Vitamin E điều trị sẹo rỗ có thực sự hiệu quả?

Ngày 28/05/2021. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Hiện nay có rất nhiều website của các cơ sở thẩm mỹ đồng loạt nói về cách trị sẹo rỗ bằng vitamin E mà không thể trích dẫn kiến thức này được lấy ra từ bất kỳ tài liệu y học nào.

Chúng ta chỉ cần gõ từ khóa “vitamin E trị sẹo” thì google sẽ cho ra hàng triệu kết quả mà nội dung bài báo nào cũng na ná tương tự nhau như “6 cách trị sẹo rỗ bằng vitamin E” , “7 cách trị sẹo rỗ bằng vitamin E” hay “cách trị sẹo rỗ hiệu quả bằng vitamin E”. Vậy vitamin E có thực sự trị được sẹo rỗ như lời đồn hay không?

BSCKI. Ninh Vũ Hoàng Tuấn tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes sẽ tổng hợp chứng cứ y học từ các nguồn Cochrane, Medline và Pubmed để trả lời cho chúng ta ngay sau đây

Từ khóa Vitamin E được tìm kiếm - Doctor Acnes
Có hàng triệu kết quả trên google search khi gõ từ khóa “vitamin E trị sẹo”

Tổng quan

Vitamin E được tìm ra năm 1922 bởi Evans và Bishop. Vitamin E là chất chống oxy hóa dồi dào nhất trong da và là chất chống oxy hóa liên kết màng, tan trong lipid quan trọng nhất trong cơ thể. Vitamin E giúp bảo vệ chống lại quá trình peroxy hóa lipid trong huyết tương và các mô, đặc biệt là da. Cấu trúc hóa học của vitamin E có phần đầu là vòng chromanol thơm và phần đuôi là chuỗi hydrocarbon dài 16 carbon.

Số lượng nhóm thế methyl trên vòng chromanol làm phát sinh các đồng phân α, β, γ, δ trong khi độ bão hòa của chuỗi hydrocarbon xác định dạng tocopherol (chuỗi hydrocarbon bão hòa) hoặc tocotrienol (chuỗi hydrocarbon không no). Từ đó tạo ra 8 loại đồng phân của vitamin E. Trong đó, các dạng phổ biến nhất ở da là alpha–tocopherol (khoảng 90%) và gamma-tocopherol (10%).

Vitamin E được cơ thể hấp thu chủ yếu qua thực phẩm. Trong tự nhiên, vitamin E được tìm thấy trong rau, dầu thực vật, các loại hạt, bắp, đậu nành, và một số sản phẩm từ sữa và thịt.

Cấu trúc hóa học của vitamin E - Doctor Acnes
Cấu trúc hóa học của vitamin E

Vai trò của vitamin E

  • Hoạt tính sinh học của vitamin E nói chung là do tác dụng chống oxy hóa ức chế quá trình peroxy hóa lipid bằng cách loại bỏ các gốc tự do peroxyl (ROO֗ ) trong màng sinh học, do đó loại bỏ phản ứng dây chuyền lan truyền gốc acid béo.
  • Kể từ khi phát hiện vitamin E là chất chống oxy hóa hòa tan trong lipid chính trong da để duy trì sự ổn định của màng sinh học, vitamin E đã được sử dụng để điều trị nhiều loại tổn thương trên da, trong đó có cả việc điều trị các vết sẹo bỏng nhẹ, sẹo phẫu thuật và các vết thương khác mặc dù chưa được FDA chấp thuận.
  • Vitamin E bảo vệ da dưới ánh sáng mặt trời khi dùng đường uống và bôi tại chỗ. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng việc bôi alpha tocopherol lên da động vật có hiệu quả trong việc giảm tế bào tổn thương, giảm tác hại do tiếp xúc với tia UVB và ức chế hình thành ung thư. Vitamin E uống và bôi tại chỗ đã được chứng minh là có tác dụng ức chế ban đỏ và phù nề do tia cực tím ở động vật.
  • Vitamin E có lợi trong việc bảo vệ chống lại các bệnh tim mạch vì quá trình peroxy hóa lipid là nguyên nhân chính gây ra xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch.
  • Vitamin E làm giảm sản xuất prostaglandin E2, và tăng sản xuất interleukin-2 dẫn đến hoạt động chống viêm và kích thích miễn dịch.
  • Tỉ lệ mắc bệnh ung thư thấp hơn được quan sát thấy ở nghiên cứu trên các đối tượng cao tuổi có nồng độ tocopherol trong huyết tương cao.

Tác dụng phụ khi sử dụng vitamin E

Với nhiều công dụng với làn da nói riêng và sức khỏe nói chung nhưng việc sử dụng vitamin E không dễ dàng vì phải đảm bảo nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, cách sử dụng và thời gian phù hợp với từng mục đích điều trị. Các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng vitamin E đã được ghi nhận bao gồm:

  • Vitamin E dạng bôi: viêm da tiếp xúc (thường gặp nhất là tocopherol acetate), mề đay tiếp xúc, hồng ban đa dạng…
  • Vitamin E đường uống: vì vitamin E có thể góp phần làm loãng máu, bệnh nhân đang điều trị chống đông cần tránh dùng vitamin E liều cao (>4000UI). Mặc dù không làm giảm kết tập tiểu cầu một cách đáng kể về mặt lâm sàng, nhưng nên tạm ngưng bổ sung vitamin E trước khi phẫu thuật đặc biệt đối với những người có tiểu cầu bất thường, thiếu vitamin K hoặc đang dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu.

Vai trò của vitamin E trong điều trị sẹo

Phản ứng giữa các gốc tự do vốn được giải phóng từ bạch cầu đa nhân trung tính trong giai đoạn viêm của quá trình lành thương với vết thương sẽ làm ức chế quá trình này do làm tổn thương DNA, màng tế bào, protein và lipid. Do đó, các chất chống oxy hóa được cho là có khả năng tăng cường quá trình lành thương bằng cách làm giảm thiệt hại gây ra bởi các gốc tự do.

Với vai trò là chất chống oxy hóa hòa tan trong lipid chính trong cơ thể, bảo vệ tế bào khỏi các stress oxy hóa, vitamin E tại chỗ thường được sử dụng sau phẫu thuật da hoặc tái tạo bề mặt để cải thiện tình trạng sẹo. Vậy vitamin E có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện sẹo hay không?

Trong nghiên cứu “The effects of topical vitamin E on the cosmetic appearance of scars” của Leslie S.Baumann năm 1999, 15 bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật điều trị ung thư da bằng phẫu thuật Mohs.

Sau khi phẫu thuật, vết thương được chia ngẫu nhiên thành 2 phần A và B, mỗi phần được thoa bởi 1 trong 2 loại thuốc mỡ: A là Aquaphor (1 chất làm mềm da thông thường), B là Aquaphor trộn với vitamin E. Bệnh nhân được yêu cầu bôi thuốc, thuốc A trên phần sẹo A, thuốc B trên phần sẹo B hai lần mỗi ngày trong 4 tuần.

Nghiên cứu cho thấy việc thoa vitamin E tại chỗ không cải thiện về thẩm mỹ của vết sẹo. Ngoài ra, 33% bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc với vitamin E với các triệu chứng ngứa, nổi hồng ban giới hạn ở phần sẹo được thoa vitamin E.

Kết luận bài báo khoa học về vai trò Vitamin E - Doctor Acnes
Kết luận của bài báo cáo “The Role of Topical Vitamin E in Scars Management: A Systematic Review” do Volkan Tanaydin và cộng sự thực hiện năm 2016

Trong bài báo cáo “The Role of Topical Vitamin E in Scars Management: A Systematic Review” của Volkan Tanaydin và cộng sự năm 2016, các tác giả đã tìm kiếm và tổng hợp lại các tài liệu về tác dụng của vitamin E trong điều trị sẹo từ các nguồn Cochrane, Medline và Pubmed.

Kết quả có 6 nghiên cứu sử dụng vitamin E ở dạng cream hay hạng gel sau phẫu thuật với mục đích chữa lành vết thương và cải thiện sẹo được đưa vào phân tích. Trong 6 nghiên cứu này, có 3 nghiên cứu báo cáo có sự cải thiện về mặt thẩm mỹ của sẹo khi sử dụng vitamin E.

Tuy nhiên, chỉ 1 nghiên cứu trong số đó sử dụng vitamin E tại chỗ dưới dạng đơn trị liệu ở trẻ em da trắng, 2 nghiên cứu sử dụng vitamin E như liệu pháp kết hợp với phương pháp điều trị khác bao gồm tấm silicone hoặc hydrocortisone ở người lớn. 3 nghiên cứu còn lại cho thấy không có sự cải thiện sẹo khi sử dụng vitamin E tại chỗ dưới dạng đơn trị liệu.

Ngoài ra, 2 trong số 6 nghiên cứu báo cáo các tác dụng phụ của sử dụng vitamin E tại chỗ bao gồm viêm da tiếp xúc lên đến 33% trong 1 nghiên cứu và hồng ban, ngứa trong 1 nghiên cứu khác. Chuyên gia trong phân tích này cho rằng viêm da có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của da và tạo ra nhiều sẹo hơn nên cần thận trọng khi dùng các loại kem vitamin E hoặc các dạng vitamin E tại chỗ khác.

Trị sẹo rỗ chuẩn y khoa tại Phòng khám Doctor Acnes
Trị sẹo rỗ chuẩn y khoa tại Phòng khám Doctor Acnes

Tóm lại, với các dữ liệu còn giới hạn, vitamin E dưới dạng bôi cream hoặc gel vẫn có thể được sử dụng trong thẩm mỹ để chữa lành vết thương và cải thiện sẹo. Tuy nhiên cần lưu ý rằng các nghiên cứu đã được thực hiện và ghi nhận trên y văn chỉ sử dụng vitamin E tại chỗ sau phẫu thuật với mục đích chữa lành vết thương và ngăn ngừa sẹo phì đại.

Với các loại sẹo rỗ, sẹo lồi, sẹo phì đại đã hình thành và tồn tại lâu năm, vitamin E hoàn toàn không có các bằng chứng khoa học cho thấy mang lại hiệu quả. Ngoài ra, sử dụng vitamin E tại chỗ còn có khả năng gây viêm da tiếp xúc tại vùng điều trị nên khi bôi cần theo đúng hướng dẫn của các chuyên gia da liễu về liều lượng và dạng bào chế.

Nếu không may gặp phải tình trạng sẹo lồi, sẹo phì đại sau chấn thương, phẫu thuật hay sẹo rỗ sau mụn, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được điều trị với bác sĩ da liễu. Không tự ý lên internet để tìm đọc và áp dụng các phương pháp trị sẹo tại nhà vì sẽ chẳng mang lại lợi ích gì mà còn có nguy cơ bị viêm da khiến tình trạng sẹo trở nên tồi tệ hơn. Phòng khám Da liễu Doctor Acnes hy vọng sẽ là nơi để các bạn yên tâm gửi gắm làn da mình.

Tài liệu tham khảo

  1. Raja K Sivamani, “Cosmeceuticals and Active Cosmetics 3rd”, 2016
  2. Leslie S. Baumann, “Cosmetic Dermatology Principles And Practice”, 2009
  3. Leslie S. Baumann and James S. “The Effects of Topical Vitamin E on the Cosmetic Appearance of Scars”, 1999
  4. Volkan Tanaydin, “The Role of Topical Vitamin E in Scar Management: A Systematic Review”, 2016

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84