Có nên bôi tế bào gốc sau điều trị laser

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 14/06/2024

Các sản phẩm dược mỹ phẩm từ tế bào gốc đang được xem là xu thế mới trong lĩnh vực làm đẹp. Hiện nay, ngoài việc được sử dụng như một loại mỹ phẩm, tế bào gốc thường được phối hợp với các phương pháp làm đẹp khác, điển hình là phương pháp điều trị bằng laser. Tại sao lại phối hợp laser và tế bào gốc? Phương pháp này mang lại hiệu quả gì so với sử dụng laser thông thường? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là loại tế bào không chuyên biệt có khả năng tự làm mới và biệt hóa thành các tế bào đảm nhiệm các chức năng khác nhau trong cơ thể.

Khi cơ thể bị tổn thương, các yếu tố gây viêm được giải phóng sẽ kích hoạt tế bào nội mô mạch máu, các tế bào này sẽ huy động các tế bào gốc đi qua mạch máu tới vị trí tổn thương. Tại đây, tế bào gốc sẽ tự phân chia và tái tạo thành một tế bào gốc con và một tế bào tiền thân. Tế bào tiền thân được biệt hóa thành tế bào chức năng, tham gia vào quá trình sửa chữa và lành thương của cơ thể.

Tế bào gốc có các tính chất đặc trưng sau:

  • Tính toàn năng/ vạn năng/ đa năng: tế bào gốc toàn năng là những tế bào chỉ có ở thời kỳ sớm của phôi thai, có thể biệt hóa thành tất cả các loại tế bào. Tế bào gốc vạn năng có thể tạo thành khoảng 200 loại tế bào. Tế bào gốc đa năng giới hạn hơn, chỉ có thể biệt hóa thành một vài loại tế bào trưởng thành.
  • Tự đổi mới: tế bào gốc có khả năng phân chia mà không biệt hóa.
  • Tính linh hoạt: tính chất này được thể hiện khi có tổn thương ở mô gây điều hòa hướng lên ở tế bào gốc và giải phóng các chất hóa học cùng yếu tố tăng trưởng.
tế bào gốc là gì
Tế bào gốc là loại tế bào không chuyên biệt có khả năng tự làm mới và biệt hóa thành các tế bào đảm nhiệm các chức năng khác nhau trong cơ thể

Dựa trên nguồn gốc, tế bào gốc được phân thành 2 loại là tế bào gốc phôi (ESC) và tế bào gốc trưởng thành (ASC) (còn gọi là tế bào gốc sau sinh hoặc tế bào gốc soma):

  • Tế bào gốc phôi (ESC – embryonic stem cell): được lấy từ phôi thai hoặc các mô của bào thai 2-11 ngày tuổi. Đây là tế bào toàn năng, tức là hầu như có khả năng biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào khác. Với tính chất này, có thể dùng ESC để sửa chữa hay tái tạo các cơ quan bị mất hay bệnh của cơ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng ESC còn gây nhiều tranh cãi do liên quan tới vấn đề đạo đức. Ngoài ra, do đặc tính toàn năng, ESC tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư và quái thai. Vì vậy, tế bào gốc phôi chưa được sử dụng trong trị liệu mà chỉ giới hạn trong nghiên cứu.
  • Tế bào gốc trưởng thành (ASC – adult stem cell): tế bào gốc trưởng thành được tìm thấy ở hầu hết các bộ phận trên cơ thể người trưởng thành. Tế bào gốc trưởng thành có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào nhưng không phải tất cả. Tùy thuộc vào vị trí phân lập, ASC có thể được phần loại thành tế bào gốc tạo máu (HSC – hemopoetic stem cells) và tế bào gốc trung mô (MSC – mesenchymal stem cells).

Công dụng của tế bào gốc trong thẩm mỹ và da liễu

Các tế bào gốc được ứng dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ và da liễu theo 2 cách: tế bào gốc tự thân và sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc.

Tế bào gốc tự thân

Tế bào gốc tự thân được lấy từ chính cơ thể người điều trị. Tế bào gốc toàn năng có thể thu được từ phôi hoặc nhau thai, dây cuống rốn, trong khi tế bào gốc vạn năng có thể thu được ở răng sữa rụng đi. Ở người trưởng thành, tế bào gốc HSC và MSC vẫn có thể phân lập được từ những nguồn như máu ngoại vi, tủy xương, mỡ.

Việc sử dụng tế bào gốc từ chính cơ thể bệnh nhân giúp hạn chế các tác dụng phụ hay dị ứng. Tế bào gốc tự thân được sử dụng trong lành thương, tái tạo cơ quan hay điều trị các bệnh lý miễn dịch như Lupus ban đỏ, ung thư da, và cả những vết thương khó lành, chẳng hạn như nhiễm trùng do đái tháo đường, chấn thương nặng, bỏng nặng. Liệu pháp điều trị từ tế bào gốc tự thân khá tốn kém và yêu cầu kỹ thuật cao.

Sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc

Tế bào gốc sử dụng trong thẩm mỹ và các loại mỹ phẩm hiện nay chủ yếu là sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc, nổi bật nhất là exosome. Exosome là ngoại bào nhỏ nhất có nguồn gốc từ tế bào nội sinh trong cơ thể và có kích thước 40 – 150 nm (chỉ bằng 1/200 kích thước tế bào). Exosome có cấu trúc như màng tế bào tự nhiên của cơ thể và chứa các yếu tố tăng trưởng tương tự như tế bào gốc. Nhờ khả năng này, exosome được ứng dụng rất nhiều trong thẩm mỹ nhằm thúc đẩy phục hồi và tái tạo da, tăng tân tạo collagen. Exosome sử dụng trong thẩm mỹ có nguồn gốc từ tế bào gốc trung mô MSC.

Ngoài exosome, các sản phẩm thu từ quá trình nuôi cấy bao gồm chiết xuất môi trường và những chất sinh ra trong quá trình nhân lên của tế bào cũng được xem là sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc. Thực tế, nhiều thành phần “tế bào gốc” trong các mỹ phẩm thực ra không phải là tế bào sống mà là các hoạt chất chứa trong chiết xuất, bao gồm chất chống oxy hóa, chất dinh dưỡng và yếu tố tăng trưởng. Các hoạt chất này chính là thành phần giúp mang lại làn da mịn màng và săn chắc.

Những thành phần “tế bào gốc” có công dụng trị liệu trong mỹ phẩm gồm chất làm trắng arbutin từ tế bào gốc dừa cạn, liposome từ tế bào gốc táo giúp làm giảm nếp nhăn chân chim, chất chống oxy hóa từ tế bào gốc cà chua. Các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc đã được ứng dụng và chứng minh có hiệu quả trong cải thiện nếp nhăn và vết chân chim, thu nhỏ lỗ chân lông, giảm sắc tố da.

Có nên bôi tế bào gốc sau laser?

Khi phối hợp liệu pháp laser kết hợp với tế bào gốc, laser sẽ tạo các tổn thương dưới da, giải phóng các chất trung gian gây viêm, tăng tân tạo collagen, đồng thời các yếu tố gây viêm được giải phóng sẽ lôi kéo các tế bào gốc tới tham gia vào quá trình lành thương và sửa chữa. Việc bôi tế bào gốc sau khi thực hiện liệu pháp laser sẽ cung cấp thêm các yếu tố tăng trưởng, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc da và tân sinh collagen, giúp da phục hồi, mang lại một làn da tươi sáng, săn chắc và mịn màng.

Thực tế, có nhiều nghiên cứu đã chứng minh kết hợp liệu pháp laser với tế bào gốc và các yếu tố tăng trưởng mang lại hiệu quả tốt trên da hơn so với đơn trị laser.

Cụ thể, một thử nghiệm năm 2020 kéo dài 12 tuần được thực hiện trên 25 bệnh nhân ở Hàn Quốc thu được kết quả điều trị phối hợp laser fractional CO2 và exosome từ tế bào mô mỡ đạt được sự cải thiện lớn hơn đáng kể so với các bên đối chứng (giảm 32,5% điểm sẹo so với 19,9% ở bên đối chứng).

Một thử nghiệm lâm sàng khác năm 2023 được thực hiện trên 10 bệnh nhân cho thấy phối hợp Laser fractional CO2 với phân lớp chứa mạch máu trong mô đệm (SVF – thu được từ mô mỡ, chứa tế bào gốc và yếu tố tăng trưởng) mang lại hiệu quả trị sẹo tốt hơn đơn trị liệu bằng laser sau 3 lần điều trị.

ca lâm sàng điều trị sẹo rỗ có tế bào gốc
Ca lâm sàng điều trị sẹo rỗ thành công có sử dụng tế bào gốc

Ngoài tế bào gốc được phân lập từ cơ thể bệnh nhân, các sản phẩm chiết xuất từ công nghệ tế bào gốc cũng đã được nghiên cứu và thu được kết quả tốt trong việc tăng tân tạo collagen khi phối hợp với laser. Ví dụ, một nghiên cứu được thực hiện năm 2015 nhằm so sánh hiệu quả giữa 2 nhóm: nhóm điều trị bằng laser fractional Nd:YAG 1.064 nm và nhóm còn lại được điều trị kết hợp bằng laser và bôi tại chỗ chiết xuất tế bào gốc từ thực vật. Sau 4 tuần và 8 tuần, điều trị phối hợp cho thấy tác dụng chống lão hóa mạnh hơn.

Như vậy, trên thế giới tế bào gốc đã và đang được phối hợp với liệu pháp laser nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị của laser. Phương pháp này giúp phục hồi và đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào da mới, sửa chữa những tình trạng của da như sẹo rỗ, lão hóa da, nám da, lỗ chân lông to.

Xem thêm các bài viết liên quan

Những lưu ý khi sử dụng tế bào gốc sau điều trị laser

Tế bào gốc được xem là liệu pháp chăm sóc da an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi điều trị laser da thường nhạy cảm và có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Vì vậy. để đạt được kết quả điều trị tốt nhất và giảm thiểu các tác dụng không mong muốn, dưới đây là một số lưu ý cần ghi nhớ khi sử dụng tế bào gốc sau điều trị laser:

  • Bôi tế bào gốc đúng cách: tế bào gốc hay các chiết xuất từ công nghệ tế bào gốc thường có cấu trúc dạng serum. Vì vậy, trước khi bôi tế bào gốc, cần làm sạch da với sữa rửa mặt dịu nhẹ, thoa tế bào gốc lên da và khóa ẩm bằng kem dưỡng ẩm.
  • Thực hiện chế độ ăn và lối sinh hoạt lành mạnh: sau khi điều trị laser và bôi tế bào gốc, da đang chịu tổn thương đồng thời đang trong quá trình phục hồi và tái tạo. Vì vậy, cần tránh ăn các đồ dầu mỡ, cay nóng, hạn chế thức khuya và giảm stress để tăng sức đề kháng, phòng ngừa nhiễm trùng.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: có thể dùng viên chống nắng và kem chống nắng cho da nhạy cảm có SPF từ 50 trở lên nhằm tránh các tác động xấu của tia UV tới làn da.
  • Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp: cần lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ sau điều trị laser, đồng thời phải lựa chọn sản phẩm tế bào gốc có xuất xứ và thương hiệu rõ ràng để giảm thiểu tác dụng phụ và đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Tuân thủ điều trị: cần tuân thủ và hợp tác theo đúng liệu trình, bởi kết quả có thể không đạt mong muốn ở lần đầu tiên. Những lần điều trị tiếp theo bác sĩ sẽ dựa vào sự cải thiện và tính chất của da để đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Những lưu ý khi sử dụng tế bào gốc sau điều trị laser
Một số lưu ý khi sử dụng tế bào gốc sau điều trị laser

Liệu pháp kết hợp điều trị laser và bôi tế bào gốc đã được nghiên cứu và chứng minh có hiệu quả tốt hơn điều trị bằng laser thông thường. Với đặc tính toàn năng và linh hoạt, tế bào gốc có thể giúp thúc đẩy tái cấu trúc da, tăng tái tạo collagen, cung cấp các yếu tố tăng trưởng giúp tối ưu hóa hiệu quả của laser, mang lại làn da săn chắc, căng bóng, mịn màng. Để việc phối hợp laser và tế bào gốc đạt hiệu quả tốt nhất, nên lựa chọn các cơ sở da liễu uy tín, chọn sản phẩm tế bào gốc có nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ điều trị của Bác sĩ.

Tài liệu tham khảo

Plant stem cells in cosmetics: current trends and future directions“. NCBI, 12 July 2017

Stem Cell and Bone Marrow Transplants for Cancer“. National Cancer Institute, 5 October 2023

Stem cell-based therapy for human diseases“. NCBI, 6 August 2022

Efficacy of fractional CO2 laser in combination with stromal vascular fraction (SVF) compared with fractional CO2 laser alone in the treatment of burn scars: a randomized controlled clinical trial – Stem Cell Research & Therapy“. Stem Cell Research & Therapy, 23 September 2023

HunPark, Gyeong. “Combination Treatment with Human Adipose Tissue Stem Cell-derived Exosomes and Fractional CO2 Laser for Acne Scars: A 12-week Prospective, Double-blind, Randomized, Split-face Study“. PubMed, 4 November 2020

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84