Mụn thịt là gì? Cách điều trị mụn thịt hiệu quả và an toàn

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 10/04/2024

Mụn (acne) là một loại thương tổn thường gặp của làn da. Khi làn da bị mụn, việc điều trị đôi khi rất khó khăn và kéo dài. Do vậy, sự xuất hiện của thương tổn kiểu mụn sẽ gây ra nỗi lo lắng lớn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều kiểu thương tổn thoạt nhìn giống như mụn, nhưng thực chất không phải. Tiêu biểu trong nhóm này là mụn thịt (milia). Vậy mụn thịt là gì? Sự khác biệt giữa mụn thịt với mụn như thế nào? Trong bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ mang đến các kiến thức về vấn đề này.

Mụn thịt là gì?

Mụn thịt là thương tổn dạng sẩn nhỏ trên da, kích thước khoảng 1-2mm. Mụn thịt thường có màu trắng hoặc ngả vàng, vị trí hay gặp là ở vùng mặt, đặc biệt là quanh mắt. Ngoài ra, mụn thịt cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác trên cơ thể, ví dụ như sống mũi. Do những vị trí đặc biệt này, mụn thịt có thể bị nhầm lẫn với mụn. 

Bản chất của mụn thịt là khối chất sừng (keratin) nằm dưới lớp thượng bì của da. Mụn thịt bắt nguồn từ tuyến bã nhờn trong nang lông tơ (vellus hair follicle), hoặc từ tuyến mồ hôi dạng eccrine. Cả hai loại tuyến này được phân bố trên khắp cơ thể. Mụn thịt có thể được chia làm 2 loại chính như sau:

Mụn thịt nguyên phát (primary milia): có liên quan đến yếu tố di truyền, hay gặp ở độ tuổi sơ sinh, ít gặp hơn ở trẻ em và người lớn. Mụn thịt nguyên phát thường tự khỏi sau vài tháng đầu đời.

Mụn thịt thứ phát (secondary milia): có liên quan đến các yếu tố bên ngoài như bệnh lý, các loại thuốc, dược phẩm hoặc thương tổn, chấn thương của da. Loại mụn thịt này có thể xuất hiện ở bất kì độ tuổi nào, và thường không tự khỏi.

  • Các bệnh lý có thể sinh mụn thịt thường là bệnh di truyền hiếm gặp có ảnh hưởng đến làn da, ví dụ như hội chứng Brooke-Spiegler.
  • Sử dụng thuốc, dược phẩm cũng có thể sinh mụn thịt, ví dụ như trong trường hợp dùng thuốc kháng viêm dạng bôi ngoài da lâu dài.
  • Thương tổn trên da cũng có thể gây ra mụn thịt, thường gặp trong trường hợp da bị bỏng, tiếp xúc nhiều với ánh nắng hoặc mỹ phẩm không phù hợp, thủ thuật mài da (dermabrasion), ghép da hoặc xạ trị.
mụn thịt là thương tổn dạng sẩn nhỏ trên da
Mụn thịt là thương tổn dạng sẩn nhỏ trên da, kích thước khoảng 1-2mm

Sự khác nhau giữa mụn và mụn thịt

Mặc dù mụn và mụn thịt có vẻ ngoài có thể gây nhầm lẫn, thực ra hai loại tổn thương da này có nhiều điểm khác nhau quan trọng. Việc nhầm lẫn giữa mụn và mụn thịt có thể dẫn đến việc điều trị không phù hợp, không hiệu quả, làm tốn thời gian, chi phí và tăng nguy cơ tác dụng không mong muốn. Sự lo lắng không đáng có cũng vì thế mà tăng lên, khiến cho chất lượng cuộc sống bị sụt giảm. Những điểm khác biệt giữa mụn và mụn thịt có thể được tóm tắt như sau:

  • Hình dạng: mụn thịt có kích thước rất nhỏ, thường chỉ 1-2mm, hiếm khi xuất hiện mụn thịt lớn, và có màu gần với màu da, hơi ngả trắng hoặc vàng. Mụn có kích thước đa dạng, có thể to đáng kể, đầu mụn có màu trắng hoặc đen dễ thấy, thậm chí có tụ mủ, đỏ da nhiều.
  • Triệu chứng: mụn thịt không gây đau đớn, không khó chịu. Làn da xung quanh mụn thịt không bị đỏ hay sưng phù. Trái lại, mụn chèn ép làn da gây cảm giác khó chịu, khi mụn bị viêm sẽ đau và sưng nhiều. Làn da xung quanh mụn có thể đỏ và đau do đáp ứng viêm lan rộng.
  • Bản chất: mụn thịt là khối chất sừng nằm ở nông, ngay dưới lớp thượng bì. Mụn thịt không chứa chất bã nhờn, không bị tụ mủ, nhìn chung không thay đổi nhiều theo thời gian. Mụn là khối trộn lẫn chất bã nhờn và chất sừng, nằm trong nang lông, là môi trường phù hợp cho vi khuẩn sinh sôi và kích hoạt đáp ứng viêm tại chỗ, có thể dẫn tới tụ mủ, sẹo, phá hủy cấu trúc nang lông.
  • Điều trị: mụn thịt không cần điều trị đặc hiệu vì mụn thịt không gây tổn thương da tiến triển. Vì mục đích thẩm mỹ, mụn thịt có thể được điều trị bằng các phương thức như  liệu pháp áp lạnh (cryotherapy), đốt bằng điện, laser xâm lấn như laser CO2, laser Er:YAG hoặc chấm acid phá hủy lớp sừng. Trái ngược với mụn thịt, mụn có thể gây tổn thương da tiến triển thông qua hiện tượng viêm, do vậy cần được điều trị tích cực bằng các hoạt chất kháng viêm, kháng sinh thích hợp dùng ngoài da và đường toàn thân, quang trị liệu tại chỗ, các liệu pháp ánh sáng như laser không xâm lấn, IPL, thay da sinh học (peel da), thủ thuật lấy nhân mụn, liệu pháp hormone.
phân biệt giữa mụn thịt và mụn viêm
Phân biệt giữa mụn thịt và mụn viêm

Cách điều trị mụn thịt?

Mụn thịt dù không gây thương tổn da tiến triển, nhưng có thể là dấu hiệu gián tiếp cảnh báo các yếu tố ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của da. Ngoài ra, mụn thịt cũng dễ bị nhầm lẫn với mụn và các thương tổn da khác. Do vậy, khi phát hiện bất thường ở da có vẻ ngoài giống như mụn thịt, việc đầu tiên và quan trọng nhất là liên hệ một bệnh viện hoặc phòng khám da liễu để được xếp lịch hẹn khám với Bác sĩ Da liễu. Thông qua thăm khám, Bác sĩ Da liễu sẽ xác định bản chất của thương tổn và các yếu tố nguy cơ đi kèm, nếu có, cũng như phương thức xử trí hay cách theo dõi tình trạng da.

Đối với mụn thịt thực sự, chỉ cần can thiệp điều trị khi mụn thịt có ảnh hưởng về thẩm mỹ. Nhìn chung, có một số cách điều trị mụn thịt có thể được áp dụng để loại bỏ mụn thịt, bao gồm:

  • Liệu pháp áp lạnh.
  • Liệu pháp đốt điện.
  • Laser CO2, Er:YAG.
  • Chấm acid phá hủy lớp sừng.
các phương pháp điều trị mụn thịt hiện nay
Một số phương pháp điều trị mụn thịt hiện nay

Bảng giá dịch vụ điều trị mụn thịt tại Doctor Acnes

✅ Phương pháp✅ Giá✅ Giá HSSV
⭐Bắn nốt ruồi, mụn thịt (1 nốt)200.000200.000
⭐Bắn nốt ruồi, mụn thịt (10 nốt)2.000.0002.000.000

Mụn và mụn thịt là hai loại thương tổn da rất khác nhau, nhưng lại dễ nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn giữa mụn và mụn thịt có thể dẫn tới nhiều hậu quả khó lường, do bản chất khác nhau của hai loại tổn thương này, và cách điều trị không giống nhau. Khi phát hiện tổn thương da, để tránh sự nhầm lẫn không đáng có, cần nhanh chóng đặt hẹn khám với Bác sĩ Da liễu. Việc thăm khám, tư vấn, điều trị, theo dõi chỉ đạt hiệu quả cao nhất ở trung tâm chăm sóc da uy tín, nơi có đội ngũ Bác sĩ Da liễu giàu kinh nghiệm và hệ thống thiết bị đạt chuẩn EU, FDA. Điều này không chỉ có ý nghĩa đảm bảo hiệu quả điều trị như mong muốn, mà còn hạn chế nguy cơ các tác dụng không mong muốn làm ảnh hưởng thêm đến làn da.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Milia“. Medscape.com
  2. Acne Vulgaris: Practice Essentials, Background, Pathophysiology“. Medscape.com
  3. Milia (Milk Spots): Causes & Treatment“. Clevelandclinic.org
  4. Milia – StatPearls“.  NCBI Bookshelf
  5. Acne Vulgaris: Diagnosis and Treatment“. Linda k. ogé, Alan broussard, Marilyn d. marshall
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84