Glycolic acid là gì và tác dụng glycolic acid đối với làn da

Ngày 17/09/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Alpha hydroxy acid (AHA) là một trong những thành phần làm đẹp phổ biến và được ưa chuộng bởi khả năng tẩy tế bào da chết, điều trị mụn, làm đều sắc tố da và đẩy lùi lão hóa.

Trong số những loại AHA, glycolic acid là một hoạt chất vô cùng thông dụng, xuất hiện trong nhiều loại mỹ phẩm từ kem dưỡng ẩm đến serum cho đến các sản phẩm peel da. Vậy glycolic acid là gì và có tác dụng như thế nào đối với làn da?

Glycolic acid là gì?

Glycolic acid là một loại α-hydroxy acid, hay còn có tên gọi phổ biến là AHA. Các loại AHA đều là các acid được chiết xuất từ tự nhiên như sữa (acid lactic), táo (acid malic), họ cam – chanh (acid ascorbic và acid citric), nho (acid tartaric) và đường mía (acid glycolic).

Một loạt các AHA được sử dụng trong chăm sóc da và mỹ phẩm để điều trị da khô, da mụn cũng như chống lão hóa và giảm vết nhăn trên da.

Glycolic acid là gì - Doctor Acnes
Glycolic acid là một loại α-hydroxy acid, hay còn có tên gọi phổ biến là AHA

Trong số các loại AHA, glycolic acid có khối lượng phân tử nhỏ nhất, giúp cho nó dễ dàng thấm qua các lớp biểu bì, vì vậy có thể mang lại hiệu quả trong điều trị các bệnh lý như nám và lão hóa da.

Tác dụng của glycolic acid đối với da

Glycolic acid là một hoạt chất được ưa chuộng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và mang lại nhiều lợi ích cho làn da.

Tẩy tế bào chết

Glycolic acid là một chất tẩy tế bào chết hóa học, glycolic acid tác động vào các tế bào sừng, làm phân hủy hoặc giảm tính liên kết lớp sừng, dẫn đến hiện tượng “tự bong tróc” lớp ngoài cùng của da.

Không giống như các chất tẩy tế bào chết cơ học, glycolic acid không yêu cầu chà xát mạnh nhờ vào cơ chế giảm tính liên kết gây bong tróc lớp sừng một cách tự nhiên. Tuy nhiên, mức độ tẩy tế bào chết bằng glycolic acid còn phụ thuộc vào nồng độ, thời gian tiếp xúc, dung môi đi kèm cũng như kỹ thuật sử dụng.

Chất giữ ẩm

Nhờ cấu trúc có một nhóm carboxy và một nhóm hydroxy, glycolic acid là một hoạt chất rất thân nước nên dễ bị thu hút và liên kết với nước. Chính vì vậy, glycolic acid có đặc tính giữ ẩm, hay còn gọi là khả năng khóa ẩm bên trong, giúp duy trì cân bằng ẩm trên da.

Kháng khuẩn

Nghiên cứu của Valle-González và cộng sự năm 2020 chứng minh rằng ở pH 3,5 glycolic acid có khả năng tiêu diệt tế bào của vi khuẩn C. acnes bằng cơ chế phá vỡ màng tế bào vi khuẩn.

Nghiên cứu cũng cho thấy glycolic acid có tiềm năng phát triển các công thức chống mụn chỉ với nồng độ rất thấp (0,2%) và với điều kiện pH phù hợp cho các sản phẩm điều trị không kê đơn.

Chống lão hóa

Mặc dù cơ chế chưa rõ ràng, nhưng giả thuyết cho rằng glycolic acid cũng như các AHA khác có thể làm giảm một số quá trình gây ra lão hóa da nhờ vào cơ chế loại bỏ ion canxi khỏi sự kết dính của tế bào biểu bì.

Nồng độ ion canxi giảm thúc đẩy sự phát triển tế bào và đồng thời làm chậm sự biệt hóa tế bào, do đó làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn và làm cho da trông trẻ hơn. AHA cũng có thể thúc đẩy tăng biểu hiện gen của collagen và hyaluronic acid trong lớp hạ bì và biểu bì, do đó cải thiện độ căng mọng và dưỡng ẩm cho da.

glycolic acid có tác dụng gì
Glycolic acid cũng như các AHA khác có thể làm giảm một số quá trình gây ra lão hóa da nhờ vào cơ chế loại bỏ ion canxi khỏi sự kết dính của tế bào biểu bì

Khi nào nên sử dụng glycolic acid?

Các trường hợp mụn, sẹo mụn, nám da, tăng sắc tố da sau viêm, lão hóa da và tăng tiết bã nhờn là những chỉ định peel da bằng glycolic acid. Ngoài ra, glycolic acid còn được sử dụng như chất dưỡng ẩm và tái tạo da. Hiệu quả của glycolic acid được nghiên cứu qua nhiều chỉ định khác nhau.

Mụn và sẹo

Trong một nghiên cứu của Wang và cộng sự năm 1997, 40 bệnh nhân châu Á có da bị mụn từ trung bình đến nặng được điều trị với glycolic acid nồng độ 35% và 50%, 3 tuần/lần trong 10 tuần. Các bệnh nhân cũng được chỉ định glycolic acid 15% để chăm sóc da tại nhà trong suốt thời gian giữa các lần peel da.

Kết quả cho thấy có sự cải thiện đáng kể các tình trạng mụn bọc và mụn mủ. Ngoài ra, kết cấu da của bệnh nhân được cải thiện và kích thước lỗ chân lông giảm. Hầu hết các bệnh nhân được ghi nhận có làn da sáng và đều màu hơn.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy sự cần thiết trong việc điều trị lặp lại với glycolic acid với mục đích cải thiện sẹo mụn và các tổn thương dạng nang.

Tổn thương da do UV

Tiếp xúc với tia UV có thể gây các tổn thương da hay còn gọi là lão hóa da do ánh nắng mặt trời. Các dấu hiệu dễ nhận thấy của điều này bao gồm: vết đen, tăng sắc tố, nếp nhăn.

Nghiên cứu của Fabbrocini và cộng sự năm 2021 cho thấy glycolic acid có khả năng trẻ hóa làn da và là một phương pháp điều trị hiệu quả cho các tác hại của ánh nắng mặt trời trên da.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Tang và cộng sự năm 2018 cho thấy ở nồng độ thấp, glycolic acid giúp bảo vệ da khỏi tia UVB, làm giảm tác hại của ánh sáng đến làn da.

Nám da

Nghiên cứu của Kumari và cộng sự năm 2010 đã chỉ ra rằng liệu trình kết hợp bôi thoa glycolic acid trước peel trong 2 tuần, sau đó peel da 2 tuần 1 lần bằng glycolic acid trong 3 tháng liên tiếp có thể giảm đến 79% mức độ nám biểu bì và 48% độ nám hỗn hợp.

Trong giai đoạn này, việc sử dụng kem chống nắng có SPF 15 đều đặn có thể ngăn ngừa tăng sắc tố da sau khi liệu trình peel da.

Giảm thâm sau viêm

Nghiên cứu của Burns và cộng sự (1997) đã chứng minh tính hiệu quả của glycolic acid 35% trong việc giảm thâm sau viêm, giúp cải thiện sắc tố da trong vòng từ 6 – 8 tuần peel da và không có bất kì biến chứng nào được ghi nhận.

Mụn cóc

Mụn cóc là những mụn nhỏ, cứng mọc trên da do vi rút gây ra. Năm 2011, Moore và các cộng sự đã thử nghiệm hiệu quả của phương pháp điều trị mụn cóc bằng glycolic acid 15% ở 31 trẻ em. Kết quả chỉ ra rằng việc điều trị với glycolic acid có tác dụng làm xẹp và làm đều màu da.

Cách lựa chọn sản phẩm chứa glycolic acid phù hợp

Glycolic acid là một hoạt chất khá phổ biến và thông dụng trên thị trường. Các chế phẩm glycolic acid phổ biến trên thị trường có thể được phân thành hai nhóm chính sau:

  • Nhóm sản phẩm glycolic acid rửa (dạng wash-off) gồm các sản phẩm rửa mặt như sữa rửa mặt tạo bọt (cleansing foam), xà phòng rửa mặt (cleansing bar), tẩy da chết dạng lỏng (liquid exfoliant), sản phẩm peel da…
  • Nhóm sản phẩm glycolic acid thoa trên da hoặc chấm mụn (leave-on) bao gồm dạng lotion, toner, kem (cream), gel, serum hoặc mặt nạ trị mụn…

Việc lựa chọn sản phẩm còn tùy thuộc vào mục đích và kết quả của người sử dụng. Tuy nhiên nhìn chung, các sản phẩm thoa trên da hoặc chấm mụn (leave-on) sẽ để lại kết quả tốt nhất, vì acid có nhiều thời gian hơn để thấm và hoạt động.

Người mới bắt đầu sử dụng glycolic acid nên tìm kiếm các sản phẩm có nồng độ glycolic acid thấp, khoảng 8% (theo một nghiên cứu năm 2021). Điều này sẽ giúp quá trình trị liệu được an toàn, hạn chế tình trạng kích ứng và chỉ nên chuyển sang nồng độ cao hơn khi da đã quen với hoạt chất.

Ngoài ra, việc sử dụng chế phẩm chứa glycolic acid có pH không quá thấp là rất quan trọng. Hãy ưu tiên sử dụng các sản phẩm có độ pH khoảng 4, không có tính acid cao vì độ pH này sẽ thích hợp với pH tự nhiên của da, bảo vệ da khỏe mạnh và hạn chế tình trạng châm chích, kích ứng.

Những lưu ý khi sử dụng glycolic acid

Do glycolic acid là một acid không có khả năng tự trung hòa nên việc tự peel da tại nhà là rất nguy hiểm. Vì vậy, Doctor Acnes khuyên bạn hãy thực hiện peel da tại các cơ sở uy tín và dưới sự giám sát của các Bác sĩ Da liễu có chuyên môn.

Để sử dụng các sản phẩm chứa glycolic acid tại nhà, bạn nên chăm sóc phụ hồi các vùng da bị tổn thương bởi ánh nắng hoặc do kích ứng trước và đặc biệt tuân thủ các lưu ý sau đây:

Chỉ nên sử dụng các sản phẩm có nồng độ thấp tại nhà

Khi mới bắt đầu sử dụng glycolic acid, tốt nhất hãy bắt đầu với nồng độ acid thấp, sử dụng cách ngày. Có thể tăng từ từ liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm theo đáp ứng của da. Không nên sử dụng glycolic acid quá tần suất được Bác sĩ chỉ định hoặc so với khuyến cáo sử dụng được ghi trên nhãn.

Chỉ nên sử dụng các sản phẩm có nồng độ thấp tại nhà - Doctor Acnes
Khi mới bắt đầu sử dụng glycolic acid, tốt nhất hãy bắt đầu với nồng độ acid thấp, sử dụng cách ngày

Cần phối hợp với các sản phẩm giúp phục hồi và nuôi dưỡng da

Glycolic acid có công dụng làm giảm tính liên kết lớp sừng dẫn đến hiện tượng “tự bong tróc” lớp ngoài cùng của da. Điều này sẽ làm cho da mỏng hơn, dễ cháy nắng và thậm chí tổn thương nếu sử dụng glycolic acid ở nồng độ cao.

Vì vậy, khi sử dụng glycolic acid, hãy phối hợp chúng cùng các sản phẩm có thành phần phục hồi da như vitamin B5, hyaluronic acid, ceramide.

Cần phối hợp với các phẩm giúp phục hồi và nuôi dưỡng da - Doctor Acnes
Phối hợp glycolic acid cùng các sản phẩm có thành phần phục hồi da như vitamin B5, hyaluronic acid, ceramide

Sử dụng vào ban đêm

Ở nồng độ cao, glycolic acid có thể làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, tăng nguy cơ cháy nắng và tổn thương da do UV. Vì vậy, hãy sử dụng các chế phẩm có chứa glycolic acid vào ban đêm để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sau khi dùng các loại mỹ phẩm trên.

Tránh tình trạng lạm dụng

Chú ý đọc thành phần của các bước trong quy trình chăm sóc da và đảm bảo không sử dụng sản phẩm chứa glycolic acid ở nhiều bước trong quy trình này. Ví dụ nếu dùng sữa rửa mặt có thành phần glycolic acid, cần đảm bảo rằng toner hoặc kem dưỡng ẩm không có thành phần này nữa.

Điều này sẽ hạn chế nguy cơ tẩy da chết quá đà (over-exfoliating) gây khô da và làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.

Tẩy da chết quá đà (over-exfoliating) gây khô da và làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn - Doctor Acnes
Tẩy da chết quá đà (over-exfoliating) gây khô da và làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn

Bôi kem chống nắng hằng ngày

Hầu hết các alpha-hydroxy acid (AHA) đều làm tăng nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời, nên việc thoa kem chống nắng hằng ngày là vô cùng cần thiết nếu điều trị bằng glycolic acid. Không sử dụng kem chống nắng cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.

Ca lâm sàng - Doctor Acnes
Khách hàng G.T sau 4 liệu trình điều trị mụn kết hợp peel da với glycolic acid tại Phòng khám Doctor Acnes thì tình trạng mụn đã cải thiện hơn 90%

Glycolic acid là một loại AHA tự nhiên được ứng dụng nhiều trong thẩm mỹ da liễu bởi những lợi ích đã được chứng minh trên lâm sàng. Cũng giống như các AHA khác, glycolic acid nên được phối hợp cùng các hoạt chất khác để giúp phục hồi và tái sinh làn da hiệu quả hơn.

Điều đặc biệt ở glycolic acid là khả năng thấm rất sâu cho dù ở nồng độ nào, vì thế khá nguy hiểm để người dùng tự sử dụng. Bạn nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ Da liễu để đảm bảo việc điều trị hiệu quả và an toàn nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. C. Cotellessa, K. Peris, S. Chimenti. “Glycolic acid and its use in dermatology”. Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology Volume 5, Issue 3, December 199
  2. Valle-González, E. R., Jackman, J. A., Yoon. “pH-Dependent Antibacterial Activity of Glycolic Acid: Implications for Anti-Acne Formulations”. Scientific reports, 10(1), 7491
  3. Tran, D., Townley, J. P., Barnes. “An antiaging skin care system containing alpha hydroxy acids and vitamins improves the biomechanical parameters of facial skin”. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2015; 8: 9–17
  4. Wang, C. M., Huang, Chan. “The effect of glycolic acid on the treatment of acne in Asian skin”. Dermatol Surg. 1997 Jan;23(1):23-9
  5. Mridvika Narda, Carles Trullas, Anthony Brown, Jaime Piquero-Casals. “Glycolic acid adjusted to pH 4 stimulates collagen production and epidermal renewal without affecting levels of proinflammatory TNF-alpha in human skin explants”. J Cosmet Dermatol. 2021 Feb;20(2):513-521
  6. Sheau-Chung Tang ,Jen-Hung Yang. “Dual Effects of Alpha-Hydroxy Acids on the Skin”. Molecules. 2018 Apr; 23(4): 863
  7. Rashmi Kumari, Devinder Mohan Thappa. “Comparative study of trichloroacetic acid versus glycolic acid chemical peels in the treatment of melasma”. Indian J Dermatol Venereol Leprol. 2010 Jul-Aug;76(4):447
  8. Burns RL, Prevost-Blank PL, Lawry MA, Lawry TB. “Glycolic acid peels for post inflammatory hyperpigmentation in black patients. A comparative study”. Dermatol Surg. 1997 Mar;23(3):171-4; discussion 175

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84