Nếu mụn làm bạn lo lắng thì tình trạng sẹo rỗ – hậu quả do mụn để lại càng khiến bạn căng thẳng hơn nữa. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa “Lâm sàng và Thẩm mỹ Da liễu” vào năm 2015, sẹo rỗ gặp phải ở 95% những người có mụn và khiến người mắc kém tự tin trong giao tiếp xã hội, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống.
Ngày nay, với sự tiến bộ của ngành thẩm mỹ da liễu, các Bác sĩ Da liễu đã có trong tay nhiều phương pháp có thể phối hợp với nhau giúp gia tăng tỉ lệ thành công cho phác đồ điều trị sẹo rỗ.
Tuy nhiên, kết quả đạt được sau điều trị sẹo ở các cá thể bệnh nhân khác nhau là không giống nhau vì đáp ứng với điều trị không phải chỉ phụ thuộc duy nhất vào phương pháp điều trị, kỹ thuật chuyên môn của Bác sĩ Da liễu mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi đặc điểm bệnh nhân trong đó bao gồm cả vấn đề tuổi tác. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu sự ảnh hưởng của tuổi tác đến việc điều trị sẹo rỗ trong bài viết dưới đây.
Sẹo rỗ hình thành thế nào?
Sẹo rỗ được định nghĩa là tổn thương da có dạng lõm so với bề mặt da với kích thước và hình dạng không đồng đều. Sẹo rỗ là kết quả của quá trình đáp ứng của cơ thể để làm lành các tổn thương nhưng không thể phục hồi hoàn toàn collagen bị phá hủy ở lớp thượng bì và trung bì của da gây ra bởi tình trạng viêm, từ đó hình thành các vết lõm trên bề mặt.
Về cơ chế, khi có hiện tượng viêm tại da, ra các chất trung gian gây viêm sẽ được tiết ra và chính các chất này làm phá hủy các tế bào mỡ nằm sâu bên dưới da đồng thời kích hoạt sự phân hủy collagen là chất nền quan trọng của cấu trúc da; nếu cơ thể không tân sinh đủ lượng collagen mới để bù đắp cho lượng bị phân hủy thì kết quả là lớp thượng bì sau tổn thương sẽ bị lõm xuống so với bề mặt da tạo thành sẹo rỗ.
Các nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm từ đó hình thành sẹo rỗ đặc biệt ở vùng mặt là mụn trứng cá nặng như mụn nang, mụn bọc, mụn mủ hay bệnh thủy đậu.
Tuổi tác ảnh hưởng thế nào đến việc điều trị sẹo rỗ?
Với cơ chế vừa nêu bên trên, có thể thấy có 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc hình thành sẹo rỗ: mức độ viêm của mụn và khả năng tăng sinh collagen của cơ thể. Kết quả từ các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, mụn viêm mức độ trung bình và nặng thường để lại sẹo rỗ và khả năng tái tạo collagen của cơ thể càng kém thì sẹo rỗ tạo thành càng nghiêm trọng.
Hiểu được vai trò quan trọng của collagen đối với sẹo rỗ, các phương pháp điều trị sẹo điển hình được sử dụng phổ biến hiện nay như lăn kim, bóc tách đáy sẹo, cross TCA, RF siêu vi điểm hay laser fractional CO2 đều nhắm đến việc kích thích sự tân sinh collagen nội sinh bên trong cơ thể, giúp làm đầy dần đáy sẹo.
Tuy nhiên, việc tái tạo collagen nội sinh của cơ thể là khác nhau ở từng cá thể và sẽ giảm dần theo độ tuổi. Điều đó có nghĩa là tuổi càng cao thì khả năng tổng hợp collagen của cơ thể càng bị giảm đi, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị sẹo. Theo các nghiên cứu, mật độ collagen trong cấu trúc da ngày càng lỏng lẻo khi tuổi càng lớn, hiện tượng này xảy ra bắt đầu ở 20 tuổi, sau đó giảm dần theo thời gian đến 60 tuổi.
Lời khuyên từ Bác sĩ Da liễu Phòng khám Doctor Acnes
Mụn viêm là nguyên nhân quan trọng và phổ biến nhất dẫn đến sẹo rỗ. Khi gặp tình trạng mụn viêm, bạn nên đến các Phòng khám Da liễu uy tín để được thăm khám với Bác sĩ Da liễu và điều trị mụn đúng cách theo các khuyến cáo thực hành da liễu hiện hành để ngăn ngừa hình thành sẹo mụn.
Còn khi đã không may gặp phải tình trạng sẹo rỗ, việc điều trị sẹo nên được tiến hành càng sớm càng tốt vì tuổi tác là một trong các yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả điều trị sẹo: tuổi càng cao, khả năng tái tạo collagen của cơ thể càng kém dẫn đến việc điều trị sẹo càng khó khăn.
Một điều quan trọng khác cũng cần ghi nhớ là tất cả các thủ thuật điều trị sẹo như lăn kim, bóc tách đáy sẹo, cross TCA, RF siêu vi điểm hay laser fractional CO2 đều là các biện pháp xâm lấn tức có nguy cơ xảy ra lây nhiễm chéo giữa các khách hàng nên tuyệt đối không được điều trị sẹo ở các spa hay clinic mạo danh, nơi không có Bác sĩ Da liễu hành nghề khám chữa bệnh.
Tài liệu tham khảo
- Boen M., Jacob C. “A Review and Update of Treatment Options Using the Acne Scar Classification System”. Dermatol Surg. 2019 Mar
- Fabbrocini G., Annunziata MC., D’Arco V., et al. “Acne scars: pathogenesis, classification and treatment”. Dermatol Res Pract 2010
- O’Daniel TG. “Multimodal management of atrophic acne scarring in the aging face”. Aesthetic Plast Surg 2011
- Werschler WP, Herdener RS, Ross VE, Zimmerman E. “Critical Considerations on Optimizing Topical Corticosteroid Therapy”. J Clin Aesthet Dermatol 2015
- Takeshi Y., Makoto Y., Ryosuke T., Yuji T., Shu-ichiro F., Toyonobu Y., Yuki O. “In vivo observation of age-related structural changes of dermal collagen in human facial skin using collagen-sensitive second harmonic generation microscope equipped with 1250-nm mode-locked Cr:Forsterite laser”. J Biomed Opt. 2013 Mar;18(3):31108