Các loại thuốc bôi trị mụn thường có nhiều tác dụng phụ. Một trong những tình trạng thường gặp là ngứa khi sử dụng thuốc trị mụn. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì và nên xử lý như thế nào? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu sâu hơn nhé!
Nguyên nhân gây ngứa khi bôi thuốc trị mụn
Hiện nay, nhiều loại thuốc trị mụn hoạt động theo cơ chế khác nhau trên da, chủ yếu là giảm viêm, kháng khuẩn, làm sạch da và mờ thâm. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích này, một số sản phẩm trị mụn có thể gây tác dụng phụ như ngứa. Nguyên nhân có thể xuất phát từ thành phần trong sản phẩm hoặc từ cách sử dụng không đúng của người dùng.
Sau đây là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngứa khi bôi thuốc trị mụn:
- Các thành phần trong thuốc trị mụn
Các thành phần trong thuốc trị mụn có thể gây kích ứng da, đặc biệt đối với làn da nhạy cảm. Tác dụng phụ thường gặp là khô da, kích ứng và làm da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời:
Benzoyl peroxide (BPO): tác dụng của thuốc chứa BPO khá mạnh, có thể gây tróc vảy lớp da và bong lớp sừng, khô da, viêm da tiếp xúc và kích ứng da.
Retinoid: là thành phần đặc trị mụn có tác dụng mạnh, làm tiêu nhân mụn bằng cách đẩy nhân mụn, mở nang kín và giảm tiết bã nhờn gây mụn. Nhóm hoạt chất này có thể gây kích ứng và bong tróc da. Đặc biệt cần lưu ý về nồng độ retinoid sử dụng, nồng độ cao có thể gây tổn thương nghiêm trọng vùng thượng bì, gây mụn phỏng.
AHA/BHA: hai hoạt chất đều có thể gây ngứa, đặc biệt là khi mới bắt đầu sử dụng hoặc khi da chưa quen với các hoạt chất này. Cảm giác ngứa thường xảy ra do các acid này làm bong lớp tế bào chết trên da, giúp da tái tạo, nhưng có thể dẫn đến kích ứng da tạm thời, đặc biệt là đối với da nhạy cảm hoặc khi sử dụng ở nồng độ cao.
- Không cấp ẩm đầy đủ cho da: nhiều người có thói quen không thoa dưỡng ẩm sau khi sử dụng các sản phẩm bôi mụn. Nhất là những người có làn da dầu vì họ cho rằng việc dùng kem dưỡng ẩm sẽ làm cho da đổ dầu nhiều hơn. Tuy nhiên, đây lại là một quan niệm sai lầm và khiến da bị ửng đỏ, khô rát khi dùng thuốc trị mụn.
- Lạm dụng thuốc: muốn có hiệu quả nhanh hơn bằng cách bắt đầu với nồng độ quá cao cũng có thể gây kích ứng da.
Các triệu chứng khi bị kích ứng bởi thuốc trị mụn
Các triệu chứng thường gặp khi xảy ra kích ứng da do sử dụng thuốc điều trị mụn bao gồm:
- Ban đỏ: đây là tình trạng phổ biến khi da trở nên đỏ hoặc hồng ở các vùng bôi thuốc, thường do viêm hoặc phản ứng miễn dịch.
- Khô da: nhiều thuốc trị mụn, đặc biệt là các loại có thành phần như benzoyl peroxide hoặc retinoid có thể gây khô da dẫn đến tình trạng bong tróc, sần sùi.
- Ngứa và cảm giác rát bỏng: kích ứng thường đi kèm với các cảm giác khó chịu như ngứa, châm chích hoặc nóng rát tại khu vực da được điều trị.
- Phù nề: kích ứng có thể dẫn đến sưng tấy nhẹ ở vùng da bị ảnh hưởng.
- Phát ban: một số trường hợp xuất hiện các nốt mụn nhỏ hoặc ban đỏ li ti như dấu hiệu của phản ứng dị ứng nhẹ.
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng: một số thành phần trong thuốc điều trị mụn như retinoid hoặc AHA có thể làm da nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời, dễ gây tổn thương da khi tiếp xúc với tia UV.
- Thay đổi sắc tố da: vùng da bôi thuốc có thể gặp tình trạng rối loạn sắc tố, bao gồm cả tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố.
Cách xử lý khi bôi thuốc trị mụn bị ngứa, kích ứng
Khi bôi thuốc trị mụn và gặp phải tình trạng kích ứng, có thể tham khảo các bước xử lý dưới đây:
- Tạm ngưng sử dụng: đầu tiên, nên ngừng bôi thuốc để ngăn tình trạng kích ứng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuyệt đối không cào, gãi hoặc chà xát vùng da kích ứng, đồng thời tránh dùng các sản phẩm tẩy tế bào chết hoặc có tính tẩy rửa mạnh trong thời gian này.
- Rửa sạch vùng da bị kích ứng: dùng nước ấm để rửa sạch nhẹ nhàng vùng da đang bị kích ứng. Làm sạch da bằng những sản phẩm dịu nhẹ vì làn da lúc này rất dễ tổn thương. Đặc biệt, không được dùng sữa rửa mặt tạo bọt quá nhiều, có chứa hạt, mang tính tẩy rửa mạnh, lột da sẽ khiến tình trạng dị ứng trở nên nặng nề hơn.
- Sử dụng sản phẩm làm dịu da: sau khi rửa sạch, có thể thoa một lớp kem dưỡng ẩm dịu nhẹ không chứa hương liệu hay các chất gây kích ứng để làm dịu da. Các sản phẩm có chứa thành phần như nha đam, panthenol hoặc ceramide thường giúp giảm kích ứng hiệu quả.
- Uống thuốc kháng histamin (nếu cần): nếu tình trạng kích ứng có dấu hiệu dị ứng (ngứa dữ dội, nổi mẩn), có thể uống thuốc kháng histamin như diphenylhydramin, cetirizin sau khi tham khảo ý kiến Bác sĩ.
Xem thêm các bài viết liên quan
Lưu ý khi sử dụng thuốc trị mụn
Để tránh tình trạng ngứa khi sử dụng thuốc trị mụn, nên nắm vững một số lưu ý quan trọng sau đây:
- Bắt đầu với liều thấp: khi mới sử dụng thuốc trị mụn, đặc biệt là các loại có hoạt chất mạnh như benzoyl peroxide, retinoid hoặc acid salicylic, nên bắt đầu với liều lượng nhỏ hoặc nồng độ thấp. Điều này giúp da thích ứng từ từ, giảm nguy cơ kích ứng và ngứa. Sau khi da quen, có thể tăng dần liều lượng theo chỉ dẫn.
- Dưỡng ẩm trước khi dùng thuốc: việc sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa dầu (oil-free) trước khi thoa thuốc trị mụn giúp duy trì độ ẩm tự nhiên của da, giảm nguy cơ khô và bong tróc. Điều này cũng giúp ngăn ngừa tình trạng ngứa và kích ứng.
- Test trên vùng da nhỏ trước khi sử dụng toàn mặt: trước khi bôi thuốc lên toàn bộ khuôn mặt, nên thử một lượng nhỏ lên vùng da như sau tai hoặc cằm trong vòng 24 – 48 giờ để kiểm tra phản ứng. Nếu không có kích ứng, có thể an tâm sử dụng; nếu có, nên đổi sản phẩm khác.
- Không bôi quá nhiều thuốc: dùng quá liều thuốc trị mụn không giúp mụn biến mất nhanh hơn mà ngược lại, có thể gây khô da, ngứa và bong tróc. Chỉ nên thoa một lớp mỏng đủ để thuốc thẩm thấu hiệu quả.
- Sử dụng kem chống nắng: khi dùng thuốc trị mụn, đặc biệt là các loại khiến da nhạy cảm với ánh nắng như retinoid, việc thoa kem chống nắng là rất quan trọng. Hãy chọn kem chống nắng phổ rộng với SPF 30 trở lên để bảo vệ da khỏi cháy nắng và kích ứng thêm.
- Tránh các sản phẩm gây kích ứng khác: trong quá trình điều trị mụn, nên tránh các sản phẩm chứa cồn, hương liệu hoặc chất tẩy mạnh vì chúng có thể làm da nhạy cảm hơn, dễ bị ngứa và viêm.
- Sử dụng thuốc trị mụn theo hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu: đối với da nhạy cảm, nên sử dụng các sản phẩm được thiết kế dành riêng cho da nhạy cảm hoặc có công thức dịu nhẹ. Luôn tham khảo ý kiến Bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Ngứa khi bôi thuốc trị mụn là hiện tượng phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách chọn đúng sản phẩm và sử dụng hợp lý. Kết hợp thuốc trị mụn với quy trình chăm sóc da khoa học sẽ giúp giảm thiểu kích ứng. Nếu tình trạng ngứa kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn, hãy liên hệ ngay Phòng khám Da liễu Doctor Acnes để được tư vấn giải pháp phù hợp với tình trạng da nhé.
Tài liệu tham khảo
- Kim HJ, Kim YH. “Exploring Acne Treatments: From Pathophysiological Mechanisms to Emerging Therapies“. Int J Mol Sci. 2024 May 13;25(10):5302. doi: 10.3390/ijms25105302
- “Topical Retinoids: Mechanisms and Side Effects“. The Calgary Guide to Understanding Disease
- Foti, Caterina, et al. “Contact dermatitis to topical acne drugs: a review of the literature“. Dermatologic therapy. 28.5 (2015): 323-329
- Foti C, Romita P, et al. “Contact dermatitis to topical acne drugs: a review of the literature“. Dermatol Ther. 2015 Sep-Oct;28(5):323-9. doi: 10.1111/dth.12282
- Tripathi SV, Gustafson CJ, Huang KE, Feldman SR. “Side effects of common acne treatments“. Expert Opin Drug Saf. 2013 Jan;12(1):39-51. doi: 10.1517/14740338.2013.740456
- “Acne Treatment: Types, Side Effects, and More“. Healthline
- Goodman G. “Cleansing and moisturizing in acne patients“. Am J Clin Dermatol. 2009;10 Suppl 1:1-6. doi: 10.2165/0128071-200910001-00001