Da dầu (hay còn gọi là da nhờn) là tình trạng các tuyến bã nhờn nằm bên dưới bề mặt da tiết ra nhiều dầu hơn mức bình thường. Dầu có tác dụng giữ cho da khỏe mạnh, nhưng quá nhiều dầu trên da có thể dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn. Ngoài ra, dầu nhiều trên da gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Tuy nhiên với sự tiến bộ của ngành mỹ phẩm, ngày nay người da dầu có nhiều lựa chọn để kiểm soát tình trạng tiết bã nhờn trên da. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu các sản phẩm skincare cho da dầu mụn.
Hướng dẫn lựa chọn sản phẩm skincare cho da dầu mụn
Đối với da dầu mụn, lựa chọn sản phẩm không chứa dầu và có thành phần kiềm dầu nên được ưu tiên. Những sản phẩm này thường có nhãn ”oil-free” (không chứa dầu). Ngoài ra, bạn hãy lựa chọn sản phẩm không chứa các thành phần gây kích ứng như cồn, hương liệu mạnh, hay dầu khoáng đồng thời đảm bảo rằng sản phẩm đã được kiểm nghiệm không gây kích ứng và phù hợp với loại da dầu mụn.
Các sản phẩm gốc nước là một lựa chọn tuyệt vời cho da dầu. Chúng thường có dạng gel, tạo cảm giác dịu nhẹ và không để lại dư lượng dầu trên da. Ngoài dạng gel, còn có thể lựa chọn sản phẩm dạng lotion, sữa hay serum vì các dạng này đều thân nước, có thể thẩm thấu nhanh trên da và không gây nhờn. Bạn có thể tham khảo một số sản phẩm trị mụn tại chỗ có gốc nước trên thị trường hiện nay như Differin, Retin-A.
Ngoài ra, việc lựa chọn thành phần kiềm dầu trong sản phẩm chăm sóc da là việc rất cần thiết. Một số thành phần nổi bật như acid salicylic, kẽm hay mặt nạ đất sét sẽ đề cập cụ thể hơn ở phần sau.
Sản phẩm skincare cho da dầu mụn
Sữa rửa mặt
Một trong những bước quan trọng nhất của quy trình chăm sóc da là làm sạch. Rửa mặt 2 lần vào buổi sáng và tối hoặc sau khi tập thể dục để tránh bụi bẩn tích tụ trên da. Sửa rữa mặt giúp loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn và tế bào chết trên da, giúp da thông thoáng và giảm nổi mụn. Nên chọn những loại sữa rửa mặt có ghi trên nhãn như noncomedogenic (không làm tắc nghẽn lỗ chân lông), nonacnegenic (không gây mụn) hoặc nonallergenic (không gây dị ứng). Một số sản phẩm có thể có nhãn ghi hypoallergenic (ít gây dị ứng)
Nên lựa chọn sữa rửa mặt có khả năng rửa sạch dầu trên da, thường ở dạng tạo bọt thay vì dạng kem hoặc lotion.
Ngoài ra, có thể lựa chọn một số loại sữa rửa mặt có chứa các thành phần AHA, BHA sau để giúp kiểm soát dầu nhờn và mụn như:
- Salicylic acid (SA): lợi ích của SA không chỉ dừng lại ở việc giúp làm giảm mụn, kiểm soát dầu và kháng viêm trên da. SA còn là một dạng tẩy da chết hóa học nhẹ, SA sẽ ngấm sâu vào da, làm bong tróc các lớp tế bào chết một cách nhẹ nhàng và giúp da thông thoáng hơn.
- Glycolic acid: glycolic acid là loại acid có kích thước phân tử nhỏ nhất trong tất cả các alpha-hydroxy acid. Nhờ các phân tử siêu nhỏ này, glycolic acid có thể dễ dàng thâm nhập và tẩy tế bào chết trên da hiệu quả. Khi lỗ chân lông không bị tắc nghẽn bởi dầu và tế bào chết, da có thể thông thoáng và cải thiện tình trạng mụn, đồng thời làm cho da trông mịn màng và đều màu hơn.
Toner
Sau các bước làm sạch, có thể dùng toner để loại bỏ dầu thừa còn sót lại mà sữa rửa mặt không lấy đi sạch hết. Toner còn có nhiều công dụng khác như loại bỏ tế bào chết, làm sạch da và là chất giữ ẩm để da không tiết thêm dầu. Một số loại toner làm săn da thường có xu hướng gây kích ứng da. Với người có da nhạy cảm cần chọn sản phẩm dịu nhẹ lành tính, không có cồn vì rất dễ làm da bị kích ứng và nổi mẩn đỏ.
Dưỡng ẩm
Nhiều người sở hữu da dầu cho rằng dùng dưỡng ẩm làm da của họ trông nhờn hơn. Tuy nhiên, trên thực tế da sẽ tiết nhiều dầu khi bị khô do mất nước. Sử dụng kem dưỡng ẩm giúp bổ sung độ ẩm cho da, giúp da không tiết thêm dầu.
Để tìm được loại dưỡng ẩm phù hợp, người có làn da dầu có thể tìm kiếm những sản phẩm có thành phần kiềm dầu và có thành phần giữ ẩm thân nước như:
- Chất cấp ẩm thân nước như glycerin, acid hyaluronic hoặc lô hội.
- Chất khóa ẩm không nhờn như ceramide hoặc caprylic triglyceride.
- Kem dưỡng có chứa niacinamide hoặc vitamin B3 ngoài công dụng dưỡng ẩm, còn có đặc tính kiềm dầu. Niacinamide là một dẫn xuất của vitamin B3 có khả năng điều tiết dầu giúp điều chỉnh lượng dầu mà tuyến bã nhờn sản xuất và ngăn chặn tuyến bã nhờn hoạt động quá mức.
- Kẽm là một khoáng chất quan trọng cho sức khỏe tổng thể và cũng có tác động tích cực đến da. Nó có thể giúp cân bằng việc tiết dầu trên da và làm giảm bóng nhờn.
Mặt nạ
Một số sản phẩm có thể giúp giảm lượng dầu thừa trên da bằng cách hấp thụ dầu và sẽ được loại bỏ đi sau khi bóc lớp mặt nạ, thông dụng nhất là đất sét và mùi tây (parsley).
Đất sét – đặc biệt là đất sét xanh – có công dụng hấp thụ và loại bỏ các bụi bẩn và dầu trên bề mặt da.
Mùi tây chứa hỗn hợp đa dạng các vitamin và khoáng chất giúp kiểm soát việc sản xuất và hấp thụ bã nhờn. Mặt nạ chứa khoảng 4% bột mùi tây có thể có hiệu quả trong việc kiểm soát dầu thừa.
Kem chống nắng
Dù thuộc bất kỳ loại da nào, bạn cần bôi kem chống nắng hàng ngày để bảo vệ làn da khỏi tia UV. Đặc biệt với những người hoạt động ngoài trời nhiều và những người đang sử dụng các phương pháp trị mụn có dùng đến acid hay retinoid. Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD) khuyến cáo nên bôi kem chống nắng có SPF ít nhất 30 và nên tìm loại kem chống nắng không gây mụn và không chứa dầu. Một số lưu ý khi lựa chọn kem chống nắng cho da dầu mụn như sau:
- Chọn loại kem chống nắng không chứa dầu hoặc không gây mụn được thiết kế dành riêng cho da nhờn hoặc dễ nổi mụn. Những công thức này nhẹ, thấm nhanh và không làm tắc nghẽn lỗ chân lông, giảm nguy cơ nổi mụn.
- Chọn kem chống nắng dạng gel hoặc dạng lỏng vì chúng có kết cấu nhẹ, dễ hấp thu qua da và ít gây nhờn rít. Các loại này thường có nhãn “dry touch” hoặc “matifying” được đặc chế để kiểm soát dầu thừa và độ bóng, thường chứa gốc khoáng như kẽm oxide hoặc titan dioxide. Những thành phần này nằm trên bề mặt da, hoạt động như một rào cản vật lý để phản xạ và phân tán tia UV. Chúng ít có khả năng gây kích ứng hoặc nổi mụn.
Những lưu ý khác cho da dầu mụn
Bên cạnh việc lựa chọn các loại mỹ phẩm cần quan tâm đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi như uống đủ nước, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước hàng ngày để giữ cho da đủ độ ẩm và giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể. Nên ăn nhiều rau, trái cây tươi, thực phẩm giàu chất xơ và thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, hạt chia và hạt lanh. Nên ăn theo chế độ Địa Trung Hải, tránh thức ăn có nhiều đường, mỡ và thực phẩm nhanh để giảm nguy cơ tăng sản xuất dầu và viêm nhiễm da.
Đảm bảo có đủ giấc ngủ hàng đêm để da được nghỉ ngơi và phục hồi. Giấc ngủ đủ cũng giúp giảm căng thẳng và stress, một trong những nguyên nhân gây mụn. Đồng thời, cần giảm căng thẳng và áp lực trong cuộc sống hàng ngày, bằng cách thực hiện các hoạt động như yoga, thiền, tập thể dục, hoặc tham gia các hoạt động giải trí để giảm căng thẳng và duy trì cân bằng nội tiết tố. Cố gắng tránh tiếp xúc với các chất kích ứng như hóa chất, khói, bụi, ánh nắng mặt trời mạnh và không khí ô nhiễm. Đặc biệt, khi tiếp xúc với môi trường có ô nhiễm, hãy đảm bảo rửa sạch da sau đó.
Lựa chọn đúng sản phẩm skincare, phù hợp với nền da, nên chọn các sản phẩm không chứa dầu và không gây tắc nghẽn lỗ chân lông, kiềm dầu để giữ da luôn thông thoáng. Hạn chế sản phẩm có mùi và chất kích thích như sản phẩm có mùi hương mạnh và chứa chất kích thích có thể gây kích ứng và kích thích tăng sản xuất dầu. Bên cạnh đó, cần hạn chế việc sử dụng quá nhiều kem, serum hoặc mỹ phẩm trên da, vì có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông và làm da trở nên nhờn và mụn.
Việc da tiết quá nhiều dầu trên da có thể gây tình trạng bóng nhờn, lỗ chân lông bị tắc hoặc nổi mụn. Tuy nhiên việc sử dụng các loại mỹ phẩm chăm sóc da hợp lý có thể giúp kiểm soát và giảm bớt lượng dầu theo thời gian. Để lựa chọn sản phẩm phù hợp cho da dầu bạn cần tránh những sản phẩm có cấu trúc đặc và nên lựa chọn các sản phẩm có ghi nhãn “oil-free”. Đồng thời, bạn cần chú ý bước dưỡng ẩm và sử dụng các sản phẩm có tính kiềm dầu để kiểm soát dầu trên da tốt hơn. Cuối cùng, bạn nên tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu nếu chưa kiểm soát được tình trạng da dầu mụn để được hướng dẫn kịp thời nhé.
Tài liệu tham khảo
- “Is Glycolic Acid a Good Acne Treatment?“. Healthline
- “The Ultimate Skin Care Routine for Oily Skin“. Healthline
- “Oily skin: Causes and treatments“. MedicalNewsToday