Với những ai quan tâm đến liệu pháp dùng thuốc trong điều trị mụn trứng cá, Acnotin chắc hẳn không phải là cái tên xa lạ. Vì sao Acnotin được các Bác sĩ Da liễu tin dùng như vậy? Những điểm nào cần lưu ý trước, trong và sau khi điều trị với Acnotin? Hãy cùng Doctor Acnes giải quyết “tất tần tật” những thắc mắc đó trong bài viết sau đây.
Những cơ chế gây mụn trứng cá
Mụn trứng cá là kết quả của sự tác động lẫn nhau của 4 yếu tố: tăng sản xuất bã nhờn, tăng sừng hóa ở cổ nang lông và hoạt động của vi khuẩn Cutibacterium acnes (trước đây gọi là Propionibacterium acnes) gây khởi phát phản ứng viêm.
Tăng sản xuất bã nhờn
Bã nhờn dư thừa là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của mụn trứng cá. Ở điều kiện bình thường, một lượng bã nhờn được tiết ra vừa đủ qua lỗ chân lông nhằm dưỡng ẩm và bảo vệ da.
Khi cơ thể có sự thay đổi nội tiết tố như trong thời kỳ dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt hay căng thẳng thần kinh, bã nhờn sẽ được kích thích sản xuất và bài tiết với lượng nhiều hơn nhu cầu của da. Lượng bã nhờn dư thừa sẽ gây bít tắc nang lông và tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mụn phát triển.
Sừng hóa ở cổ nang lông
Sự bất thường trong quá trình tăng sinh và biệt hóa của tế bào sừng, giảm bong sừng ở cổ nang lông khiến các ống dẫn bã nhờn bị tắc nghẽn. Khi đó, bã nhờn kết hợp với các tế bào chết, bụi bẩn tích tụ ở nang lông tạo thành nút chặn bịt kín miệng nang lông, kéo theo sự ứ đọng nặng nề hơn, nang lông phình ra từ đó tạo ra nhân mụn.
Hoạt động của vi khuẩn Cutibacterium acnes
Cutibacterium acnes (C. acnes) là vi khuẩn kỵ khí và phát triển trong môi trường giàu lipid của nang lông. Vi khuẩn C. acnes thường sống vô hại trên da; tuy nhiên, môi trường nhiều bã nhờn trong các nang lông bị bít tắc sẽ khiến vi khuẩn này sinh sôi nhanh chóng và kích thích phản ứng viêm tại nang lông.
Phản ứng viêm
Quá trình viêm bắt đầu khi C. acnes được phát hiện bởi hệ thống miễn dịch, huy động lượng lớn bạch cầu đến nang lông tạo thành mủ. Tùy theo tình trạng viêm nhiều hay ít, ổ viêm gói gọn trong nang lông hay xâm nhập vào lớp hạ bì mà có biểu hiện mụn mủ, mụn nang hay mụn bọc.
Acnotin là thuốc gì?
Acnotin là tên thương mại của sản phẩm chứa isotretinoin, là hoạt chất thuộc nhóm retinoid – dẫn xuất của vitamin A, được sản xuất bởi công ty MEGA LIFESCIENCES. Acnotin hiện được lưu hành trên thị trường dưới 2 hàm lượng là 10mg và 20mg/viên nang. Đây là loại thuốc được phân loại vào nhóm “thuốc kê toa”, tức chỉ được sử dụng khi có chỉ định của Bác sĩ.
Cơ chế tác động của Acnotin trong điều trị mụn trứng cá
Isotretinoin đã được chứng minh có hoạt tính mạnh trong điều trị mụn trứng cá trung bình và nặng do tác động toàn diện lên cả 4 cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá.
- Giảm sự tiết bã nhờn và giảm kích thước tuyến bã nhờn.
- Giảm sự sừng hóa cổ nang lông giúp giảm bít tắc.
- Kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây mụn C. acnes.
- Giảm viêm.
Các trường hợp được chỉ định sử dụng Acnotin
Acnotin được chỉ định sử dụng chủ yếu ở những bệnh nhân bị mụn trứng cá nghiêm trọng, cụ thể là những trường hợp sau:
- Mụn trứng cá toàn thân.
- Mụn trứng cá nặng bao gồm mụn nang, mụn bọc.
- Mụn trứng cá không đáp ứng với các điều trị thông thường bao gồm cả kháng sinh đường uống.
- Mụn trứng cá kéo dài lâu năm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý.
- Mụn trứng cá kèm sẹo mụn.
>>> Xem thêm: Những lưu ý khi uống isotretinoin trong điều trị mụn trứng cá mức độ nặng
Hiệu quả của isotretinoin trong điều trị mụn
Isotretinoin là thuốc mang lại hiệu quả cao trong điều trị mụn với các kết quả rất ấn tượng đã được chứng minh qua các nghiên cứu lâm sàng.
Hai nghiên cứu so sánh sử dụng isotretinoin so với giả dược thực hiện trên 91 bệnh nhân mụn mức độ trung bình đến nặng trong thời gian từ 4 và 16 tuần cho thấy isotretinoin cải thiện lần lượt 32% và 69.8% các tổn thương mụn. Trong khi đó, nhóm sử dụng giả dược không có sự cải thiện thậm chí các tổn thương mụn còn nghiêm trọng hơn.
So với thuốc kháng sinh đường uống, đã có 7 nghiên cứu được thực hiện trên 593 bệnh nhân so sánh isotretinoin với minocycline, erythromycin, tetracycline, dapsone, doxycycline và azithromycin. 3/7 nghiên cứu cho thấy sử dụng isotretinoin giảm độ nặng của mụn vượt trội hơn hẳn so với kháng sinh đường uống.
Đây là những nghiên cứu thực hiện trên nhóm bệnh nhân mụn nặng, tuổi từ 18 – 24 tuổi, thời gian điều trị kéo dài từ 16 – 24 tuần.
Ngoài ra, isotretinoin đường uống cũng cho thấy hiệu quả giảm mụn tốt hơn hẳn những nhóm thuốc đối chứng khác bao gồm etretinate hay hỗn hợp vitamin B.
Qua các nghiên cứu so sánh với giả dược và kháng sinh nêu trên, có thể thấy thời gian điều trị cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của isotretinoin. Acnotin hiện được khuyến cáo điều trị với thời gian trung bình là 16 tuần.
Liều lượng isotretinoin cho các trường hợp mụn
Theo hướng dẫn điều trị từ Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology – AAD), liều isotretinoin khuyến cáo cho các trường hợp mụn nặng và mụn trung bình cụ thể như sau:
Mụn nặng: khởi đầu với liều 0.5mg/kg/ngày; tăng liều lên 1mg/kg/ngày sau 1 tháng điều trị nhằm đạt được liều tích lũy từ 120 – 150 mg/kg. Mặc dù liều cao 1mg/kg/ngày có thể gia tăng tác dụng phụ nhưng sẽ giúp giảm tỉ lệ tái phát mụn và tỉ lệ bệnh nhân cần điều trị lại với isotretinoin.
Mụn trung bình: khác với mụn nặng cần sử dụng liều cao isotretinoin, các nghiên cứu cho thấy rằng điều trị mụn trung bình với liều thấp isotretinoin 0.25 – 0.4 mg/kg/ngày mang lại hiệu quả tương đương với isotretinoin liều tiêu chuẩn.
Điều trị với liều thấp còn giúp giảm tác dụng phụ của isotretinoin, giúp gia tăng tuân thủ điều trị. Tỉ lệ tái phát mụn với liều thấp isotretinoin cũng tương tự như liều tiêu chuẩn. Không khuyến cáo điều trị gián đoạn với isotretinoin vì không mang lại hiệu quả và làm gia tăng tỉ lệ tái bùng phát mụn.
Những lưu ý khi sử dụng Acnotin để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình điều trị
Acnotin là thuốc mang lại hiệu quả cao trong điều trị mụn, tuy nhiên, đi kèm theo đó là những tác dụng ngoại ý xảy ra trong quá trình điều trị. Đây cũng là lý do Acnotin được xếp vào nhóm thuốc kê toa, nghĩa là chỉ sử dụng theo quyết định của Bác sĩ Da liễu.
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng Acnotin
- Khô môi, khô mũi, khô mắt, viêm kết mạc mắt, viêm da là những tác dụng phụ thường gặp nhất.
- Da phát ban, ngứa và tăng nhạy cảm với ánh sáng.
- Tăng men gan, tăng lipid máu.
- Đau khớp, đau cơ.
- Lo lắng, thay đổi cảm xúc và thậm chí là trầm cảm.
- Ảnh hưởng đến thai kỳ, gây quái thai.
Khi sử dụng Acnotin cần lưu ý
- Không tự ý sử dụng Acnotin khi không có chỉ định của Bác sĩ Da liễu. Việc lạm dụng làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ hoặc khiến tình trạng mụn khó kiểm soát hơn.
- Không tự ý dừng thuốc hoặc giảm liều khi thấy tình trạng mụn cải thiện hay gặp tác dụng phụ mà liệu trình điều trị của Bác sĩ chưa kết thúc, vì có thể sẽ không mang lại kết quả điều trị.
- Nếu quên 1 liều uống, bỏ qua liều đó và uống liều tiếp theo như thông thường. Không được nhân đôi liều Acnotin sử dụng để bù cho liều đã quên.
Cần chuẩn bị gì trước và sau khi sử dụng Acnotin?
Các xét nghiệm cần thực hiện trước khi sử dụng Acnotin
- Kiểm tra men gan và lipid huyết thanh lúc đói trước khi điều trị, 1 tháng sau khi bắt đầu điều trị và sau đó cách nhau 3 tháng.
- Thử thai trước khi điều trị và thử thai hàng tháng trong suốt quá trình điều trị. Cần sử dụng các biện pháp tránh thai trong vòng 1 tháng trước điều trị, trong suốt quá trình điều trị và 1 tháng sau khi ngưng thuốc.
Những lưu ý khi sử dụng Acnotin để tăng hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ không mong muốn của thuốc
- Uống thuốc trong bữa ăn.
- Phải uống nguyên viên không được nhai và uống với một ly nước đầy.
- Không uống rượu bia trong thời gian dùng thuốc.
- Kết hợp sử dụng các sản phẩm cấp ẩm, dưỡng ẩm cho da.
- Sử dụng kem chống nắng và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tia UV.
- Không thực hiện bất kỳ phương pháp thẩm mỹ xâm lấn nào bao gồm cả peel da, tẩy lông khi sử dụng Acnotin.
- Uống nhiều nước và bổ sung các loại rau xanh, trái cây để cung cấp đủ vitamin cho quá trình trao đổi chất.
Xem thêm các bài viết liên quan
Những đối tượng không sử dụng Acnotin
Tuyệt đối không dùng Acnotin cho:
- Phụ nữ mang thai, dự định có thai hay đang cho con bú.
- Trẻ em dưới 12 tuổi.
- Bệnh nhân suy gan, suy thận, tăng lipid máu.
- Bệnh nhân quá mẫn với isotretinoin hay bất kì thành phần nào của thuốc.
- Đang dùng kháng sinh nhóm tetracyclin.
Tóm lại, Acnotin với tác động toàn diện lên 4 cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá chính là cứu tinh để điều trị các trường hợp mụn trứng cá nặng, tuy nhiên thuốc cũng gây ra nhiều tác hại nếu không sử dụng đúng cách. Chính vì vậy, điều trị mụn với Acnotin cần tuân thủ theo chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
Cần lưu ý rằng điều trị với Acnotin cần sự kiên nhẫn vì thời gian điều trị kéo dài và cần được theo dõi kỹ lưỡng trong suốt quá trình điều trị. Tuyệt đối không tự ý ngưng Acnotin đột ngột khi chưa có sự hướng dẫn của Bác sĩ, không nghe theo lời khuyên của người không có chuyên môn y khoa khi sử dụng Acnotin.
Tài liệu tham khảo
- James J. Leyden, James Q. Del Rosso. “The Use of Isotretinoin in the Treatment of Acne Vulgaris”. J Clin Aesthet Dermatol. 2014 Feb; 7(2 Suppl): S3–S21
- A Vallerand, Lewinson, Farris, Sibley, Ramien, Bulloch.“Efficacy and adverse events of oral isotretinoin for acne: a systematic review”. Br J Dermatol. 2018 Jan;178(1):76-85
- Andrea L Zaenglein, Arun L Pathy, Bethanee J Schlosser. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris”. J Am Acad Dermatol. 2016 May;74(5):945-73.e33
- Thông tin kê toa Acnotin 10 & 20mg