Nóng gan có gây mụn không?

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 17/02/2023

Mụn là tình trạng rối loạn viêm của các đơn vị tuyến bã, phổ biến nhất ở độ tuổi vị thành niên. Sự hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn do nội tiết tố androgen, phát triển của vi khuẩn P. acnes tại nang lông và tiếp xúc với các tác nhân gây mụn từ môi trường đều là những yếu tố quan trọng gây ra mụn.

Trong đó, gan đảm nhiệm chức năng điều hòa mức hormon trong cơ thể bao gồm cả androgen. Vậy nóng gan có gây mụn không? Trong bài viết này, cùng Doctor Acnes phân tích vai trò cũng như sự ảnh hưởng của gan đến sự hình thành mụn.

Nóng gan là bệnh gì?

Nóng gan là thuật ngữ dân gian cho thấy tình trạng gan bị tổn thương làm xuất hiện các triệu chứng gây khó chịu. Theo quan niệm của y học Trung Quốc, nóng gan là tình trạng gan bị ứ trệ sinh ra nhiệt khiến hỏa bốc lên.

Nóng gan dẫn đến toàn thân nóng bừng, dễ bị kích động, ngủ không ngon giấc, chóng mặt, nhức đầu và hay cáu giận. Do đó, nóng gan được coi là một cảnh báo về rối loạn và suy giảm chức năng gan cấp tính cho thấy tình trạng gan đang chịu tổn thương. Nóng gan thường xảy ra ở những đối tượng sau:

  • Người thừa cân/ béo phì.
  • Người có gan nhiễm mỡ.
  • Thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường độc hại.
  • Người hay uống nhiều bia rượu.
  • Người sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng gan trong thời gian dài.
Nóng gan là bệnh gì - Doctor Acnes
Nóng gan là thuật ngữ dân gian cho thấy tình trạng gan bị tổn thương làm xuất hiện các triệu chứng gây khó chịu

Về mặt ngôn ngữ y học phương Tây, không có khái niệm cụ thể của nóng gan, thay vào đó là các thuật ngữ như viêm gan hay gan nhiễm mỡ.

Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể con người, giữ hơn 5.000 chức năng bao gồm, đào thải các chất độc trong cơ thể, kiểm soát mức hormone, chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, tái tạo cơ thể sau chấn thương và chuyển hóa cholesterol, glucose, sắt…

Các bệnh về gan có thể do di truyền hoặc do nhiều yếu tố gây hại cho gan như virus trong các bệnh viêm gan do virus, do thuốc hoặc hóa chất, béo phì, tiểu đường hoặc do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công. Khi tình trạng bệnh không được điều trị có thể vĩnh viễn làm hỏng gan hoặc ống mật, xơ gan, các bệnh lý gan ác tính và ung thư gan, đe dọa đến tính mạng.

Triệu chứng của nóng gan

Biểu hiện ban đầu của nóng gan khó có thể tự phát hiện ra, đa phần các triệu chứng không rõ ràng, số ít có các biểu hiện như mệt mỏi, đau tức vùng gan, chán ăn… Người bị nóng gan trong thời gian dài không kịp phát hiện có thể xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như:

  • Thay đổi màu da, màu mắt.
  • Phân và nước tiểu đổi màu.
  • Mẩn đỏ ngứa ngáy khó chịu.
  • Báng bụng (cổ chướng).
  • Các dấu hiệu khác như chán ăn, buồn nôn…

Nguyên nhân của nóng gan

Nóng gan (rối loạn chức năng gan) bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

  • Thói quen ăn uống, sinh hoạt (dùng nhiều thức uống có cồn, ăn uống các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ).
Thói quen ăn uống, sinh hoạt (dùng nhiều thức uống có cồn, ăn uống các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ). - Doctor Acnes
Thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày gây ảnh hưởng đến chức năng gan
  • Tình trạng dùng thuốc (lạm dụng thuốc điều trị).
  • Các bệnh lý về gan (mắc bệnh viêm gan siêu vi, bị gan nhiễm mỡ, bệnh gan tự miễn).

Cơ chế hình thành mụn

Cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá khá phức tạp và liên quan đến những yếu tố sau: sản xuất bã nhờn dư thừa do kích thích tuyến bã nhờn qua trung gian androgen, sừng hóa bất thường của nang lông dẫn đến sự hình thành nút và mụn, sự xâm nhập của vi khuẩn Propionibacterium acnes vào các đơn vị lông mao, tình trạng viêm nang lông và lớp hạ bì xung quanh.

Việc sản xuất bã nhờn đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành mụn. Trong đó bã nhờn được tạo ra từ các tuyến bã nhờn nằm tại các lỗ nang lông với mục đích giúp cân bằng độ ẩm trên da.

Đơn vị tuyến bã có bốn thành phần riêng biệt là nang lông, lưới nang sừng hóa, tuyến bã nhờn và ống dẫn chất nhờn nối tuyến với lưới đệm. Số lượng, kích thước và hoạt động của các tuyến bã nhờn được quyết định bởi gen di truyền.

Trong đó số lượng tuyến bã nhờn duy trì ổn định trong suốt cuộc đời và kích thước sẽ tăng lên theo tuổi tác. Bã nhờn của con người có chứa các acid béo đặc trưng hỗ trợ sự phát triển của P. acnes, một loại vi khuẩn có nhiều nhất trên da người, đặc biệt là ở các vùng tiết nhiều bã nhờn bao gồm mặt và thân trên.

Tuyến bã nhờn được kích thích sản xuất dầu nhờn chủ yếu bởi nội tiết tố androgen thông qua việc liên kết với các thụ thể androgen trên da. Do đó, việc tổng hợp các androgen hoạt động tại da liên quan đến sự tăng bài tiết chất bã nhờn gây nên mụn.

Nội tiết tố androgen trong tuần hoàn được sản xuất bởi tuyến thượng thận và tinh hoàn hoặc buồng trứng. Một phần lớn nội tiết tố androgen cũng được tổng hợp trong da từ các tiền chất không hoạt động của tuyến thượng thận bao gồm dehydroepiandrosterone (DHEA), DHEA-sulfate (DHEA-S) và androstenedione…

Các cấu trúc khác của da như nang lông, tuyến mồ hôi, biểu bì và hạ bì chứa các enzym quan trọng trong việc chuyển đổi DHEA, DHEA-S và androstenedione thành androgen dihydrotestosterone (DHT) và testosterone mạnh. DHT và testosterone là những nội tiết tố androgen chính tương tác với các thụ thể androgen trên tuyến bã nhờn.

Chuyển hóa hormon steroid - Doctor Acnes
Quá trình chuyển hóa hormon steroid

Mối quan hệ giữa mụn và tình trạng nóng gan

Hầu hết các bệnh về gan, bao gồm tổn thương gan cấp tính, tổn thương gan do thuốc, viêm gan siêu vi, bệnh gan chuyển hóa và bệnh gan giai đoạn cuối, đều có liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi của nội tiết tố. Các nghiên cứu không cho thấy rằng nguyên nhân hình thành mụn (tăng mức testosterone) có mối quan hệ tương quan thuận với suy giảm chức năng của gan.

Một nghiên cứu ở các bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia (NAFLD) có mức nồng độ androgen thấp ở nam và cao ở nữ. Trong một nghiên cứu lâm sàng ở bệnh nhân gan tiến triển liên quan đến viêm gan C lại có mức testosterone huyết thanh cao.

Ngoài ra, nghiên cứu khác ở người bệnh gan giai đoạn cuối lại cho mức testosterone thấp. Từ đó có thế thấy rằng testosterone là nội tiết androgen kích thích sự tăng sinh bã nhờn gây ra mụn không phải lúc nào cũng tăng trong tất cả các bệnh liên quan đến suy giảm chức năng gan.

Ngoài ra, một nghiên cứu về các rối loạn về da ở người mắc bệnh gan mãn tính cho thấy mụn có xuất hiện cùng với bệnh tự miễn (AIH) liên quan đến gan. Điều này dự đoán rằng sự suy giảm chức năng gan ở một số bệnh gan cụ thể có thể liên quan đến sự hình thành mụn trên da.

Tuy nhiên, các bệnh liên quan gây suy giảm chức năng gan đều là gây ảnh hưởng lên nội tiết tố trong tuần hoàn nhưng mụn (gây ra bởi sự tăng tiết bã nhờn bởi androgen) thì không phải do dư thừa nội tiết tố androgen trong tuần hoàn mà có thể do sự khuếch đại tại chỗ của hoạt động nội tiết tố nam (có thể số lượng lớn các thụ thể androgen và nồng độ cao của các enzym như 17β-hydroxysteroid dehydrogenase, trong chính tuyến bã nhờn). Do đó, nóng gan không phải là nguyên nhân gây ra mụn.

Điều trị mụn bằng thuốc giải độc gan có được không?

Như những phân tích trên, mụn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không phải vấn đề về suy giảm chức năng gan nào cũng có thể gây mụn. Mặt khác, các bệnh gan có thể gây triệu chứng nóng gan chỉ có báo cáo ảnh hưởng đến nồng độ nội tiết trong tuần hoàn mà không có tác động lên nồng độ nội tiết tại da.

Do đó nóng gan không phải là tác nhân gây mụn. Vì vậy, việc sử dụng các sản phẩm giải độc gan khi có mụn là không thực sự cần thiết và thuốc mát gan cũng không thể cân bằng được lượng hormone bên trong cơ thể.

Mặc dù không thể trị mụn bằng thuốc giải độc gan, nhưng thuốc giải độc gan có thể giúp hỗ trợ giúp tế bào gan khỏe mạnh, tăng cường chức năng gan vì thế cũng giúp cải thiện tình trạng da bị mụn.

Ngoài ra, bệnh nhân bị mụn cần có một chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi điều độ, hạn chế rượu bia vừa không tốt cho gan lại vừa làm nặng thêm mụn hiện tại.

Điều trị mụn bằng thuốc giải độc gan có được không - Doctor Acnes
Việc sử dụng các sản phẩm giải độc gan khi có mụn là không thực sự cần thiết và thuốc mát gan cũng không thể cân bằng được lượng hormone bên trong cơ thể

Tóm lại, tình trạng gan quá tải hoặc không khỏe mạnh vẫn chưa có bất kì báo cáo nào cho thấy có mối liên hệ với tình trạng mụn trên da. Do đó, nóng gan không được cho là nguyên nhân gây ra mụn. Tuy nhiên, việc xây dựng và nâng cao sức khỏe của gan cũng là yếu tố giúp cải thiện tình trạng da mặt.

Ngoài ra, các chế độ ăn uống lành mạnh hạn chế các đồ ngọt và các thức uống có cồn cũng ảnh hưởng tích cực giúp đẩy lùi mụn. Khi xuất hiện tình trạng mụn nghi ngờ do nóng gan, bệnh nhân nên tìm đến các Phòng khám Da liễu uy tín như Doctor Acnes để được tư vấn liệu trình điều trị mụn hợp lý. 

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Tobechi L. Ebede, Emily L. Arch, Diane Berson. “Hormonal Treatment of Acne in Women”. J Clin Aesthet Dermatol. 2009 Dec; 2(12): 16–22
  2. “LIVER DISEASES-AN OVERVIEW”. WORLD JOURNAL OF PHARMACY AND PHARMACEUTICAL SCIENCES 8(1(2019)):1385-1395
  3. Linlin Xu, Yuan Yuan, Zhaodi Che, Xiaozhi Tan, Bin Wu, Cunchuan Wang, Chengfang Xu, Jia Xiao. “The Hepatoprotective and Hepatotoxic Roles of Sex and Sex-Related Hormones”. Front Immunol. 2022 Jul 4;13:93963
  4. Mathis Grossmann, Rudolf Hoermann, Linsey Gani, Irene Chan. “Low testosterone levels as an independent predictor of mortality in men with chronic liver disease”. Clin Endocrinol (Oxf). 2012 Aug;77(2):323-8
  5. Marie Sinclair, Paul J Gow, Mathis Grossmann, Adam Shannon. “Low serum testosterone is associated with adverse outcome in men with cirrhosis independent of the model for end-stage liver disease score”. Liver Transpl. 2016 Nov;22(11):1482-1490
  6. Donna L White, Shariar Tavakoli-Tabasi, Jill Kuzniarek, Rhia Pascua. “Higher serum testosterone is associated with increased risk of advanced hepatitis C-related liver disease in males”. Hepatology. 2012 Mar;55(3):759-68
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84