Rượu thuốc và peel da là những khái niệm không quá xa lạ với những người quan tâm đến chăm sóc sắc đẹp. Với những công dụng được quảng cáo có phần tương tự nhau, cùng với biểu hiện chung dễ thấy là bong da đã khiến cho nhiều người lầm tưởng rượu thuốc có thể peel da và sử dụng rượu thuốc với mục đích này. Trong bài viết này, hãy cùng Doctor Acnes so sánh những điểm giống và khác giữa rượu thuốc và peel da để có những góc nhìn chính xác hơn nhé!
Rượu thuốc là gì?
Rượu thuốc là một hỗn hợp gồm các thành phần như rượu (cồn), các loại rễ cây, vỏ cây, thảo mộc, và có thể có thêm một số hoạt chất khác như acid salicylic, corticoid để tăng hiệu quả điều trị. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại rượu thuốc chăm sóc da được quảng cáo như rượu thuốc tái tạo da, rượu thuốc trị mụn, rượu thảo dược trị thâm nám…
Điểm chung của các loại sản phẩm này là không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần, không được kiểm nghiệm khoa học và được quảng cáo bằng những lời có cánh như điều trị được mụn lâu năm, thâm nám, tái tạo da.
Peel da là gì?
Peel da là quy trình tái tạo bề mặt da bằng cách sử dụng các hoạt chất hoá học có tính tẩy tế bào chết để làm thay mới làn da phía trên cùng. Peel da từ lâu đã được sử dụng như một phương pháp hiệu quả để điều trị mụn và các vấn đề khác trên da như thâm mụn, sạm nám… Peel da đúng cách sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề về da:
- Đối với da mụn: giúp giảm mụn, giảm viêm và thâm mụn.
- Đối với da lão hoá, chảy xệ: giúp kích thích tăng sinh collagen, tái tạo làn da mới tươi trẻ hơn.
- Đối với da thâm sạm, không đều màu: giúp loại bỏ các tế bào gây xỉn màu, giảm bớt các vùng da thâm sạm giúp da đều màu, trắng sáng hơn.
Có nhiều hoạt chất được sử dụng để peel da, tuỳ từng hoạt chất cũng như nồng độ của chúng mà có cơ chế tác động trên da khác nhau, từ đó cho kết quả tái tạo da khác nhau. Dựa vào “độ sâu” mà các hoạt chất peel da tác động đến, peel da được phân loại làm 3 cấp độ khác nhau:
- Peel bề mặt: tác động lên lớp biểu bì là lớp ngoài cùng của da nên peel da nông có tác dụng chính là tẩy tế bào chết. Khi peel, giúp làm giảm các nếp nhăn da, điều trị mụn và làm đều màu da.
- Peel trung bình: tác động sâu hơn, có thể lấy đi các thành phần tế bào da ở lớp ngoài cùng của hạ bì. Peel trung bình có thể giúp điều trị các nếp nhăn, sẹo mụn, điều trị các rối loạn sắc tố và làm đều màu da.
- Peel sâu: tác động sâu hơn vào lớp hạ bì. Peel sâu trên thực tế ít được dùng hơn 2 loại còn lại vì có thể ảnh hưởng lên hệ tuần hoàn và thận. Vì vậy, peel sâu thường có chỉ định hạn chế và phải được thực hiện bởi các Bác sĩ Da liễu nhiều kinh nghiệm tại các cơ sở uy tín, giúp điều trị một số tổn thương tiền ác tính trên da.
Những điểm giống nhau giữa rượu thuốc và peel da
Có thể nhận thấy, trong quá trình sử dụng, rượu thuốc và peel da có một số hiệu quả ban đầu tương đối giống nhau.
Rượu thuốc với thành phần chính là cồn, khi sử dụng sẽ làm cho lớp tế bào sừng trên bề mặt da chết đi. Lớp tế bào này bong tróc ra, bộc lộ lớp da non bên dưới làm cho người sử dụng cảm giác làn da mịn đẹp hơn. Ngoài ra nhân mụn trên da cũng sẽ khô lại tạo cảm giác sạch mụn, lỗ chân lông thông thoáng. Khi da bong ra như thế sẽ làm các đốm tăng sắc tố nông trên da bong ra bớt, khiến da trở nên trắng sáng hơn. Bên cạnh đó, nhiều loại rượu thuốc được cho thêm các hoạt chất như acid salicylic, corticoid để tăng hiệu quả nhanh chóng. Các hoạt chất này có vai trò kháng viêm, giảm mụn, giảm bã nhờn, làm đều màu da và giúp da mịn màng hơn. Tuy nhiên do không quản lý được hàm lượng cũng như việc tự ý sử dụng kéo dài các hoạt chất trên khiến cho da dần bị phụ thuộc thuốc và kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực phía sau.
Peel da có khả năng tác động hầu hết cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá, như hoà tan lớp sừng, phá huỷ có kiểm soát lớp biểu bì và trung bì da, gây bong tróc lớp da chết, ly giải keratin tại nang lông và kích thích nhân mụn trồi lên và gom cồi. Vì vậy, có thể thấy cả rượu thuốc và peel da đều lấy đi lớp da chết ngoài cùng và có dấu hiệu dễ nhận biết đầu tiên đó là bong tróc da. Ngoài ra peel da cũng giúp giảm sản xuất bã nhờn và kích thước lỗ chân lông, đồng thời có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn cho nên peel da có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị mụn.
Những điểm khác nhau giữa rượu thuốc và peel da
Như đã nói, rượu thuốc và peel da có một số tương đồng về những hiệu quả ban đầu khi sử dụng. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ rượu thuốc và peel da để tránh những hậu quả đáng tiếc khi sử dụng các sản phẩm không an toàn.
Về thành phần
Rượu thuốc bao gồm các thành phần không rõ nguồn gốc và không được kiểm nghiệm an toàn, cũng như không kiểm soát được hàm lượng cồn và các hoạt chất trong đó. Vì vậy trong quá trình sử dụng, hầu như không thể kiểm soát được tác động của các chất này trên làn da, từ đó rất khó có biện pháp để hạn chế những tác động tiêu cực từ những chất này mang lại.
Ngược lại, các sản phẩm peel da đa số là các acid hữu cơ lành tính, được nghiên cứu và kiểm định an toàn, đã được thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất và sử dụng điều trị. Việc kiểm soát hàm lượng, hoạt chất peel da có thể giúp các Bác sĩ dự đoán được những tác động có thể xuất hiện trên làn da của người sử dụng, từ đó đưa ra biện pháp thúc đẩy hiệu quả cũng như hạn chế các tác động không mong muốn.
Về cơ chế tác động
Rượu thuốc sẽ làm tan mất lớp hàng rào bảo vệ da, làm da mất nước, làm chết các tế bào da ở vùng tác động, từ đó da khô, bong tróc làm lộ phần da non bên dưới. Dễ dàng nhận thấy rượu thuốc gây hại trực tiếp cho làn da và không có vai trò bảo vệ.
Peel da thì làm yếu đi các liên kết giữa những tế bào chết trên bề mặt da, lấy đi lớp tế bào già này. Ngoài ra còn tạo các tổn thương rất nhỏ trên da, tạo tín hiệu kích thích sản sinh tế bào mới tái tạo da.
Về chỉ định và thời gian sử dụng
Rượu thuốc thường được quảng cáo có khả năng điều trị hầu hết các khuyết điểm trên da, và được khuyến cáo sử dụng hàng ngày. Việc sử dụng vô tội vạ các loại rượu thuốc, mặc cho sản phẩm có phù hợp với làn da hay không, điều này không thể đảm bảo được hiệu quả và tính an toàn.
Ngược lại, peel da là một phương pháp điều trị khoa học đã được cấp phép, có từng chỉ định cụ thể cho các vấn đề da và được chỉ định cũng như thực hiện bởi các Bác sĩ Da liễu. Bên cạnh đó, thời gian peel da cũng được thực hiện theo quy trình với thời gian đã được nghiên cứu, tuỳ vào mức độ nông hay sâu cũng như chỉ định ban đầu.
Tính an toàn, các biến chứng
Dễ dàng nhận thấy rượu thuốc không đảm bảo được tính an toàn khi tự sử dụng theo những thông tin mơ hồ từ người bán, cũng như không đảm bảo thành phần trong đó khiến cho rất dễ gây ra các biến chứng trong quá trình sử dụng.
Peel da thì được thực hiện tại các cơ sở được cấp phép, đầy đủ quy trình an toàn và có sự theo dõi của các chuyên gia da liễu để kiểm soát những vấn đề không mong muốn có thể phát sinh.
Những tác hại của rượu thuốc
Những ảnh hưởng của rượu thuốc trên da sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thời gian sử dụng.
Trong thời gian đầu, khoảng vài tháng sau khi sử dụng rượu thuốc, da sẽ trở nên khô nhiều hơn. Thành phần cồn trong rượu thuốc làm tan lớp màng hàng rào bảo vệ tự nhiên của da vốn chủ yếu là phospholipid, khiến da trở nên dễ thoát nước hơn, làm da khô ngứa, dễ kích ứng.
Nếu tiếp tục sử dụng rượu thuốc, da sẽ bắt đầu bong vảy, khiến hàng rào bảo vệ da bị mất đi, làm cho da ngày càng mỏng yếu hơn. Một thời gian sau, da trở nên dễ kích ứng, nổi nhiều mẩn đỏ. Lớp tế bào sừng mất đi nhiều hơn do bong da, da mỏng hơn làm lộ rõ các mạch máu ở lớp bì tạo các vết giãn mao mạch trên bề mặt da.
Giai đoạn cuối cùng, nền da trở nên ửng đỏ trầm trọng, các vết giãn mao mạch bộc lộ rõ và nhiều hơn. Da xuất hiện dấu hiệu viêm, căng rát, tiết dịch vàng và đóng vảy. Mụn trứng cá và mụn nước cũng xuất hiện nhiều trên da.
Xem thêm các bài viết liên quan
Cần làm gì khi đã lỡ dùng rượu thuốc?
Tuỳ thuộc vào thời gian sử dụng rượu thuốc, cũng như mức độ ảnh hưởng của rượu thuốc trên da mà ta có các hướng xử trí khác nhau.
Nếu đã sử dụng rượu thuốc lâu ngày, da bị ảnh hưởng nặng nề như ửng đỏ khắp mặt, da quá mỏng yếu hoặc nổi bóng nước thì cần tìm đến các bệnh viện, Phòng khám chuyên khoa Da liễu để được Bác sĩ tư vấn, chẩn đoán và điều trị phù hợp nhất.
Nếu chỉ mới sử dụng rượu thuốc một thời gian ngắn, khoảng vài tháng, da chỉ bị tổn thương nhẹ như khô da, bong tróc da, ửng đỏ nhẹ, nổi ít mụn thì có thể phục hồi da tại nhà theo các bước như sau:
- Ngưng sử dụng rượu thuốc: đây là điều tiên quyết vì nếu cứ tiếp tục sử dụng rượu thuốc như một sản phẩm chăm sóc da thì da sẽ ngày càng bị tổn thương nặng nề hơn mặc cho các bước phục hồi có thực hiện tốt như thế nào. Tìm hiểu các sản phẩm chăm sóc da thay thế an toàn khác hoặc nhờ sự tư vấn của các chuyên gia da liễu để chăm sóc bản thân tốt hơn, tránh xa các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm an toàn, phù hợp để thay thế rượu thuốc có thể kể đến như các sản phẩm chứa AHA, BHA, retinol. Không chỉ rất hiệu quả trong việc tẩy tế bào chết, mà các hoạt chất này còn giúp kích thích tăng sinh collagen, giúp da sáng đều màu, căng mịn hơn và còn hỗ trợ điều trị mụn lâu dài.
- Cung cấp đủ độ ẩm cho da: đây là bước rất quan trọng vì da bị tổn thương do rượu thuốc sẽ rất khô và cần được cấp đủ ẩm để da có thể phục hồi. Có thể sử dụng các loại serum, kem hoặc mặt nạ dưỡng ẩm để cung cấp ẩm cho da. Nên lựa chọn serum giàu HA (hyaluronic acid) sẽ có hiệu quả giữ nước rất tốt ở bề mặt da. Sau khi sử dụng serum thì cần bôi kem dưỡng ẩm nhằm khoá ẩm, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chứa ceramide, cholesterol, acid béo giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da tự nhiên và giúp giữ ẩm cho da tốt hơn. Mặt nạ cấp ẩm nên chọn sản phẩm giàu glycerin, protylene glycol, HA là các thành phần cấp ẩm rất hiệu quả.
- Làm sạch da bằng các sản phẩm dịu nhẹ: cần thiết làm sạch da để loại bỏ các bụi bẩn, bã nhờn nhằm tránh gây kích ứng làn da vốn đã tổn thương do rượu thuốc. Nên lựa chọn các sản phẩm dành cho da nhạy cảm có pH 5.5 và không hương liệu. Ngoài ra nên hạn chế trang điểm trong thời gian da bị tổn thương vì các thành phần trong mỹ phẩm thường dễ gây kích ứng cho làn da.
- Bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời: khi da bị tổn thương, mất đi hàng rào bảo vệ da thì ánh sáng mặt trời càng dễ dàng xuyên thấu và tác động sâu hơn vào làn da, làm cho da dễ sạm thậm chí nám da. Nên chọn sản phẩm chống nắng vật lý dành cho da khô, da nhạy cảm và có chỉ số SPF 30. Tránh các loại kem chống nắng hoá học hoặc có chỉ số SPF cao vì tăng nguy cơ kích ứng da.
Trong quá trình tự phục hồi da, nếu các triệu chứng ngày càng trở nên xấu đi, hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng mới thì hãy nhanh chóng đến khám ở bệnh viện hoặc các Phòng khám chuyên khoa Da liễu để có phác đồ điều trị phù hợp hơn từ các Bác sĩ.
Qua bài viết này, hy vọng Doctor Acnes đã giúp các bạn phân biệt được rượu thuốc và peel da, cũng như những tác hại của việc sử dụng rượu thuốc. Khi gặp các vấn đề về da, hãy đến các bệnh viện hoặc liên hệ ngay đến Phòng khám chuyên khoa Da liễu để được tư vấn và can thiệp đúng cách, tránh tự sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc để không làm ảnh hưởng sức khoẻ bản thân.
Tài liệu tham khảo
- Castillo DE, Keri JE. “Chemical peels in the treatment of acne: patient selection and perspectives“. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2018;11:365-372. Published 2018 Jul 16. doi:10.2147/CCID.S137788
- “Chemical peel“. MayoClinic