Tác dụng của sulfur trong điều trị mụn trứng cá

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 17/01/2024

Sulfur hay còn gọi là lưu huỳnh, thường được tìm thấy ở dạng đơn chất hay trong các hợp chất sulfua và sulfat có màu vàng chanh. Nhờ đặc tính kháng khuẩn, sulfur đã được sử dụng phổ biến trong nhiều thế kỷ để điều trị mụn trứng cá. Bài viết sau đây từ Phòng khám Doctor Acnes sẽ cung cấp các thông tin về thành phần trị mụn này.

Cơ chế tác động của sulfur trong điều trị mụn trứng cá

Sulfur là một hoạt chất điều trị mụn trứng cá cho tác dụng tại chỗ, hoạt động thông qua một số cơ chế như:

  • Sulfur có đặc tính kháng khuẩn có thể giúp ức chế sự phát triển của P. acnes, một loại vi khuẩn gây ra mụn viêm. Ngoài ra, sulfur có tác dụng tiêu sừng, nghĩa là nó giúp loại bỏ các tế bào da chết và làm thông thoáng lỗ chân lông. Điều này có thể làm giảm sự hình thành mụn trứng cá do nang lông bị tắc và ngăn ngừa sự phát triển của các tổn thương do mụn mới.
  • Ngoài hai tác dụng đã nêu trên, sulfur có thể kết hợp tốt với các hoạt chất có tính kháng viêm khác, chẳng hạn như benzoyl peroxide, natri sulfacetamid trong điều trị mụn viêm.
  • Nhìn chung, sự kết hợp giữa các đặc tính kháng khuẩn, tiêu sừng của sulfur làm cho nó trở thành một thành phần hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá.

Hiệu quả của sulfur trong điều trị mụn trứng cá có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Sulfur thường được sử dụng kết hợp với các thành phần trị mụn khác phổ biến trên thị trường, chẳng hạn như resorcinol, benzoyl peroxide, natri sulfacetamid hoặc acid salicylic để có tác động hiệu quả hơn.

Sulfur có đặc tính kháng khuẩn có thể giúp ức chế sự phát triển của P.acnes
Sulfur có đặc tính kháng khuẩn có thể giúp ức chế sự phát triển của P. acnes

Sulfur có tác dụng với những loại mụn nào?

Với cơ chế tác động nêu trên, sulfur phù hợp điều trị cho dạng mụn không viêm hơn nếu sử dụng đơn trị, nhưng cho hiệu quả yếu. Nếu muốn cho tác động trên mụn viêm thì cần phải kết hợp thêm các hoạt chất có tính kháng viêm như benzoyl peroxide, natri sulfacetamid. Những chế phẩm trị mụn thường thấy trên thị trường đa phần dựa trên những sự phối hợp sulfur với các hoạt chất khác, điển hình là benzoyl peroxide và natri sulfacetamid.

Những nghiên cứu dưới đây cho thấy hiệu quả về những sự kết hợp nêu trên có thể đem lại trong việc điều trị một số loại mụn khác nhau, bao gồm mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình và mụn viêm có các tổn thương đỏ, sưng và đau như mụn mủ và sẩn.

Sulfur + benzoyl peroxide

Một nghiên cứu năm 1965 được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada cho thấy sulfur kết hợp với benzoyl peroxide là một tác nhân mạnh mẽ chống lại mụn trứng cá nghiêm trọng trên cơ thể. Trong nghiên cứu này, sulfur được kết hợp với benzoyl peroxide để điều trị mụn trứng cá cho 286 người tham gia và kết quả cho thấy:

  • Mụn trứng cá nhẹ đến trung bình đã được loại bỏ trong vòng 2 tuần và được kiểm soát trong vòng 3-4 tháng.
  • Mụn trứng cá nghiêm trọng vừa phải đáp ứng nhanh chóng với phương pháp điều trị và việc kiểm soát các triệu chứng mụn đã đạt được trong vòng 4-6 tháng.
  • Mụn nang trên mặt cũng như trên ngực và lưng đã được kiểm soát trong vòng 6 tháng.
  • Mụn nang nghiêm trọng là loại kháng thuốc nhất, nhưng việc kiểm soát đã đạt được trong vòng 6-9 tháng.

Một nghiên cứu khác về sự kết hợp này được thực hiện trên 113 bệnh nhân bị mụn trứng cá tại Phòng khám Da liễu của Bệnh viện Hoàng gia Victoria, Montreal. Trong quá trình thử nghiệm, bệnh nhân sử dụng một loại chế phẩm kết hợp 10% benzoyl peroxide và sulfur dạng kem 2-5% bằng đường bôi ngoài da. Kết quả được đánh giá là “tốt” đến “xuất sắc” đối với cả bệnh nhân tự điều trị tại nhà và điều trị tại Phòng khám. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu trên bệnh nhân cho thấy không xảy ra bất kì tác dụng phụ nào.

Sulfur + natri sulfacetamide

Trước năm 1962, một dạng chế phẩm ra đời dựa trên sự kết hợp 10% natri sulfacetamide và 5% sulfur đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt dựa trên cơ sở an toàn. Natri sulfacetamide có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn trong khi sulfur là chất kháng khuẩn và kháng nấm không đặc hiệu. Mùi lưu huỳnh cũng tan nhanh hơn và giảm kích ứng. Nghiên cứu kéo dài 8 tuần trên 24 đối tượng (trong đó có 8 đối tượng bị mụn trứng cá) để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của công thức mới này. Sau 8 tuần, người ta thấy sự cải thiện có ý nghĩa thống kê về số lượng tổn thương viêm đỏ da và các dấu hiệu viêm da tiết bã. Tổng số tổn thương do mụn đã giảm 50%. Kết quả nghiên cứu xác nhận khả năng giảm viêm rõ rệt mà công thức mới này mang lại.

Trong một nghiên cứu năm 1993 được công bố trên Tạp chí Da liễu Quốc tế, Breneman và Moira đã kiểm tra hiệu quả của kem chứa natri sulfacetamide (10%) và sulfur (5%) ở 60 phụ nữ trong độ tuổi từ 22-45 bị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình.

Nghiên cứu đã theo dõi các bệnh nhân trong thời gian nghiên cứu 12 tuần và kết quả cho thấy:

  • Sử dụng kem dưỡng da natri sulfacetamide (10%) và sulfur (5%) trong 12 tuần đối với mụn trứng cá nhẹ đến trung bình có hiệu quả giảm tổng số tổn thương do mụn đến 78%.
  • Kết quả nghiên cứu cho thấy 53 trong số 54 bệnh nhân (98,2%) cải thiện đáng kể sau 8 tuần điều trị và đến tuần thứ 12, tất cả 54 bệnh nhân đều cho thấy sự cải thiện tốt. 

Nhìn chung, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nhưng các nghiên cứu hiện có cho thấy rằng việc kết hợp sulfur với các thành phần trị mụn khác có thể là một phương pháp điều trị mụn trứng cá hiệu quả.

Do sulfur có mùi khó chịu và có thể gây đổi màu da tạm thời nên các phương pháp điều trị tại chỗ chỉ chứa sulfur không được ưa chuộng. Đây là lý do tại sao thường thấy nó được kết hợp với benzoyl peroxide hoặc natri sulfacetamide. Kết hợp sulfur với các loại hoạt chất này sẽ giảm bớt mùi khó chịu và cũng làm tăng hiệu quả điều trị.

Điều quan trọng cần lưu ý là kết quả có thể khác nhau trên từng cá thể và trên từng loại mụn. Nếu muốn dùng sulfur để điều trị mụn, bước đầu tiên là xác định loại mụn trứng cá đang mắc phải, sau đó, cần thăm khám với Bác sĩ Da liễu để được tư vấn về việc dùng sulfur có phù hợp với bản thân hay không.

Nếu được Bác sĩ Da liễu khuyến cáo sử dụng, hãy kiên nhẫn với việc điều trị bằng sulfur và theo dõi làn da xem có bất kỳ thay đổi nào không. Có thể mất đến 3 tháng trước khi bắt đầu thấy kết quả.

Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị sẹo rỗ
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn về việc sử dụng hoạt chất sulfur

Chế phẩm chứa sulfur được bào chế ở dạng thông dụng nào?

Nồng độ sulfur có được quy định trong các dạng bào chế?

Sulfur được bào chế ở các dạng khác nhau để điều trị mụn trứng cá, bao gồm kem, sữa dưỡng thể, thuốc mỡ, mặt nạ và xà phòng. Nồng độ sulfur trong các sản phẩm này có thể khác nhau, nhưng thường nằm trong khoảng từ 2-10%.

Liều lượng khuyến cáo của sulfur để điều trị mụn trứng cá khác nhau tùy thuộc vào dạng bào chế của chế phẩm chứa sulfur được sử dụng. Các quy định liên quan đến nồng độ sulfur trong phương pháp điều trị mụn trứng cá có thể khác nhau giữa các quốc gia và khu vực khác nhau.

Sulfur được bào chế ở các dạng khác nhau để điều trị mụn trứng cá
Sulfur được bào chế ở các dạng khác nhau để điều trị mụn trứng cá

Sử dụng những chế phẩm chứa sulfur như thế nào là đúng?

Chỉ sử dụng thuốc này theo chỉ dẫn. Không sử dụng nó thường xuyên hơn và không sử dụng nó trong một thời gian dài hơn so với khuyến cáo trên nhãn, trừ khi có chỉ định khác của Bác sĩ.

Giữ thuốc này tránh xa mắt. Nếu vô tình để dính vào mắt, hãy rửa kỹ bằng nước.

Để sử dụng dạng kem thoa, sữa dưỡng thể hoặc dạng thuốc mỡ có chứa thành phần hoạt chất này:

  • Trước khi bôi thuốc, rửa vùng da cần điều trị bằng xà phòng với nước và lau khô hoàn toàn. Sau đó bôi đủ thuốc lên vùng da cần điều trị và xoa nhẹ nhàng.
  • Sản phẩm này sử dụng được cho cả người lớn và trẻ thanh thiếu niên bị mụn trứng cá.
  • Đối với dạng bào chế kem dưỡng da hoặc sữa dưỡng thể, sử dụng 2 hoặc 3 lần mỗi ngày.
  • Đối với dạng bào chế thuốc mỡ 0,5%, chỉ sử dụng trên da khi cần thiết.

Để sử dụng dạng xà phòng có chứa thành phần hoạt chất này:

  • Người dùng cần tạo bọt với xà phòng và sử dụng nước ấm để rửa các vùng da bị mụn, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
  • Sử dụng được cho cả người lớn và trẻ thanh thiếu niên bị mụn trứng cá và chỉ sử dụng theo khuyến cáo của Bác sĩ Da liễu.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng các sản phẩm chứa sulfur, hãy duy trì các biện pháp vệ sinh da tốt như rửa mặt hai lần mỗi ngày, tránh chạm vào mặt và thường xuyên giặt vỏ gối và cọ trang điểm để ngăn ngừa mụn bùng phát thêm và cho kết quả tốt nhất.

Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Tác dụng phụ và rủi ro có thể xảy ra

Tác dụng phụ của sulfur

Sulfur có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn ngoài da như kích ứng da, mẩn đỏ và bong tróc. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Điều quan trọng là phải làm theo hướng dẫn và không sử dụng vượt quá liều lượng trên nhãn sản phẩm.

Khi  sử dụng sulfur để trị mụn lần đầu tiên, hãy thoa một lần mỗi ngày, có thể tăng dần lên hai hoặc ba lần mỗi ngày khi làn da đã quen với sản phẩm.

Theo truyền thống, sulfur có mùi “trứng thối”, mặc dù hầu hết các sản phẩm trị mụn liên quan đều không có mùi này. Nếu mùi của sản phẩm gây khó chịu, có thể cân nhắc sử dụng sản phẩm khác.

Cần lưu ý gì khi sử dụng để hạn chế tác dụng phụ xảy ra?

Trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm trị mụn nào có chứa sulfur, hãy nhớ tiến hành thử nghiệm để xem bản thân có nhạy cảm với thành phần này hay không. Để tiến hành kiểm tra cần phải:

  • Bước 1: chọn một vùng da nhỏ cách xa khuôn mặt, chẳng hạn như bên trong cánh tay.
  • Bước 2: thoa một lượng nhỏ sản phẩm và đợi 24 giờ.
  • Bước 3: có thể thoa sản phẩm lên mặt nếu không xảy ra tác dụng phụ. Nhưng nếu bị mẩn đỏ, phát ban hoặc nổi mề đay, hãy ngừng sử dụng sản phẩm và báo ngay cho Bác sĩ Da liễu.

Bổ sung thực phẩm có chứa sulfur hằng ngày có giúp điều trị mụn trứng cá không?

Mặc dù sulfur là một khoáng chất thiết yếu có thể tìm thấy trong một số loại thực phẩm, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy việc tiêu thụ thực phẩm giàu sulfur có thể điều trị mụn hiệu quả. 

Tuy nhiên, cơ thể cần sulfur để tổng hợp và sửa chữa DNA cũng như bảo vệ tế bào khỏi các yếu tố gây hại có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như ung thư. Ngoài ra, sulfur cũng đóng vai trò chuyển hóa thức ăn và đóng vai trò trong sự phát triển tế bào và mô, chẳng hạn như da, gân và dây chằng. Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh bao gồm thực phẩm giàu sulfur có thể mang lại nhiều lợi ich cho sức khỏe, bao gồm thúc đẩy làn da khỏe mạnh và làm giảm viêm nhiễm. 

Một số loại thực phẩm giàu sulfur bao gồm tỏi, hành, trứng và các loại rau thuộc họ cải như bông cải xanh và súp lơ trắng. Mặc dù việc kết hợp những thực phẩm này vào chế độ ăn uống có thể không trực tiếp điều trị mụn trứng cá, nhưng chúng vẫn có thể góp phần vào sức khỏe tổng thể của làn da.

Mức khuyến nghị hàng ngày (RDA) đối với methionine, một loại acid amin có chứa sulfur, đã được đặt ở mức 14 miligam trên mỗi kg trọng lượng cơ thể hoặc khoảng 1000 miligam mỗi ngày. Tuy nhiên, không có khuyến nghị cụ thể về lượng sulfur hàng ngày, vì nó có sẵn phổ biến trong nhiều loại thực phẩm và sự thiếu hụt là rất hiếm.

Một số thực phẩm giàu sulfur
Một số thực phẩm giàu sulfur

Nhìn chung, sulfur có thể là một lựa chọn điều trị mụn hiệu quả và an toàn khi được sử dụng theo chỉ dẫn và kết hợp với các thành phần trị mụn khác. Hiện các chế phẩm trị mụn có chứa sulfur có bán rộng rãi tại nhà thuốc. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ để chọn được loại chế phẩm chứa sulfur phù hợp với làn da cũng như sử dụng đúng cách. Ngoài ra, cần kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh để góp phần vào sức khỏe tổng thể của làn da.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Foods High in Sulfur“. WebMD
  2. Sulfur for acne: How to use and benefits“. Medicalnewstoday
  3. A.U. Tan, B.J. Schlosser, PhD, A.S. Paller. “A review of diagnosis and treatment of acne in adult female patients“. Int J Womens Dermatol. 2018 Jun; 4(2): 56–71
  4. Jonette Keri1, Michael Shiman. “An update on the management of acne vulgaris“. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2009; 2: 105–110
  5. Aditya K Gupta, Karyn Nicol. “The use of sulfur in dermatology“. J Drugs Dermatol . 2004 Jul-Aug;3(4):427-31
  6. Sulfur topical Side Effects“. Drugs.com
  7. Sulfur“. Drugbank
  8. Acne scars: consultation and treatment“. AAD
  9. What can clear severe acne?“. AAD
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84