Viêm da tiết bã: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Ngày 19/02/2025. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Viêm da tiết bã là một tình trạng da mạn tính thường gặp, gây đỏ, ngứa, bong tróc và xuất hiện các mảng vảy dầu ở vùng da đầu, mặt và lưng. Không chỉ gây khó chịu, bệnh còn có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ nếu không được chăm sóc đúng cách. Vậy nguyên nhân của viêm da tiết bã là gì, nên làm gì để điều trị hiệu quả? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu ngay sau đây!

Viêm da tiết bã là gì? Viêm da tiết bã có phải là mụn không?

Viêm da tiết bã, còn gọi là viêm da dầu, là một bệnh lý rối loạn viêm da mạn tính liên quan đến tuyến bã nhờn. Bệnh gây ra tình trạng da đỏ, ngứa, bong tróc và có vảy nhờn, tập trung chủ yếu ở những khu vực có nhiều tuyến dầu như da đầu, mặt, ngực và lưng.

Viêm da tiết bã không phải là mụn nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ nổi mụn. Nguyên nhân là do tuyến bã nhờn hoạt động mạnh làm bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra mụn. Ngoài ra, vùng da bị viêm thường nhạy cảm và dễ kích ứng hơn, khiến tình trạng mụn dễ xuất hiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.

Mặc dù viêm da tiết bã không gây nguy hiểm đến tính mạng, nó có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh cảm thấy tự ti trong giao tiếp hằng ngày. Vì vậy, việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp kiểm soát tình trạng này hiệu quả.

viêm da tiết bã là gì
Viêm da tiết bã là một bệnh lý rối loạn viêm da mạn tính liên quan đến tuyến bã nhờn, gây ra tình trạng da đỏ, ngứa, bong tróc và có vảy nhờn

Nguyên nhân dẫn đến viêm da tiết bã

Nguyên nhân gây ra viêm da tiết bã chưa được xác định rõ ràng và thường là do nhiều yếu tố tác động. Sau đây là một số nguyên nhân và yếu tố phổ biến liên quan đến bệnh:

  • Di truyền: các nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh. Người có cha mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc viêm da tiết bã sẽ có nguy cơ cao hơn gặp phải tình trạng này.
  • Bệnh lý nền: những người mắc các bệnh lý như Parkinson hoặc suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS có nguy cơ cao hơn mắc bệnh viêm da tiết bã. 
  • Vi khuẩn và nấm men: nấm men thuộc loại Malassezia thường tồn tại trên da người. Khi phát triển quá mức, chúng có thể gây kích ứng da và tăng tiết bã nhờn. Điều này dẫn đến tình trạng viêm và hình thành các mảng vảy da.
  • Tác động từ môi trường: thời tiết lạnh và khô làm giảm độ ẩm trong không khí, dễ làm da khô hơn. Khi đó, da phải tiết nhiều dầu hơn để cân bằng độ ẩm, dẫn đến tình trạng viêm da tiết bã nghiêm trọng hơn vào mùa đông.
  • Căng thẳng và mất cân bằng nội tiết: tình trạng căng thẳng tâm lý, rối loạn giấc ngủ hay thay đổi nội tiết tố đều có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, gây ảnh hưởng đến sự cân bằng dầu nhờn và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm da.
nguyên nhân viêm da tiết bã
Một số nguyên nhân dẫn đến viêm da tiết bã

Triệu chứng đặc trưng của viêm da tiết bã

Triệu chứng của viêm da tiết bã dễ nhận biết qua một số dấu hiệu đặc trưng như sau:

  • Da đỏ, ngứa và bong tróc: đây là những triệu chứng phổ biến và xuất hiện ở các vùng da như da đầu, mặt, tai và ngực. Vùng da bị viêm có thể có bị đỏ, gây ngứa ngáy và bong tróc từng mảng vảy dầu.
  • Da dầu và có cảm giác nhờn: da bị viêm da tiết bã thường có xu hướng tiết nhiều dầu hơn, đặc biệt là vùng da mặt và da đầu, làm cho da luôn có cảm giác nhờn.
  • Vảy da màu trắng hoặc vàng: các mảng vảy màu trắng hoặc vàng thường xuất hiện trên da đầu, làm da có gàu và dễ gây rụng tóc tạm thời nếu tình trạng này kéo dài.
  • Triệu chứng nặng hơn khi thay đổi thời tiết: thời tiết khô lạnh có thể làm da trở nên nhạy cảm hơn, làm cho các triệu chứng viêm da tiết bã trở nên nghiêm trọng hơn.
triệu chứng viêm da tiết bã
Một số triệu chứng đặc trưng của viêm da tiết bã

Các phương pháp điều trị viêm da tiết bã hiệu quả

Điều trị viêm da tiết bã bao gồm sự kết hợp giữa dược phẩm và các biện pháp chăm sóc da. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, việc điều trị đúng cách có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và hạn chế tái phát:

  • Sử dụng thuốc bong sừng và bạt sừng: thuốc chứa các thành phần như acid salicylic hoặc urea giúp loại bỏ lớp sừng trên da, giảm bít tắc lỗ chân lông và hỗ trợ cải thiện triệu chứng viêm da tiết bã. Những loại thuốc này thường được chỉ định kết hợp với thuốc kháng viêm để tăng hiệu quả điều trị.
  • Sử dụng thuốc bôi: thuốc chứa corticosteroid và thuốc ức chế calcineurin thường được sử dụng để giảm viêm và ngứa. Các loại kem hoặc gel chứa thành phần kháng nấm như ketoconazole hoặc ciclopirox cũng giúp kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn và nấm trên da, giảm nguy cơ viêm.
  • Dầu gội trị liệu: đối với tình trạng viêm da tiết bã trên da đầu, các loại dầu gội đặc trị chứa selenium sulfide, ketoconazole hoặc zinc pyrithione có tác dụng kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn và nấm men trên da đầu. Sử dụng dầu gội này 2 – 3 lần mỗi tuần có thể giúp giảm vảy gàu và giảm tình trạng viêm.
  • Thuốc uống: trong trường hợp nặng, Bác sĩ có thể chỉ định thuốc uống kháng nấm hoặc thuốc chống viêm để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc uống cần có chỉ định từ Bác sĩ và theo dõi chặt chẽ để tránh tác dụng phụ.
  • Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu): đối với những trường hợp viêm da tiết bã khó điều trị bằng phương pháp thông thường, liệu pháp ánh sáng UVB có thể được áp dụng. Phương pháp này giúp giảm viêm và kiểm soát sự phát triển của nấm.
phương pháp điều trị viêm da tiết bã
Một số phương pháp điều trị viêm da tiết bã hiệu quả

Chăm sóc da đúng cách và phòng ngừa viêm da tiết bã

Để ngăn ngừa viêm da tiết bã tái phát và giúp da khỏe mạnh hơn, cần duy trì các biện pháp chăm sóc da đúng cách:

  • Giữ da sạch sẽ: để tránh tình trạng da bị nhiễm khuẩn và kích ứng, cần chăm sóc da hằng ngày bằng cách sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ, không chứa cồn và hương liệu mạnh. Điều này giúp ngăn ngừa sự tích tụ bã nhờn và nấm men dư thừa có thể gây ra viêm da tiết bã nhờn.
  • Dưỡng ẩm đầy đủ: dưỡng ẩm bằng kem dưỡng ẩm giữ cho làn da mềm mại, giúp duy trì hàng rào bảo vệ da và giảm tình trạng khô và bong tróc.
Một số sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, phù hợp với làn da bị viêm da tiết bã
  • Tránh căng thẳng: Giữ tinh thần thoải mái và tránh căng thẳng là yếu tố quan trọng để giảm nguy cơ phát triển viêm da tiết bã. Các phương pháp thư giãn như tập yoga, thiền hoặc đơn giản là tập thể dục hằng ngày có thể giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là các loại vitamin, omega-3, sẽ giúp da duy trì khỏe mạnh.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng: các sản phẩm chứa cồn, hương liệu mạnh hoặc các hóa chất độc hại có thể gây kích ứng da, khiến tình trạng viêm da tiết bã trở nên trầm trọng hơn. Hãy chọn các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên và nhẹ nhàng để hạn chế kích ứng.
  • Tập thói quen sinh hoạt điều độ: thói quen sinh hoạt tốt, ngủ đủ giấc và duy trì lối sống lành mạnh sẽ góp phần cải thiện tình trạng viêm da và tăng cường khả năng tự phục hồi của da.
thói quen sinh hoạt lành mạnh
Áp dụng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh giúp hạn chế nguy cơ viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã là tình trạng da phổ biến, dễ tái phát nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Hiểu rõ nguyên nhân, nhận biết triệu chứng sớm và tuân thủ phác đồ điều trị sẽ giúp cải thiện tình trạng da đáng kể. Nếu đang gặp khó khăn với viêm da tiết bã, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị kịp thời, giúp bạn lấy lại làn da khỏe đẹp nhé!

 Tài liệu tham khảo

  1. Leung, Alexander KC, and Benjamin Barankin. “Seborrheic dermatitis“. Int J Pediat Health Care Adv. 2.1 (2015): 7-9.
  2. Kirsten N, Mohr N, et al. “Prevalence and Associated Diseases of Seborrheic Skin in Adults“. Clin Epidemiol. 2021 Sep 18;13:845-851. doi: 10.2147/CLEP.S323744
  3. Borda LJ, Wikramanayake TC. “Seborrheic Dermatitis and Dandruff: A Comprehensive Review“. J Clin Investig Dermatol. 2015 Dec;3(2):10.13188/2373-1044.1000019. doi: 10.13188/2373-1044.1000019
  4. Seborrheic Dermatitis: An Update“. Academia
  5. Seborrheic Dermatitis“. AAD
  6. Seborrheic dermatitis: Self-care“. AAD

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84