 – 20 phút và thoa lặp lại sau mỗi 2 – 3 giờ.
- Hạn chế trang điểm, các hoạt động đổ nhiều mồ hôi, đi đến các khu vực môi trường ô nhiễm, khói bụi, sờ tay lên mặt và tắm hồ bơi hoặc đi du lịch biển. Tránh tắm rửa bằng nước nóng, xông hơi, massage mặt trong 7 ngày đầu tiên sau peel.
- Có thể sử dụng các chất có hoạt tính mạnh như nhóm retinoid (retinol, tretinoin, adapalene, tazarotene, retinaldehyde)/AHA/BHA… sau peel 7 ngày.
Tóm lại, thâm sau khi peel da là một tình trạng phổ biến nhưng có thể được xử lý hiệu quả nếu áp dụng đúng phương pháp. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn hết là ngăn ngừa không để tình trạng này xảy ra. Tuân thủ hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu để đảm bảo quá trình phục hồi sau điều trị diễn ra an toàn và hiệu quả.
Doctor Acnes là Phòng khám Da liễu chuyên về điều trị mụn, sẹo rỗ và các vấn đề tăng sắc tố da. Nếu gặp vấn đề về thâm sau khi peel da, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé!
Tài liệu tham khảo
- “8 Treatment Options for Hyperpigmentation“. Healthline
- Moolla S, Miller-Monthrope Y. “Dermatology: how to manage facial hyperpigmentation in skin of colour“. Drugs Context. 2022 May 31;11:2021-11-2. doi: 10.7573/dic.2021-11-2. PMID: 35720052; PMCID: PMC9165630
- Sanadi RM, Deshmukh RS. “The effect of Vitamin C on melanin pigmentation – A systematic review“. J Oral Maxillofac Pathol. 2020 May-Aug;24(2):374-382. doi: 10.4103/jomfp.JOMFP_207_20. Epub 2020 Sep 9. PMID: 33456250; PMCID: PMC7802860
- Anitha B. “Prevention of complications in chemical peeling“. J Cutan Aesthet Surg. 2010 Sep;3(3):186-8. doi: 10.4103/0974-2077.74500. PMID: 21430836; PMCID: PMC3047741