Trong quá trình chăm sóc da mụn bạn thường sử dụng nhiều loại mỹ phẩm khác nhau, trong đó hai sản phẩm không thể thiếu là kem trị mụn và kem dưỡng ẩm. Thứ tự sử dụng các sản phẩm này rất quan trọng. Vì vậy, việc bôi kem trị mụn trước hay sau kem dưỡng ẩm để mang lại hiệu quả, bạn hãy tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Vai trò của kem trị mụn và kem dưỡng ẩm?
Kem trị mụn
Da mụn thường có những tình trạng như tăng tiết bã nhờn, bít tắc lỗ chân lông, viêm do vi khuẩn P. acnes gây ra. Vì vậy, kem trị mụn là sản phẩm chứa hoạt chất tác động vào một trong hoặc toàn bộ những triệu chứng trên.
- Các hoạt chất nhóm retinoid gồm tretinoin, adapalene, tazarotene. Những thành phần này có hiệu quả điều trị mụn đa cơ chế như giảm tiết bã nhờn, bong tróc lớp tế bào sừng và giảm hoạt động của vi khuẩn P. acnes. Trong đó hoạt chất được sử dụng phổ biến nhất là tretinoin. Đây là hoạt chất có nhiều nghiên cứu nhất, có hiệu quả đa tác động, mạnh mẽ vào tình trạng mụn và giúp trẻ hóa da. Các hoạt chất thế hệ mới hơn như adapalene có tác dụng tương tự nhưng ít gây tác dụng phụ. Mới nhất trong “gia đình” retinoid là tazarotene, một tiền chất acetylenic tổng hợp, tác động đến sự biệt hóa và tăng sinh tế bào sừng trong biểu mô, tương tự với isotretinoin.
- Các loại kháng sinh dùng ngoài da như erythromycin và clindamycin có tác động ức chế sự phát triển của P. acnes và sự tổng hợp các chất trung gian gây viêm do P. acnes giải phóng ra.
- Các hoạt chất có tác dụng kiểm soát sự tiết bã nhờn, ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông, giảm sự bài tiết bã nhờn dư thừa trên da như niacinamide. Niacinamide hay còn gọi là vitamin B3, làm giảm sản xuất bã nhờn, dẫn đến giảm hoạt động của vi khuẩn P. acnes.
- Các hoạt chất có tác dụng làm bong tróc lớp sừng trên da và thông thoáng lỗ chân lông như AHA, BHA. AHA thuộc nhóm acid carboxylic hữu cơ tan trong nước, tác dụng chủ yếu làm bong các tế bào chết, hỗ trợ điều hòa sừng hóa thượng bì, tiêu nhân mụn. BHA là một acid tan trong dầu, do đó BHA có thể đi sâu vào lỗ chân lông và loại bỏ lượng dầu thừa nhiều hơn.
Tất cả các hoạt chất trị mụn này đa số cần tiếp xúc trực tiếp với da để phát huy tác dụng. Mặt khác chúng cũng có nhiều tương tác trên da nếu sử dụng cùng lúc với nhau. Vì thế, cần sử dụng đúng cách để sản phẩm phát huy tác dụng hiệu quả nhất mà không gây tác dụng phụ.
Kem dưỡng ẩm
Dưỡng ẩm là một bước chăm sóc không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da. Kem dưỡng ẩm có các công dụng cơ bản nhưng quan trọng sau:
- Giữ ẩm trên da, ngăn sự mất nước và duy trì cân bằng pH, giúp cho da mịn màng, mềm mại.
- Một số kem dưỡng ẩm chứa các thành phần vitamin, chất chống oxy hóa, peptide, chất làm sáng da, chất chống viêm hoặc chất tẩy da chết mang lại tác dụng khác trên da ngoài tác dụng dưỡng ẩm.
- Duy trì lớp màng bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường như ánh nắng, khói bụi, ô nhiễm.
Nếu xét về đặc tính chuyên biệt thì kem dưỡng ẩm có bốn loại hoạt chất chính tùy thuộc vào cơ chế hoạt động như sau:
- Chất làm mềm: thường là lipid và dầu, giúp bảo vệ và làm mềm da. Một số hoạt chất làm mềm có trong kem dưỡng ẩm như isopropyl palmitate, propylene glycol.
- Chất giữ ẩm: yếu tố giữ ẩm tự nhiên được tạo thành từ hỗn hợp các chất hút ẩm hòa tan có trọng lượng phân tử thấp như acid lactic, acid cacboxylic, pyrrolidone và acid amin là thành phần chính trong quá trình hydrat hóa lớp sừng. Các chất giữ ẩm khác nhau thường được sử dụng trong kem dưỡng ẩm như glycerin, HA (acid hyaluronic), sorbitol, alpha hydroxy acid (AHA).
- Chất khóa ẩm: là những chất ngăn chặn sự mất nước qua da. Chúng tạo ra một hàng rào kỵ nước trên da, góp phần tạo nên chất nền giữa các tế bào sừng và chỉ nên thoa lên vùng da đã đủ ẩm. Các thành phần thường gặp bao gồm những hoạt chất như dầu khoáng (mineral oil), lanolin. Những loại kem dưỡng có chứa thành phần này cần được sử dụng ở bước cuối cùng trong chu trình chăm sóc da. Vì chúng có tác dụng như một lớp màng chắn ngăn chặn các loại sản phẩm khác phát huy tác dụng trên da.
- Chất chống oxy hóa – trẻ hóa da: được thêm vào kem dưỡng để chống lại tác dụng của gốc tự do, ngoài ra chúng có thể đóng vai trò là chất bảo quản cho các hoạt chất khác trong công thức. Thường gặp nhất là tocopherol hay còn gọi là vitamin E, acid ascorbic (vitamin C) có thể được sử dụng để chống oxy hóa cho da và cho chính bản thân sản phẩm, trong khi đó EDTA thường được sử dụng như chất bảo quản.
Tùy theo mục đích sử dụng trong quy trình chăm sóc da mà mỗi loại kem dưỡng ẩm sẽ chứa thành phần nào trong 4 nhóm hoạt chất ở trên. Thường sẽ có 2 loại kem dưỡng ẩm gồm có và không có chất khóa ẩm. Kem dưỡng ẩm không chứa thành phần khóa ẩm trong một vài trường hợp có thể sử dụng trước sản phẩm trị mụn trong quy trình chăm sóc da, và ngược lại sẽ được sử dụng ở bước cuối cùng.
Nên bôi kem trị mụn trước hay sau kem dưỡng ẩm?
Đa số các loại kem trị mụn cần được sử dụng đầu tiên trong quy trình chăm sóc da (sau bước làm sạch) như các loại kem trị mụn chứa các thành phần diệt khuẩn, giảm viêm.
Với việc bôi kem trị mụn trước, ta có thể đảm bảo rằng các thành phần có thể phát huy tác dụng. Sử dụng kem dưỡng ẩm sau bước trị mụn có tác dụng bảo vệ và tạo môi trường tối ưu để kem trị mụn phát huy tối đa hiệu quả điều trị.
Cần lưu ý một số kem dưỡng ẩm có thể chứa thành phần gây tương tác với kem trị mụn nên cần kiểm tra hoạt chất có trong sản phẩm trước khi sử dụng. Các loại kem dưỡng ẩm có chứa AHA, BHA và đặc biệt vitamin C dễ gây tương tác với các kem trị mụn chứa các thành phần kháng sinh, retinoid.
Riêng với sản phẩm trị mụn chứa AHA, BHA và retinoid, đôi khi sẽ phù hợp để sử dụng sau bước dưỡng ẩm nhằm giảm nguy cơ tác dụng phụ do các hoạt chất này gây ra mà không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của nó. Kem dưỡng ẩm trong trường hợp này có tác dụng làm dịu và bảo vệ da trước khi những hoạt chất gây kích ứng trên da. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa chất khóa ẩm trước kem trị mụn vì nó không cản trở các hoạt chất này phát huy tác dụng.
Xem thêm các bài viết liên quan
Hướng dẫn cách sử dụng kem trị mụn và kem dưỡng ẩm
Quy trình chăm sóc da mụn thông thường có 3 bước chính là làm sạch, điều trị và dưỡng da như sau:
Bước 1: làm sạch da
Bước đầu tiên trong quy trình chăm sóc da là làm sạch, bước này cực kỳ quan trọng đặc biệt là với da mụn. Việc làm sạch giúp loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn trên da, giúp lỗ chân lông được thông thoáng. Có hai bước làm sạch bao gồm tẩy trang và rửa mặt. Nếu không có trang điểm hoặc sử dụng kem chống nắng, có thể bỏ qua bước tẩy trang.
Bước 2: cân bằng da bằng toner/nước hoa hồng
Toner giúp làm sạch sâu lỗ chân lông, loại bỏ tế bào chết và bụi bẩn còn sót lại, đồng thời cân bằng độ pH tự nhiên cho da. Bước này cũng giúp loại bỏ lượng dầu thừa, giảm tình trạng mụn cám, mụn đầu đen và bổ sung nước cấp ẩm da, giúp tăng cường thẩm thấu các hoạt chất ở những bước chăm sóc tiếp theo.
Hãy chú ý tránh các loại toner có hàm lượng cồn cao, có hương liệu vì chúng có thể gây kích ứng da.
Bước 3: sử dụng kem trị mụn
Tùy vào loại hoạt chất mà bạn có thể bôi kem trị mụn lên vùng da có mụn hay toàn bộ khuôn mặt. Không nên bôi kem trị mụn trên các vết thương hở.
Nên dùng sản phẩm trị mụn vào ban đêm lúc da ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, khói bụi… có thể cho hiệu quả trị mụn tốt hơn.
Bước 4: dưỡng ẩm
Sau bước dùng kem trị mụn, nên chờ khoảng từ 10 đến 15 phút rồi mới sử dụng kem dưỡng ẩm. Việc này giúp cho kem trị mụn có thể thấm vào da hoàn toàn và không bị pha loãng bởi kem dưỡng ẩm. Trong trường hợp da nhạy cảm và bị kích ứng với kem trị mụn chứa AHA, BHA và tretinoin, có thể sử dụng kem dưỡng ẩm trước để làm dịu da, sau đó mới dùng kem trị mụn.
Bước 5: kem chống nắng
Nếu là quy trình chăm sóc da vào buổi sáng, không nên bỏ qua kem chống nắng để bảo vệ da trước tia UV. Kem chống nắng còn có thể được xem là bước khóa ẩm để bảo vệ các hoạt chất đã được sử dụng trên da.
Cuối cùng, bạn cũng lưu ý một số vấn đề sau để chăm sóc da mụn tốt hơn:
- Không sử dụng nhiều sản phẩm cùng công dụng cùng lúc.
- Cần nhận biết các dấu hiệu bất thường của da để có hướng xử lý kịp thời.
- Nên sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, bảng thành phần rõ ràng. Kiểm tra kỹ thành phần, hàm lượng của từng sản phẩm để tránh những tác dụng không mong muốn.
Việc chăm sóc da mụn không hề phức tạp nếu ta hiểu các nguyên tắc cơ bản bao gồm thứ tự sử dụng các sản phẩm, cách phối hợp các hoạt chất và lý do. Chăm sóc da đúng cách sẽ giúp mang lại hiệu quả trị mụn và giảm nguy cơ tác dụng không mong muốn do các hoạt chất trị mụn gây ra. Trong đa số trường hợp, kem dưỡng ẩm nên sử dụng sau bước trị mụn để đảm bảo hoạt chất phát huy tác dụng đầy đủ, tuy nhiên trong một số trường hợp bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm trước các sản phẩm trị mụn chứa retinol, AHA, BHA nếu muốn giảm tác dụng phụ của các hoạt chất này gây ra. Cuối cùng, bạn đừng quên tư vấn Bác sĩ Da liễu nếu thấy tình trạng da không cải thiện tốt hoặc các triệu chứng không mong muốn xảy ra.
Tài liệu tham khảo
- Draelos ZD. “The science behind skin care: Moisturizers“. J Cosmet Dermatol. 2018 Apr;17(2):138-144. doi: 10.1111/jocd.12490. Epub 2018 Jan 10. PMID: 29319217
- Nolan K, Marmur E. “Moisturizers: reality and the skin benefits“. Dermatol Ther. 2012 May-Jun;25(3):229-33. doi: 10.1111/j.1529-8019.2012.01504.x. PMID: 22913439
- “What Order Should I Follow for My Skin Care Routine?“. Healthline
- Goodman G. “Cleansing and moisturizing in acne patients“. Am J Clin Dermatol. 2009;10 Suppl 1:1-6. doi: 10.2165/0128071-200910001-00001. PMID: 19209947