Bôi kem chống nắng thế nào mới đúng?

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 08/06/2022

Kem chống nắng là nhóm những sản phẩm dùng ngoài da có tác dụng bảo vệ da khỏi các bức xạ có hại trong ánh nắng mặt trời, hạn chế bỏng nắng (UVB) và ngăn ngừa ung thư da (UVA). Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các sản phẩm kem chống nắng ngày càng đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Mỗi dạng kem chống nắng đều có cách sử dụng riêng và phù hợp với một nhóm đối tượng nhất định. Vậy làm thế nào để bôi kem chống nắng cho đúng, cùng Doctor Acnes tìm hiểu nhé!

Những chỉ số cần quan tâm khi lựa chọn sản phẩm chống nắng

SPF (Sun Protection Factor)

Chỉ số SPF cho thấy khả năng bảo vệ da trước bức xạ UVB, được đo lường dựa vào thời gian da có thể chịu được dưới trời nắng mà không bị bỏng rát khi sử dụng sản phẩm đó hoặc dựa vào số lượng photon không bị chặn lại mà đi vào da. Theo số liệu mà các nghiên cứu ghi nhận được:

  • SPF 15 chặn khoảng 93% tia UVB, trung bình cứ 100 photon sẽ có 7 photon đi vào da
  • SPF 30 chặn khoảng 97% tia UVB, trung bình cứ 100 photon sẽ có 3 photon đi vào da

Như vậy khi sử dụng kem chống nắng SPF 30 thay vì SPF 15, lượng bức xạ UVB đi vào da sẽ giảm hơn một nửa và da được bảo vệ gấp đôi. Đây là một chỉ tiêu rất quan trọng nhưng không phải là điều duy nhất cần chú ý khi lựa chọn kem chống nắng.

Tác hại của UV - Doctor Acnes
SPF 15 chặn khoảng 93% tia UVB, SPF 30 chặn khoảng 97% tia UVB

PA (Protection Grade of UVA)

Chỉ số PA thể hiện khả năng bảo vệ da khỏi bức xạ UVA của sản phẩm chống nắng. Năm 1996, Hiệp hội Công nghiệp Mỹ phẩm Nhật Bản đã tiến hành những thí nghiệm để đánh giá hiệu quả chống lại tia UVA dựa vào chỉ số PA với giá trị từ + đến ++++.

Các sản phẩm PA+ có khả năng bảo vệ thấp, chỉ chứa từ 2 – 4 hoạt chất chống lại được tia UVA. PA++ chứa từ 4 – 8 hoạt chất và cao hơn là PA+++ và PA++++ được dùng để chỉ những sản phẩm chứa nhiều hơn 8 hoạt chất chống lại tia UVA và có hiệu quả bảo vệ cao.

Hệ nền tức kết cấu của kem chống nắng tuy không trực tiếp tạo ra tác động dược lý nhưng lại giúp kết hợp các thành phần khác nhau vào sản phẩm, từ đó quyết định độ ổn định, hiệu quả của công thức và ảnh hưởng đến chỉ số SPF hay PA. Hệ nền thường gặp của kem chống nắng có thể kể đến là dạng dầu, gel, nhũ tương, mousse, aerosol và dạng thỏi.

Hệ nền kem chống nắng - Doctor Acnes
Hệ nền góp phần quyết định độ ổn định, hiệu quả của công thức và ảnh hưởng đến chỉ số SPF hay PA trong kem chống nắng

Bôi kem chống nắng như thế nào là đúng cách?

Hiện nay trên thị trường đã có rất nhiều những sản phẩm chứa các hoạt chất chống nắng (kem nền, che khuyết điểm, dưỡng ẩm, phấn), vậy vấn đề quan trọng được đặt ra là sử dụng thế nào để khả năng bảo vệ đạt tối đa, hạn chế tương kỵ giữa các thành phần trong những sản phẩm khác nhau và tối ưu hóa hiệu quả.

Điều này đòi hỏi sự hiểu biết nhất định về thành phần hoạt chất, chỉ số SPF và PA của sản phẩm. Ngoài ra, độ dày và đồng nhất khi thoa, thời điểm và vùng da được thoa lại cũng ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sử dụng. Nghiên cứu cũng cho thấy lượng dùng thường chỉ đạt khoảng 50% so với khuyến cáo, vì vậy chỉ nhận lại được khoảng 50% khả năng bảo vệ của sản phẩm. Các lưu ý khi thoa kem chống nắng:

  • Thoa kem chống nắng trước 30 phút khi ra ngoài để có hiệu quả nhất, như vậy sản phẩm sẽ được hấp thu tốt trên da và ít bị rửa trôi khi cơ thể tiết mồ hôi. Cường độ tia UV mạnh nhất vào mỗi ngày là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, nếu phải ra ngoài vào thời điểm này trong ngày, cần phải che chắn cẩn thận và thoa kem chống nắng kỹ càng để tránh những tác động bất lợi của tia UV.
  • Theo khuyến nghị của FDA, lượng kem chống nắng sử dụng nên là 2 mg/cm2 hoặc 35 ml cho 1,73 m2 (diện tích bề mặt cơ thể trung bình của người trưởng thành), điều này tương đương với 1-2 muỗng cafe cho vùng mặt cổ và 2-3 muỗng canh cho những vùng da còn lại. Ngoài ra còn một cách đo lường khác được tính theo đơn vị đầu ngón tay. FTU (finger-tip unit) là lượng sản phẩm thu được khi nặn một tuýp thuốc có đường kính vòi nặn là 5 mm, độ dài tính từ đầu ngón tay trỏ đến kết thúc đốt ngón tay đầu tiên. Với da mặt của người châu Á trung bình, lượng kem cần sử dụng tầm khoảng 2 FTU.
Đơn vị FTU - Doctor Acnes
Đơn vị FTU dùng để đo lượng kem chống nắng cần sử dụng theo FDA
  • Lắc đều trước khi dùng để tránh kem bị vón cục, chấm đều các vùng trên da mặt và thoa nhẹ nhàng đến khi đồng nhất, thận trọng với vùng da quanh mắt, sử dụng đủ lượng khuyến cáo trên tất cả các vùng da phơi nắng của cơ thể để tăng cường bảo vệ da khỏi tác động bất lợi từ môi trường.
  • Quy trình sử dụng các sản phẩm chăm sóc da vào buổi sáng: làm sạch => cân bằng => dưỡng ẩm => chống nắng => make up => xịt khoáng.
  • Thoa lại kem chống nắng sau khi bơi, những hoạt động thể lực nặng hoặc khi phải hoạt động nhiều bên ngoài. Khi cần thoa lại kem chống nắng, có thể thoa trực tiếp lên da hoặc tốt nhất nên rửa mặt lại với nước sạch rồi sau đó mới thoa lên. Với những người không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, chỉ cần bôi kem chống nắng tối đa 2 lần/ngày.
  • Lựa chọn bộ sản phẩm skincare phù hợp với làn da, tránh sự tương kỵ giữa các sản phẩm làm giảm hiệu quả khi sử dụng. Ví dụ như sản phẩm dưỡng ẩm thân nước nhưng kem chống nắng thân dầu nên thoa cách nhau khoảng 15-20 phút để lớp lớp kem dưỡng ẩm thấm tương đối vào da, không ảnh hưởng đến cấu trúc lớp kem chống nắng thoa sau để đảm bảo hiệu quả của cả hai sản phẩm.
  • Các sản phẩm chứa AHA, BHA và retinoid giúp loại bỏ những tế bào già cỗi lớp ngoài cùng, kích thích tăng sinh collagen và elastin, mang lại vẻ ngoài tươi mới cho làn da nhưng cũng khiến cho làn da trở nên mỏng manh hơn và cần được che chở. Vì vậy dùng kem chống nắng kèm với những sản phẩm này là cần thiết để bảo vệ làn da.

Một số lưu ý khi lựa chọn và sử dụng kem chống nắng

  • Chọn sản phẩm chống nắng phổ rộng, bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB với SPF tối thiểu là 15.
Kem chống nắng phổ rộng - Doctor Acnes
Sử dụng kem chống nắng phổ rộng để bảo vệ làn da toàn diện hơn
  • Chọn những sản phẩm kháng nước (có nhãn “Water – Resistant”) khi bơi lội hoặc hoạt động thể lực mạnh. Da mặt cần có loại kem chống nắng chuyên dùng.
  • Sản phẩm đắt tiền hơn không đồng nghĩa với chất lượng tốt hơn, nên đọc kỹ thành phần và chọn lựa sản phẩm phù hợp nhất với mình. Lựa chọn các sản phẩm “Non-comedogenic”, “Oil-free”, “For Acne Skin” hoặc kem chống nắng nền nước dịu nhẹ, không gây bít tắc với da dầu dễ bị mụn.
  • Sản phẩm sau khi mở nắp cần được bảo quản nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp, nếu có thể nên bảo quản lạnh để hạn chế thoái giáng các hợp chất chống nắng hóa học theo thời gian.
  • Ngay cả trong ngày âm u không nắng nóng, nhưng lượng tia UV trong khí quyển vẫn rất nhiều và da vẫn còn được bảo vệ. Vị trí càng cao so với mực nước biển sẽ có bức xạ càng nhiều, độ cao tăng lên 1000 feet thì lượng bức xạ mặt trời tăng lên 4%.
  • Ngồi trong bóng râm hoặc đội mũ rộng vành chỉ bảo vệ da bạn khỏi một phần rất nhỏ ảnh nắng mặt trời. Hơn nữa, những bề mặt như nước, xi măng và thảm cỏ sẽ phản xạ ánh nắng từ mặt đất lên da cũng khiến da bị tổn hại do tia UV. Vì vậy cần lưu ý thoa kem chống nắng ngay cả khi ngồi trong mát.

Việc lựa chọn và sử dụng kem chống nắng đúng cách ngày càng trở nên quan trọng hơn, nhất là khi bức xạ UV không ngừng tăng cao khi khí hậu nóng dần lên do băng tan ở hai cực. Vì vậy, hãy luôn luôn trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ làn da khỏi những tác động có hại từ môi trường bên ngoài.

Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Nếu không chống nắng, mọi biện pháp dưỡng da đều là vô ích”. Bất kỳ thắc mắc nào về kem chống nắng đều có thể liên hệ với Doctor Acnes để được đội ngũ Bác sĩ giải đáp chính xác nhất nhé!

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. M.C.A. Issa B. “Chemical and Physical Sunscreens”. Daily Routine in Cosmetic Dermatology, vol 1, p.1-8
  2. Paula Begoun (2009), “Sun Sense and Sensibility”, The Original Beauty Bibble, p.87-112
  3. Heidi Li, Sophia Colantonio, Andrea Dawsonn. “Sunscreen Application, Safety, and Sun Protection: The Evidence”. Journal of Cutaneous Medicine and Surgery, p.1-13
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84